Nhìn từ nhà đầu tư TH Group

24/02/2013 16:50

(Baonghean) - Làm nông nghiệp công nghệ cao không hẳn là quá mới ở Việt Nam ta. Thành phố Hồ Chí Minh và nhất là ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã có không ít cơ sở sản xuất nông nghiệp đi theo hướng này. Song, ở các cơ sở này phần lớn đều đang là trang trại nhỏ với quy mô nhỏ, vốn đầu tư không lớn, sản lượng hàng hóa do vậy cũng có hạn.

Còn nông nghiệp công nghệ cao với hình thức trang trại lớn, đầu tư lớn, sản lượng hàng hóa lớn và do vậy đã tạo ra được bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, thì có lẽ mới chỉ có tập đoàn TH (TH Group) thực hiện với dự án chăn nuôi bò sữa và sản xuất sản phẩm sữa tươi sạch TH True Milk tại Nghĩa Đàn Nghệ An ta.

Dù có thể còn những ý kiến khác nhau xung quanh TH True Milk nhưng có thể nói rằng: nay mai, khi mà nông nghiệp công nghệ cao đã trở nên phổ biến ở Việt Nam thì công đầu khai phá là của TH Group.

Để TH True Milk có được thành công bước đầu như hôm nay và có ý nghĩa mở đường cho ngày mai, thì một điều kiện quan trọng ở đây là: học (và cả cái sự học nữa).

Những người lãnh đạo và quản lý chủ chốt của TH. Group đã học, đã biết học và đem cái học được để hành động.

Trước hết, họ xác định học cái gì để giúp họ có được cách nghĩ cách làm mới. Và, định hướng ấy được xác định là học những gì là tân tiến nhất, hiện đại nhất của những quốc gia, những tập đoàn lớn trên thế giới về chăn nuôi bò sữa, về chế biến, bảo quản sữa. Không chỉ học về công nghệ mà còn học về quản lý. Bởi họ hiểu rằng một công nghệ tiên tiến hiện đại chỉ có thể phát huy hiệu quả tối đa khi được quản lý theo phương pháp và phương tiện tiên tiến hiện đại tương ứng.

Khi đã biết cần phải học những gì, họ tìm đến những “ông thầy” đích thực. Đích thực ở đây có hai nghĩa, đích thực về tri thức và đích thực về sự tận tâm, tận lực. Mỗi ông thầy đích thực ấy dạy họ tri thức, dạy họ công nghệ, dạy họ quản lý, dạy họ điều hành, và cuối cùng là dạy cho cán bộ, công nhân của trang trại thực hành.

Những tri thức và công nghệ mà họ học được gắn liền với các thiết bị mà họ mua về để xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa, xây dựng nhà máy chế biến sữa. Các ông thầy này là người của nhiều nước khác nhau. Israel, New Zealand, Hà Lan, Mỹ… Đến TH True Milk ta sẽ thấy tất cả các công đoạn chăn nuôi bò sữa đều là “hiện đại” nhất của thế giới được gom về đây. Những công nhân nuôi bò, vắt sữa… cũng phải qua trường lớp cỡ cao đẳng, đại học. Họ đích thực là những người nuôi bò hiện đại.

Nói điều này phải chăng thành công của TH True Milk gợi mở cho ta về cái sự học của những người con đất học?



Dây chuyền vắt sữa tự động. Ảnh: Lê Quang Dũng

Tập đoàn TH sau thành công của Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến bò sữa trên đất Nghĩa Đàn, đang tiến tới triển khai các dự án: Chế biến gỗ, sản xuất rau sạch (TH True VEG), dược liệu và hương liệu sạch tự nhiên với các sản phẩm: thực phẩm chức năng (60%), thuốc tân dược (30%) và mỹ phẩm (10%) cũng trên đất Nghĩa Đàn.

Thành công của tập đoàn TH là nhờ có nhà đầu tư tâm huyết; chính quyền ủng hộ, có công nghệ cao. Song, có lẽ còn cần và rất cần phải có lời giải cho bài toán lợi ích nữa thì mới trọn vẹn. Lợi ích doanh nghiệp (nhà đầu tư), lợi ích Nhà nước và lợi ích của người dân trong vùng dự án, những người sẽ dành đất, nhường đất để trồng thức ăn cho bò sữa, trồng rau, trồng dược liệu và trồng rừng phải hài hòa, cân đối.

Bài toán lợi ích về tổng thể chung, tập đoàn TH đã có tuyên ngôn: “Đặt lợi ích riêng của tập đoàn trong lợi ích chung của quốc gia”… “Không tìm mọi cách tối đa hóa lợi nhuận mà tìm mọi cách hợp lý hóa lợi ích của tập đoàn”. Vậy là lời giải bài toán lợi ích tổng thể đã có. Và lời giải ấy là chính xác cả về phương diện kinh tế lẫn phương diện xã hội – chính trị. Song, mỗi dự án cụ thể lại có bài toán lợi ích cụ thể, rất riêng mà lời giải tổng thể chung nói trên phải được cụ thể hóa bằng lời giải với các con số định lượng: anh bao nhiêu? tôi bao nhiêu? và người khác bao nhiêu?

Theo tính toán của tập đoàn TH, một ha đất Nghĩa Đàn nếu nông dân tự canh tác sẽ cho giá trị từ 50 – 70 triệu đồng/năm và tối đa 100 triệu đồng/ năm. Cũng một ha ấy, nếu giao cho tập đoàn khai thác sẽ có giá trị 500 triệu đồng thậm chí 1 tỷ đồng, 1,5 tỷ đồng/năm. Không nghi ngờ gì về những con số ấy. Nhưng, câu hỏi đặt ra là: Ngay sau khi giao đất cho dự án người dân được gì và nhất là khi đã không còn đất với tính cách là tư liệu sản xuất chủ yếu của sản xuất nông nghiệp thì dân làm gì để có thu nhập, để sống, để tồn tại và phát triển? Hiện đây đó còn có ý kiến lo ngại về điều này. Và việc giao đất cho các dự án của tập đoàn TH trên đất Nghĩa Đàn chưa ổn thỏa hẳn là vì điều này. Bài toán lợi ích cụ thể này, nếu không có lời giải chính xác (cả kinh tế - chính trị và xã hội), thì chắc chắn sự thành công của các dự án sẽ bị hạn chế rất nhiều. Ở đây có một nguyên tắc là giữa nhà đầu tư và dân trong vùng dự án phải cùng biết chia sẻ cả trách nhiệm và lợi ích. Trước là chia sẻ trách nhiệm với nhau, để sau cùng có lợi ích mà chia sẻ và được chia sẻ. Mọi sự vi phạm (dù là giá nào) đều không được cuộc sống chấp nhận.

Riêng với Dự án Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghiệp với công suất 8.800m3 gỗ ván thanh và 400.000m3 ván sợi công nghiệp MDF, tập đoàn TH đã có vốn đầu tư 500 triệu USD, có công nghệ hiện đại nhất (sẽ nhập), đã có đội ngũ chuyên gia cao cấp trực tiếp quản lý điều hành, và đang rất được chính quyền từ tỉnh, huyện và các xã ủng hộ. Vấn đề còn lại để đi đến thành công, đó là giải bài toán lợi ích giữa nhà máy và dân trồng rừng nguyên liệu.

Tỉnh ta đã có không ít bài học về bài toán này: Trồng mía cho nhà máy đường, trồng chè cho các nhà máy chè, trồng dứa cho các nhà máy chế biến dứa… Bài toán lợi ích giữa nhà máy chế biến gỗ với dân trồng rừng nguyên liệu rất cần học hỏi và tham khảo các bài học ấy. Cần 100.000 – 120.000 ha rừng nguyên liệu là khó hay không khó lệ thuộc vào lời giải của bài toán lợi ích giữa nhà máy và người dân trồng rừng nguyên liệu. Lời giải của bài toán này về phương diện nào đó là không khó. Về nguyên tắc, nếu người dân trồng rừng bán nguyên liệu cho nhà máy có thu nhập cao hơn rõ rệt so với các cây trồng khác thì chắc chắn họ sẽ dành đất cho trồng rừng, mà hoàn toàn không sợ bị các cây trồng khác tranh chấp. Muốn có được điều đó cần giải quyết hai vấn đề chủ yếu:

Thứ nhất: Hỗ trợ, tư vấn cho dân trồng rừng về vốn, về giống cây, về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch để có năng suất gỗ/ha đất trồng rừng cao hơn và ngày càng cao hơn so với cách trồng rừng hiện nay. Theo số liệu (có thể chưa thật chính xác) một ha rừng trồng với chu kỳ 7 năm hiện nay là 70m3/ha. Nếu nhà máy giúp được người dân rồng rừng nâng cao năng suất lên cao hơn con số này thì thu nhập của họ sẽ tăng theo tương ứng.

Thứ hai: Có phương thức thu mua thuận lợi đi kèm một cách thức vận tải phù hợp có lợi cho dân trồng rừng. Cùng với đó là có giá cả thu mua có lợi cho người trồng nguyên liệu.

TH Group là một tập đoàn kinh tế có thể coi hiện tại là duy nhất ở Việt Nam đầu tư lớn, bằng công nghệ cao vào nông nghiệp, là doanh nhiệp đi tiên phong khai phá con đường đưa nông nghiệp tỉnh ta và cả nước đi lên hiện đại. Trên con đường đó, tập đoàn đã có những thành công có thể coi là “bất ngờ”. Để đi đến đích cuối cùng còn nhiều việc phải làm, còn nhiều điều phải có, trong đó phải có lời giải cho bài toán lợi ích tổng thể và cụ thể? Phải chăng là như vậy?


Trương Công Anh

Mới nhất
x
Nhìn từ nhà đầu tư TH Group
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO