Nhiều di tích tại Nghệ An có sự sai lệch giữa khu vực khoanh vùng bảo vệ và hiện trạng

Minh Quân 14/03/2024 16:38

(Baonghean.vn) - Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An, nhiều di tích có sự sai lệch giữa khu vực khoanh vùng bảo vệ và hiện trạng. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đồng thời, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.

Chuyện những di tích Làng Đỏ

Là một trong những điểm thuộc Cụm Di tích Làng Đỏ (phường Hưng Dũng, thành phố Vinh) được xếp hạng cấp Quốc gia vào năm 1990, Di tích nhà ông Nguyễn Hữu Diên hiện là một mảnh vườn hoang sơ, nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ của đường Nguyễn Gia Thiều (thành phố Vinh).

Theo sử sách ghi lại, nhà ông Nguyễn Hữu Diên là nơi in ấn tài liệu tuyên truyền của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng thời, cũng là nơi nuôi giấu cán bộ của Đảng. Sau khi thực dân Pháp phát hiện, gia đình ông bị bắt giam, ngôi nhà tranh bị đốt trụi và toàn bộ tài sản bị tịch thu. Trước đây ở di tích có 1 cây chay, là nơi chôn cất chum tài liệu của Đảng khi xưa. Đến nay, cây chay đã chết, chỉ còn lại gốc.

bna-ngoi-nha-cua-ong-nguyen-huu-than-con-trai-ong-nguyen-huu-dien-nam-tren-dat-o-nhung-thuoc-pham-vi-di-tich-nen-khong-duoc-phep-cai-tao-coi-noi-6663.jpg
Ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Thân nằm trên đất ở nhưng thuộc phạm vi Di tích nhà ông Nguyễn Hữu Diên nên không được phép cải tạo, cơi nới. Ảnh: Ảnh: Minh Quân

Ngôi nhà hiện tại trên phần đất di tích là do ông Nguyễn Hữu Thân, con trai út của ông Nguyễn Hữu Diên dựng lên năm 1982. Thời điểm năm 1990, sau khi được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, vì chưa có quy định rõ về chủ sở hữu của di tích, không có quyết định thu hồi và thủ tục tái định cư, nên đất và nhà cụ Nguyễn Hữu Diên vẫn để cho ông Nguyễn Hữu Thân sinh sống, canh tác. Hiện nay, ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Thân đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều lần gia đình muốn sửa chữa, cơi nới nhưng chính quyền không có cơ sở pháp lý để giải quyết.

bna-so-do-khu-vuc-bao-ve-di-tich-nha-ong-nguyen-huu-dien-duoc-dac-hoa-thu-cong-bang-tay-tu-nhung-nam-1990-cua-the-ky-xx-7018.jpg
Bản vẽ sơ đồ khu vực bảo vệ Di tích nhà ông Nguyễn Hữu Diên được thực hiện bằng tay từ những năm 1990 của thế kỷ XX. Ảnh: Minh Quân

Theo một cán bộ của Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An, đối với trường hợp Di tích nhà ông Nguyễn Hữu Diên, nguyên nhân dẫn đến thực trạng bất cập trên là khi lập hồ sơ xếp hạng đã không làm chặt chẽ việc chuyển đổi đất ở sang đất di tích. Hiện nay, khu vực có tổng diện tích là 2.006m2, nhưng ngoài khu vực bảo vệ I (vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích) thì toàn bộ khu vực bảo vệ II (vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I) trên bản đồ vẫn là đất ở, nghĩa là theo Luật Đất đai, cá nhân sinh sống ổn định trên phần đất đó, không xảy ra tranh chấp thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Tuy nhiên, theo Khoản 3, Điều 32, Luật Di sản văn hóa: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó. Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.

Cũng nằm trong Cụm Di tích Làng Đỏ còn có Di tích nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến cũng đang gặp nhiều vướng mắc trong khoanh vùng bảo vệ di tích. Trước đây, khi xếp hạng di tích, toàn bộ khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích rộng hàng nghìn m2, nhưng các cấp, ngành liên quan không thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất di tích, không tiến hành di dời, tái định cư cho các hộ dân trong khu vực cắm mốc.

Năm 2014, di tích đã được điều chỉnh khoanh vùng xuống còn 875 m2, tuy nhiên, cũng do chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên xảy ra tranh chấp giữa con cháu trong dòng họ nhiều năm nay. Nếu muốn chuyển đổi sang đất di tích thì phải có sự đồng thuận của con cháu trong dòng họ.

bna-khu-vuc-khoanh-vung-bao-ve-di-tich-nha-ong-nguyen-sy-huyen-dang-xay-ra-tranh-chap-giua-con-chau-trong-dong-ho-3242.jpg
Khu vực khoanh vùng bảo vệ Di tích nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến đang xảy ra tranh chấp giữa con cháu trong dòng họ. Ảnh: Minh Quân

Theo đại diện lãnh đạo phường Hưng Dũng (thành phố Vinh), trước đây, khi công nhận các di tích đã tổ chức khoanh vùng, nhưng chủ yếu lại khoanh vùng trên giấy và không có quy hoạch thực tế sử dụng. Quá trình khoanh vùng lại không có hướng dẫn cụ thể là sử dụng, quản lý và thu hồi đất như thế nào nên khó giải quyết những tranh chấp nảy sinh.

Cần có quy định, hướng dẫn cụ thể

Theo báo cáo từ Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An, hiện nay, địa bàn tỉnh có 2.602 di tích, danh thắng, trong đó, có 492 di tích đã được xếp hạng, gồm 6 di tích Quốc gia đặc biệt, 145 di tích Quốc gia và 341 di tích cấp tỉnh. Có một thực trạng là có nhiều di tích có sự sai lệch giữa khu vực khoanh vùng bảo vệ và hiện trạng; chỉ tính riêng di tích cấp Quốc gia là 119 di tích.

Đối với các di tích ở thành phố Vinh, đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố cho biết: Hiện tại việc xác định đất di tích, khoanh vùng, điều chỉnh khoanh vùng cho các di tích cấp Quốc gia xếp hạng giai đoạn trước đây như: Quần thể núi Dũng Quyết và Thành Phượng Hoàng Trung Đô, Cụm Di tích Làng Đỏ, Thành cổ Vinh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; một số di tích tại phường, xã quản lý chưa có khoanh vùng, cắm mốc, chưa được xác định cụ thể là đất di tích.

quan-the-di-tich-thang-canh-nui-dung-quyet-va-thanh-phuong-hoang-trung-do-khong-xac-dinh-ro-khu-vuc-khoanh-vung-bao-ve-anh-tu-lieu-sach-nguyen-9411.jpg
Quần thể di tích, thắng cảnh núi Dũng Quyết và Thành Phượng Hoàng Trung Đô chưa xác định rõ khu vực khoanh vùng bảo vệ. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Ví như Quần thể di tích, danh thắng núi Dũng Quyết và Thành Phượng Hoàng Trung Đô được xếp hạng đặc cách là Di tích danh thắng cấp Quốc gia vào năm 1962 mà không có hồ sơ xếp hạng, khu vực khoanh vùng được vẽ ước lệ bằng tay, dù đến nay chưa xác định rõ các khu vực bảo vệ di tích nhưng các hộ dân sinh sống dưới chân núi Dũng Quyết không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được phép xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Di tích Thành cổ Vinh nhiều năm liền cũng trong tình trạng tương tự, gần đây mới được phép điều chỉnh theo Quyết định số 4512/QĐ-UBND ngày 30/12/2023 của UBND tỉnh về “Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bảo tồn, tôn tạo Di tích Thành cổ Vinh, thành phố Vinh”.

Ngoài các di tích ở thành phố Vinh, còn có nhiều di tích mà việc xác định khoanh vùng bảo vệ còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có nhiều di tích cấp Quốc gia, như Di tích danh thắng núi Thiên Nhẫn (thuộc địa phận huyện Nam Đàn chạy dài đến địa phận các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, được xếp hạng di tích danh thắng cấp Quốc gia năm 1962), Di tích Núi Lam Thành (nằm trên địa bàn 2 xã Xuân Lam và Hưng Thành của huyện Hưng Nguyên, cũng được xếp hạng di tích danh thắng cấp Quốc gia năm 1962), Di tích Kênh Nhà Lê đoạn từ huyện Nghi Lộc đến thành phố Vinh (được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 2016)…

Bên cạnh đó, một số huyện có số lượng di tích sai lệch giữa khu vực khoanh vùng bảo vệ và hiện trạng rất cao như huyện Quỳnh Lưu, trong đó có nhiều di tích Quốc gia như Di tích đình làng Quỳnh Đôi, Di tích đền Thượng, Di tích đền Đồng Xuân, Di tích đình Tám Mái…

den-thuong-2387.jpg
Đền Thượng ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) - một trong những di tích có sự sai lệch giữa khu vực khoanh vùng bảo vệ và hiện trạng. Ảnh: Minh Quân

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sai lệch trên, theo bà Trần Thị Kim Phượng – Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh, khi lập hồ sơ di tích, đặc biệt là những di tích được xếp hạng vào thế kỷ trước, chưa lường hết tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nên nhiều di tích khoanh vùng quá rộng, ảnh hưởng đến quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương dẫn đến việc quản lý, bảo vệ di tích còn nhiều khó khăn.

Mặt khác, trước đây, khi xếp hạng các di tích chủ yếu chỉ khoanh vùng trên tổng thể và ước lượng, việc đo đạc thực hiện thủ công bằng tay nên tính chính xác không cao, dẫn đến diện tích bị sai lệch so với thực tế lớn.

Nhiều di tích khi xếp hạng đã khoanh vùng khu vực bảo vệ vào các thửa đất của các hộ dân đang sinh sống, ăn ở lâu đời. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đồng thời ảnh hưởng tới các nhu cầu của đời sống nhân dân như: Sinh hoạt dân sinh; xin cấp phép xây dựng, sửa chữa; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất…, dẫn đến đơn thư, kiến nghị kéo dài, đặc biệt là các di tích trên địa bàn thành phố Vinh. Ngoài ra, trong quá trình xem xét điều chỉnh khoanh vùng còn có sự nhập nhằng giữa các luật liên quan như Luật Di sản, Luật Đất đai, Luật Xây dựng.

_______________

Ông Phạm Công Vinh - Phó trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý di tích tỉnh, hiện nay có nhiều di tích cần điều chỉnh khoanh vùng nhưng đến nay vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nào về điều chỉnh khoanh vùng di tích từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Với một số trường hợp đặc biệt, bức thiết, ngành Văn hóa đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ, kiến nghị cho chủ trương điều chỉnh. Như trường hợp Di tích nhà ông Nguyễn Hữu Diên, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ cho di tích này; dự kiến diện tích khu vực khoanh vùng điều chỉnh giảm từ 2.006m2 xuống còn gần 400m2.

Để hoàn tất việc điều chỉnh khoanh vùng di tích còn rất nhiều việc phải làm, như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hay làm đường để thuận tiện cho việc tách thửa trong trường hợp cần thiết…., liên quan đến nhiều ngành như: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ngành liên quan để ngành Văn hóa có thể điều chỉnh khu vực khoanh vùng di tích, giải quyết những bất cập liên quan đến di tích này. Còn về tổng thể, lâu dài, Trung ương cần có quy định hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các địa phương trong việc tiến hành điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích theo hướng vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, vừa gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

________________

Bà Trần Thị Kim Phượng - Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An

Mới nhất
x
Nhiều di tích tại Nghệ An có sự sai lệch giữa khu vực khoanh vùng bảo vệ và hiện trạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO