"Nhìn thẳng vào sự thật" - không dễ !
(Baonghean) - Trong Chỉ thị số 15 CT/TU về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 (khóa XI) của Bộ Chính trị có nêu phương châm, phương pháp tiến hành phê bình, tự phê bình phải "nhìn thẳng vào sự thật". Nhưng để nhìn thẳng được vào sự thật quả là không dễ dàng.
Thứ nhất, yêu cầu của nhìn thẳng vào sự thật là đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt yếu kém, không nể nang, né tránh. Điều này rất khó, vì lâu nay trong quan hệ giữa cấp dưới với lãnh đạo, giữa bộ phận với toàn thể (như địa phương và đất nước), ta thường có thói quen nói vòng vo, nói xa, nói giảm hoặc dùng từ ngữ "trung tính". Khi phê bình thủ trưởng, thay vì cần phải nói: Anh (chị) còn có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, dùng cán bộ tùy thích thì lại nói giảm: "Đôi khi đồng chí còn nóng tính, chưa thật nghe ý kiến tham mưu, và bố trí sử dụng cán bộ chưa thật đều khắp"...
Nhận định về tỉnh Nghệ An hiện nay, cũng chưa nói thật là tỉnh ta còn nghèo; việc thu ngân sách được trên 6 nghìn tỷ đồng năm 2011 thực chất và chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất... mà nói vòng vo rằng: "Kinh tế tỉnh ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Thu ngân sách tuy cao nhất khu vực miền Trung nhưng chưa bền vững". Nói sâu, nói cụ thể một cách thẳng thắn e bị quy chụp là nói xấu cán bộ, là chê bai lãnh đạo, không yêu quê hương mình!
Thứ hai, muốn nhìn thẳng được sự thật, nói đúng sự thật phải nhìn hiện tượng trong sự vận động. Yêu cầu này không chỉ đòi hỏi bản lĩnh, mà đòi hỏi trình độ. Nếu không có năng lực phân tích và ủng hộ cái mới sẽ nhìn tồn tại nhỏ thành to, hiện tượng thành bản chất. Chẳng hạn, một cải tiến quản lý của một đơn vị nào đó khiến một số cán bộ, công nhân viên yếu kém phải ra khỏi dây chuyền sản xuất. Nếu chỉ nhìn bộ phận này mà kết luận thủ trưởng thiếu quan điểm với người lao động là không đúng. Thực tế, cái được coi là khuyết điểm này, khi bộ máy chạy thuần thục tự nó sẽ mất, vì mọi người sẽ phải cố gắng, sẽ làm việc với ý thức trách nhiệm và cường độ cao hơn.
Cuối cùng, khi nhìn thẳng vào sự thật còn yêu cầu phải xem xét nguyên nhân, kết quả trong sự tác động của điều kiện bên ngoài. Chẳng hạn, khi phê bình đồng chí và cấp trên của mình, cần đặt khuyết điểm đó trong mối quan hệ với gia đình, với tình trạng sức khỏe, và trong hạn chế tình hình chung tại đơn vị công tác lúc bấy giờ... Khi phê bình sự lãnh đạo của cấp ủy cũng vậy, phải đặt nó trong bối cảnh chung và những tác động khách quan khác. Quan điểm lịch sử và cụ thể giúp cho khi phê bình tránh được giáo điều, sách vở, phê bình có lý, có tình hơn. Tất nhiên và cần khẳng định lại, dù trong bối cảnh lịch sử nào thì quyết không để tình trạng bao biện như lâu nay: đổ lỗi cho khách quan, che lấp khuyết điểm chủ quan, để cái tình che cái lý.
Nhìn thẳng sự thật trong phê bình, tự phê bình là để đánh giá đúng sự thật. Nhưng đánh giá đúng sự thật, suy đến cùng, nhằm đưa kinh tế - xã hội, phong trào, đơn vị phát triển và cho đồng chí mình tốt hơn, tiến bộ hơn. Do đó, đòi hỏi nhìn thẳng vào sự thật cần phải có biện pháp khắc phục sửa chữa, thiết thực, khả thi như hướng dẫn của Chỉ thị 15 đã yêu cầu.
Thành Nam