Xã hội

Nhiều khó khăn trong việc triển khai dạy bơi cho trẻ

Minh Quân 25/07/2024 11:30

Những năm gần đây, hoạt động phòng chống đuối nước trẻ em ở Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối hằng năm giảm chưa bền vững; nhiều trẻ vẫn chưa được tiếp cận với việc học bơi.

Hơn 160 trẻ tử vong do đuối nước trong hơn 3 năm

Chiều tối ngày 10/7/2024, tại bãi biển Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân là cháu Ng. N. T. U. (SN 2013), trú tại xã Hưng Đông (TP Vinh) khi về quê ở xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai cùng bạn ra bãi biển Quỳnh Phương tắm. Trong quá trình tắm, cháu Uyên bị nước cuốn ra xa, lại không biết bơi nên đã tử vong.

Đây là vụ tử vong ở trẻ em do đuối nước xảy ra gần nhất và là một trong nhiều vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn Nghệ An thời gian qua. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có 165 trẻ em tử vong do đuối nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ đuối nước gây tử vong cho 16 trẻ em.

đuối nước
Số trẻ em tử vong do đuối nước ở Nghệ An từ năm 2021 - 30/6/2024. Đồ họa: Minh Quân

Trước những nguy cơ về tai nạn đuối nước cùng những con số đáng báo động, UBND tỉnh cùng các sở, ngành, đoàn thể đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa số vụ, số trẻ em bị tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, tỉnh bố trí ngân sách khoảng hơn 4 tỷ đồng để phục vụ công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Năm 2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, đề ra mục tiêu hằng năm giảm 5-10% số trẻ em tử vong do đuối nước. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, 50% trẻ em tỉnh Nghệ An trong độ tuổi 6-16 biết bơi an toàn, biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước và tăng lên 60% trong năm 2030; có 100% huyện, thành phố, thị xã hoàn thành việc xây dựng mô hình “Trẻ em toàn xã biết bơi”, “Học sinh toàn trường biết bơi”.

Trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam”, triển khai các hoạt động dự án tại 12 xã điểm thuộc các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu.

hương trình ngoại khóa phòng chống đuối nước ở Trường THCS Diễn Hồng (Diễn Châu).
Chương trình ngoại khóa phòng chống đuối nước ở Trường THCS Diễn Hồng (Diễn Châu). Ảnh: CSCC

Thông qua Dự án đã tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức của tỉnh, tổ chức lớp kỹ năng bơi an toàn cho 1.400 trẻ em và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho 24.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi và cho 1.800 đại biểu là giáo viên mầm non, cán bộ xã; đại diện cha, mẹ, ông, bà thuộc gia đình trẻ em dưới 15 tuổi.

Khó khăn trong phổ cập dạy bơi

Tuy đã có những nỗ lực trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em nhưng Nghệ An vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi số lượng trẻ em bị đuối nước vẫn còn cao; tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối hàng năm giảm chưa bền vững, nhất là vào những dịp thời tiết nắng nóng.

mot-lop-day-boi-cho-tre-em-o-xa-quynh-bang-quynh-luu-.jpg
Một lớp dạy bơi cho trẻ em ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Ảnh: CSCC

Thực trạng trên, bên cạnh nguyên nhân là cha mẹ, những người trực tiếp chăm sóc trẻ đã chủ quan, lơ là trong việc theo dõi, giám sát, quản lý trẻ thì còn xuất phát từ việc nhiều trẻ em không biết bơi và chưa được rèn luyện kỹ năng bơi an toàn trong trong môi trường nước. Công tác dạy bơi cho trẻ em ở cơ sở tuy đã được quan tâm nhưng việc dạy bơi cho trẻ em chưa được thường xuyên, trẻ em chủ yếu là học bơi ở các bể bơi dịch vụ phải đóng kinh phí tương đối cao.

Theo báo cáo của các huyện, thành, thị, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 216 bể bơi, trong đó có 111 bể bơi cố định, 105 bể bơi di động. Hầu hết các bể bơi được xây dựng bởi các cá nhân và doanh nghiệp, với mục đích đầu tư kinh doanh ở các vùng trung tâm có điều kiện kinh tế cao như thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, Diễn Châu… Đối với trẻ em vùng nông thôn, trẻ em nghèo, việc học bơi rất hạn chế. Ngoài ra có một số bể bơi hỗn hợp, bể vầy, lồng tắm, ao, hồ do nhân dân tự tạo để dạy bơi cho trẻ em, tuy nhiên các bể bơi hỗn hợp này không an toàn và không đáp ứng yêu cầu theo quy định.

Bà Lê Thị Nguyệt - Trưởng phòng Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Ngày 7/7/2023, tại kỳ họp thứ 14 khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua Nghị quyết 09/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Nghệ An và theo kế hoạch, năm 2024 hỗ trợ đầu tư lắp đặt 178 bể bơi di động.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết diễn ra rất chậm khi đến giữa tháng 5 UBND tỉnh mới có Quyết định số 1181/QĐ-UBND về việc phê duyệt địa điểm được hỗ trợ đầu tư bể bơi và dạy bơi cho trẻ em và theo quyết định cũng chỉ có 99 địa điểm được hỗ trợ đầu tư bể bơi, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch của Nghị quyết 09/2023. Đến nay, dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết kỳ nghỉ hè của học sinh nhưng việc lắp đặt các bể bơi vẫn chưa được tiến hành do đang chờ UBND tỉnh cấp kinh phí cho các địa phương.

Một buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em tại xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh CSCC
Một buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em tại xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: CSCC

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, là do các địa phương chậm trễ trong việc triển khai rà soát, đánh giá các điều kiện đảm bảo và lựa chọn bố trí địa điểm trường học hoặc UBND xã để lắp đặt bể bơi di động theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 2 và khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 của HĐND tỉnh.

Trong khi đó, đại diện Phòng Văn hóa – Thông tin các địa phương cho rằng, cùng với việc lắp đặt bể bơi thì kinh phí xây dựng các công trình phụ trợ như sân, hàng rào, nhà tắm…; kinh phí để bảo trì, vận hành bể bơi như: Tiền điện máy bơm, tiền hóa chất khử trùng nước, vệ sinh bể... cũng khá cao, trong khi nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên nhiều xã, thị trấn, trường học “e ngại” trong việc đón nhận sự hỗ trợ từ Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Những bất cập này dẫn đến một nghị quyết thiết thực của HĐND tỉnh chậm đi vào cuộc sống và đối với nhiều địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, việc phổ cập bơi cho trẻ em vẫn chỉ được thực hiện trên… giấy.

Mới nhất
x
Nhiều khó khăn trong việc triển khai dạy bơi cho trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO