Nhân rộng mô hình khuyến ngư hiệu quả

28/08/2013 16:13

Những năm qua, nuôi trồng thủy sản trong cả nước gặp nhiều khó khăn từ những yếu tố khách quan và chủ quan. Trong hoàn cảnh đó, vẫn có nhiều mô hình đạt hiệu quả cao và rất cần được nhân rộng.

Điển hình Tây Sơn - Bình Định.

Năm 2012, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định đã đầu tư nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả tại hộ nghèo ở các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân…

Tây Sơn là một trong những điển hình giảm nghèo, với mô hình chăn nuôi gà vịt thả vườn an toàn sinh học và nuôi quảng canh cá nước ngọt cải tiến. Mô hình được triển khai tại thôn Đồng Sim, xã Tây Xuân. Trạm Khuyến nông Tây Sơn cho biết: Đồng Sim là thôn nghèo, nằm giáp núi, cách trung tâm xã hơn 5km. Nơi đây có diện tích ao lớn, mỗi hộ đều có vườn rộng phù hợp phát triển thủy sản và chăn nuôi. Trạm đã chọn hai mô hình chăn nuôi gà thịt thả vườn an toàn sinh học và nuôi quảng canh cá nước ngọt cải tiến, vừa tận dụng được điều kiện tự nhiên vừa ổn định đầu ra. Được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền mua giống, thức ăn, thuốc phòng chữa bệnh cho vật nuôi, các hộ nghèo ở Đồng Sim nhiệt tình tham gia. Tháng 8/2012, trên diện tích 5.000m2 các hộ nuôi đã thả 10.000 con cá giống, thu lãi gần 35 triệu đồng.

Năm 2013, tiếp tục nhân rộng nuôi quảng canh cá nước ngọt cải tiến tại thôn Phú Lâm, xã Tây Phú. Anh Nguyễn Văn Cảnh (thôn Phú Lâm) cho biết, gia đình anh nuôi cá ở hồ này 9 - 10 năm nay chưa khi nào thấy cá lớn nhanh, khỏe vậy; chưa đầy 2 tháng cá đã đạt mức của 5 - 6 tháng nuôi bình thường. Ông Lâm Văn Lành, Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện cho biết, các mô hình giảm nghèo huyện Tây Sơn đã trang bị cho người nghèo kiến thức sản xuất mới, giúp họ nhìn thấy hiệu quả để từ đó áp dụng theo hình thức mới, với quy mô phù hợp mỗi gia đình. Các mô hình này còn nhân rộng ra nhiều hộ khác, giúp thay đổi cuộc sống, thoát nghèo.

Tín hiệu vui tại Đắk Lắk

Những năm gần đây, mô hình cá lăng nha đuôi đỏ nuôi trong bè nổi tại các hồ lớn, hồ thủy điện… ở Đắk Lắk đã chứng tỏ được giá trị kinh tế của loài cá đặc sản được xếp bậc nhất trong họ cá da trơn sông Mêkông. Với giá bán 150.000 - 200.000 đồng/kg thương phẩm, nhiều mô hình lăng nha đuôi đỏ đã cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Nổi bật là mô hình của ông Trần Văn Kiếm (thôn 2) và ông Hoàng Quốc Bài (thôn 5), xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột. Năm 2005, gia đình ông đưa cá lăng về nuôi thử nghiệm. Chỉ với 300 con, ngay năm đầu tiên đã thu về hơn 200 triệu đồng. Trên cơ sở đó, tháng 7/2009 CLB Cá lăng xã Hòa Phú được thành lập với 16 thành viên, đến nay đã tới 22 thành viên, có thành viên mỗi năm thu khoảng 1 tấn cá lăng.



Nuôi cá ở lòng hồ thủy điện mở hướng đi mới cho nhiều địa phương -
Ảnh: Huy Hùng

Nhiều hộ khác còn nuôi riêng với số lượng hơn 1.000 con, như mô hình nuôi của ông Nguyễn Ninh Tuấn (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột), từ năm 2007, ông thuê mặt hồ Ea Kao và làm lồng nuôi cá lăng. Thời gian đầu với 3 lồng, mỗi lồng chừng 1.500 con, thu lợi nhuận hơn trăm triệu đồng. Mở rộng quy mô, đến nay ông đã có 40 lồng cá lăng đuôi đỏ, mỗi lồng thu hoạch khoảng 1,5 tấn cá/năm. Ông Tuấn cho biết, nuôi cá lăng nha đuôi đỏ ít có rủi ro về bệnh; với giá bán 150.000 đồng/kg, ông thu về hơn 4 tỷ đồng/năm.

Từ 3 năm nay, tại hồ thủy điện Buôn Tua Sah, ngoài Tập đoàn nuôi cá hồi Việt Nam còn có hơn 40 hộ nuôi cá. Lúc đầu chỉ nuôi cá trê, trắm, chép, lóc. Hơn một năm nay, nhiều hộ nuôi cá lăng nha đuôi đỏ; một số hộ đã thu hoạch những mẻ đầu tiên, lãi hàng trăm triệu đồng. Diện tích hồ Buôn Tua Sah lúc cao điểm tới 4.200 ha, mùa khô cũng sử dụng hơn 1.000 ha. Ông Y Krang Ndu, Chủ tịch UBND xã Krông Nô cho biết, hiệu quả từ các mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ của các hộ làng bè thủy điện Buôn Tua Sah đang mở hướng đi mới cho ngành thủy sản địa phương. Xã sẽ hỗ trợ người nuôi phát huy hết tiềm năng không chỉ lòng hồ thủy điện mà còn hàng trăm ao, hồ thủy lợi khác.

Làm giàu từ ruộng muối - ao cá

Đó là mô hình làm muối kết hợp nuôi cá mú của ông Nguyễn Văn Gia (An Thạnh, An Ngãi, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu). Với 10 ha làm muối, ông cho thuê 7 ha, mỗi năm thu lãi hơn 160 triệu đồng. Phần diện tích còn lại, ông áp dụng mô hình muối sạch theo phương pháp trải bạt trên diện tích 1 ha. Năng suất bình quân hơn 100 tấn/ha. Với giá bán bình quân 1 triệu đồng/tấn, trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng.

Do chỉ làm được muối trong mùa khô nên huyện Long Điền đã triển khai các mô hình luân canh như nuôi tôm sú, nuôi cá vào mùa mưa. Ông Nguyễn Văn Gia cũng, trong số diêm dân đầu tiên áp dụng mô hình này, cho biết: Hết vụ muối ông chuyển sang nuôi cá mú, bắt đầu thả từ tháng 5. Mỗi vụ mua và thả 1.000 con giống, 40 triệu đồng chi phí và thức ăn, thu lãi hơn 35 triệu đồng. Như vậy, sản xuất luân canh ruộng muối - ao cá, thu nhập của gia đình ông đạt 225 triệu đồng/năm. Ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra ông còn truyền kinh nghiệm, kỹ thuật làm muối sạch, nhân rộng mô hình luân canh.


Theo Thủy sản Việt Nam - LC

Mới nhất

x
Nhân rộng mô hình khuyến ngư hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO