Nhờ báo mà có văn
(Baonghean) - Xã Vĩnh Thành được vinh dự đón Bác Hồ về thăm ngày 5/10/1961. Sau sự kiện lịch sử ấy, Trường cấp 3 Yên Thành tổ chức cuộc thi thơ văn với chủ đề: “Quê hương làm theo lời Bác”. Vốn là một cậu bé ham thích văn thơ hồi còn học cấp 2, được học Văn với nhà thơ Quang Huy, tôi có gửi hai bài thơ lục bát dự thi. Thật may mắn, trong số học sinh có thơ văn dự giải, có một bài thơ của tôi lọt vào mắt xanh của thầy giáo Phan Sinh Viên, người được nhà trường phân công chấm thi và đọc báo cáo tổng kết. Được nghe thơ mình trong buổi tập trung đầu tuần đã sướng lắm rồi, nào ngờ, mấy tuần sau, bài điểm thơ dự thi của thầy Phan Sinh Viên được in báo Nghệ An, và trang báo ấy được treo trang trọng ở bảng tin của trường. Chen chúc trong số bạn bầu đang trầm trồ tranh nhau xem tờ báo, lần đầu tiên thấy thơ mình, tên mình được in trên trang báo, tâm trạng tôi lúc đó phấn khởi, tự hào. Không ngờ rằng, đó là kỷ niệm nhỏ đầu tiên của tôi với Báo Nghệ An, và cũng là “tác phẩm” đầu tiên của tôi được in báo.
Học xong cấp 3, tôi ra Thanh Hoá học Sư phạm, vẫn tiếp nối mạch nguồn văn chương từ “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Đến năm 1967, tôi cùng với một số bạn bầu ở Thanh Chương được mời đi dự lớp bồi dưỡng cộng tác viên của Báo Nghệ An ở Trường cấp 3 Đô Lương, bấy giờ trường đóng ở xã Tân Sơn. Trong công văn đề là 2 ngày nhưng do tình hình chiến sự diễn ra phức tạp, nơi tổ chức tập huấn gần Cầu Om, một buổi học phải chạy vào hào giao thông 2 lần nên rút xuống còn 1 ngày, một buổi nghe nhà báo Phan Đình Sung hướng dẫn về nghiệp vụ, một buổi nghe bác Võ Thúc Đồng nói chuyện về tình hình và nhiệm vụ mới. Cả hai báo cáo trình bày theo hai cách khác nhau nhưng đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên. Cũng hiếm có “thầy giáo” nào sôi nổi, tận tuỵ bày vẽ tận tình như nhà báo Phan Đình Sung. Cũng hiếm có một Bí thư Tỉnh uỷ nào quan tâm đến báo chí, kể cả những cộng tác viên như bác Võ Thúc Đồng. Bữa ấy, bác Đồng nói về tình hình thế giới, trong nước, tình hình Nghệ An trong chiến đấu và sản xuất, về nhiệm vụ của những người viết, chúng tôi nghe như uống từng lời. Sau lần họp cộng tác viên đầu tiên ấy, tôi về trường vừa dạy học, vừa hì hục viết, có lần còn theo chân mấy anh chị dân quân Văn Bình, Văn Long (Thanh Chương) đi phá bom từ trường dọc đường 15.
Các nhà thơ Yên Thành trong Ngày thơ Việt Nam tại Nghệ An
Những bài thơ đầu tay của tôi như “Giọng Nghệ”, “Gửi Yên Thành”, “Đất Võ Liệt”, “O dũng sỹ phá bom từ trường”… ra đời trong thời gian này, trong số đó, có bài được phát trên đài, riêng bài “Giọng Nghệ” được in báo Nghệ An. Đây là bài thơ đầu tiên của tôi được in trọn vẹn trên báo. Lần ấy, tôi nhận được một tờ báo biếu và phiếu nhận nhuận bút 3,4 đồng. Tôi trân trọng cắt bài thơ dán vào một cuốn sổ tay. Sau này vào chiến trường Nam bộ, tôi trao quyển sổ tay ấy cho vợ tôi giữ, đến nay, bản in bài thơ ấy vẫn còn.
Sau ngày đất nước thống nhất, từ năm 1976, tôi về cơ quan Tỉnh uỷ 9 năm và sau đó về Huyện uỷ Yên Thành 20 năm, được đọc báo Nghệ An hàng ngày, sử dụng báo như là công cụ để tích lũy tư liệu, để học tập. Và vốn có chút năng khiếu, đam mê văn chương văn nghệ nên được phân công phụ trách tuyên truyền, tổng hợp thời sự, đôn đốc việc đặt báo, phát hành báo trên địa bàn huyện, được tiếp xúc với nhiều anh chị trong Ban Biên tập và các phóng viên, tôi có thêm nhiều bạn bầu ở Báo Nghệ An. Có những lúc trà dư tửu hậu, bạn bầu thường đùa tôi là “thằng này làm công tác tuyên huấn nhưng ngoại tình với văn nghệ, báo chí”. Tôi chỉ cười trừ, không biết ngoại tình hay nội tình, chỉ thấy mình cũng như nhiều bạn bầu làm thơ, viết văn khác, đã “mang lấy nghiệp vào thân” đều gắn với những tờ báo, trước hết là những tờ báo ở tỉnh nhà. Có lẽ vì thế mà hầu hết các bài thơ được tuyển vào 2 tập thơ “Giọng Nghệ”, “Nước mắt gừng” của tôi đều đã được Báo Nghệ An sử dụng. Rồi hàng chục bài bút ký của tôi viết về những tấm gương cộng sản như: Nguyễn Bá Du, Chu Văn Biên, Nguyễn Kiệm, về những lần được gặp bác Võ Văn Kiệt, bác Võ Nguyên Giáp, những kỷ niệm với các nhà thơ Trần Hữu Thung, Nguyễn Xuân Phầu… đều được qua báo Nghệ An mà đến với bạn đọc. Và qua những bài báo, tôi có thêm nhiều bạn bè tốt ở Báo Nghệ An, những cán bộ biên tập, những người bạn tri ân tri kỷ đã làm cho những bài thơ, bài ký của tôi sạch hơn, đẹp hơn, hay hơn. Những người bạn ấy, có người đã đi xa, có người đã nghỉ hưu hoặc chuyển đi nơi khác, có người còn ở lại bản báo… không thể kể hết tên các anh, các chị trong bài báo nhỏ này.
Đi qua chặng đường 50 năm, biết bao thăng trầm, nay lại thấy báo Nghệ An ngày một đổi mới, bên cạnh những cây bút gạo cội, đã xuất hiện những cây bút trẻ, những nhà báo trẻ viết lên tay, khởi sắc, những bài báo viết về những vấn đề nhạy cảm mà vẫn bảo đảm đúng định hướng, báo gần dân, sát dân hơn. Mừng cho sự phát triển của báo và mong báo nhà ngày càng tích luỹ thêm nhiều nội lực thâm hậu từ đội ngũ quản lý, đội ngũ phóng viên, ngày một đổi mới về nội dung và hình thức, góp phần đắc lực làm nên diện mạo mới của báo chí Nghệ An trong thời kỳ đổi mới!
Ngô Đức Tiến