Xã hội

Nhiều trường nghề ở Nghệ An sớm đạt chỉ tiêu tuyển sinh

Minh Quân 31/07/2024 10:29

Với số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đông, khả năng tiếp nhận của các trường THPT công lập và ngoài công lập có hạn, năm nay, nhiều trường nghề ở Nghệ An cũng thuận lợi hơn trong công tác tuyển sinh.

Năm học 2024 - 2025, theo kế hoạch, Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành tuyển sinh 290 học sinh. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Thuận - Hiệu trưởng nhà trường, đến thời điểm này, đã có đến 370 học sinh đăng ký nhập học, trong đó có cả học sinh đến từ huyện Diễn Châu. Nhiều phụ huynh đã nộp hồ sơ cho con em vào học ngay khi kết thúc năm học lớp 9 thay vì chờ kết quả không đậu vào trường THPT mới tìm đến trường.

thuc-hanh-nghe-may-tai-truong-trung-cap-ky-thuat-yen-thanh.jpg
Thực hành nghề may tại Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành. Ảnh: Nhà trường cung cấp

“Tính trong khoảng 10 năm trở lại đây thì năm nay là năm có số lượng học sinh đăng ký nhập học đông nhất. Chỉ trong ngày đầu nhập học, ngày 15/7, số học sinh đến đăng ký đã vượt quá chỉ tiêu của trường", ông Thuận chia sẻ.

Tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An (đóng trên địa bàn thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu), ông Chu Minh Lợi - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nắm bắt được số lượng học sinh sau tốt nghiệp THCS tăng, từ đầu năm, trường đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh hệ trung cấp với 480 chỉ tiêu, tăng 105 chỉ tiêu so với năm học trước. Năm trước, đến khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 nhà trường mới tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, đến nay, sau thời gian ngắn tuyển sinh, nhà trường đã tiếp nhận cơ bản 480 đủ số lượng học sinh hoàn thành chương trình THCS có nguyện vọng vừa học văn hóa, vừa học nghề đúng với khả năng tiếp nhận của trường”.

thuc-hanh-nghe-dien-tai-truong-trung-cap-kinh-te-ky-thuat-bac-nghe-an.jpg
Thực hành nghề Điện tại Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Bắc Nghệ An. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Toàn tỉnh hiện có 53 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở tham gia đào tạo nghề, trong đó, có 9 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 19 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 12 cơ sở khác.

Theo ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, một tín hiệu đáng mừng là đến thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành sớm công tác tuyển sinh đối với học sinh tốt nghiệp THCS.

Ngoài Trường Trung cấp kỹ thuật Yên Thành, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, các trường: Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An, Trung cấp kinh tế - kỹ thuật miền Tây, Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Tây Nam… và các trường cao đẳng nghề có đào tạo hệ trung cấp như Cao đẳng kỹ thuật - công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Cao đẳng Việt - Đức Nghệ An, Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An… đến nay cũng cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh đối với đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS.

Được biết, nguyên nhân khiến các trường nghề tuyển sinh thuận lợi hơn so với các năm trước là do số lượng học sinh lớp 9 năm học 2023 - 2024 tăng đột biến. Theo thống kê, toàn tỉnh có 53.829 học sinh lớp 9, tăng 7.249 em so với năm học trước. Trong số này, có khoảng 6.000 học sinh không đăng ký thi vào lớp 10 mà đăng ký vào các trường nghề, đi làm hoặc có lựa chọn khác.

Mặt khác, các trường cũng đã chủ động, quyết liệt trong công tác tuyển sinh ngay từ đầu năm bằng những kế hoạch, biện pháp cụ thể. Ví như với Trường Trung cấp nghề kỹ thuật Yên Thành, Hiệu trưởng nhà trường Trần Thanh Thuận cho biết: “Nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên xuống 33 trường THCS trên địa bàn huyện để giới thiệu chương trình học văn hóa kết hợp với học nghề, giúp phụ huynh và học sinh hiểu được học nghề theo chương trình này vừa được ưu tiên tuyển sinh, quan tâm bảo đảm chất lượng đào tạo, rút ngắn thời gian học tập và được hỗ trợ về học phí trong suốt quá trình học tập, tiết kiệm chi phí để lập thân, lập nghiệp. Nhờ đó, nhiều em sau đó đã đăng ký vào học ở trường thay vì lựa chọn xét tuyển vào các trường THPT trên địa bàn”.

Từ cuối năm 2022, Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT được ban hành, quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, học sinh trường nghề phải học các môn học bắt buộc, gồm 3 môn học là Toán, Ngữ văn, Lịch sử và ít nhất 1 môn học lựa chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý. Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định lựa chọn các môn học phù hợp với ngành, nghề đào tạo. Thông tư này đã giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hành lang pháp lý và chủ động hơn trong việc triển khai việc dạy văn hóa cho học sinh vừa tốt nghiệp THCS tham gia học nghề.

Ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Mới nhất
x
x
Nhiều trường nghề ở Nghệ An sớm đạt chỉ tiêu tuyển sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO