Nhiều trung tâm y tế ở Nghệ An gặp khó trong triển khai bệnh án điện tử
Thời điểm này, việc triển khai bệnh án điện tử tại các trung tâm y tế có giường bệnh ở Nghệ An đang gặp không ít khó khăn.
Đồng loạt triển khai

Năm 2025, được sự chỉ đạo của Sở Y tế Nghệ An, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nghĩa Đàn đã triển khai xây dựng hồ sơ bệnh án điện tử. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hồng - Giám đốc TTYT huyện Nghĩa Đàn cho biết: Chủ trương triển khai bệnh án điện tử đã được sự đồng tình, nhất trí cao của toàn thể ban lãnh đạo, người lao động. Đầu năm 2025, trung tâm đã ban hành kế hoạch triển khai. Đến ngày 18/1/2025, trung tâm đã phối hợp cùng công ty cung cấp phần mềm tiến hành cài đặt các loại phần mềm liên quan. Hiện nay, tiến độ đã hoàn thành được 70%. Dự kiến đến cuối tháng 4/2025, việc xây dựng bệnh án điện tử hoàn tất.
Trong năm 2025 này, không riêng gì TTYT huyện Nghĩa Đàn, mà tất cả các đơn vị khám, chữa bệnh trong tỉnh đã, đang và sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trong đó có việc xây dựng bệnh án điện tử. Mới đây nhất, vào chiều 4/4/2025, hội đồng chuyên môn đánh giá bệnh án điện tử của ngành Y tế đã tiến hành thẩm định, đánh giá điều kiện triển khai bệnh án điện tử tại TTYT huyện Nam Đàn.

Bác sĩ Nguyễn Cảnh Thắng - Giám đốc TTYT huyện Nam Đàn cho hay: Trung tâm bắt đầu triển khai bệnh án điện tử từ tháng 10/2024, đến nay đã số hóa 100% hồ sơ bệnh án nội trú; ký số hồ sơ, sinh trắc vân tay người bệnh, người nhà người bệnh bằng hệ thống phần mềm công nghệ thông tin. Sau khi được thẩm định với kết quả đạt, trong tháng 5/2025, TTYT huyện Nam Đàn sẽ chính thức đưa vào áp dụng bệnh án điện tử.
Bệnh án điện tử là hệ thống phần mềm cho phép số hóa toàn bộ các thông tin về bệnh án, đơn thuốc, các kết quả chỉ định cận lâm sàng của bệnh nhân một cách chính xác và có hệ thống. Hệ thống này giúp các bác sĩ, nhân viên y tế có thể theo dõi và quản lý sức khỏe của bệnh nhân mọi lúc, mọi nơi; có thể hội chẩn trực tiếp hoặc hội chẩn từ xa, giúp cho hiệu quả điều trị ngày càng tốt hơn.
Với bệnh án điện tử, các thủ tục đăng ký khám bệnh của bệnh nhân, mọi thao tác đều có thể được sử dụng, hướng dẫn qua máy móc, bệnh nhân dễ dàng tra cứu, theo dõi kết quả, cập nhật tình trạng bệnh qua App điện thoại.
Việc các cơ sở khám, chữa bệnh ở Nghệ An đồng loạt triển khai bệnh án điện tử bắt nguồn từ việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo, đôn đốc 100% các bệnh viện trên toàn quốc phải triển khai bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh của địa phương với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, tận dụng dữ liệu đã được liên thông liên tuyến để cắt giảm xét nghiệm cho người dân, hoàn thành trong tháng 9/2025.

Được biết, từ trước đến nay, ở Nghệ An đã có 12/53 đơn vị khám, chữa bệnh đã chủ động, triển khai thành công bệnh án điện tử. Ở thời điểm này, với những chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế Nghệ An, thì việc triển khai thành công bệnh án điện tử đã trở thành một yêu cầu bắt buộc, cũng như là một quyết tâm chính trị của mỗi đơn vị khám, chữa bệnh...

Khó khăn về nguồn lực đầu tư
Quyết tâm là thế, song thực tế cho thấy việc triển khai bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tự chủ nhóm 3 đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc, đặc biệt tại các TTYT huyện có giường bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hồng - Giám đốc TTYT huyện Nghĩa Đàn cho hay: Hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị sử dụng lâu nay đã xuống cấp; vừa thiếu lại vừa không đồng bộ. Để triển khai bệnh án điện tử, đơn vị phải mua sắm rất nhiều thiết bị, phần mềm mới. Dẫu đã được công ty phần mềm cho mượn máy chủ, cho sử dụng hệ thống kiểm soát bảo mật dữ liệu bức tường lửa và một số máy lưu trữ khác, song cũng cần phải bỏ ra thêm 3 tỷ đồng. Đây là một lượng kinh phí rất lớn đối với một đơn vị nhỏ ở khu vực miền núi.

Rất mong các cấp, ngành có thêm sự hỗ trợ đầu tư. Việc phát triển bệnh án điện tử hiện nay được lấy từ nguồn quỹ đầu tư phát triển của đơn vị, như vậy sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Ngoài ra, đề nghị Sở Y tế sớm có sự chỉ đạo chung cho các đơn vị trong ngành nên sử dụng chung một hệ thống phần mềm (ở Nghệ An hiện có 2 công ty cung cấp phần mềm bệnh án điện tử) nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ dữ liệu. Ngành Y tế sớm thống nhất cùng Bảo hiểm xã hội để sớm bỏ hoàn toàn bệnh án giấy tránh tình trạng lãng phí.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hồng - Giám đốc TTYT huyện Nghĩa Đàn

Hiện nay, trung tâm đang khảo sát, nghiên cứu để lựa chọn công ty cung cấp phần mềm bệnh án điện tử. Khi đã khảo sát xong, chúng tôi sẽ đầu tư, triển khai, cố gắng hoàn thành trước ngày 30/8/2025. Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là cần mua sắm máy chủ, hạ tầng công nghệ chưa đảm bảo. Trong khi nguồn đầu tư của trung tâm gặp nhiều khó khăn. Ước tính tổng chi phí đầu tư lên đến 1 tỷ đồng. Trong điều kiện chưa có tiền đầu tư thì trung tâm bắt buộc phải làm hợp đồng thuê máy chủ, thuê phần mềm của công ty... sau này sẽ trả dần.
Bác sĩ Đặng Tân Minh - Giám đốc TTYT huyện Quỳ Châu
Nguồn đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin để làm bệnh án điện tử tương đối nhiều. Tối thiểu từ 5-6 tỷ đồng, tối đa 7-8 tỷ đồng. Với số tiền này thì đơn vị không có nguồn để đầu tư. Nếu hợp đồng thuê toàn bộ phần mềm, máy chủ, thiết bị của công ty cung cấp thì đơn vị phải trả khoảng 1 tỷ đồng/năm. Để triển khai bệnh án điện tử, rất mong sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp, ngành. Tiếp đó, rất mong Nhà nước sớm hướng dẫn các mục chi cho công nghệ thông tin, kết cấu giá thành dịch vụ y tế có thành phần công nghệ thông tin... để đơn vị có kinh phí để “nuôi” bệnh án điện tử.
Bác sĩ Nguyễn Văn Khanh - Giám đốc TTYT huyện Anh Sơn

Dẫu gặp khó khăn trong nguồn lực đầu tư cũng như kinh phí để “nuôi” bệnh án điện tử, song các đơn vị y tế ở Nghệ An vẫn rất quyết tâm để hoàn thành bệnh án điện tử theo tiến độ đề ra. Bác sĩ Phạm Đình Luyện - Giám đốc TTYT huyện Quỳ Hợp bày tỏ: Khó khăn thì rất nhiều nhưng đơn vị vẫn quyết tâm, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nguồn lực ít thì làm ít, đang thiếu thì nợ hoặc thuê, cố gắng xoay xở dần.
Trao đổi về những khó khăn mà các đơn vị khám, chữa bệnh công lập đang gặp phải trong quá trình triển khai bệnh án điện tử, lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho hay: Sở Y tế đang yêu cầu các đơn vị nêu rõ những khó khăn, vướng mắc gặp phải và gửi dự toán triển khai bệnh án điện tử để tổng hợp. Trên cơ sở đó, Sở Y tế sẽ có văn bản chính thức đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cấp kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin làm bệnh án điện tử...
Ở thời điểm này, Bộ Y tế đang giao Vụ Kế hoạch xây dựng cơ cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh mới, trong đó có yếu tố cấu thành là công nghệ thông tin.