Nhật tính toán gì khi kích hoạt thủy quân lục chiến?

Khang Duy 09/04/2018 09:21

(Baonghean) - Phía Nhật Bản khẳng định rằng, việc bảo vệ các hòn đảo xa xôi là nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh tình hình an ninh xung quanh nước này đang trở nên phức tạp. Lý giải này là hợp lý nhưng chưa đầy đủ!

Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã đưa vào hoạt động đơn vị lính thủy đánh bộ của nước này. Lực lượng thủy quân lục chiến có nhiệm vụ bảo vệ các hòn đảo của Nhật Bản - trải dài phía Tây Nam từ đảo Kyushu tới Đài Loan (Trung Quốc). Phía Nhật Bản khẳng định rằng, việc bảo vệ các hòn đảo xa xôi là nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh tình hình an ninh xung quanh nước này đang trở nên phức tạp. Lý giải này là hợp lý nhưng chưa đầy đủ!

Lực lượng lính thủy đánh bộ mới thành lập của Nhật Bản tiến hành cuộc diễn tập khoảng 20 phút với kịch bản là một hòn đảo xa bị xâm chiếm.  Nguồn: Reuters
Lực lượng lính thủy đánh bộ mới thành lập của Nhật Bản tiến hành cuộc diễn tập khoảng 20 phút với kịch bản là một hòn đảo xa bị xâm chiếm. Nguồn: Reuters

Lộ trình được vạch sẵn
2.100 là số lượng binh lính sẽ có trong biên chế lực lượng lính thủy đánh bộ của Nhật Bản mới được ra mắt. Lực lượng này có tên gọi là Lữ đoàn triển khai đổ bộ nhanh (ARDB), dự kiến sẽ tăng lên 3.000 lính sẽ phát triển song song cùng nhiều khí tài như tàu sân bay trực thăng, tàu đổ bộ, xe tấn công lội nước... Nhật Bản không ngần ngại tuyên bố rằng, mục đích ra đời lực lượng này là nhằm đề phòng khả năng những hòn đảo do nước này kiểm soát ở biển Hoa Đông bị tấn công, cũng như tái chiếm các hòn đảo xa bờ nếu bị xâm lược.
Thực tế, nếu nhìn lại thời gian gần đây, người ta sẽ không quá ngạc nhiên với bước đi này của chính quyền Nhật Bản. Mới nhất, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) của Nhật Bản hôm 27/3 đã trải qua cuộc tái cơ cấu tổ chức lớn nhất từ trước tới nay, với việc ra mắt Sở Chỉ huy mặt đất, cho phép quân đội thực hiện hiệu quả và nhanh chóng các chiến dịch phòng thủ trên cả nước. Bộ Quốc phòng Nhật Bản mới đây cũng dự kiến sẽ đặt các thiết bị radar cảnh báo và kiểm soát cố định ở đảo Iwo trên Thái Bình Dương, nhằm củng cố năng lực phòng không của nước này trên toàn bộ khu vực bao trùm các quần đảo Izu và Ogasawara.
Hay trước đó vào tháng 12 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng cao kỷ lục lên khoảng 5.190 tỷ yen, tương đương gần 46 tỷ USD. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu quốc phòng. Theo giải thích từ phía Nhật Bản, ngân sách quốc phòng cho tài khóa năm 2018 được bắt đầu từ ngày 1/4, để mua các thiết bị phòng thủ tên lửa như máy bay đánh chặn SM-3 Block IIA, hệ thống lá chắn tên lửa mặt đất của Mỹ hay các loại tên lửa hành trình tầm trung...
Đề phòng Trung - Triều
Theo giải thích từ phía Nhật Bản, loạt bước đi của nước này là nhằm tăng cường năng lực phòng thủ để đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như các bước đi mở rộng ảnh hưởng trên biển của Trung Quốc thời gian qua. Lý giải này toàn hoàn có cơ sở, khi mối đe dọa từ chương trình hạt nhân tên lửa của Triều Tiên luôn tiềm ẩn. Mặc dù thời gian này, các nỗ lực đối thoại của các bên đang được tăng cường để hướng tới các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng như thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng với Nhật Bản, sự giảm nhiệt này không đồng nghĩa các nguy cơ từ phía Triều Tiên đã hết.

Một lính thủy đánh bộ Nhật Bản (Nguồn: Kyodo News)
Một lính thủy đánh bộ Nhật Bản (Nguồn: Kyodo News)

Trong khi đó, những căng thẳng tại khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông đến nay vẫn chưa có chiều hướng giải quyết. Tất nhiên cũng không thể nhắc tới chiến lược đầu tư cho quốc phòng của đối thủ Trung Quốc. Ngay trước thềm Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 13 hồi tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã công bố tăng chi tiêu quốc phòng 8,1% năm 2018 lên tới 175 tỷ USD - mức cao nhất trong vòng 3 năm qua. Trước đó trong năm ngoái, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) cũng liên tục có các động thái tăng tốc hiện đại hóa. Có thể kể đến như hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên, mở căn cứ hải ngoại đầu tiên ở châu Phi đặt tại Djibouti... Còn đến đầu năm nay là việc Trung Quốc thông báo, chiến đấu cơ tàng hình J-20 đã sẵn sàng tác chiến và được bổ sung vào lực lượng vũ trang...
Cũng phải nói rằng, đây là thời điểm khá thuận lợi để Nhật Bản tăng tốc hơn nữa công cuộc cải tổ quân đội, nhằm vượt lên trong cuộc đua với Trung Quốc. Bởi hai “ông lớn kinh tế” là Mỹ và Trung Quốc những ngày qua còn đang bận rộn với các đòn trừng phạt, trả đũa thương mại “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau, khiến dư luận lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Tất nhiên, nếu cuộc chiến này xảy ra, Nhật Bản ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng rõ ràng, thiệt hại với Trung Quốc và Mỹ sẽ lớn hơn nhiều. Vì thế, chẳng có lý do gì Tokyo không lợi dụng mọi thời điểm để “dẫn điểm” trước đối thủ hàng đầu khu vực là Bắc Kinh cả.
Trong khi đó, thông qua hàng loạt dự kiến chi trong ngân sách quốc phòng, như mua các thiết bị phòng thủ tên lửa như máy bay đánh chặn SM-3 Block IIA hay hệ thống lá chắn tên lửa mặt đất của Mỹ..., Nhật Bản sẽ càng có cái cớ thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ. Và rằng, dù còn một số quan điểm chưa thống nhất với Tổng thống Donald Trump, nhưng Mỹ - Nhật vẫn là mối quan hệ đồng minh chiến lược, bền chặt khiến Trung Quốc phải dè chừng!
Tham vọng “nước lớn chính trị”
Chưa dừng lại ở những mục tiêu như nhằm ứng phó Trung Quốc, Triều Tiên hay thắt chặt quan hệ với đồng minh Mỹ, giới quan sát nhận định, chiến lược của Thủ tướng Shinzo Abe còn xa hơn thế. Còn nhớ hồi tháng 5 năm ngoái, ông Abe đã tuyên bố về kế hoạch thành lập quân đội quốc gia bao gồm nhiều thành phần. Mặc dù Hiến pháp Nhật Bản vốn quy định nước này không được xây dựng lực lượng quân đội để cấm việc sử dụng lực lượng quân sự tiến hành chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, vị thế của các lực lượng quân sự Nhật Bản đã có những thay đổi rất lớn kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Không những vậy, Thủ tướng Shinzo Abe vốn đã ấp ủ một tham vọng “nước lớn chính trị” từ lâu chứ không chỉ là một “cường quốc kinh tế hòa bình”. Và rõ ràng, trong bối cảnh khu vực và toàn cầu đang diễn biến ngày càng phức tạp, “một nước lớn chính trị” buộc phải có một lực lượng quân đội thực sự mạnh và chính quy.
Bởi thế, 70 năm sau chiến tranh thế giới thứ 2, năm 2015, Nhật Bản đã có quyết định lịch sử khi diễn giải lại các quy định trong điều 9 Hiến pháp nước này, cho phép Nhật Bản thực thi “quyền phòng vệ tập thể”. Hay trước đó, chính quyền Tokyo cũng đã thông qua quyết định “nới lỏng lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí” nhằm thực hiện hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân; tăng cường sự can dự, đối phó với mọi thách thức tại khu vực... Trở lại các động thái gần đây mà mới nhất là cho ra mắt Lực lượng thủy quân lục chiến, dư luận dễ thấy, đây là lộ trình chặt chẽ mà Nhật Bản vốn đã lên kế hoạch từ lâu!
Thế nhưng, việc Nhật Bản tăng tốc củng cố, hiện đại hóa lực lượng quân đội đã gây làn sóng trái chiều giữa các nước. Trong khi đồng minh Mỹ luôn ủng hộ thì các nước như Trung Quốc, Nga lại “đứng ngồi không yên” và chắc chắn sẽ có các chiến lược để ứng phó. Tất nhiên, một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực vì thế sẽ ngày càng tăng nhiệt. Chưa biết ai thắng - ai thua, chỉ biết rằng, một khi “súng đã lên nòng” thì tình hình khu vực sẽ càng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Bởi, sẽ “không ai chịu ai” nếu xung đột chính thức nổ ra. Đó sẽ chỉ là kịch bản vô cùng tồi tệ cho tất cả các bên.


Mới nhất
x
Nhật tính toán gì khi kích hoạt thủy quân lục chiến?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO