Nhận diện thế giới 2013
Lê Văn Cương - Thiếu tướng PGS - TS, Viện Chiến lược và Khoa học - Bộ Công an
(Baonghean) - Lịch sử thế giới đã vượt qua 365 ngày của năm 2013. Thông thường, vào những ngày cuối của năm, các chính khách, học giả và những ai quan tâm đến thời cuộc, thế sự, ngoái nhìn lại xem những gì đã diễn ra và nhận diện trong hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sự kiện lớn nhỏ đã diễn ra trên thế giới, những sự kiện nào là đáng quan tâm nhất, nổi bật nhất.
Mọi chuyện đã xảy ra và thực tiễn 2013 chỉ có một, nhưng do cách tiếp cận vấn đề, sự kiện, do khả năng thu thập và xử lý thông tin, do quan điểm chính trị khác nhau nên sẽ có nhiều cách lý giải, nhận diện, đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Do đó, việc lựa chọn 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2013 cũng khác nhau. Điều đó là bình thường và xét đến cùng nó phản ánh đúng tính chất đa dạng, muôn hình muôn vẻ của thế giới sống động hiện nay.
Tác giả bài viết, theo thông lệ, lựa chọn 10 sự kiện nổi bật trong năm 2013 thuộc 4 nhóm: 1. Nhóm những sự kiện mang tính toàn cầu; 2. Nhóm những sự kiện an ninh - chính trị khu vực nổi bật; 3. Sự trở về cõi vĩnh hằng của các nhân vật để lại dấu ấn lịch sử sâu rộng; 4. Nhóm các sự kiện đột xuất, bất ngờ.
1. Kỳ họp lần thứ 68 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc - Kỳ họp lịch sử.
Ngày 24/9/2013, tại Niu - Ooc (Mỹ), khai mạc Khóa họp lần thứ 68 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) với sự tham gia của hơn một trăm tổng thống, thủ tướng các nước thành viên.
Chủ đề của Khóa họp 68 Đại Hội đồng LHQ là “Đặt nền tảng xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015”. Nguyên thủ của hơn một trăm quốc gia đã đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và bước đầu đưa ra ý tưởng lớn để xây dựng Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc giai đoạn sau 2015.
Bên cạnh chủ đề chung nói trên, Tổng Thư ký LHQ đặt trọng tâm vào điểm nóng Xyri và kêu gọi cộng đồng quốc tế, trước hết là các cường quốc Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an hợp tác với nhau tìm giải pháp chính trị, hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột dài nhất, khốc liệt nhất, đẫm máu nhất trong 13 năm đầu của thế kỷ XXI. Ông Tổng thư ký Ban-ki-moon lưu ý cuộc xung đột ở Xyri là một trong những thách thức lớn nhất đối với hòa bình và an ninh thế giới và hàng chục cuộc gặp song phương, đa phương trong ba năm 2011 - 2013, kể cả hai kỳ họp Đại Hội đồng LHQ thứ 66 và 67, vẫn chưa tìm ra lối thoát.
Về cuộc xung đột ở Xyri, Tổng thống Mỹ B.Obama đã phát biểu tại Đại Hội đồng 68: “Nếu chúng ta không thể nhất trí thỏa thuận này, điều đó chứng tỏ Liên Hợp Quốc không có khả năng thực thi vấn đề cơ bản nhất của luật pháp quốc tế. Trái lại, nếu chúng ta thành công, điều đó sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng sử dụng vũ khí hóa học không có chỗ đứng trong thế kỷ XXI”.
Sau hàng chục cuộc gặp gỡ, thương thảo song phương, đa phương giữa Nga, Mỹ và các nước liên quan, nhất là Pháp và Anh, trước kỳ họp 68 và bên lề Đại Hội đồng 68, ngày 26/9/2013, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí (100%) ra Nghị quyết số 2118 về cuộc xung đột ở Xyri với nội dung chủ yếu: Chính quyền Xyri phải từ bỏ vũ khí hóa học và đặt toàn bộ kho vũ khí hóa học dưới sự kiểm soát của quốc tế, đổi lại, Mỹ và các đồng minh EU, Trung Đông của Mỹ sẽ không tấn công quân sự.
Nghị quyết 2118 của Hội đồng Bảo an LHQ đã chặn đứng cuộc can thiệp quân sự của Mỹ và các đồng minh vào Xyri và mở ra khả năng giải quyết cuộc xung đột bằng giải pháp chính trị. Cuộc xung đột đẫm máu ở Xyri là “nút thắt” về an ninh - chính trị thế giới trong thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Nghị quyết 2118 của Hội đồng Bảo an LHQ đã gỡ “nút thắt” lịch sử và tạo ra bước ngoặt trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Xyri.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp Đại Hội đồng G8, có một sự kiện “động trời” có ý nghĩa lịch sử, đó là Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp Ngoại trưởng Iran Javal Zarif với sự chủ trì của Cao ủy phụ trách Đối ngoại và An ninh của EU và các ngoại trưởng các nước P5 + 1. Cho dù cuộc gặp chỉ diễn ra 30 phút trong không khí cởi mở, nhưng cuộc gặp này được cộng đồng quốc tế chờ đợi suốt 34 năm (kể từ 1979).
Kỳ họp thứ 68 của Đại Hội đồng LHQ cuối tháng 9/2013 để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử của tổ chức lớn nhất hành tinh. Với kỳ họp 68, Liên Hợp Quốc đã thể hiện đầy đủ, đúng đắn vai trò trung tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến hòa bình, chiến tranh trên thế giới.
2. Tháng 3 - 4/2013, bán đảo Triều Tiên cận kề một cuộc chiến tranh tổng lực.
Khái quát quá trình dẫn bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh.
- 12/12/2012, CHDCND Triều Tiên phóng thành công vệ tinh Quang Minh Tinh 3.2.
- Cuối tháng 12/2012, Hội đồng Bảo an LHQ ra Nghị quyết 2087 trừng phạt Triều Tiên bằng cấm vận kinh tế và ngoại giao.
- 12/2/2013, CHDCND Triều Tiên thử bom hạt nhân thứ ba.
- 7/3/2013, Hội đồng Bảo an LHQ ra Nghị quyết 2094 với các hình phạt bổ sung đối với Triều Tiên và giới lãnh đạo cấp cao CHDCND Triều Tiên.
Liên minh châu Âu (EU) cũng ra Nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên.
- 11/3/2013, CHDCND Triều Tiên tuyên bố: 1. Hủy bỏ Hiệp định Đình chiến 1953 (bốn bên ký: Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên và Liên Hợp Quốc); 2. Hủy bỏ cam kết hai miền Bắc - Nam Triều Tiên hòa hợp, hòa giải, trao đổi hợp tác và không tấn công lẫn nhau (cấp cao CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc kỳ họp 1991) và thỏa thuận thiết lập ở bán đảo Triều Tiên là khu vực không có vũ khí hạt nhân.
- 17/3/2013, UBTƯ Mặt trận Dân chủ Thống nhất Triều Tiên công bố lời kêu gọi toàn thể nhân dân Triều Tiên sẵn sàng bước vào chiến tranh với Hàn Quốc, Nhật và Mỹ.
Trước thách thức và đe dọa chiến tranh của CHDCND Triều Tiên, liên minh Mỹ - Hàn - Nhật chuẩn bị đáp trả mạnh mẽ với quyết tâm đè bẹp CHDCND Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng liều lĩnh phát động chiến tranh.
- Mỹ: Đem máy bay ném bom chiến lược B52, 2 máy bay tàng hình B2 mang bom hạt nhân và tàu ngầm tấn công hạt nhân đến Hàn Quốc; điều tàu khu trục tên lửa có điều khiển lớp Aegis mang tên Mc Cain USS neo đậu ngoài khơi biển Tây Nam Hàn Quốc; triển khai một trạm ra đa hiện đại trên biển- trạm ra đa SBX thuộc lớp Rada- X.baul cao 85m - có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa cách xa 2.000km, để theo dõi tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
- Hàn Quốc: Triển khai tên lửa Patriot PAC - 2 có khả năng đánh chặn tên lửa và máy bay ở độ cao 30km.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc soạn thảo kế hoạch “tích cực hăm dọa” CHDCND Triều Tiên: Quân đội Hàn Quốc có thể áp dụng đánh đòn phủ đầu nếu phát hiện dấu hiệu Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa tấn công Hàn Quốc.
- Nhật Bản đặt quân đội ở trạng thái trực chiến cao, Bộ Quốc phòng triển khai hệ thống Patriot PAC - 3 và triển khai hai tàu chiến có trang bị hệ thống Aegis có tên lửa đánh chặn SM - 3.
Cuối tháng 3 đầu tháng 4/2013, hai bên bờ sông Áp Lục ở Vĩ tuyến 38, pháo đã vào trận địa, tên lửa vào bệ phóng, đạn đã lên nòng, hàng chục trạm ra đa hiện đại bậc nhất trên đất Triều, trên biển quanh bán đảo Triều Tiên hoạt động tối đa; máy bay ném bom chiến lược B52, máy bay tàng hình mang bom hạt nhân, tàu chiến, tàu ngầm trang bị tên lửa tự dẫn được đưa vào vị trí chiến đấu ở Đông Bắc Á - Tây Thái Bình Dương.
Ở đây phải ghi nhận vai trò tích cực của Trung Quốc trong việc ngăn chặn chiến tranh Triều Tiên vào tháng 3 - 4/2013.
- Tối 6/4/2013, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm với Tổng thư ký LHQ Ban-ki-moon và cảnh cáo: Bắc Kinh không cho phép bất cứ ai sinh sự trước cửa ngõ Trung Quốc và phản đối bất cứ phát ngôn hay hành động nào khiêu khích ở khu vực.
- 7/4/2013, tại Diễn đàn Kinh tế châu Á Bác Ngao, Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nghiêm khắc cảnh báo: “Không ai được phép kéo một khu vực, thậm chí là toàn thế giới, vào một mớ hỗ loạn vì những mưu lợi ích kỷ” (ám chỉ CHDCND Triều Tiên).
Tại sao Trung Quốc lại tích cực ngăn chặn chiến tranh?
Phải chăng nếu xảy ra cuộc chiến tranh lần thứ hai trên bán đảo Triều Tiên, thì sẽ có nguy cơ phá hỏng “giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình và quốc gia thua thiệt nhất chính là Trung Quốc chứ không phải Mỹ.
Bán đảo Triều Tiên đã đến bờ vực cuộc chiến và sẽ rất ít có khả năng xảy ra chiến tranh, nhưng căng thẳng, thậm chí xung đột quân sự hạn chế, nhỏ lẻ còn tồn tại lâu dài.
3. Cuộc đảo chính quân sự 3/7/2013 ở Ai Cập.
Tại sao chính quyền của Tổ chức Anh em Hồi giáo do ông Mohamed Morsi chỉ tồn tại được 1 năm 3 ngày (30/6/2012 - 3/7/2013)?
Giới nghiên cứu quốc tế đưa ra nhiều lý giải khác nhau. Tác giả bài viết cho rằng Tổng thống M.Morsi đã mắc ba sai lầm lớn trong một năm cầm quyền:
Một là, không thực hiện lời hứa với cử tri Ai Cập khi vận động tranh cử. Khi vận động tranh cử, ông M.Morsi tuyên bố: Là lãnh tụ của tổ chức Anh em Hồi giáo, nhưng ông sẽ thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc vì sự phát triển thịnh vượng của Ai Cập; Sẽ đại diện và bảo vệ lợi ích của mọi phe phái chính trị, mọi tầng lớp dân cư không phân biệt tôn giáo, dân tộc, chính kiến. Vì thế cử tri Ai Cập mới ủng hộ ông làm Tổng thống tại cuộc bầu cử vòng 2 với số phiếu sát nút 51,73%.
Tuy nhiên, ông Morsi đã không thực hiện lời hứa của mình. Thông qua một loạt chính sách, nhất là Sắc luật ngày 22/11/2012 (giao quyền rất lớn cho Tổng thống và hạn chế quyền của cơ quan tư pháp), cử tri Ai Cập thấy rằng ông Morsi chỉ tập trung quyền lực và bảo vệ lợi ích của Anh em Hồi giáo mà không quan tâm đúng mức đến lợi ích của các phe phái, các tầng lớp dân cư khác, nhất là đối với lực lượng thế tục, cấp tiến. Thậm chí, Tổng thống Morsi đã đưa ra một số quyết định, sắc lệnh vi phạm Hiến pháp (vi hiến). Và cái phải đến đã đến, từ cuối 2012, một làn sóng biểu tình lôi cuốn hàng triệu người ở Cairô và các thành phố khắp Ai Cập phản đối chính sách của chính quyền và đòi ông Morsi từ chức, dẫn đến chính biến 3/7/2013.
Đây là sai lầm lớn nhất của Tổng thống Morsi và là nguyên nhân chủ yếu làm cho Chính quyền của Anh em Hồi giáo sụp đổ sau một năm cầm quyền.
Hai là, Tổng thống Morsi sai lầm trong việc hợp tác và sử dụng các nhân vật chủ chốt trong chính quyền Mubarack. Trong chính quyền Morsi, các vị trí đặc biệt quan trọng như: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phụ trách kênh đào Suez đều là những nhân vật của chính quyền Mubarack. Đặc biệt, Aldel Fattah Al Sisi, nguyên là lãnh đạo cơ quan tình báo đầy quyền lực trong chính quyền Mubarack có quan hệ thân thiết với Mỹ và Ixraen, lại được ông Morsi giao làm Bộ trưởng Quốc phòng và chính Al Sisi làm đảo chính lật đổ Morsi.
Ba là, ông Morsi mắc nhiều sai lầm lớn trong chính sách đối ngoại, trước hết là đối với Mỹ và đối với các nước Arập - Hồi giáo ở Trung Đông. Sai lầm trong chính sách đối với Mỹ là sai lầm “chết người” của ông Morsi.
Ông Morsi không biết rằng, Oasinhtơn chỉ lợi dụng chính quyền Morsi trong cuộc chiến tranh chống Xyri và hướng Hamas ở dải Gara ra khỏi quỹ đạo của Iran và các đồng minh khác của Hamas. Vô hình trung, chính quyền Morsi đã giúp Mỹ, Ixraen và các quốc vương quân chủ chuyên chế ở các nước Arập biến bạo loạn khu vực thành cuộc đấu tranh sắc tộc, tôn giáo giữa Hồi giáo Sunni với Hồi giáo Shiite. Ông Morsi không biết, về thực chất, Mỹ luôn ủng hộ và đứng về phía quân đội Ai Cập, quân đội Ai Cập là “con đẻ” của Oasinhtơn, còn Anh em Hồi giáo chỉ là “con nuôi”, thậm chí là “con nuôi” hư hỏng! Nguyên thủ quốc gia mà ngốc ngếch như vậy thì mất quyền là tất yếu!
- Chính biến 3/7/2013 làm rung chuyển mối quan hệ giữa các nước Trung Đông với nhau và các nước Trung Đông - Bắc Phi đối với Mỹ, Nga và các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Chính biến làm cho quan hệ Mỹ với Ai Cập - một trong ba đồng minh chủ chốt mà Mỹ kỳ vọng ở Bắc Phi - Trung Đông (Ixraen, Arập Xeut, Ai Cập) rơi vào khủng hoảng, kéo theo (là một nguyên nhân) quan hệ Mỹ - Arập Xeut cũng rơi vào khủng hoảng. Có vẻ như Ai Cập đang cố thoát ra khỏi cái bóng của Mỹ và tìm đến người bạn cũ là Nga (đối thủ của Mỹ).
Như vậy, cuộc đảo chính quân sự 3/7/2013 ở Ai Cập không chỉ là vấn đề nội bộ của Ai Cập, mà đã, đang tiếp tục tác động sâu rộng đến tình hình chính trị - xã hội Bắc Phi - Trung Đông, buộc Mỹ, Nga và các cường quốc phải điều chỉnh chính sách đối với khu vực nóng bỏng này.
4. Thỏa thuận P5 + 1 và Iran 24/11/2013.
Suốt 34 năm (kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo 1979 ở Iran), Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở phương Tây và Bắc Phi - Trung Đông luôn trong thế đối đầu với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Iran coi Mỹ và các đồng minh của Mỹ là kẻ thù truyền kiếp và ngược lại.
Gần một thập niên trở lại đây, Mỹ và các đồng minh luôn nghi ngờ Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Iran tuyên bố với thế giới là Tehran chỉ làm giàu urani phục vụ phát triển kinh tế và khoa học (hạt nhân hòa bình), không theo đuổi mục đích phát triển vũ khí hạt nhân. Mỹ và các đồng minh không tin nên đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt bao vây, cấm vận kinh tế nhằm làm cho nền kinh tế Iran sụp đổ, buộc Iran phải cho phép Mỹ và phương Tây giám sát chặt chẽ chương trình làm giàu urani.
Ixraen năm lần bảy lượt đe dọa tấn công quân sự Iran để phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran, trong khi Tổng thống B.Obama không muốn lao vào cuộc can thiệp quân sự nguy hiểm và bất trắc ở Iran (thực ra đã kiệt quệ sau hai vũng lầy Irắc và Apganixtan). Hơn nữa, không phải như Libi hay Irắc, Iran rất mạnh và có khả năng tấn công các lợi ích của Mỹ ở khu vực chiến lược Trung Đông và hậu quả sẽ vô cùng to lớn, không thể lường được.
Về phía Iran, các lệnh trừng phạt và bao vây, cấm vận kinh tế mà Mỹ và phương Tây áp đặt làm cho nền kinh tế Iran kiệt quệ, đời sống của đại đa số người dân lâm vào cảnh khó khăn. Xuất khẩu dầu mỏ là nguồn thu nhập chính (chiếm 60% GDP), năm 2013 xuất khẩu dầu giảm một nửa so với 2010. Đồng rial mất giá 30%, thất nghiệp, trên 25%, lạm phát cao (trên 30%), đời sống khó khăn, lây lan tâm trạng bất bình âm ỷ trong xã hội.
Để cứu vãn nền kinh tế và duy trì, nâng cao vai trò ở khu vực, được sự đồng ý của Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, Tổng thống Rowhani đã có cuộc điện đàm lịch sử trực tiếp với Tổng thống B.Obama vào 27/9/2013 và đã hứa hẹn với nhau cùng tìm giải pháp chính trị hòa bình để giải quyết cuộc tranh chấp hạt nhân kéo dài hơn một thập niên.
Tuần cuối tháng 9/2013, các quan chức cấp cao Mỹ và Iran đã có 3 cuộc đối thoại trực tiếp về chương trình hạt nhân của Iran. Trong hai ngày 7 - 8/11/2013, tại Geneva, Mỹ và Iran đã có cuộc đàm phán thứ tư và tại cuộc đối thoại này hai bên đã cơ bản nhất trí những vấn đề lớn để đưa ra cuộc gặp P5 + 1 với Iran vào 22/11/2013.
Ngày 24/11/2013, P5+1 (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức) và Iran đã đạt được thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của Iran.
Tinh thần chung của thỏa thuận tạm thời giữa P5 + 1 và Iran là: Iran không được làm giàu urani ở cấp độ 20%, không phát triển và mở rộng các cơ sở làm giàu urani và tạo điều kiện cho IAFA đến Iran để kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Iran. Đổi lại, Mỹ và các đồng minh phương Tây không áp đặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế và tiến hành từng bước gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã áp đặt; đến 2014 hai bên sẽ đi đến thỏa thuận chính thức.
Mỹ và các đồng minh Tây Âu cho rằng với thỏa thuận tạm thời có thể giám sát chặt chẽ chương trình hạt nhân của Iran. Với Iran, có thêm nguồn tài chính khoảng 7 tỷ USD do việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Thỏa thuận tạm thời giữa P5 + 1 với Iran có ý nghĩa lịch sử và có thể tạo ra bước ngoặt trong việc giải quyết một cuộc tranh chấp dai dẳng và phức tạp nhất ở Trung Đông. Tuy vậy, cộng đồng quốc tế có phản ứng trái chiều. Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức cho là đúng đắn, cần thiết. Tổng thống Mỹ
B.Obama đã thông báo với hơn 300 triệu người Mỹ: “Hôm nay, Mỹ đã cùng các đồng minh và các đối tác thân cận bước một bước tiến quan trọng trong việc tìm kiếm một giải pháp toàn diện nhằm giải quyết các quan ngại xung quanh chương trình hạt nhân mà nhà nước Hồi giáo Iran theo đuổi”.
Tổng thống Nga V.Putin đánh giá: “Đó là một bước đột phá, tuy mới chỉ là bước đầu trên một chặng đường dài và gian khổ. Các bên đã trao đổi và cùng nhau gỡ nút thắt hóc búa nhất trên chính trường quốc tế”.
Tổng Thư ký LHQ Ban-ki-moon cho rằng thỏa thuận tạm thời giữa P5 + 1 với Iran “có thể làm nền tảng cho một hiệp ước lịch sử”.
Ngược lại, Ixraen, đồng minh “ruột” của Mỹ ở Trung Đông, lại phản đối dữ dội và Thủ tướng BenjiaminNetanyahu cho rằng thỏa thuận giữa P5 + 1 với Iran là một “sai lầm lịch sử” và rằng thế giới đã trở thành “một nơi nguy hiểm hơn” sau khi thỏa thuận được ký kết. Không kém Ixraen, Arập Xeut tỏ ra bất bình và cho rằng Mỹ đã bỏ rơi họ. Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất…) cũng bất bình với Mỹ. Ixraen và các đồng minh Arập của Mỹ cho rằng Mỹ nhượng bộ quá lớn đối với Iran và việc đó trực tiếp đe dọa lợi ích và an ninh quốc gia của họ.
Tại Mỹ, các chính khách diều hâu trong Quốc hội cũng phản đối và đòi áp đặt thêm các lệnh trừng phạt Iran.
Không có Mỹ hậu thuẫn thì Ixraen, Arập Xêut và các nước vùng Vịnh làm được gì?
Xét dưới mọi góc độ, thỏa thuận giữa P5 + 1 và Iran 24/11/2013 là đúng đắn, phản ánh đúng tương quan lực lượng ở khu vực Trung Đông nói riêng, trên thế giới nói chung và phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trên thế giới.
Mặc dù con đường đi đến Hiệp ước Toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran còn dài, lắm chông gai, trải qua nhiều bước thăng trầm, có cả thụt lùi, nhưng thỏa thuận (P5 + 1) - Iran 24/11/2013 có ý nghĩa lịch sử và là một trong những sự kiện trọng đại của thế giới trong năm 2013.
5. Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông.
Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông có hiệu lực từ 23/11/2013.
Vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc tuyên bố (ADIZ) bao phủ không phận quần đảo Senkaku hiện Nhật Bản đang quản lý (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc tuyên bố hôm 23/11/2013 cũng lấn vào không phận Hàn Quốc tại phía Tây đảo Jejie, đảo Iaodo và một bãi đá ngầm Tây Nam bán đảo Triều Tiên - khoảng 2.300km2.
Chính quyền Trung Quốc đe dọa “quân đội sẽ có biện pháp khẩn cấp” nếu máy bay nước ngoài không đáp ứng yêu sách phi lý, phi pháp của họ (không nói rõ các biện pháp cụ thể).
Xét trên mọi phương diện, nhất là lĩnh vực đối ngoại, việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không chồng lên không phận của Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm mất uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế và liệu cộng đồng quốc tế có còn tin Trung Quốc “phát triển hòa bình” không?! Việc thiết lập ADIZ một cách phi pháp, bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế đã làm cho an ninh ở khu Đông Bắc Á nói riêng, châu Á- Thái Bình Dương nói chung nóng lên và lôi cuốn sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Việc Trung Quốc thiết lập ADIZ đánh dấu một giai đoạn căng thẳng mới ở khu vực Đông Á nói riêng, châu Á- Thái Bình Dương nói chung.
6. Bất ổn chính trị ở Ukraine từ 24/11/2013.
Sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich tuyên bố hoãn ký Hiệp định Liên kết và Tự do thương mại với EU và chuẩn bị ký với Nga “Thỏa thuận hợp tác chiến lược” trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, lực lượng đối lập liên tiếp tổ chức các cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Kiev và nhiều thành phố lớn trong cả nước từ 24/11/2013.
Ngày 15/12/2013, hàng trăm ngàn người biểu tình ở Kiev đòi Tổng thống Yanukolich từ chức, đòi giải tán chính phủ; lực lượng ủng hộ Tổng thốngYanukolich cũng tập hợp hàng trăm ngàn người tỏ thái độ quyết bảo vệ chính quyền hợp pháp, hợp hiến.
Những ngày cuối năm 2013, Ukraine trở thành một điểm nóng về chính trị - an ninh lôi cuốn sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Tại sao Ukraine rơi vào khủng hoảng chính trị?
- Trong nước, về lịch sử văn hóa, tôn giáo, nhân chủng học, cư dân phía Đông có quan hệ gắn bó, gần gũi với Nga; ngược lại ở phía Tây lại thân với EU. Có thể nói Ukraine là “quê hương” của Nga. Nước Nga cổ với thủ đô Kiev là quốc gia khởi thủy của hai nước Nga và Ukraine ngày nay.
Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine độc lập từ 1991. Từ đó (1991) đến nay, Ukraine luôn tồn tại hai phái đối lập nhau giành quyền lãnh đạo đất nước: phái thân Nga và phái thân EU. Năm 2004, phái thân EU được sự hậu thuẫn mọi mặt của Mỹ và EU đã làm “Cách mạng Cam” đưa ông Viktor Yushchenko lên làm Tổng thống và thực hiện chính sách gắn bó chặt chẽ kinh tế, an ninh, chính trị với EU, xa rời Nga.
Tại cuộc bầu cử vòng 2 ngày 7/2/2010, ông Viktor Yanukovich, đứng đầu phái thân Nga, trúng cử Tổng thống với số phiếu sát nút 48,69%, bà Yuliya Tymoshchenke, nhân vật cực hữu thân EU được 45,73% phiếu. Tổng thống Viktor Yanukovich thực hiện chính sách thân Nga trong khi vẫn giữ quan hệ bình thường với EU và Mỹ. Cách mạng Cam thất bại và những người ủng hộ Cách mạng Cam lại hoạt động chống chính quyền Yanukovich và đạt tới đỉnh cao vào tháng 11 - 12/2013.
- Khi trong nước bị chia rẽ thành hai phe đối lập nhau thì các nhân tố ngoài nước tác động mạnh mẽ vào nội bộ Ukraine.
Như đã nói ở trên, Liên bang Nga ngày nay có “mộ tổ” ở Ukraine. Ukraine có diện tích lớn thứ hai châu Âu với hơn 46 triệu dân chốt chặn ở sườn Tây Nam của Nga, có vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng đặc biệt với Nga và Nga có căn cứ quân đội lớn ở Sevastopot (Ukraine). Do vậy, Ukraine gia nhập EU, tất yếu sớm muộn cũng gia nhập NATO. Đó sẽ là cơn ác mộng đối với Nga. Vì thế, việc Nga lôi kéo Ukraine về phía mình là dễ hiểu.
Đối với EU và Mỹ, Ukraine có vị trí địa chính trị, địa chiến lược đặc biệt trong việc bao vây, phong tỏa Nga và làm cho Nga suy yếu. Do đó, họ sẽ dùng mọi phương tiện, từ mọi hướng và với mọi thủ đoạn để kéo Kiev về phía mình.
Như vậy, tại Ukraine, chia rẽ bên trong “cộng hưởng” với vòng xoáy của Matxcơva và Bruxell. Không một bên nào, cả trong và ngoài nước, chịu trắng tay. Thành ra, bất ổn chính trị ở Ukraine còn lâu mới kết thúc, người nào ở Kiev mà giữ được thăng bằng giữa Matxcơva và Bruxell với tỷ lệ 50:50, hoặc 60:40, tệ nhất là 70:30 thì sẽ tồn tại.
7. Hugo Chavez - ngọn cờ của cánh tả Mỹ Latinh mất (5/3/2013).
Xin nhắc lại đánh giá của dư luận đối với Hugo Chavez.
- Tổng thống Brazil Dilma Rouseff: “Chavez mất đi để lại một khoảng trống trong trái tim, trong lịch sử và các cuộc chiến tranh ở Mỹ Latinh”.
- Chủ tịch Viên Nghiên cứu Đối ngoại Liên Mỹ ở Oasinhton Michael Shifter nói: “Không ai có thể thay thế vị trí của ông Chavez, không ai có nguồn lực và khát khao thực hiện sứ mệnh trở thành một Simon Bolivav (vị anh hùng giải phóng các dân tộc Mỹ Latinh) thứ hai như Chavez, nhưng điều đó không có nghĩa là phong trào cánh tả ở khu vực sẽ chấm dứt”.
- Ông Paulo Velasso, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Candido Meudes ở Rio de Janeiro (Brazil) cho rằng: “Ông Chavez để lại một khoảng trống ở Mỹ Latinh bởi không ai ở Venezuela hay các nước khác trong khu vực, kể cả cánh tả và cánh hữu, có được sự cuốn hút những bài văn “bốc lửa” và sự hiện diện mang tầm cỡ như Chavez”.
Dù chưa phải là con người hoàn hảo và trong 13 năm lãnh đạo đất nước Chavez cũng mắc một số sai lầm (chủ yếu trong chính sách kinh tế), nhưng không ai có thể phủ nhận Chavez là ngọn cờ của cánh tả, là người khơi nguồn cảm hứng cho sự phát triển của cánh tả ở Mỹ Latinh trong hơn mười năm đầu của thế kỷ 21. Sự ra đi của Chavez chắc chắn ảnh hưởng lớn đến phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh hiện nay và trong tương lai, tác động lớn đến quan hệ của Mỹ với Mỹ Latinh trong một thời gian dài.
8. Huyền thoại chống chủ nghĩa Apartheid Nelson Mandela qua đời lúc 20 giờ 50 phút ngày 5/12/2013.
Nelson Mandela là huyền thoại , là anh hùng chống chủ nghĩa Apartheid và bóng hình ông đã bao trùm Lục địa Đen – châu Phi, hơn thế, cả thế giới đều biết, kính nể và tôn trọng ông.
Xin nhắc lại vài thông tin về ông:
- Năm 1993, Nelson Mandela được trao Giải thưởng Nobel Hòa bình.
- Năm 2009, nhân sinh nhật thứ 91 (19/7/1918 – 18/7/2009), Liên Hợp Quốc đã lấy ngày 18/7 làm Ngày Mandela để vinh danh 67 năm ông đấu tranh cho công bằng xã hội và tự do cho con người trên thế giới.
- Khi Nelson Mandela về cõi vĩnh hằng (5/12/2013), trước hệ thống truyền thông thế giới, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban-ki-moon đã phát biểu: “Nelson Mandela đã chứng minh hòa bình có thể làm được những gì, và mỗi người trong chúng ta nếu biết mơ ước, không đánh mất niềm tin và chung tay góp sức hành động vì lẽ công bằng và sự nhân văn”.
Nelson Mandela còn để lại cho hậu thế nhiều danh ngôn bất hủ:
“Tôi đã thấm nhuần sâu sắc rằng, lòng dũng cảm, đó không phải là vì không sợ hãi. Người dũng cảm không phải là người không sợ hãi mà là người biết chiến thắng nỗi sợ hãi”.
“Tôi không thể quên, nhưng tôi có thể tha thứ”.
“Không bao giờ ngã cũng chẳng hay ho gì. Quan trọng là phải biết đứng lên sau khi ngã”.
Nelson Mandela không phải là Cầu vồng mà là một Ngôi sao.
9. Vụ Edward Snowden.
Edward Snowden là nhân viên CIA, có người còn nói là “cố vấn cấp cao” của CIA từ 2011.
Edward Snowden đã tiết lộ cho thế giới biết hai thông tin “động trời”: 1. Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã do thám bí mật (nghe lén) điện thoại và giám sát internet của nhiều nguyên thủ quốc gia, kể cả nguyên thủ quốc gia đồng minh trong EU; 2. NSA đã tấn công mạng của Bắc Kinh và Hồng Kông trong nhiều năm.
Edward Snowden cho biết NSA tổ chức nghe lén 38 mục tiêu ở châu Âu gồm: các đại sứ quán và phái bộ ngoại giao của các nước EU.
Việc tổ chức nghe lén Trung Quốc và Nga là chuyện bình thường như “chuyện thường ngày ở huyện”. NSA nghe lén điện thoại Tổng thống Brazil, Mexico và nhiều nước Mỹ Latinh cũng có thể hiểu được (để biết các quốc gia này còn gắn bó với Mỹ hay ngả theo Nga, Trung Quốc...).
Việc NSA nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Markel như giọt nước làm tràn ly, đã khơi dậy làn sóng phản đối Mỹ không chỉ ở EU mà trên khắp thế giới. Theo báo Der Spiegel (Đức) cuối tháng 6/2013 mỗi tháng NSA giám sát 500 triệu cuộc điện đàm ở Đức và khoảng 50 triệu cuộc điện đàm ở Pháp. Hóa ra, dù là đồng minh, họ cũng không tin nhau! Người được lợi nhất trong vụ Edward Snowden là Trung Quốc và Nga. Hai cường quốc này đã thu được món lợi kếch sù: 1. Nắm được rõ hơn âm mưu, ý đồ của Mỹ; 2. Nắm được bí mật công nghệ nghe lén của Mỹ; 3. Biết được sơ hở, yếu kém trong việc bảo mật thông tin của mình; 4. Có thêm “vốn liếng” để mặc cả với Mỹ.
Mỹ thua thiệt lớn qua tiết lộ của Edward Snowden: 1. “Lộ thiên cơ”, lộ diện hành động phi pháp của siêu cường kéo theo hậu quả là giảm lòng tin của cộng đồng quốc tế, kể cả các đồng minh; 2. Mất một phần bí mật công nghệ đặc biệt phục vụ nhiệm vụ an ninh, tình báo; 3. Suy giảm vai trò, vị thế của Mỹ trên thế giới; 4. Khó khăn trong chính sách đối ngoại, kể cả chính sách đối với các đồng minh, bạn bè và đối với các đối thủ cạnh tranh.
Vụ Edward Snowden là vụ “nhân tai” lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ.
10. Siêu bão Haiyan ở Philippines 8/11/2013.
Siêu bão Haiyan tràn vào hai tỉnh đảo Samar và Leyete ở miền Trung Philippines vào sáng sớm 8/11/2013 với tốc độ 272km/h, giật 320km/h, nước biển dâng cao hơn 6m.
Sau khi Tổng thống Benigno Aquino kêu gọi cư dân ở các khu vực trên đường đi của bão Haiyan, có 720 ngàn người ở 29 tỉnh đã phải sơ tán và lánh vào các trung tâm trú ẩn.
Ngày 8/11/2013, ông Eduordo del Rosario, Giám đốc Ủy ban Quản lý và Giảm nhẹ rủi ro thảm họa quốc gia Philippines xác nhận siêu bão Haiyan đã làm hơn 4.000 người chết, gần 1 triệu người mất nhà ở, xóa sổ cả một thị trấn ven biển.
Siêu bão Haiyan là cơn thịnh nộ và là sự trả thù của tự nhiên đối với hành động tàn phá môi trường của con người. Suốt ba thế kỷ công nghiệp hóa, loài người không gieo gió mà làm tồn dư một lượng khổng lồ CO2 và các chất khí gây hiệu ứng nhà kính, nhân loại đã buộc phải nhận siêu bão.
Siêu bão Haiyan đã thức tỉnh lương tri của con người sống trên hành tinh, đã gióng lên hồi chuông trong phòng họp COP-19 ở Ba Lan vào giữa tháng 11/2013: Không lúc này thì khi nào? Không ở đây thì ở đâu? Nhờ đó, tại COP-19 các nước đã đi đến đồng thuận trong việc hợp tác quốc tế chống biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai. Cam kết COP-19 ở Washawa đã đạt tiến bộ có tính đột phá và mang tầm vóc lịch sử.
Chắc chắn còn nhiều cách lựa chọn khác. Không sao, hãy dành cho mỗi người một khoảng không gian để suy nghĩ và tự do sáng tạo. Hợp tác với nhau bao giờ cũng có lợi hơn là bài xích nhau.n
Hà Nội, ngày 31/12/2013.