Nhiều sai phạm trong quá trình thanh tra.
Có vi phạm trong quá trình thanh tra và ra kết luận thanh tra. Một số đơn vị bộ đội mà các đối tượng khai trong bản kết luận là không có, hoặc không chính xác... Đó là ý kiến của luật sư, cựu chiến binh đã từng tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, sau khi đọc loạt bài: Xung quanh bài báo “Nhức nhối chuyện da cam ở Nghi Lộc” đăng trên báo Nghệ An số ra ngày 10 và 11/9/2012.
(Baonghean) - Có vi phạm trong quá trình thanh tra và ra kết luận thanh tra. Một số đơn vị bộ đội mà các đối tượng khai trong bản kết luận là không có, hoặc không chính xác... Đó là ý kiến của luật sư, cựu chiến binh đã từng tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, sau khi đọc loạt bài: Xung quanh bài báo “Nhức nhối chuyện da cam ở Nghi Lộc” đăng trên báo Nghệ An số ra ngày 10 và 11/9/2012.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, thạc sỹ, luật sư Nguyễn Trọng Hải (Văn phòng Luật sư Lê Trần - Đoàn luật sư Nghệ An) cho biết: Gần đây, cơ quan điều tra đã phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hành vi làm giả tài liệu, con dấu của của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương qua các thời kỳ nhằm hưởng lợi bất chính. Dư luận và bạn đọc rất hoan nghênh những người đã dũng cảm đứng ra tố cáo cũng như phản ánh của Báo Nghệ An liên quan đến việc thực hiện chế độ hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam ở huyện Nghi Lộc trong loạt bài "Nhức nhối chuyện da cam ở Nghi Lộc". Những chứng cứ thu thập được trong các bài báo là những dấu hiệu cho thấy có sai phạm trong quá trình làm hồ sơ để hưởng chế độ chất độc da cam của các cá nhân cũng như quá trình thanh tra và ra kết luận thanh tra của các cơ quan chức năng.
Luật sư Nguyễn Trọng Hải trả lời Báo Nghệ An
Ở khía cạnh pháp lý, hành vi làm giả hồ sơ (nếu có) tùy vào tính chất và mức độ nghiêm trọng sẽ bị xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc. Điều 267, Bộ luật Hình sự quy định tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 4 năm đến 7 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Ở một diễn biến khác, theo xác minh, phản ánh của Báo Nghệ An thì, kết luận của Đoàn thanh tra do UBND huyện Nghi Lộc đã đi ngược lại những gì mà UBND tỉnh đã chỉ đạo và dư luận, bạn đọc chờ đợi. Đối chiếu với những tài liệu mà Báo Nghệ An xác minh, có thể nhận thấy sự bất thường trong những kết luận.
Thứ nhất là vi phạm về thời hạn thanh tra, theo Luật Thanh tra năm 2010: “Cuộc thanh tra do Thanh tra huyện, Thanh tra sở tiến hành không quá 30 ngày; ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 45 ngày. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra”. Quyết định số 255/QĐ-UBND của UBND huyện Nghi Lộc về thành lập đoàn thanh tra ký ngày 08/3/2012, trong khi mãi đến ngày 04/7/2012, đoàn thanh tra mới có kết luận.
Thứ hai là vi phạm nguyên tắc: “Tuân theo pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời” được quy định tại Điều 7, Luật Thanh tra. Mâu thuẫn trong Bản xác minh của Ban CHQS huyện Nghi Lộc và các Công văn số 33/TM-QL và số 154/CS-CCT gửi Báo Nghệ An của Bộ Tham mưu QK4 cũng thể hiện sự thiếu tinh thần trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ở huyện Nghi Lộc. Mặt khác, những xác minh của phóng viên cũng làm lộ rõ việc làm giả hồ sơ, xuất phát từ những tình huống rất nhỏ như việc khai tử cho con ông Nguyễn Hồng Nho là Nguyễn Văn Tùng mất năm 1980, nhưng lại đăng ký chứng tử ngày 2/11/2008, trong khi thời hạn quy định đăng ký chứng tử là 15 ngày...
Qua những chứng cứ thu thập được khẳng định sự thiếu trách nhiệm của Đoàn thanh tra huyện Nghi Lộc trong quá trình thanh tra, việc ra kết luận thanh tra đang có vấn đề. Đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ, nếu có dấu hiệu sai phạm thì phải xử lý theo pháp luật.
* Trong quá trình thu thập thông tin, phóng viên Báo Nghệ An đã liên lạc với nhà báo, cựu chiến binh Lê Bá Dương - hiện là Phụ trách Văn phòng thường trú Báo Văn hóa (Bộ VHTT-DL khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên), nguyên sỹ quan Tuyên huấn- Phòng chính trị Sư đoàn 320B (390) Quân đoàn 1. Trong bức thư gửi Báo Nghệ An, nhà báo Lê Bá Dương cho biết: Tôi đã lục tung tài liệu lịch sử của các đơn vị trong toàn quân để tìm những đơn vị mà các CCB đã khai trong bản kết luận. Và ông chỉ rõ:
1/ Về trường hợp ông Niệm khai nhập ngũ 10/63 tại D13- E78 – F320 (Tiểu đoàn 13, Trung đoàn 78, Sư đoàn 320): Tôi là cán bộ tuyên huấn của Sư đoàn, từng tham gia viết sử Sư đoàn nên nắm rất chắc biên chế các đơn vị. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, chính xác, tôi lục tìm lại các tài liệu của cả sư A và sư B qua các cuốn lịch sử (kể cả Bách khoa toàn thư mở được công khai trên mạng internet) của Sư đoàn từ ngày thành lập (16/1/1951) đến nay đều không tìm thấy phiên hiệu Trung đoàn 78 trong biên chế của Sư đoàn 320.
Về đơn vị K4 – E324 (K hay D là chỉ cấp tiểu đoàn – E là trung đoàn), trong biên chế toàn quân từ trước đến nay đều không tồn tại trung đoàn nào có phiên hiệu 324, mà chỉ có phiên hiệu Sư đoàn 324. Thực chất chỉ có Tiểu đoàn 4 – Trung đoàn 335 thuộc Sư đoàn 324 – nhưng lại ở Quân khu 4. Hoàn toàn không có đơn vị nào có phiên hiệu là K4 – E24 tại Long An…
2/ Trường hợp của ông Nho khai ở đơn vị C (đại đội) 767, E (trung đoàn) 97 pháo binh đóng quân tại Quảng Trị và tham gia 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị : Thực sự trong biên chế của toàn quân không hề tồn tại đơn vị pháo binh có phiên hiệu E 97 như ông Nho khai- càng không hề có chuyện đơn vị E 97 tham gia bảo vệ thành cổ.
Xin chụp nguyên trang 180 – sách “Tổng kết chiến dịch giải phóng và bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 của Viện Lịch sử Quân sự Bộ Quốc phòng (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân-2006) – phần liệt kê đơn vị pháo binh tham gia chỉ có 3 đơn vị là E 164- E45 – E84).
- Cũng ông Nho khai được bổ sung sang C11- D 703 (Đại đội 11, Tiểu đoàn 703), Quân đoàn 1 đóng quân ở Thanh Hóa.
Tôi là lính trong quân đoàn, từng đi khắp các đơn vị trong quân đoàn, nhưng để cho chắc chắn, đã tìm kỹ trong các tài liệu liên quan đến lịch sử biên chế quân đoàn, hoàn toàn không có tiểu đoàn độc lập nào có phiên hiệu 703. Bộ Tư lệnh và các tiểu đoàn trực thuộc Quân đoàn 1 từ trước đến nay đóng quân tại Tam Điệp (Ninh Bình), không phải ở Thanh Hóa.
3/ Trường hợp ông Nhã: Theo tự khai của ông Nhã, sau khi huấn luyện ở đoàn 22 bổ sung sang D3 E 249 công binh làm nhiệm vụ ở Ngầm Đuồi Cam Lộ và Thạch Hãn Quảng Trị từ 2/72.
Đơn vị nói trên không phải là trung đoàn, mà là Lữ đoàn 249 – còn gọi là lữ đoàn Sông Lô, thành lập ngày 24/7/1951. Có tham gia hoạt động ở chiến trường Quảng Trị năm 72 và chiến dịch Hồ Chí Minh.
Riêng Lữ đoàn 146 Hải Quân đánh bộ - là đơn vị đặc công, từng tham gia giải phóng Campuchia.
Để kiểm tra chính xác những trường hợp này, có thể yêu cầu các CCB này trưng ra các giấy tờ xác nhận của đơn vị. Đồng thời kiểm tra trích ngang lí lịch quân nhân (nếu là Đảng viên thì càng dễ). Hoặc các cơ quan có trách nhiệm gửi đơn đến các binh chủng mà các CCB này khai từng công tác để xác minh.
Nhóm P.V