Nhớ người viết báo đầu tiên ở Quỳ Hợp
(Baonghean) - Những năm 60 của thế kỉ XX, đất nước ta bước vào thời kỳ gian khổ nhất của cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Với tinh thần yêu nước, ở Châu Quang (Quỳ Hợp) đã có một người ngày đêm chăm chỉ lặn lội đi khắp các bản làng trong xã để đưa từng lá thư, từng tờ báo cho nhân dân đọc. Hơn thế nữa, ông còn là người đâu tiên ở huyện Quỳ Hợp mạnh dạn viết báo nhằm phản ánh tình hình hoạt động xã hội của Quỳ Hợp thời bấy giờ. Đó là ông Sầm Phách...
(Baonghean) - Những năm 60 của thế kỉ XX, đất nước ta bước vào thời kỳ gian khổ nhất của cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Với tinh thần yêu nước, ở Châu Quang (Quỳ Hợp) đã có một người ngày đêm chăm chỉ lặn lội đi khắp các bản làng trong xã để đưa từng lá thư, từng tờ báo cho nhân dân đọc. Hơn thế nữa, ông còn là người đâu tiên ở huyện Quỳ Hợp mạnh dạn viết báo nhằm phản ánh tình hình hoạt động xã hội của Quỳ Hợp thời bấy giờ. Đó là ông Sầm Phách...
Ngày 19 tháng 4 năm 1963, theo quyết định 52/CP, Quỳ Châu cũ được tách thành 3 huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp. Ngày đầu mới thành lập huyện Quỳ Hợp, biết bao gian nan vất vả, còn phải đấu tranh chống giặc Mỹ xâm lược. Thời kỳ đó ông Sầm Phách được cử làm văn hóa giao thông của xã Châu Quang - một căn cứ quan trọng, là trụ sở của cơ quan Huyện ủy. Với nhiệm vụ đặc biệt là đưa, chuyển công văn tới tận từng xóm bản. Trong quá trình làm việc, ông thấy có rất nhiều vấn đề cần đưa tin, viết bài. Nhưng khi đó ở trên đất Quỳ Hợp chưa có một ai làm việc này. Ông cho biết lúc đó Quỳ Hợp thiếu thốn đủ đường, đến cơm ăn còn chưa no thì có ai nghĩ ra được việc gì. Hiểu được điều đó, ông bắt tay vào viết và cộng tác cho Báo Nghệ An. Đó là những thông tin, bài viết về những chủ đề thiết thực: Tham gia sản xuất, thủy lợi, đóng nghĩa vụ lương thực, thực phẩm rồi đến phong trào 3 đảm đang của phụ nữ, 3 sẵn sàng của thanh niên, gương người tốt việc tốt, gương sản xuất giỏi... Khi Quỳ Hợp còn ở thời kỳ sơ khai, chưa được nhiều người biết, quan tâm tới, thì chính ông Sầm Phách là người đi tiên phong trong việc thông tin.
Ông Sầm Phách |
Đó là tất cả những chuỗi ngày gian nan, ông phải cuốc bộ đến tận từng ngóc ngách của cả xã Châu Quang rộng lớn. Nhưng điều đặc biệt ở đây là ông phải cuốc bộ bằng đôi chân trần (bởi ngày đó có được một đôi dép lành lặn để đi cũng là một điều xa xỉ), trên những con đường đầy cát sỏi, gai góc. Nhưng những khó khăn trên con đường tác nghiệp không làm nhụt đi ý chí của chàng trai người Thái này. Lấy được thông tin đã khó, việc viết bài lại càng khó khăn hơn, chẳng có bất cứ một tài liệu gì để tham khảo ngoài cái bút và tờ giấy. Rồi cứ đêm đêm ông lại hì hục, cắm cúi bên tờ giấy mãi tận khuya, dưới ánh sáng leo lắt của ngọn đèn dầu nằm kín trong ống tre.
Thế rồi, lần lượt những bản viết tay cũng được gửi tới tòa soạn thông qua đường bưu điện, được viết một mặt trên tờ giấy học sinh bằng bút chì. Thời đó, những tin, bài này thật đáng quý. Viết xong, một lần nữa ông Sầm Phách lại phải cuốc bộ hơn 3 km nữa để xuống bưu điện huyện gửi bài. Có được cái tên trên Báo Miền Tây Nghệ An (ngày nay là chuyên trang Dân tộc và Miền núi của Báo Nghệ An) lúc đó đối với ông Sầm Phách phải trải qua biết bao khó khăn. Chưa kể những lần thư từ bị thất lạc, sự cố xảy ngoài ý muốn… Những đồng nhuận bút ít ỏi, chỉ từ 1-2 đồng, có lúc chỉ mấy hào, nhưng với ông là niềm tự hào không hề nhỏ. Dù chẳng thấm là bao so với công sức ông bỏ ra, nhưng nhờ vậy, bà con các dân tộc ở Quỳ Hợp ngày càng hiểu và biết đến ông nhiều hơn.
Năm 1967, giặc Mỹ nghĩ ra thủ đoạn đầu độc dân ta bằng những tác động tâm lý. Chúng rải hàng tâm lý chiến xuống Việt Nam, trong đó có đài radio… Riêng ở Quỳ Hợp, người dân đã thu lượm được 15 chiếc. Xã, huyện đã tổ chức tiêu hủy. Đó là sự kiện được ông đưa tin trên trang Miền Tây Nghệ An. Khi trao đổi với chúng tôi, ông Sầm Ngọc Dự - Bí thư Đảng ủy xã Châu Quang cho biết thêm: Ông Sầm Phách là người có đóng góp rất nhiều cho văn hóa xã nhà. Là một ủy viên phụ trách văn hóa của xã, đồng thời cũng là một nghệ nhân với nhiều tài, ông vừa sáng tác dân ca lại vừa tham gia biểu diễn...
Thời gian Báo Nghệ An sơ tán lên huyện Tân Kỳ, suốt những năm 1968 - 1970, ông Sầm Phách luôn là cộng tác viên tiêu biểu. Nhà nước ghi nhận, trao tặng cho ông Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 3...
Năm 1985, do sức khỏe yếu ông viết báo thưa dần. Năm 2014, bước sang tuổi 86, ông đau ốm nhiều hơn. Sau một đợt tai biến mạch máu não, ngày 10 tháng 5 năm 2014, ông đã về với tổ tiên... Những mẩu tin, những bài báo ngắn của gần 50 năm về trước trên phụ trương Miền Tây Báo Nghệ An sẽ còn lại mãi như một kỷ niệm đẹp về quãng đời làm báo của một con người bình dị, hồn nhiên với tình yêu quê hương tha thiết!
Ngọc Sơn - Lê Hạnh
(Câu lạc bộ VHNT huyện Quỳ Hợp)