Nhớ những người anh hùng trên biển

04/06/2014 15:58

(Baonghean) - Đã 26 năm trôi qua kể từ sự kiện bi tráng ngày 14/3/1988. Hình ảnh những chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng, kiên cường chiến đấu với kẻ thù đến hơi thở cuối cùng ở Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã trở thành biểu tượng cho tinh thần sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Với gia đình, người thân của những người anh hùng trên biển, trong nỗi đau có niềm tự hào vì máu của chồng, con, cha, anh, em mình đã hòa vào biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Chúng tôi đến thăm gia đình liệt sỹ Phan Huy Sơn vào một ngày gay gắt nắng, nắng nhuộm vàng cánh đồng vừa gặt của vùng quê Diễn Nguyên (Diễn Châu). Quá trưa, chị Trần Thị Ninh - vợ liệt sỹ Phan Huy Sơn vẫn tranh thủ cấy cho kịp vụ hè thu. Thấy chúng tôi cất tiếng gọi, người phụ nữ có khuôn mặt sạm đen vì nắng gió dừng tay tranh thủ ngồi trò chuyện ngay trên bờ ruộng.

Nhắc đến người chồng đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, chị rơm rớm nước mắt. Chị và liệt sỹ Phan Huy Sơn vốn là người cùng làng, cảm mến nhau nên học xong cấp 3, năm 1981, anh chị làm đám cưới. Hai vợ chồng ở với nhau chưa được bao lâu thì đầu tháng 2/1982, anh Sơn lên đường nhập ngũ và được bổ sung vào Quân chủng Hải quân. Sau khi học xong lớp quân y, anh được điều động ra đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Đợt về phép lần đầu tiên sau 2 năm nhập ngũ, anh chị có cháu Phan Huy Hà. Khỏi phải nói niềm vui sướng như thế nào của người bố trẻ ngoài đảo xa khi nhận được thư người vợ dấu yêu ở quê nhà báo tin mình sắp được làm cha. Đồng đội chia vui cùng anh, cả những con sóng biển cũng như reo vui cùng người lính biển.

Thế nhưng, niềm vui không trọn khi cháu Phan Huy Hà - con trai đầu lòng của anh chị bị dị tật bẩm sinh, não phát triển không bình thường. Dù vậy, anh chị vẫn động viên nhau dồn tình yêu thương, chăm sóc con. Đợt về phép thứ 2 của anh Sơn là vào dịp sau Tết Nguyên đán năm 1988. Thông thường, kỳ nghỉ phép kéo dài tới 15 ngày nhưng mới hơn một tuần thì anh vội vã lên đường vì nhận được điện khẩn từ đơn vị. Lần ra đi này của anh không có ngày trở lại vì anh đã mãi mãi nằm lại nơi vùng biển quê hương sau trận Hải chiến không cân sức với Trung Quốc ngày 14/3/1988.

Lúc anh đi, chị Ninh đã mang trong mình giọt máu thứ hai - cô con gái Phan Thùy Trang sinh ra không biết mặt bố nhưng luôn tự hào vì người bố đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của đất nước. Lúc nhận được giấy báo tử của anh Sơn, chị Ninh ngỡ hóa đá. Một người phụ nữ trẻ mới 25 tuổi với một đứa con tật nguyền và một đứa còn ở trong bụng. Nhưng rồi thương con, thương chồng, chị cắn răng vượt qua tất cả. Chị kể cũng có những người khuyên chị đi bước nữa nhưng chị bỏ ngoài tai vì bố hy sinh, mẹ bỏ đi lấy chồng thì các con chị sẽ ra sao, nhất là thằng cu Hà - đến nay đã gần 30 tuổi mà vẫn không tự chăm sóc được bản thân, mọi vệ sinh cá nhân và ăn uống đều một tay mẹ lo. Thỉnh thoảng phát bệnh còn la hét, đập phá đồ đạc bỏ đi lang thang làm chị lại tất tả quần ống thấp, ống cao đi tìm.

26 năm qua, chị Ninh một mình cật lực cấy cày trên 4 sào ruộng, chăn nuôi lứa lợn, đàn gà để nuôi con. Chị tự nhủ phải cứng rắn, mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con. Chỉ có đêm đến, nước mắt chị lại tuôn rơi vì nhớ thương chồng. Trong ký ức của chị mãi lưu giữ hình bóng người chồng cẩn thận, chu đáo, hết lòng yêu thương vợ con. Trước lúc hy sinh còn gửi thư về dặn dò vợ con và gửi quà về cho từng thành viên trong gia đình.

Những lúc khó khăn nhất, chị Ninh lại đem bức thư của anh Sơn viết trước lúc hy sinh ra đọc và dù đã đọc đi đọc lại hàng nghìn lần nhưng lần nào nhìn thấy nét chữ thân thương của người chồng yêu dấu trên trang giấy ố vàng, chị đều khóc, chị nhớ như in từng câu, từng chữ trong bức thư “Ninh em thương! Như vậy là anh đã xa em và con được mấy ngày. Lòng nhớ em và con khôn xiết. Trên đường đi vào an toàn. Hiện nay anh chuẩn bị ra đảo nhưng chưa rõ đảo nào. Trước khi ra đi anh chúc 2 mẹ con trẻ - khỏe - yên tâm và hạnh phúc…”.

Niềm an ủi của chị Trần Thị Ninh và các con là hàng năm đồng đội ở đơn vị chồng vẫn nhớ đến mẹ con chị, gửi quà hỏi thăm. Căn nhà hiện nay mẹ con chị đang ở được xây từ nguồn kinh phí ủng hộ của Bộ Tư lệnh Hải quân và sự giúp đỡ của anh em, họ hàng. Mặc dù khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng chăm sóc chu đáo cho cậu con trai tật nguyền và lo cho cô con gái ăn học. Cháu Phan Thùy Trang đang học dở Đại học Sư phạm đã quyết định nghỉ, sang theo học ngành y để có thể chăm sóc sức khỏe cho mẹ và anh trai… Chia tay chúng tôi, một mình chị Ninh lại cặm cụi cấy xuyên trưa cho kịp mùa vụ, chị bảo ngày mùa ai cũng bận, chị không muốn làm phiền đến mọi người…

Rời vùng quê Diễn Nguyên, chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ của gia đình liệt sỹ Đậu Xuân Tư ở xóm Trường Sơn, xã Nghi Yên, Nghi Lộc. Giữa cái nắng oi ả của một ngày tháng 6, người mẹ mắt đã mờ, tai đã lãng ngồi đung đưa trên chiếc võng, đôi mắt mờ đục nhìn về phía xa xăm. Sau câu hỏi “Có phải nhà liệt sỹ Đậu Xuân Tư hy sinh ở đảo Gạc Ma đây không ạ?” Mẹ trả lời: “Đúng rồi, nhưng mà tui giờ nỏ thấy chi, mà tai cũng lãng rồi, mời các o lên nhà trên chơi,… ”. Chờ mãi chúng tôi mới gặp được người phụ nữ đã ngoại tứ tuần, người mà mẹ dặn “chờ em dâu thằng Tư về rồi hỏi, tui cũng nỏ nhớ hắn hy sinh năm mô, chỉ biết là bữa nớ họ đến đưa giấy báo tử, trời rét lắm”.

Chị Phan Thị Lương - con dâu út của gia đình kể, hồi đó chị đang là thiếu niên, trong làng ai cũng kể chuyện về tấm gương hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của anh Tư. Cũng một phần vì cảm phục mà dẫu biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị vẫn nhận lời làm vợ anh Đậu Xuân Chương - em út của anh Tư. Chị nói: “Mỗi lần khi có nhà báo hay các cô chú trong đơn vị bác Tư về là bố mẹ chồng tôi lại rưng rưng nhớ về người con trai. “Thằng Tư hiền lành, ít nói và giàu nghị lực, nó đã là đối tượng đảng rồi đấy, mà sao đã hết 3 năm nghĩa vụ rồi mà nó không về nhỉ?”. Chị nói, anh Tư hy sinh là nỗi đau, sự mất mát lớn của gia đình nhưng trên hết là niềm tự hào khi biết anh đã cùng đồng đội hy sinh đến hơi thở cuối cùng để canh giữ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trước anh Tư, gia đình còn gánh nỗi đau khi người cháu ruột mà ông bà có công nuôi dưỡng là liệt sỹ Đậu Xuân Chân đã hy sinh ở mặt trận phía nam năm 75 và sau ngày anh Tư hy sinh được ít năm thì người anh cả cũng mất vì tai nạn tàu hỏa. Có lúc ông bà tưởng như gục ngã nhưng rồi niềm đau đáu về việc hài cốt của con trai vẫn nằm đâu đó ngoài biển khơi đã thôi thúc họ tiếp tục sống, chờ đợi và hy vọng. Và rồi năm 2009, niềm mong mỏi ấy đã trở thành hiện thực, gia đình đã nhận được hài cốt liệt sỹ Đậu Xuân Tư sau hơn 20 năm nằm trong tàu HQ 604 bị đánh chìm giữa lòng biển khơi. Vì xã chưa có nghĩa trang liệt sỹ mà cha mẹ đã già yếu nên gia đình quyết định đặt phần mộ liệt sỹ Đậu Văn Tư ở nghĩa trang nơi có phần hương hỏa của gia đình, dòng họ để tiện bề hương khói, chăm sóc…

(Còn nữa)

Thanh Nga - Khánh Ly

Mới nhất
x
Nhớ những người anh hùng trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO