Nhật công bố sách trắng, lo ngại về Trung Quốc

01/08/2012 16:38

Ngày 31-7, Nhật công bố sách trắng quốc phòng, trong đó khẳng định Nhật và cộng đồng quốc tế đang rất lo ngại trước chính sách “hung hăng” của Trung Quốc trên vùng biển Đông Á.


Máy bay của lực lượng phòng vệ Nhật trên vùng trời đảo Senkaku - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, trong báo cáo dày 482 trang, Tokyo nhận định quân đội Trung Quốc (PLA) “đang làm thay đổi” chính sách ngoại giao của chính quyền Trung Quốc và đây là một vấn đề đáng báo động.

Sách trắng nhắc đến việc hàng loạt quan chức PLA trong thời gian qua đã liên tục đưa ra những tuyên bố hiếu chiến liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và biển Hoa Đông, thúc giục Bắc Kinh có thái độ và hành động “cứng rắn hơn” đối với các nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông cũng như với Nhật trong tranh chấp ở quần đảo Senkaku.

Đánh giá này trùng hợp với kết luận của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) trong báo cáo được ICG đưa ra cách nay vài tháng. “Trung Quốc đang phản ứng về các vụ tranh chấp với Nhật và các nước láng giềng theo cách hung hăng, gây nên những lo ngại về đường hướng tương lai của Trung Quốc”.

Nhật: sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất!

“Sự lo ngại không chỉ tồn tại ở Nhật mà ở khắp Đông Á, từ mọi hướng. Xét từ quan điểm quản lý khủng hoảng, rất khó để dự đoán các ý đồ và mục tiêu của Trung Quốc” - Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto nhấn mạnh.

Sách trắng quốc phòng Nhật dự báo Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi gây hấn và khiêu khích trên các vùng nước ở biển Hoa Đông và biển Đông. “Chúng ta cần phải theo dõi chặt chẽ các hoạt động giám sát của Trung Quốc, ví dụ như mọi động thái của hạm đội hải quân nước này, hoạt động của các căn cứ và những thay đổi trong cách hiểu không giống ai của Bắc Kinh về những định nghĩa pháp lý như vùng đặc quyền kinh tế” - báo cáo viết.

Nhật sẽ đối phó ra sao? Tuần trước, như báo Mainichi cho biết, Thủ tướng Yoshihiko Noda và Bộ trưởng Quốc phòng Morimoto đều khẳng định Nhật có thể sẽ triển khai lực lượng phòng vệ để bảo vệ quần đảo Senkaku nếu lực lượng tuần duyên nước này không thể kiềm chế được sự căng thẳng trên biển Hoa Đông. “Năm này qua năm khác, Trung Quốc liên tục triển khai tàu tuần tra ở vùng nước quanh quần đảo Senkaku. Đây là hành động xâm phạm lãnh hải Nhật và chúng tôi phải chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất” - một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật cho biết.

Sách trắng tiếp tục chỉ trích Trung Quốc là thiếu minh bạch trong chi tiêu quân sự. Theo tính toán của phía Nhật, chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh đã tăng hơn gấp 30 lần trong vòng 24 năm qua. Tokyo cũng kêu gọi quân đội Nhật và Trung Quốc thành lập đường dây nóng theo kiểu thời kỳ chiến tranh lạnh để ngăn chặn nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột vũ trang.

Trung Quốc đã tính toán sai lầm

Trên báo Wall Street Journal, chuyên gia Michael Auslin thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định Trung Quốc cho thấy họ đang hành động bất chấp với kiểu tư duy sức mạnh là chân lý, luật pháp quốc tế là vô nghĩa. Thế nhưng theo ông, Bắc Kinh đã tính toán sai lầm nếu tin rằng đội quân đồn trú của họ trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sẽ có thể buộc các nước láng giềng phải cúi đầu.

Đề cập vai trò của Mỹ ở châu Á, ông Michael Auslin nhấn mạnh Mỹ phải quyết định cách phản ứng với chính sách hiếu chiến của Trung Quốc, bởi nếu để Bắc Kinh tự do lộng hành, nguy cơ xung đột vũ trang sẽ nổ ra ở châu Á và uy tín của Mỹ bị hủy hoại. Washington cần gây sức ép với Bắc Kinh bằng những biện pháp ban đầu như đe dọa hủy bỏ đối thoại quân sự. Nếu Trung Quốc tăng cường quy mô lực lượng đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa, Mỹ nên xem xét hoãn Đối thoại an ninh và kinh tế thường niên với Trung Quốc.

Chuyên gia Auslin nhấn mạnh đã đến lúc Washington cần có kế hoạch cụ thể để cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ quân sự cho các nước đang bị Trung Quốc đe dọa. Bởi “các biện pháp này có thể buộc Bắc Kinh nhận ra rằng đàm phán là cách duy nhất để tiến bước”.


Theo Tuổi trẻ - ĐT

Mới nhất
x
Nhật công bố sách trắng, lo ngại về Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO