Nhân rộng mô hình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình
Hết tháng 8 năm 2011, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 791 người, trong đó có 10 trẻ em đã và đang được chăm sóc tại nhà, là kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng ở 2 địa bàn Đô Lương và thành phố Vinh.
(Baonghean) - Hết tháng 8 năm 2011, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 791 người, trong đó có 10 trẻ em đã và đang được chăm sóc tại nhà, là kết quả sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng ở 2 địa bàn Đô Lương và thành phố Vinh.
Ông Phan Văn Huê, Trưởng phòng Dân số Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Nghệ An cho biết: Thời gian qua, mô hình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng đã nhận được sự tham gia trách nhiệm, nhiệt tình của cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên dân số ở cơ sở, trong đó có sự hỗ trợ của các tổ chức như: Quỹ toàn cầu, World Bank, FHI...; Mô hình chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng đã góp phần tích cực vào phong trào phòng chống HIV/AIDS tại địa phương. Trong năm 2011, tổng số đối tượng có H được chăm sóc tích lũy ở 2 huyện Đô Lương và Thành phố Vinh đến thời điểm tháng 8 là 791 người; số đối tượng có H hiện đang được chăm sóc là 721 người, trong đó trẻ dưới 15 tuổi là 10 em. Ngoài ra, các tổ nhân viên chăm sóc cũng đã hỗ trợ lương thực, tìm việc làm cho 52 người nhiễm HIV giúp họ có thu nhập như: rửa xe, phụ hồ, 28 người làm hồ sơ hưởng chế độ chính sách xã hội động viên thăm hỏi, tặng 276 suất quà cho các thiếu nhi có bố mẹ nhiễm HIV với tổng trị giá 13.115.000 đồng. Điển hình như: Đặng Sơn, Lưu Sơn, Yên Sơn, Tràng Sơn (Đô Lương). Bên cạnh đó, nhân viên chăm sóc cũng đã có sự kết nối chặt chẽ với các phòng khám ngoại trú, chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và người thân của người nhiễm trong việc gửi người nhiễm đến khám điều trị và xét nghiệm, vì vậy cơ bản khách hàng đều được tiếp cận các dịch vụ từ các phòng khám ngoại trú. Anh H.V.T, người nhiễm HIV cho biết: "Trở ngại lớn nhất đối với những người như chúng tôi là sự kì thị. Tôi luôn cảm thấy nặng nề khi người khác xa lánh phân biệt... Tôi nghĩ, những người như chúng tôi cũng có những khó khăn, day dứt cần được chia sẻ, giúp đỡ. Và tôi chỉ cảm nhận được điều đó từ khi gặp được nhân viên chăm sóc, hỗ trợ của ngành dân số".
Cũng như bao trẻ em bình thường khác, trẻ nhiễm HIV cũng có quyền được sống, che chở và có quyền được hưởng tình thương yêu của những người xung quanh, nhưng cháu T.V.L đã không thể đến trường học vì nhiều người không muốn tiếp xúc và chăm sóc vì sợ bị lây nhiễm. Mấy năm trở lại đây, nhờ có được mô hình chăm sóc và hỗ trợ đối với những người bị nhiễm HIV nên cháu L đã nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ từ nhân viên chăm sóc, hỗ trợ của ngành Dân số.
Ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm của tệ nạn ma túy, do vậy số người nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao. Tính đến thời điểm này theo con số thông kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn Nghệ An đã có 5.897 trường hợp bị nhiễm đang sống trong cộng đồng, số chuyển thành AIDS: 3.209 và số này đã suy giảm khả năng lao động; có 386/479 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV chiếm 77,9%. Do vậy, việc triển khai mô hình này là một điều đáng quý vô cùng. Bởi trong 3 năm qua, đã có gần 800 người nhiễm được "hưởng lợi" từ mô hình này. Nhiều gia đình cảm thấy ấm áp vì người thân của họ đã được chia sẻ về vật chất cũng như tinh thần.
Chuyên trách dân số Nguyễn Thị Hòa - nhân viên chăm sóc phường Đội Cung, Thành phố Vinh cho biết: Tại phường Đội Cung, số người nhiễm HIV là 105 người, trong đó có 61 người nhiễm đã chết. Mới nghe qua thì công việc này tưởng chừng là dễ nhưng quả thực là không đơn giản bởi đòi hỏi sự cảm thông, chia sẻ chân thành từ phía người chăm sóc. Trong khi đó, việc tiếp cận với người nhiễm cũng không dễ dàng, bởi trên thực tế có người nhiễm thì tự ti, mặc cảm, nhưng có những người lại phó mặc cho xã hội và đòi hỏi những yêu cầu mà chúng ta không thể đáp ứng nổi. Cũng theo bà Hòa, mô hình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng là một mô hình nhân văn, bởi thực tế trong 3 năm qua đã chứng minh việc chuyên trách ngành Dân số tiếp cận hỗ trợ cũng như chia sẻ với người nhiễm HIV là rất thuận lợi, phù hợp. Cũng như bà Hòa, chuyên trách Lê Thị Lan, nhân viên chăm sóc ở thị trấn Đô Lương cho rằng: Đây là một mô hình không những được chăm sóc, chia sẻ với người nhiễm mà còn góp phần vào công cuộc phòng chống HIV trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó mô hình còn tồn tại một số khó khăn cần khắc phục như vẫn còn hiện tượng kì thị đối với người nhiễm, việc chuyển gửi các khách hàng đến các phòng khám ngoại trú để xét nghiệm tế bào CD4 chưa nhiều. Một số nhân viên chăm sóc chưa thực hiện tốt qui trình và kỹ năng chăm sóc tại nhà, nhất là chăm sóc khách hàng giai đoạn cuối. Đặc biệt, trên thực tế, nguồn kinh phí hỗ trợ cho người có H có hoàn cảnh khó khăn là không có, trong khi nhiều người nhiễm lại có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ xã hội.
Hiện nay, số đối tượng có H và người thân ở các tổ nhân viên chăm sóc vượt quá chỉ tiêu kế hoạch, trong khi số nhân viên không thay đổi. Nên chăng cần bổ sung thêm nhân viên chăm sóc để triển khai hoạt động của mô hình hiệu quả hơn. Theo Th.s Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm HIV tỉnh thì trước thực trạng gia tăng số người nhiễm HIV, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều Quy chế về cai nghiện trên địa bàn tỉnh, đồng thời áp dụng nhiều mô hình cai nghiện cũng như chăm sóc đối với người nhiễm H. Do vậy cần nhân rộng mô hình này trong thời gian tới ở nhiều địa phương khác, góp phần tích cực cho phong trào phòng chống, đẩy lùi nguy cơ đại dịch HIV/AIDS .
Hồ Hà