Nhiều mô hình kinh tế rừng đem lại hiệu quả
Phong trào trồng rừng gắn với phát triển kinh tế đã được phát động tại các địa phương miền núi từ nhiều năm qua và đang đem lại hiệu quả, góp phần tăng độ che phủ, chống xói mòn rửa trôi đất, giúp chống biến đổi khí hậu... và tăng thu nhập, gắn với xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi. Đã có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả ở nhiều địa phương trong tỉnh.
(Baonghean) - Phong trào trồng rừng gắn với phát triển kinh tế đã được phát động tại các địa phương miền núi từ nhiều năm qua và đang đem lại hiệu quả, góp phần tăng độ che phủ, chống xói mòn rửa trôi đất, giúp chống biến đổi khí hậu... và tăng thu nhập, gắn với xóa đói giảm nghèo cho người dân miền núi. Đã có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Vườn mét của người cao tuổi ở bản Sơn Hà
Bản Sơn Hà có 281 hộ dân, với trên 1.227 người. Sơn Hà cũng là bản đông dân nhất của xã Tam Quang, (Tương Dương). Sinh sống trên địa bàn núi rừng, cả bản chỉ có 202 ha đất rẫy luân canh. Còn diện tích đất trồng lúa nước, mỗi hộ chỉ có 100m2. Trước tình hình đó, Chi hội Người cao tuổi đã tiên phong mạnh dạn đăng ký mô hình trồng cây mét. Sở dĩ các cụ chọn cây mét để xây dựng mô hình vì mét là cây trồng truyền thống của bản Sơn Hà. Hơn nữa, thổ nhưỡng đất, địa hình của địa phương rất phù hợp để phát triển loại cây trồng này. Bên cạnh đó, ngoại trừ thời điểm lên măng, còn lại cây mét có thể khai thác nhiều lần trong năm.
Năm 2003 ngay Chi hội Người cao tuổi của bản Sơn Hà phát động phong trào, các cụ đều tích cực tham gia. Đến nay, phần lớn các gia đình đều có vườn mét riêng. Điển hình như gia đình cụ Viêng Tiến Vinh có trên 5 ha, cụ Lô Văn Liễu 4 ha, cụ Phan Hùng Sơn 4 ha. Mặc dù có vườn mét riêng nhưng các cụ đều tích cực chăm sóc mô hình chung của chi hội. Cụ Lô Thị Hoan – một hội viên của Chi hội chia sẻ: Tuổi cao không làm được chi nhiều, làm cái vườn mét của Chi hội để các ông bà đều vui. Động viên con cháu là chủ yếu mà”.
Vườn mét của Chi hội Người cao tuổi bản Sơn Hà. Ảnh: Đ.T
Với tinh thần động viên ấy, từ cây mét, nhiều gia đình ở bản Sơn Hà đã mở rộng diện tích trồng keo, xoan. Đặc biệt, năm 2012 với chương trình 135 của Chính phủ, hộ nào trồng một gốc mét, hoặc xoan được hỗ trợ 1.000 đồng. Vậy là Chi hội Người cao tuổi của bản lại có thêm niềm tin để thực hiện mô hình đã lựa chọn. Ông Lô Văn Phòng – Bí thư Chi bộ bản Sơn Hà cho biết, hiện nay cây mét vẫn là cây trồng chủ lực của bản Sơn Hà. Với diện tích khoảng 450 ha, năm 2012, cây mét đã đem lại thu nhập gần 2 tỷ đồng. Các cụ không chỉ trực tiếp góp phần vào kết quả đó mà còn có công rất lớn trong việc động viên con cháu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Có thể nói, trong điều kiện đặc thù của địa bàn, với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, Chi hội Người cao tuổi bản Sơn Hà đã chọn được cách làm hay, phù hợp. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương trồng rừng thay nương rẫy và từng bước thay đổi nhận thức của thế hệ con cháu trên vùng đất miền Tây xứ Nghệ nhiều tiềm năng.
Xanh lại vùng đồi trọc
Thực hiện xây dựng vùng kinh tế mới theo Quyết định 254 của UBND tỉnh Nghệ An, năm 1985, có 86 hộ dân xã Nghi Quang (Nghi Lộc) tự nguyện lên xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) lập nghiệp và phát triển kinh tế. Vùng đất mới của họ là bản Bình Quang, cách đường QL 48A 5km. Thời kỳ đó mục tiêu sản xuất lương thực là chủ yếu, cho nên những cánh rừng già được họ dốc sức đốn ngã để gieo trồng lúa rẫy, ngô bắp… Chẳng bao lâu, các khu rừng cổ thụ và gỗ quý không còn nữa. Sau hơn 10 năm chặt rừng, san đồi, bà con Bình Quang đã tạo nên một vùng cây nguyên liệu như lúa, sắn bạt ngàn. Nhưng rừng bị thu hẹp đã gây hậu quả trong sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái. Với lợi thế đất rừng, Nhà nước đầu tư và phát triển vốn rừng, khôi phục lại rừng cây nguyên liệu, Bình Quang nhanh chóng vào cuộc trồng lại rừng. Hiện nay, ở Bình Quang nhà nào cũng đua nhau trồng keo, họ thuê mướn nhân công làm đất trồng rừng và hôm nay trên đất Bình Quang đã có gần 300 ha cây keo từ 1 đến 5 tuổi.
Ông Nguyễn Minh Giảng, Bí thư chi bộ Bình Quang cho biết: "Cây keo được phát triển ở vùng đất này rất nhanh. Chỉ trồng 5 đến 7 năm là thu hoạch. Vì bây giờ cây keo là nguyên liệu chính của các nhà máy giấy, do đó hiện nay ở Bình Quang nhà nhà đều ươm keo, trồng keo, bình quân mỗi hộ trồng 4 - 5 ha, có nhà trồng hàng chục ha trở lên như ông Nguyễn Văn Hải có 20 ha. Vụ vừa rồi gia đình ông thu hoạch sau khi trừ chi phí có lãi 250 triệu đồng. Gia đình ông Vũ Duy Hưng, Nguyễn Minh Tâm… mỗi hộ có từ 3 - 10 ha keo, 5 - 7 ha cây mía nguyên liệu, mỗi năm thu nhập trên trăm triệu đồng.
Nhớ lại cách đây 8 năm về trước, từ bản Quỳnh 2 (xã Châu Bình) vào bản Bình Quang, hai bên đường toàn là cây lau lách, thi thoảng có người dân ở, thì hôm nay cả vùng đất này là một màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng keo, rừng mía đang thi nhau mọc lên tươi tốt bời bời. Mảnh đất Bình Quang hôm nay đã đổi thay rất nhiều, từ 86 hộ năm 1985 với những ngôi nhà lá xiêu vẹo, nay là 93 hộ với 93 ngôi nhà lợp ngói, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm hẳn, hàng năm cung cấp cho nhà máy đường trên 5.900 tấn mía, thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên, nạn chặt phá rừng bừa bãi không còn nữa, thay vào đó quỹ đất đã được phủ kín bởi trồng cây nguyên liệu, cây công nghiệp và không còn bao lâu nữa vùng đất này thu về hàng trăm tỷ đồng, không những làm giàu cho gia đình mà còn tạo nên môi trường trong lành, góp phần ngăn chặn được lũ lụt và đem lại sự bình yên cho người dân.
Đào Tuấn - Ngô Hoài An