Nhanh và chậm

Cách Tết Nguyên đán 2023 khoảng 10 ngày, rất nhiều chủ hộ kinh doanh hàng hóa ở Nghệ An than vãn: “Tết đến nhanh mà hàng thì bán chậm”.  Nhiều chủ shop còn “đứng ngồi không yên vì người dân năm nay mãi không chịu sắm Tết”… Trên báo chí, mạng xã hội, chúng ta cũng bắt gặp những dòng tít kiểu như: “Thị trường Tết trầm lắng, sức mua chậm”, “Thị trường Tết 2023 mẫu mã đa dạng nhưng sức mua chậm”, “Hàng hóa Tết dồi dào, sức mua chậm… Thực tế, sức mua từ trước Tết Dương lịch đã chậm như vậy.

Tết đến nhanh là đúng thôi vì thời gian từ Tết Tây (dương lịch) đến Tết Nguyên đán năm nay chỉ đúng 3 tuần. “Vèo một cái” đã thấy Tết đến nơi rồi! Hàng hóa Tết năm nay bán chậm cũng dễ hiểu, bởi trước Tết Nguyên đán chừng 2-3 tháng, kinh tế thế giới và trong nước “bỗng dưng” chùng lại, tăng trưởng chậm, thậm chí rất nhiều nơi, các nhà máy, doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, giảm giờ làm vì không ký thêm được đơn hàng. Điều tất yếu dẫn đến là hàng trăm nghìn người “lao động chính” bị giảm thu nhập và rất nhiều người không có thu nhập vì mất việc làm, cùng đó không có chế độ thưởng Tết. Hệ quả dễ nhận thấy là rất nhiều lao động phải đau xót rút bảo hiểm xã hội 1 lần để lấy tiền chi tiêu ăn uống hàng ngày vì chưa tìm được việc làm… Khốn khổ hơn, nhiều lao động thời vụ, nếu không đóng bảo hiểm xã hội thì “chẳng có chi để rút”. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, kiếm cái ăn hàng ngày đã là vất vả rồi thì lấy đâu ra tiền mua sắm Tết (!?).

Ở diễn biến liên quan, theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân theo tháng của người lao động năm 2022 đạt 6,7 triệu đồng, tăng 16%. Tuy nhiên, mức thu nhập tăng thì giá cả các mặt hàng, nhất là hàng Tết cũng tăng lên. Người dân bây giờ phải tính toán thật chi li, nào là bánh trái, hoa quả, chi phí tàu xe đi lại… tất cả không thể “vung tay quá trán”. Theo các chuyên gia kinh tế dự đoán, Tết năm nay, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng, còn những mặt hàng để trưng bày, trang trí Tết sẽ giảm so với những năm trước. Cũng theo dự báo, khả năng những ngày áp Tết, sức mua sẽ tăng hơn.

Thị trường Tết năm nào cũng đa dạng, phong phú về chủng loại hàng hóa và giá cả. Trong khó khăn chung của nền kinh tế, vẫn có những gốc hoa đào xuống phố được hét giá hàng trăm triệu đồng, nếu thuê về chưng Tết, giá của nó đã 150 triệu đồng. Cùng đó, có những loại hoa, cây cảnh hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng được tung ra thị trường… Chắc chắn sẽ có những người đủ tiềm lực kinh tế mua sắm những mặt hàng đắt đỏ để chơi Tết. Cuộc sống luôn vậy, những người nghèo và những người giàu trong xã hội đan xen. Thế nên, lời khuyên của cha ông rằng “liệu cơm gắp mắm”, luôn mang giá trị hiện thực.


Bài: Nguyên Nguyên
Ảnh minh họa: Tư liệu