Nhiều bất cập trong công tác chống cháy nổ tàu cá

Tiến Đông 05/08/2021 07:44

(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây trên địa bàn Nghệ An thường xuyên xảy ra sự cố cháy tàu cá, gây thiệt hại lớn cho bà con ngư dân.

Ngư dân trắng tay khi "bà hỏa ghé thăm"

Vào 20h ngày 9/10/2020, trong lúc đang neo đậu tại cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Thuận - Quỳnh Lưu), thì tàu cá NA-95003-TS công suất 350CV của ông Hồ Văn Tám trú tại thôn 5, xã Sơn Hải đã bị bốc cháy. Do tại thời điểm đó không có người trông coi tàu nên khi ngọn lửa bùng lên kết hợp gió thổi mạnh làm ngọn lửa lan sang 3 tàu đang neo đậu bên cạnh, gồm: Tàu NA-93031-TS của ông Trần Xuân Ngọc, trú tại thôn 5, xã Sơn Hải; tàu NA-95095-TS của ông Đậu Hải Tình, trú tại thôn 4, xã Sơn Hải; tàu NA-99985-TS của ông Phạm Văn Tuấn, trú tại xã Quỳnh Thọ.

Dù lực lượng chức năng đã điều động 6 xe chữa cháy cùng hàng trăm người tham gia dập lửa, tuy nhiên, do trên tàu chứa hàng nghìn lít dầu và các vật dụng dễ cháy nên 4 chiếc tàu đã bị thiêu rụi hoàn toàn, không thể sửa chữa, với tổng thiệt hại lên đến 8 tỷ đồng.

Cho đến bây giờ, gia đình anh Trần Xuân Ngọc vẫn chưa hết bàng hoàng khi sản nghiệp lớn của gia đình anh là chiếc tàu cá 4 sào có công suất 380CV bị thiêu rụi vào đêm 9/10/2020.

Hình ảnh vụ cháy 4 tàu cá trong đêm 9/10/2020 tại Lạch Quèn (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu Việt Hùng
Hình ảnh vụ cháy 4 tàu cá trong đêm 9/10/2020 tại Lạch Quèn (Quỳnh Lưu). Ảnh: Tư liệu Việt Hùng

Anh Ngọc kể lại, thời điểm đó, tàu của gia đình anh sau mấy ngày tránh đợt không khí lạnh tràn về đã bắt đầu đổ dầu, chuyển đá lạnh lên khoang để chuẩn bị cho chuyến ra khơi thì không may bị cháy. Tàu neo đậu tại cảng Lạch Quèn, trong khi nhà anh Ngọc ở Sơn Hải, cách đó hơn 6 cây số, khi nghe tin báo chạy ra thì lửa cháy to quá, cộng với gió biến thổi mạnh nên không thể cứu được tàu.

Ngoài thiệt hại về tàu hơn 2 tỷ đồng, còn có hơn 7.000 lít dầu vừa mới được bơm đầy.

Chị Nguyễn Thị Phượng, vợ anh Ngọc thì xót xa: Con tàu đó là cơ nghiệp của gia đình, phải vất vả lắm mới vay mượn và gây dựng được nhưng mất trắng. Do con tàu này không có người góp chung nên khi thiệt hại chi phí đổ dồn lên gia đình, số nợ vay đóng tàu chưa trả hết được thì lãi đã chồng lãi.

Do gió to, cộng với lượng dầu trên các tàu lớn nên lửa đã bốc lên ngùn ngụt, gây ra thiệt hại cho các chủ tàu hơn 8 tỷ đồng. Ảnh: Tư liệu Việt Hùng
Do gió to, cộng với lượng dầu trên các tàu lớn nên lửa đã bốc lên ngùn ngụt, gây ra thiệt hại cho các chủ tàu hơn 8 tỷ đồng. Ảnh: Tư liệu Việt Hùng

Đối với ngư dân các huyện ven biển, tàu cá là một tài sản có giá trị lớn, riêng những tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 100CV trở lên, mỗi chiếc có giá trị hàng tỷ đồng. Trong đó đa phần người dân đóng tàu bằng nguồn vốn vay ngân hàng, quỹ tín dụng hoặc từ người thân trong gia đình, họ hàng. Chính vì thế nếu không may xảy ra cháy thì không những gây thiệt hại lớn về tài sản mà còn kéo theo cảnh nợ nần cho ngư dân.

Đâu là nguyên nhân?

Tại Quỳnh Lưu, sau vụ cháy 4 tàu cá vào 9/10/2020 huyện đã trang bị cho 4 xã Tiến Thủy, Quỳnh Thuận, Sơn Hải, Quỳnh Nghĩa, mỗi xã 2 chiếc máy bơm cùng một số thiết bị phụ trợ. Bên cạnh đó, tại các xã đều thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống cháy nổ tàu cá...

Ông Cao Xuân Điệp - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) cho biết: Khó khăn nhất ở Sơn Hải hiện nay là điểm neo đậu tàu thuyền cách xa nhà ở của ngư dân. Toàn xã có 159 tàu, trong đó tàu đánh bắt xa bờ có sào dài trên 15m lên đến 140 chiếc. Điểm gần nhất từ Sơn Hải đến nơi neo đậu ở Lạch Quèn cũng cách 3km; mỗi khi tàu về cập bến thường giằng, xích lại với nhau rồi nhiều nhà bố trí 1 người trông coi, khi gặp sự cố rất khó phản ứng kịp.

Thiếu chỗ neo đậu tàu thuyền nên phải đậu sát nhau, khi vào do nước lên nên có thể xếp tàu dễ dàng nhưng khi nước xuống thì không thể kéo ra. Nếu một khi xảy ra cháy thì chỉ biết đứng nhìn tàu bị cháy lan ra chứ không cách gì cứu được.

Nhiều chủ tàu cũng đã trang bị bình cứu hỏa nhưng có những bình đã hết hạn sử dụng, thậm chí ngư dân cũng không biết sử dụng. Ảnh: Tiến Đông
Nhiều chủ tàu cũng đã trang bị bình cứu hỏa nhưng có những bình đã hết hạn sử dụng, thậm chí ngư dân cũng không biết sử dụng. Ảnh: Tiến Đông

Ông Trần Văn Long - ngư dân tại xóm Quyết Thắng (Diễn Bích - Diễn Châu), có tàu cá công suất 350CV cho biết: Bản thân ông và gia đình cùng các thuyền viên trên tàu của mình luôn ý thức được rằng nếu xảy ra cháy tàu thì chỉ có là mất trắng chứ không thể cứu được. Vì thế ông cũng đã trang bị bình chữa cháy, cùng các thiết bị bảo vệ khác. Tuy nhiên, do tàu cá được đóng bằng gỗ, trên tàu lại có dầu cùng nhiều vật liệu nhẹ như ngư cụ, xốp, bình gas để nấu ăn… nên cũng rất khó trong công tác phòng ngừa và chữa cháy.

Những nguy cơ và hậu quả của việc cháy tàu cá là điều rõ ràng trước mắt, tuy nhiên, lâu nay việc đảm bảo công tác PCCC tại nhiều nơi cũng chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền và nhắc nhở người dân tự trang bị phương tiện chữa cháy, chứ chưa có các hệ thống PCCC đặt tại các điểm neo đậu. Với những tàu cá có công suất cao, lượng dầu nhiều, một khi xảy ra cháy thì những chiếc bình cứu hỏa cầm tay là không thể khống chế được.

Nhiều tàu cá khi vào neo đậu thủy triều lên nên có thể đậu sát nhau, nhưng khi nước rút rất khó kéo thuyền ra, nếu như xẩy ra cháy thì chỉ còn biết đứng nhìn tàu cháy lan.Ảnh: Tiến Đông
Nhiều tàu cá khi vào neo đậu thủy triều lên nên có thể đậu sát nhau, nhưng khi nước rút rất khó kéo thuyền ra, nếu như xảy ra cháy thì chỉ còn biết đứng nhìn tàu cháy lan.Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Viết Mãn - Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho biết: Toàn xã Diễn Bích hiện nay có khoảng 200 tàu thuyền các loại. Tàu thuyền của ngư dân sau khi đi đánh bắt về thường được neo đậu dọc Lạch Vạn.Địa phương cũng đã thành lập các tổ tuyên truyền, thường xuyên nhắc nhở các chủ phương tiện cần phải đảm bảo các trang thiết bị, phương tiện PCCC; khi sử dụng điện, dầu, bếp ga trên tàu thuyền cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tránh nguy cơ gây cháy nổ xảy ra. Tuy nhiên, những thiết bị PCCC cỡ lớn như máy bơm công suất cao, ụ cát… để bố trí dọc nơi neo đậu của tàu thuyền thì lại chưa có.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những khó khăn lớn nhất của công tác PCCC tàu cá chính là việc tàu cá thường được đóng bằng gỗ, trên tàu chứa nhiều chất dễ cháy như dầu, bình gas, can nhựa, xốp... Hệ thống điện trên tàu là cực kỳ quan trọng, nhưng bố trí chằng chịt, không được kiểm tra kỹ càng nên rất dễ gây ra chập điện dẫn đến cháy nổ.

Do tàu cá thường xử dụng lâu năm trong thời tiết gió biển khắc nghiệt nên hệ thống điện và máy móc rất nhanh xuống cấp, dễ gây ra chập cháy. Ảnh: Tiến Đông
Do tàu cá thường sử dụng lâu năm trong thời tiết gió biển khắc nghiệt nên hệ thống điện và máy móc rất nhanh xuống cấp, dễ gây ra chập cháy. Ảnh: Tiến Đông

Chưa kể nhiều chủ tàu cá thiếu quan tâm trong việc mua sắm thiết bị phục vụ PCCC, hoặc có bình cứu hỏa nhưng đã hết hạn sử dụng, thậm chí thuyền viên lại không biết sử dụng, một số tàu có trang bị nhưng theo kiểu đối phó. Trên nhiều tàu, khu vực đun nấu không được bố trí tách biệt, mà được đặt gần với những vị trí dễ cháy nổ. Việc sử dụng điện, gas, xăng dầu cũng rất tùy tiện, không đúng quy trình, nên rất dễ gây cháy nổ.

Đó chính là những bất cập trong công tác phòng, chống cháy nổ tàu cá cần sớm có giải pháp khắc phục...

Mới nhất
x
Nhiều bất cập trong công tác chống cháy nổ tàu cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO