Nhân rộng những mô hình cưới theo nếp sống mới
(Baonghean) - Mỗi một đám cưới có một nét đặc trưng riêng gắn với mỗi miền quê, mỗi dân tộc. Gìn giữ những bản sắc tốt đẹp vốn có, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và tiếp nhận những nét đẹp mới là những tiêu chí quan trọng mà các đám cưới văn hóa đang hướng tới.
Đám cưới theo nếp sống mới ở Nghĩa Bình (Tân Kỳ). Ảnh: Trần Cảnh Yên |
Cặp đôi đầu tiên thực hiện đám cưới điểm của xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Đàn) là thầy giáo Nguyễn Văn Quyền và chị Nguyễn Thị Hồng. Anh Quyền cho biết: “Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ làm đám cưới như những cặp vợ chồng bình thường khác, nghĩa là mời bà con họ hàng, bạn bè, tổ chức vài chục mâm. Thế nhưng, khi được xã tổ chức đám cưới theo nếp sống văn hóa, tôi mới thực sự thấy đám cưới của mình có ý nghĩa…”. Phần lễ long trọng và xúc động nhất trong đám cưới của anh Quyền và chị Hồng là hình ảnh hai vợ chồng lên dâng hoa, dâng hương ở đài tưởng niệm của xã. Sau đó, tại trụ sở xã, dưới sự chứng kiến của nội ngoại hai bên, bí thư, xóm trưởng, cán bộ xã, lãnh đạo Trường THCS Nghĩa Hồng… đồng chí chủ tịch xã lên phát biểu chúc mừng hạnh phúc và trực tiếp trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của hai vợ chồng. Tuy toàn bộ phần thủ tục chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, nhưng anh Quyền nói rằng đó như là “bước ngoặt” của cuộc đời mình, để biết rằng mình đã là người có gia đình, phải có trách nhiệm với gia đình. Nếu không sẽ phụ lòng tin của nội ngoại hai bên, với các bác, các cô, các chú trong xã.
Từ sau đám cưới của anh Quyền và chị Hồng, đã có thêm 15 đám cưới trong xã được tổ chức theo nếp sống văn hóa mới. Để đám cưới được diễn ra trang trọng, mọi khâu tổ chức đều được chính quyền xã Nghĩa Hồng quan tâm. Trước ngày đám cưới chính thức diễn ra, xã chọn phòng đẹp nhất trong trụ sở để trang hoàng phông chữ, chuẩn bị loa đài, tất cả cán bộ trong xã đều đến để chúc phúc cho cô dâu, chú rể.
Riêng đám cưới ở các gia đình, tuy không có quy định cụ thể nhưng xã vận động nên tổ chức tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, không phô trương, hình thức. Không dựng rạp lấn chiếm lòng lề đường, chỉ mời khách cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè và đồng nghiệp. Trong đám cưới không uống rượu và hút thuốc lá.
Nói về ý nghĩa của những đám cưới văn hóa, anh Phan Đại Ngọc – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nghĩa Hồng là một xã đặc thù của huyện miền núi Nghĩa Đàn. Tuy là xã vùng sâu vùng xa nhưng đại bộ phận người dân trong xã là công nhân của Nông trường Cờ Đỏ trước đây, đời sống dân trí cao, kinh tế khá ổn định. Cũng vì lẽ đó nên trong xã vẫn có trường hợp người dân tổ chức đám cưới phô trương, linh đình…Tổ chức những mô hình điểm, chúng tôi muốn hướng người dân đến những đám cưới không quá tốn kém nhưng vẫn long trọng, đầm ấm. Qua đó, cũng để người dân ý thức trách nhiệm của mình trước pháp luật, trước gia đình.
Mô hình đám cưới điểm của xã Nghĩa Hồng là mô hình đám cưới thứ 12 được thực hiện trong hơn 10 năm qua do Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh chủ trì. Ngoài ra còn có nhiều mô hình nổi bật khác như mô hình đám cưới người Thái ở xã Châu Lý (Quỳ Hợp), xã Châu Kim (Quế Phong); mô hình đám cưới người Mông ở xã Tây Sơn (Kỳ Sơn); mô hình đám cưới thành thị ở khối 3, phường Lê Lợi (TP.Vinh); mô hình ở xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên)… tất cả các đám cưới này đều hướng tới mục đích: việc cưới phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, đám cưới phải tổ chức đơn giản, lành mạnh, không phô trương lãng phí, đúng với phong tục, tập quán của từng địa phương.
Cũng từ những mô hình này, tại nhiều địa phương cũng đã học tập và xây dựng các mô hình riêng phù hợp với địa phương mình. Có thể kể đến mô hình trao giấy chứng nhận kết hôn tập thể cho các cặp vợ chồng trẻ ở xã Nghi Thuận, Nghi Long do Phòng Tư pháp huyện Nghi Lộc chủ trì, mô hình tổ chức đám cưới tiệc ngọt do Tỉnh đoàn tổ chức hay tổ chức đám cưới văn hóa nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và hưởng ứng phong trào “Nét đẹp trong đám cưới” do huyện Quỳnh Lưu phát động. Cái hay trong những đám cưới này ngoài tiết kiệm, thiết thực còn nhận được sự hỗ trợ động viên tích cực từ các tổ chức đoàn thể như hỗ trợ bàn ghế, cốc chén… nên được đông đảo người dân hưởng ứng. Quá trình xây dựng các mô hình cũng đã có những điều chỉnh để phù hợp với thực tế, ví như mô hình đám cưới điểm đầu tiên xây dựng tại xã Diễn Hùng (huyện Diễn Châu), chủ trương chính là “giới hạn mâm cỗ”.
Tuy nhiên, sau này thấy mô hình này không thực tế, không nhận được sự ủng hộ của những người có nhiều mối quan hệ, đông anh em… nên đã không đặt nặng tiêu chí này mà chỉ khuyến khích người dân tiết kiệm, không mời dàn trải, không tổ chức liên tục 2 – 3 ngày. Hay như tại Thành phố Vinh, trước đây không cho phép người dân dựng rạp nhưng nay thì đã thay đổi, chỉ cấm những rạp dựng giữa lòng lề đường, gây cản trở giao thông…
Đánh giá về phong trào tổ chức đám cưới theo nếp sống văn hóa trong thời gian qua, ông Bùi Hà Vinh, cán bộ phòng Nếp sống văn hóa – Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh cho rằng, cái được nhất là vận động người dân thực hiện theo đúng pháp luật và đẩy lùi được những hủ tục lạc hậu và đưa vào những nét văn hóa mới. Những thay đổi trên cũng cho thấy, ngành văn hóa, các ban ngành và các địa phương rất quan tâm đến vấn đề này và mong muốn phong trào sẽ được lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng đồng tình của đông đảo người dân.
Mỹ Hà