Nhìn lại 20 năm huy động và sử dụng ODA tại Việt Nam
(Baonghean) - Vừa qua, tại Thành phố Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tổ chức đánh giá lại chặng đường 20 năm huy động và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương, trong hơn 20 năm qua, chủ trương của Đảng và Nhà nước về thu hút các nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển KT - XH và xóa đói, giảm nghèo đã được khẳng định và nhấn mạnh trong các Nghị quyết, đặc biệt là trong Văn kiện Đại hội XI đã nêu rõ: “Phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.
![]() |
Dự án nâng cấp Nhà máy nước Vinh công suất 60.000 m3/ngày sử dụng nguồn vốn ODA. Ảnh: H.V |
Trên cơ sở các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, Nghị định sau tiến bộ hơn Nghị định trước theo hướng đồng bộ và nhất quán hơn với hệ thống quản lý nhà nước về đầu tư công, hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ, tiệm cận với các chuẩn mực và phù hợp thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, nhờ có sự đồng hành đáng tin cậy của cộng đồng hơn 50 nhà tài trợ quốc tế, hoạt động hợp tác phát triển trong hầu hết các ngành, lĩnh vực và trên địa bàn của tất cả các tỉnh và thành phố, với quy mô vốn ODA cam kết khoảng 80 tỷ đô la Mỹ thông qua hơn 20 Hội nghị CG từ năm 1993 đến nay, đã góp phần quan trọng hỗ trợ Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT - XH của đất nước.
Thành công trong huy động và sử dụng vốn ODA
Theo đánh giá của Ban tổ chức hội thảo, các thành tựu quan trọng mà Việt Nam đạt được trong huy động và sử dụng nguồn vốn ODA được thể hiện ở nhiều góc độ.
Thứ nhất: Đó là sự góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tạo niềm tin, khuyến khích các DN và nhà đầu tư nước ngoài tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư ở Việt Nam.
Thứ hai: Các khoản ODA đã ký trong hơn 20 năm qua, bình quân khoảng 3 tỷ USD/năm là nguồn tài chính đáng kể, hỗ trợ sự nghiệp đổi mới của Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng về KT-XH.
Thứ ba: Hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng chính sách phát triển, cải cách hành chính công, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN thông qua việc hỗ trợ xây dựng hệ thống pháp luật, hoạt động tuyên truyền và đào tạo pháp luật, đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thứ tư: Góp phần quan trọng tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho xã hội của các ngành và lĩnh vực cơ sở hạ tầng KT-XH (giao thông vận tải, năng lượng, y tế, giáo dục và đào tạo...); phát triển sản xuất nông nghiệp; xóa đói, giảm nghèo; cải thiện môi trường; giảm nhẹ thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.
Thứ năm: Hỗ trợ tăng cường năng lực con người thông qua các hoạt động đào tạo trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ, cung cấp tri thức, chia sẻ kinh nghiệm tiên tiến về quản lý kinh tế và xã hội.
Có thể nói, với những kết quả nói trên, Việt Nam được đánh giá là một mô hình thành công trong huy động và sử dụng ODA.
Bên cạnh những kết quả nổi bật ấy, công tác thu hút, quản lý và sử dụng ODA trong thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế yếu kém. Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Năng lực hấp thụ ODA của quốc gia, ngành, địa phương và những dự án cụ thể còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân ODA so với nguồn vốn ODA đăng ký còn rất thấp, tính chung mới đạt khoảng 63%. Thiết kế một số chương trình, dự án ODA chưa sát với thực tế, phân bổ ODA còn dàn trải; việc lồng ghép ODA với một số chương trình mục tiêu quốc gia còn trùng lặp. Hiệu quả sử dụng đầu tư công nói chung, ODA nói riêng còn thấp. Đây cũng là một trong các nguyên nhân tác động đến tính bền vững và an toàn của nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Công tác quản lý ODA còn bất cập, còn có những sai phạm về vi phạm các quy định ODA của Chính phủ và của nhà tài trợ…
Bước tiến trở thành nước có thu nhập trung bình
Theo Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam đã có sự phát triển tốt, từ một nước nghèo vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Đây là một thành công lớn, nhưng cũng đặt ra thách thức trong tương lai không xa, khi Việt Nam không còn nhận được ODA dồi dào như trước, phải tiếp cận, huy động cả các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn. Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ đang có những điều chỉnh nhất định về chính sách để phù hợp với bối cảnh mới, như thay đổi về cơ cấu nguồn vốn viện trợ, phương thức hợp tác phát triển và chính sách viện trợ (gồm mở rộng đối tượng, lĩnh vực nhận viện trợ, tăng cường cạnh tranh nhằm nâng cao vai trò, vị thế và lợi ích quốc gia của nhà tài trợ)…đang đặt ra nhiều thách thức trong nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới.
Chính vì vậy, việc làm rõ thêm những kết quả đạt được, những thành công và cả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong huy động, sử dụng ODA của Việt Nam trong hơn 20 năm qua; phân tích đánh giá các nguyên nhân khách quan, chủ quan; đúc rút những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn và đề xuất các định hướng chiến lược, quan điểm và giải pháp để nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng ODA của Việt Nam trong thời gian tới là rất cần thiết. Trong đó, cần tập trung làm những chính sách và thể chế thích hợp để tạo môi trường cho các mô hình viện trợ mới, mở rộng các quan hệ đối tác trực tiếp giữa các chủ thể của hai bên trong quan hệ hợp tác phát triển mới với sự tham gia rộng rãi của khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.
Bên cạnh đó, cần làm rõ những thay đổi trong chính sách viện trợ theo hướng nguồn vốn ODA giảm dần và vốn vay kém ưu đãi, vay thương mại tăng lên đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm bảo đảm mục tiêu duy trì nợ công bền vững với tỷ trọng ưu tiên 70% vốn tiếp nhận được từ ODA là hỗ trợ phát triển KT-XH; trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại với việc tăng cường cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và DN, tạo điều kiện cho các ngân hàng TMCP cùng tham gia với vị thế định chế tài chính trung gian cho vay lại nguồn vốn từ các nhà tài trợ ODA quốc tế; mở rộng cơ chế cho vay lại đối với chính quyền địa phương; giảm thiểu rủi ro từ biến động về tỷ giá, lãi suất trên thị trường vốn quốc tế làm tăng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ; hạn chế tình trạng chuyển sang cơ chế đầu tư vốn Nhà nước gây sức ép tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ; cải thiện năng lực hấp thụ nguồn vốn ODA của các cơ quan thụ hưởng Việt Nam…
Thay đổi tư duy huy động, sử dụng nguồn vốn ODA
Ngoài ra, trong công tác thực hiện tái cấu trúc dòng vốn ODA, cần xác định lĩnh vực nào, ngành trọng tâm nào ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi để hỗ trợ thực hiện các ưu tiên phát triển, các đột phá chiến lược; bao gồm việc hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình và dự án trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng, xây dựng chính sách và phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người, bảo đảm an sinh xã hội (Chương trình 135, 30a…), chăm sóc sức khỏe cho người dân, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Hay như phương thức sử dụng vốn ODA làm “vốn mồi” kích thích đầu tư tư nhân góp phần tăng số lượng vốn giải ngân; biện pháp khắc phục tình trạng thiếu vốn đối ứng, nhất là trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm kế hoạch vốn đối ứng ODA nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm…
Trong giai đoạn hiện nay, để sử dụng tốt hơn nữa nguồn vốn quý báu này, thực tế còn đặt ra yêu cầu phải có tư duy mới về tính cần thiết, hữu ích của nguồn vốn ODA, sự kết hợp linh hoạt giữa viện trợ không hoàn lại, vay ODA và vay ưu đãi để “làm mềm” khoản vay; lựa chọn tập trung vào những nhà tài trợ tiềm năng, đặc biệt là nhóm các ngân hàng phát triển để tạo ra những hiệu ứng tác động lan toả thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư và các vùng kinh tế. Đồng thời, cần tận dụng hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại của một số nhà tài trợ khác để hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực, chia sẻ kiến thức, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, hỗ trợ phát triển các địa phương trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, xoá đói, giảm nghèo,…
Song song với đó, thực tế còn đòi hỏi cần có thêm những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA trong giai đoạn 2016 - 2020 về xây dựng chiến lược; hoàn thiện cơ chế, chính sách; về tính chủ động, phối hợp chính sách và nghiệp vụ, về trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý; tạo lập môi trường vĩ mô cho việc quản lý và phương thức sử dụng; về cơ cấu tổ chức quản lý và sử dụng, phân cấp quyền hạn và vai trò, trách nhiệm của tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình quản lý… cũng như cơ chế theo dõi, giám sát, phòng, chống lãng phí, tính minh bạch để khai thác các lợi thế, tiềm năng; nâng cao vai trò của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ… trong quá trình huy động và sử dụng nguồn vốn này.
Sông Hồng