Nhớ mãi thời sôi nổi

19/08/2013 20:31

(Baonghean) - “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”...

Người đảng viên mẫu mực:


Đã hơn nửa thập kỷ trôi qua mà cụ Nguyễn Khang (90 tuổi) ở khối 2, phường Đội Cung, Thành phố Vinh vẫn còn nhớ như in những lời Bác Hồ đã đọc trong “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” vào mùa Thu năm 1945. Lời hiệu triệu chỉ có vài dòng ngắn ngủi nhưng ông bảo sức mạnh thì vô cùng to lớn bởi nó lay động nhận thức được cả một dân tộc sau hơn 80 năm sống trong cảnh lầm than, nô lệ. Riêng ông, đến với cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 rất tình cờ nhưng chính những ngày hoạt động bí mật ở Vinh - Bến Thủy đã khiến ông thực sự trưởng thành và tôi luyện để ông trở thành một người đảng viên gương mẫu.



Cụ Diệu hơn 90 tuổi vẫn đam mê đọc sách.

Người dẫn dắt ông vào với tổ chức Việt Minh chính là anh trai Nguyễn Văn Lựu. Ông còn nhớ, trước năm 1945, bố mẹ ông đều làm cho Nhà máy xe lửa Trường Thi nhưng vì mâu thuẫn với bọn “cai” thợ sơn nên cả hai bỏ việc về nhà nhận nấu cơm tháng cho công nhân. Anh Lựu, khi đó cũng là công nhân, nên vẫn thường xuyên mời những bạn đồng nghiệp cùng tới nhà. Họ ăn cơm, nói với nhau những gì ông không rõ nhưng lần nào thấy người cùng tổ với anh đến, ông lại được phân công “ra ngoài cổng đứng gác cho các anh đánh bài chắn”. Nếu có người lạ đến là ra hiệu bằng cách gọi chó “hun... hun... mực... mực”, để các anh theo cửa sau phân tán ra ngoài đồng.

Sau này lớn hơn một chút nữa, ông mới biết đó là các anh ở Mặt trận Việt Minh, trong vai thợ thuyền vào nhà ông ăn cơm nhưng thực chất là để sinh hoạt Đảng. Dần dần, được anh trai và các anh tin tưởng, ông tham gia vào Đoàn thanh niên cứu quốc, rồi rải truyền đơn, viết khẩu hiệu, chống phát xít. Còn nhớ, lần nguy hiểm nhất là vào cuối tháng 7/1945, khi đó các ông được giao ba bó truyền đơn, viết sẵn nội dung đả đảo phát xít Nhật, thực dân Pháp, chống sưu cao thuế nặng, gặp nhà nào thuận lợi là nhét vào cửa, đặc biệt là phải gián được ba khẩu hiệu lớn ở đường hàng Bè, hàng Sụ và đường Ô Véc.

Đêm đó, 9h30 phút các ông gặp nhau ở chợ Vinh, người mang túi, người mang bị lác, người thì mang kẹo kéo. Hẹn nhau, nếu bị bọn lính Nhật, bọn mật thám đi tuần tra bắt gặp thì giả làm người bán hàng rong. Thế mà bị gặp thật. Lần ấy nếu không nhanh trí kêu to “ai mua kẹo lạc không này” thì cả ba đã bị bắt khi đang dán khẩu hiệu ở hãng vận tải ô tô Vinh – Thà Khẹc.

Sau đêm đó, ông và các bạn được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc rồi được bổ sung vào Đội Thanh niên cảm tử. Để “điều tra hoạt động của lính Nhật trong địa bàn Thành phố Vinh và vùng lân cận khi có thời cơ và điều kiện sẽ giành lại chính quyền trong tay Pháp Nhật”, các ông thường xuyên phải cải trang khi là người nông dân mang áo tơi đi bán chổi trện, khi thì đi bán củi... Sau sự kiện Nhật bị Mỹ ném bom nguyên tử, toàn đội được lệnh tập trung ở chùa Diệc để làm nhiệm vụ đột xuất đó là “cướp vũ khí Nhật trên hai toa tàu đang đậu tại sân ga Vinh”, rồi sau đó tập trung tại nhà “Tắm” để tập bắn trúng đích, tập cưỡi ngựa. Sau này, các ông mới biết: tổ chức đang chuẩn bị lực lượng nòng cốt để đợi lệnh tổng khởi nghĩa. Và đúng như dự đoán, khi khởi nghĩa nổ ra ở Vinh, các ông được phân về các xã và khu phố bổ sung làm tổ trưởng bảo vệ Ủy ban khởi nghĩa tuần hành thị uy cướp chính quyền.

Ngày 21/8 cùng với hàng vạn quần chúng công nông ở Vinh – Bến Thủy, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Việt Minh và các cán bộ, đảng viên của Đảng, đoàn biểu tình của Vinh đã xuống đường tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hoàn thành nhiệm vụ, ông được điều về khu phố 3 làm đội trưởng đội tự vệ rồi được đi học, được Đảng và Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Nay ở tuổi 90, viên mãn với con cháu thành đạt, đề huề nhưng ông vẫn bảo “nếu không có những ngày được Đảng tin tưởng và giao trách nhiệm thì ông không bao giờ trưởng thành. Cách mạng tháng 8 không những làm thay đổi vận mệnh cả dân tộc mà những người dân đen như ông cũng có cơ hội để thay đổi cuộc đời theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn”.

Còn sức còn cống hiến

Cách Thành phố Vinh chừng 20 km, ở Hưng Nguyên, việc Nhật và tay sai bắt người dân dọc sông Lam phải nhổ lúa và hoa màu để trồng đay gây nên nạn đói năm 1945 làm chết 6.242 người (khoảng 10% dân số) càng khiến cho mâu thuẫn của dân và chính quyền cũ lên đến đỉnh điểm. Tháng 8/1945, mặc dù chưa có lệnh tổng khởi nghĩa nhưng dưới sự chỉ đạo của Chấp ủy Việt Minh Hưng Nguyên, một cuộc mít tinh tuần hành với hơn 2.000 người tham gia đã được tổ chức và chỉ sau đó mấy ngày Chấp ủy Việt Minh đã chủ động lãnh đạo các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, Đức Quang đứng lên cướp chính quyền giành thắng lợi.

Những người tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ đó đến nay còn sống chỉ đếm trên đầu ngón tay, ông Trần Văn Diệu là một trong số đó. Dù năm nay đã ngoài 90 nhưng ông vẫn hết sức minh mẫn. Và càng nói chuyện với ông, mới nhận ra đây là một pho “lịch sử sống” bởi mọi chi tiết, diễn biến trong ngày 19/8/1945 ngày Hưng Nguyên tiến hành tổng khởi nghĩa ông đều nhớ rất rõ. Đó cũng là ngày đặc biệt, mở đầu cho chặng đường cách mạng sôi nổi của ông, ngày ông được tổ chức tin tưởng giao làm Tổng chỉ huy đội tự vệ vũ trang.

Trước đấy, vào buổi sáng, qua tin mật ông đã được biết lệnh tổng khởi nghĩa đã được trên tỉnh gửi xuống. Vì thế, ngay từ đầu giờ chiều ông đã cùng nhân dân 3 tổng Phù Long, Thông Lãng, Hải Đô tập trung đông đủ tại khu vực dăm cá (xã Hưng Thông). Giữa lúc đoàn quân đang sục sôi chờ lệnh cấp trên thì ông được tổ chức yêu cầu làm tổng chỉ huy toàn bộ đoàn biểu tình. Dù chưa có kinh nghiệm, nhưng giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” lại thấy được tinh thần hừng hực chiến đấu của nhân dân, ông đứng lên bục cao hô to “Đả đảo đế quốc Pháp, đả đảo chính phủ bù nhìn, Mặt trận Việt Minh muôn năm”. Sau tiếng hô của ông, cả sân vận động như dậy sóng hô vang “Đả đảo! Đả đảo”.

Trên tinh thần hừng hực khí thế, đoàn biểu tình hơn 1 vạn người kéo nhau tới phủ lỵ ở ngoài trấn Hưng Nguyên, đột nhập vào cổng chính, chiếm trại bảo an, phủ đường, nhà giam và kho tàng. Cuộc đột nhập bất ngờ, thần tốc khiến bọn nha lại trong phủ hoảng sợ, chỉ chưa đầy 30 phút sau đã nhanh chóng nộp vũ khí. Tên tri phủ Nguyễn Tiến Đơn mặt tái xanh xin khoan hồng và giao nộp ấn tín, sổ sách cho cách mạng.

Ngay sau khi giành được chính quyền và tuyên bố chính quyền về tay cách mạng, ông Trần Văn Diệu tiếp tục được cấp trên tin tưởng và giao làm Ủy viên quân sự, làm Chủ tịch xã Hưng Lam rồi được điều ra Hà Nội làm địch vận, tri thức vận. Khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, ông rẽ ngang trở về làm sư phạm, là cán bộ UBND tỉnh.

Công việc mỗi thời kỳ mỗi nhiệm vụ khác nhau nhưng ở thời điểm nào, vị trí công tác nào ông cũng cống hiến hết mình như những ngày đầu mới tham gia cách mạng. Nay, tuổi đã ngoài 90, đã có thể an dưỡng tuổi già bên con cháu nhưng ông vẫn say sưa viết lách, nghiên cứu. Ông quan niệm: “Mình đang còn sức khỏe, còn minh mẫn thì vẫn còn phải làm gương cho con, cho cháu, còn phải cống hiến cho quê hương, cho đất nước”.


Mỹ Hà

Mới nhất
x
Nhớ mãi thời sôi nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO