Nhớ lần xoá nhổ cây thuốc phiện ở Huồi Pốc

20/06/2011 17:49

(Baonghean) - Cách đây chừng 15 năm, Kỳ Sơn được xem là “thủ phủ” của cây thuốc phiện. Cây thuốc phiện (cây anh túc) là một “đặc sản” của đồng bào Mông, được trồng, chăm sóc, chiết xuất thu hoạch như trồng lúa rẫy. Có lúc cao điểm diện tích lên đến hàng ngàn ha, vào mùa rộ hoa anh túc nở khắp các xã, bản. Nhờ có chương trình hỗ trợ của Liên hợp quốc nên Kỳ Sơn cơ bản đã xoá được loại cây chết người này và thay thế chuyển đổi những cây trồng hợp lý khác.

Tháng 1-2006, lúc này tôi đã là PV Báo Nghệ An đươc 6 năm và “may mắn” được gia nhập đoàn xoá nhổ tái trồng cây thuốc phiện ở Kỳ Sơn. Gọi may mắn bởi cũng đến 5 năm rồi, Kỳ Sơn mới có hiện tượng tái trồng loại cây này. Biết được cơ hội hiếm gặp, tôi đề xuất với đồng chí Bùi Trầm, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng đoàn xoá nhổ cây thuốc phiện ghi tên vào danh sách đoàn. Có chút do dự, ái ngại bởi sự khó khăn, phức tạp nhưng trước sự quyết tâm của tôi, anh đã đồng ý.

Kế hoạch xoá nhổ cây thuốc phiện cũng giống như một “trận đánh”. Ban chỉ đạo đã hội ý chuẩn bị các phương án và lực lượng khá thận trọng. Mỗi thành viên trong đoàn đều được trang bị giày chống trơn chuyên dụng có gai, đèn pin, lương khô, nước uống, gậy chống… Đúng 10 giờ sáng, cả đoàn tập trung lực lượng tại trụ sở xã Na Loi để tiến quân lên bản Huồi Pốc (xã Nậm Cắn). Đi đầu là các chiến sỹ biên phòng, có sự yểm trợ của công an, phía sau là các đồng chí trong Ban chỉ huy quân sự huyện chặn hậu để cùng hỗ trợ. “Biên chế” của đoàn khoảng 30 người gồm ban chỉ đạo huyện, ban chỉ đạo xã, một số thầy cô của trường THCS, tiểu học xã Na Loi và cả y bác sỹ trạm y tế xã.


Hiện trường rẫy thuốc phiện.

Đoàn công tác vượt rừng, băng suối, theo đường tắt đi lên. Theo kinh nghiệm của một số thành viên trong đoàn thì để tránh những tình huống xấu có thể xẩy ra, đoàn không đi theo đường mòn mà đi theo đường tắt, bởi đi đường mòn rất dễ gặp bất trắc do các hộ tái trồng đã có sự chuẩn bị phương án “bảo vệ”. Do hào hứng mong được nhìn thấy cây anh túc ngay trên rẫy nên tôi cũng cố sức bám đoàn để đi cho kịp. Trong suốt hành trình gần 4 giờ đi bộ không biết chúng tôi đã vượt qua bao nhiêu dốc núi, có đoạn đá dựng phải lấy tay níu dây rừng để đu người mới leo lên được. Giữa mùa đông, trên độ cao khoảng 600m-700m so với mực nước biển mà mồ hôi từng thành viên vã ra từng dòng ướt bệt cả áo. Chưa từng đi xoá nhổ cây thuốc phiện thì nghe kể cũng chỉ là chuyện kể, bây giờ tực tiếp tham gia mới chiêm nghiệm lại “ba nhất” quả không sai, nơi nào cao nhất, xa nhất, khó khăn nhất là nơi đó mới trồng cây thuốc phiện.

Cả đoàn vừa bám chân, tay níu vào cành cây, ngước mặt rướn để qua hẻm đá dựng đứng, có chỗ đến 60 độ, chân người trước đặt trên đầu người đi sau nối tiếp nhau, thì một thành viên trong đoàn đi trước reo lên: Rẫy thuốc phiện đây rồi!. Ngay lập tức đoàn công tác triển khai bố trí lực lượng biên phòng, quân sự, công an chia thành 3 mũi khảo sát, dò tìm một lượt xung quanh rẫy thấy an toàn, chốt chặn các địa điểm khả nghi, các thành viên còn lại mới được nhổ xoá. Chưa bao giờ tận mắt chứng kiến cây anh túc nên tôi tò mò, nhanh tay nhổ mấy cây to, búp hoa đã nhú lên bằng hạt lạc đưa lên quan sát. Cây anh túc rất giống cây cải cúc ở dưới xuôi, lá hình răng cưa, màu xanh mướt, rễ chùm. Ngắt một lá non cho vào miệng, cảm giác ngọt, nhẫn đắng.

Rẫy tái trồng này nằm trên phần đất của bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn, vùng đất giáp ranh giữa 2 xã Na Loi và Nậm Cắn. Về mặt địa giới rất khó phân định diện tích tái trồng thuốc phiện hơn 1.000 m2 này thuộc xã nào, mặt khác rẫy thuốc phiện nằm lọt giữa một thung lũng rất kín đáo khó phát hiện. Việc phát hiện ra rẫy thuốc phiện do người dân trong xã mất bò đi tìm mới thấy nên về báo với xã.


Tác giả trên rẫy thuốc phiện

Để nhanh chóng hoàn thành việc xoá sổ toàn bộ diện tích cây thuốc phiện trước khi mặt trời xuống núi, cả đoàn quyết liệt vừa dùng tay để nhổ những cây to, còn cây nhỏ dùng gậy dập nát. Mặt trời xuống nửa quả đồi, công việc của đoàn cơ bản cũng vừa xong. Rẫy cây thuốc phiện xanh tốt chỉ còn lại bãi đất hoang tàn. Đêm ở trung tâm xã Na Loi, dưới ánh điện leo lét từ máy thuỷ điện nhỏ, trong bữa ăn tối, món rau anh túc luộc không quên được soạn ra. Mùi hăng hắc, vị ngọt lớ của cây rau mấy ai ngờ rằng chính màu xanh vị ngọt quyến rũ kia qua nhiều công đoạn chế biến đã gieo bao cái “chết trắng” mà chiều nay cả đoàn công tác đã vượt khó khăn để góp sức xoá sổ tận gốc.


Hồng Sơn

Nhớ lần xoá nhổ cây thuốc phiện ở Huồi Pốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO