Nhiệm vụ bất khả thi của các nước Arab?

15/09/2015 08:32

(Baonghean) - Thời gian qua, trong khi châu Âu đang vật lộn để tìm kiếm giải pháp cho dòng người nhập cư từ Syria hay Iraq thì các quốc gia Vùng Vịnh giàu có ngay tại khu vực Trung Đông lại dường như thờ ơ và không có nhiều động thái trợ giúp. Trước sức ép và chỉ trích của cộng đồng quốc tế, Ngoại trưởng các nước thuộc Liên đoàn Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo vừa tổ chức các cuộc họp khẩn nhằm đưa ra các giải pháp giúp đỡ dòng người tỵ nạn. Nhưng liệu các nước Vùng Vịnh có thực sự sẵn lòng giúp đỡ, và các giải pháp được đưa ra có góp phần giải quyết được tận gốc vấn đề?

Với 2 cuộc họp khẩn vừa diễn ra, có lẽ đây là những động thái rõ ràng nhất mà các nước Arab, trong đó có các quốc gia Vùng Vịnh thể hiện sự quan tâm và thiện chí đối với cuộc khủng hoảng di cư từ khi nó bùng nổ cho đến nay. Thời gian vừa rồi, dư luận tại các quốc gia có người tỵ nạn như Syria, Iraq, Lybia và thậm chí cả các nước phương Tây đều thắc mắc rằng, tại sao các nước Vùng Vịnh vốn có sự tương đồng về các giá trị văn hóa và tôn giáo hơn hẳn châu Âu lại hầu như không có một động thái nào cụ thể để đón nhận người di cư. CNN mới đây công bố một số liệu thống kê bất ngờ cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2015, có hơn 4 triệu người Syria chạy trốn khỏi quê hương đi tị nạn; thế nhưng, con số người tị nạn mà 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Qatar, Oman và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) lại rất khiêm tốn. Trong số 6 nước Vùng Vịnh này duy nhất chỉ có Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đã nhận 250.000 người tị nạn, còn các nước khác đều dừng lại ở con số 0. Những lời chỉ trích còn nặng nề hơn khi các nước Arab trong khu vực hiện đang tiếp nhận người di cư, lại không có mức sống cao như các nước Vùng Vịnh. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thu nhập bình quân đầu người của Jordan chỉ là 11.000 USD/năm, hay Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có đông người tị nạn trú ngụ nhất cũng nhỉnh hơn với thu nhập bình quân đầu người là 20.000 USD/năm. Trong khi đó tại Qatar, mức thu nhập bình quân là 143.000 USD/người/năm, Kuwait là 71.000 USD hay Saudi Arab là 52.000 USD.

Người tị nạn Syria đi bộ dọc đường xe lửa gần làng Horgos của Serbia để vượt biên giới sang Hungary. Nguồn: CNN
Người tị nạn Syria đi bộ dọc đường xe lửa gần làng Horgos của Serbia để vượt biên giới sang Hungary. Nguồn: CNN

Khá nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho sự “thờ ơ” này của các nước Vùng Vịnh. Thứ nhất, tất cả 6 nước Vùng Vịnh không ký kết Công ước năm 1951 về người tị nạn được thông qua sau Thế chiến 2, khi hàng trăm nghìn người tị nạn phải rời bỏ nhà cửa ở khắp châu Âu. Công ước này sau đó được sửa đổi năm 1967, trong đó bổ sung người tị nạn trên khắp thế giới, chứ không chỉ riêng châu Âu. Do vậy, về nguyên tắc, các nước Vùng Vịnh không có trách nhiệm và nghĩa vụ phải giúp đỡ người tỵ nạn. Thứ hai, rõ ràng tiếp nhận người tị nạn sẽ đồng nghĩa với việc có thể khiến an ninh tại các nước Vùng Vịnh gặp nguy hiểm, khi các phần tử khủng bố như Tổ chức Nhà nước IS dễ dàng xâm nhập. Các nước Vùng Vịnh vốn được cho là phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad và ủng hộ phe đối lập tại nước này còn lo sợ rằng, rất có thể các thành phần ủng hộ ông Assad sẽ lọt vào lãnh thổ và trả thù họ. Và thứ ba theo lý giải của các nước này, cuộc khủng hoảng người di cư là hệ quả do các chính sách Trung Đông của Mỹ và châu Âu. Vì thế, tất yếu các nước này mới cần nhận thêm nhiều người tỵ nạn chứ không phải là họ - các quốc gia Vùng Vịnh. Gần đây, quan hệ giữa các nước Vùng Vịnh và đồng minh Mỹ cũng gặp nhiều vấn đề trục trặc, vì thế các quốc gia này cũng sẽ chẳng sẵn lòng gánh chịu hậu quả do đồng minh của mình gây ra.

Tuy nhiên, nếu nói các quốc gia Vùng Vịnh đứng ngoài cuộc khủng hoảng di cư cũng chưa hoàn toàn chính xác. Bởi dù không tiếp nhận người di cư nhưng các quốc gia này lại hỗ trợ khá mạnh về tài chính để giúp đỡ người tị nạn tại các nước như Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất đã cung cấp 530 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Syria suốt 4 năm qua; hay Saudi Arabia cũng đã cung cấp khoảng 700 triệu USD viện trợ và thiết lập phòng khám tại các trại tị nạn khác nhau. Thế nhưng, dư luận dường như vẫn chưa hài lòng và đặt vấn đề, liệu các nước Vùng Vịnh trước cơn bão di cư ngày càng nghiêm trọng, có thể mở cửa tiếp nhận người di cư hay không? Đây là việc mà chính các nước Arab khác trong khu vực như Lebanon, Jordan, Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang làm.

Thế nhưng, trong 2 cuộc họp khẩn mới nhất, giải pháp được đưa ra vẫn rất chung chung, rằng các nước Arab sẽ cố gắng hết sức. Cũng dễ hiểu cho điều này, bởi với các nước Arab hiện đang tiếp nhận người tị nạn, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabil al Arabi cho hay, Jordan và Lebanon đang phải gánh vác hơn 3 triệu người tị nạn - con số vượt quá khả năng nguồn lực tài chính của 2 quốc gia này. Trong khi đó với các nước Vùng Vịnh, dù người tị nạn chủ yếu theo dòng Hồi giáo Sunni như đa số dân ở các quốc gia này, nhưng các mối nguy về sự đảo lộn môi trường an ninh sẽ là cánh cửa mà họ không hề muốn mở ra. Trong trường hợp buộc phải tiếp nhận đi chăng nữa thì các nước Vùng Vịnh nhỏ hơn như Qatar hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng khó có thể nhận thêm người tị nạn. Vì 2 nước này hiện đã có hàng triệu người lao động nước ngoài - vượt quá cả dân địa phương. Cho nên, việc mở cửa tiếp nhận người tị nạn sẽ là điều khó khả khi. Vì thế trong thời gian tới đây, chắc chắn rằng, hỗ trợ tài chính cho người tị nạn vẫn sẽ là lựa chọn của các quốc gia Vùng Vịnh. Chỉ có điều, biện pháp này vẫn sẽ chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề mà thôi.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nhiệm vụ bất khả thi của các nước Arab?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO