Nhớ nhà báo Lê Quý Kỳ qua một bài viết

18/06/2014 10:14

(Baonghean) - Năm 1993, Báo Nghệ An bắt đầu phát hành thêm tờ “Nghệ An đặc biệt cuối tuần”. Anh Lê Quý Kỳ, một nhà báo có nhiều kinh nghiệm, được Toà soạn phân công làm thư ký. Biết tôi là cộng tác viên và là chỗ thân quen, anh gọi điện bảo tôi tham gia viết bài cho số báo tới với chuyên đề về giao thông vận tải Nghệ An.

Tôi nhận lời, nhưng loay hoay mãi, phần vì bận việc cơ quan, phần do phải tìm đọc thêm tài liệu nên hơn một tuần sau mới xong. Bài viết có tên: “Đôi điều về Đường 7 và kinh tế Đường 7”, dài gần 1200 từ, gồm 2 phần. Phần một chủ yếu đề cập đến lịch sử hình thành và quá trình xây dựng đường 7; vai trò, vị trí chiến lược của đường 7 đối với chính sách cai trị và công cuộc khai thác tài nguyên của người Pháp ở miền Tây Nghệ An và vùng Thượng Lào.

Nhà báo Lê Quý Kỳ (giữa) tại Phòng truyền thống Báo Nghệ An trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập (năm 2011). Ảnh: Sỹ Minh
Nhà báo Lê Quý Kỳ (áo xanh) tham quan Phòng truyền thống Báo Nghệ An trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập (năm 2011). Ảnh: Sỹ Minh

Đoạn kết của Phần một - được trích dẫn từ Tập san Chấn hưng kinh tế Đông Dương (số 332, ngày 21/10/1923) - nêu rõ: Việc hoàn thành đường 7 được người Pháp coi là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa như “…là một phương tiện rất kiến hiệu về phương diện thống trị, là một yếu tố mới quyết định sự tổ chức chính trị…”.

Phần 2 của bài viết đi sâu phân tích về kinh tế đường 7; nêu ra khái niệm “trục kinh tế đường 7”- lấy đường 7 làm xương sống vận hành, ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An.

Trục kinh tế đường 7 xuyên qua tất cả các vùng kinh tế trong tỉnh với các sản phẩm hàng hoá đa dạng và phong phú. Nó không chỉ tạo điều kiện để nâng cao giá trị sử dụng của hàng hoá, là cầu nối thiết yếu giữa các ngành kinh tế, giữa các vùng kinh tế, giữa sản xuất và tiêu thụ mà còn góp phần nâng cao trình độ chuyên môn hoá theo ngành và theo lãnh thổ. Trục kinh tế đường 7 có thể xem như một hệ thống mở, trong đó các dòng vật chất và năng lượng luôn được trao đổi và vận hành, các nguồn sản phẩm, hàng hoá qua đường 7 có thể được tính toán, kiểm soát chặt chẽ…

Bài viết còn đưa ra nhiều số liệu, tư liệu cụ thể nhằm làm rõ vai trò và tầm quan trọng của trục kinh tế đường 7; những thuận lợi và khó khăn trong việc phát hiện, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên gắn với đường 7; một số đề xuất kiến nghị nhằm tiếp tục phát triển trục kinh tế đường 7 trong thời gian tới v.v…

Bài viết gửi hôm trước thì sáng hôm sau anh Lê Quý Kỳ đạp xe tới nhà, định gặp tôi để trao đổi thêm một số nội dung, nhưng tôi đi vắng, nên anh gửi lại bản thảo kèm theo ý kiến nhận xét, góp ý. Tôi hơi thất vọng vì cứ đinh ninh là bài viết của mình đã được duyệt in rồi. Còn nếu câu, chữ chưa chuẩn, hoặc có lỗi chính tả thì Ban Biên tập chỉnh sửa là được. Cần gì phải góp ý dài dòng thế này!

Nghĩ vậy, nhưng khi đọc kỹ Bản góp ý của anh Lê Quý Kỳ (mà đến nay tôi vẫn còn lưu giữ được) tôi mới thấy mình đã sớm tự mãn về bài viết và có ý trách anh hơi vội vàng. Thật ra, anh rất tôn trọng nội dung và cách viết của tôi, đồng thời góp ý ngắn gọn nhưng khá chi tiết và rõ ràng. Đầu tiên, anh nhận xét chung: Vấn đề chú đặt ra (anh thường gọi tôi bằng chú) thật là bất ngờ và thú vị. Giá chú viết sớm hơn một tuần, kịp đăng vào số chuyên đề về giao thông miền núi thì hay biết bao nhiêu. Nhưng thôi, vẫn chưa muộn, tôi sẽ dùng vào chuyên mục “Xứ Nghệ - Người Nghệ trong các số tới”…(các dòng chữ nghiêng từ đây được trích nguyên từ Bản góp ý).

Sau đó, anh đề nghị tôi chỉnh sửa mấy nội dung sau:

- Phần lịch sử, nếu được, chú bớt cho các chi tiết tố cáo chung chung và đi vào khía cạnh khai thác cụ thể. Bởi vì ai cũng biết, Pháp xây dựng đường 7 nói riêng, các công trình khác nói chung là nhằm 2 mục đích: vơ vét và thống trị. Cái mà bạn đọc cần là cụ thể: chúng vơ vét gì, bao nhiêu, khi nào… qua đường số 7. Anh còn gợi ý và nhắc thêm là khi đề cập vấn đề này cũng phải hết sức tế nhị. Bới vì Tổng thống Pháp F.Mitterand vừa sang Điện Biên Phủ và tuyên bố khép lại quá khứ…

- Phần 2 của bài viết, theo anh Lê Quý Kỳ, là rất bất ngờ và thú vị, nhưng phải gia công nhiều. Ngoài 3 cụm kinh tế – xã hội ( Diễn Châu, Đô Lương, Mường Xén) được hình thành dọc đường 7, đóng vai trò không chỉ sản xuất ra sản phẩm vật chất, mà còn là nơi tiêu thụ, là mắt xích quan trọng trong dây chuyền lưu thông, phân phối hàng hoá (như tôi đã nêu trong bài viết), anh đề nghị cần mở rộng và bao quát hơn nữa các cơ sở, kể cả tiềm năng kinh tế liên quan đến đường 7. Đó là vàng Yên Na, than Khe Bố, gỗ Con Cuông, xi măng Phúc Sơn, vùng chè Anh Sơn với nhà máy chè đen, vùng ngô Anh Sơn… Đó còn là những tiềm năng đã được phát hiện nhưng chưa được khai thác: Khu rừng nguyên sinh Vều – Pù Mát (100.000ha), Thuỷ điện Nậm Nơn…

Anh còn dặn tôi, khi đề cập chi tiết riêng về đường 7 cần lưu ý 2 điểm: Trước khi có đường 8 mới hiện nay, nó là con đường được rải nhựa nhiều nhất (sau Quốc lộ 1) ở Nghệ Tĩnh. Điều đó nói lên vị trí quan trọng của đường 7 và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Tuy vậy hiện nay, đường 7 vẫn chưa giải quyết được khó khăn cơ bản nhất của nó. Đó là phà Đô Lương: sông hẹp mà sâu, nước chảy xiết, bờ dốc và hẳm. Chừng nào Nhà nước bắc được cầu Đô Lương thì đường 7 mới thông về cơ bản…

Ngoài những góp ý trên đây, anh còn trực tiếp gọi điện thoại trao đổi, cung cấp thêm thông tin để tôi có điều kiện chọn lọc, đưa vào bài viết. Anh nhắc lại lần nữa: Tuyệt đối bỏ những câu chung chung. Ra sức khai thác cụ thể; và cuối cùng động viên: chú cố gắng bổ sung, sửa chữa, càng xong sớm càng tốt. Cũng phải mất gần một ngày hôm sau, vừa cặm cụi ngồi soát lại những nội dung anh góp ý, vừa đọc, tra cứu tài liệu, tỷ mỷ thêm, bớt từng câu, từng ý, tôi mới hoàn thành bài viết để gửi cho anh. Và như anh đã hứa, bài viết được đăng ngay sau đó trên tờ Nghệ An đặc biệt cuối tuần, trong chuyên mục “Xứ Nghệ, Người Nghệ”.

Hơn 20 năm đã qua, những dòng góp ý của Nhà báo Lê Quý Kỳ về một bài viết nhỏ đã trở thành kỷ niệm khó quên và là bài học kinh nghiệm đối với tôi trong việc viết báo. Anh đọc nhiều, đi nhiều, biết nhiều nên ý kiến của anh rất cụ thể và xác đáng. Một số góp ý (cũng là mong muốn) của anh nay đã thành hiện thực. Đó là: cầu Đô Lương trên sông Lam đã được xây dựng, góp phần đảm bảo giao thông đường 7 thông suốt, nhất là về mùa mưa lũ; tiềm năng thuỷ điện của hệ thống sông Lam - một thành phần quan trọng trong Trục kinh tế đường 7- đã được khai thác, sử dụng hiệu quả (như các nhà máy thuỷ điện: Bản Vẽ, Nậm Mô, Nậm Nơn); Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An (trong đó có Vườn Quốc gia Pù Mát), với diện tích lớn nhất Đông Nam Á đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; các thị trấn Diễn Châu, Đô Lương, Con Cuông, Hoà Bình, Mường Xén… - những “hạt nhân động lực” của Trục kinh tế đường 7- đang ngày càng phát triển, trở thành những trung tâm sản xuất, tiêu thụ, lưu thông, phân phối hàng hoá giữa các vùng trong và ngoài tỉnh…

Tôi cũng học được ở anh đức tính chịu khó, cần cù, nhạy bén, một nhà báo say nghề, thẳng thắn và đầy bản lĩnh, không ngại xông vào những lĩnh vực gai góc, bức xúc của đời sống xã hội. Và điều này, về sau đã giúp tôi khá nhiều trong công việc hàng ngày.

Lê Minh Niệm

(Nguyên Phó Văn phòng UBND tỉnh)

Mới nhất
x
Nhớ nhà báo Lê Quý Kỳ qua một bài viết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO