Nhớ ông "chủ bút" Nguyễn Hường
(Baonghean) - Năm 1967, Báo Miền Tây Nghệ An thực hiện quyết định của Tỉnh ủy sáp nhập với Báo Nghệ An. Chúng tôi về...
(Baonghean) - Năm 1967, Báo Miền Tây Nghệ An thực hiện quyết định của Tỉnh ủy sáp nhập với Báo Nghệ An. Chúng tôi về với tờ báo Nghệ An, nhưng thời gian đầu phóng viên Báo Miền Tây Nghệ An công tác ở vùng nào vẫn được Tòa soạn Báo Nghệ An bố trí đi công tác vùng đó: Các huyện ở đường 48 như Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong, tôi với anh Quốc Bảo phụ trách; tuyến đường số 7 gồm Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn do Văn Minh, Lăng Phước và Hùng Sơn đảm nhiệm.
Cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ngày một ác liệt, báo sơ tán lên Hưng Nguyên, Nam Đàn rồi Đô Lương. Nhà máy in cũng sơ tán từ Vinh lên huyện miền núi Tân Kỳ. Lúc này, tôi được Ban Biên tập điều về phòng Thư ký làm công tác biên tập, có lúc cần kíp thì đưa báo đi nhà in, nên gần gũi với chủ bút hơn. Hàng ngày, tiếng súng, tiếng bom nổ chuyển đất, inh tai, máy bay Mỹ ì oàm suốt ngày trên bầu trời nhưng ông Hường chủ bút (ông làm chủ bút từ năm 1961 đến năm 1975 thì nghỉ hưu) vẫn bình tĩnh ngồi làm việc, bảo tôi:
- Báo mi xong, anh cứ đưa đi nhà in. Trang 1 vẫn mi đủ tin. Nếu lực lượng vũ trang tỉnh ta bắn rơi máy bay Mỹ thì anh bóc tin này (ông chỉ vào cái tin hơn 100 chữ dưới măng séc bên phải) để đăng tin chiến thắng; còn trang 4, tin miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ, kết thúc ngày hôm đó, lực lượng vũ trang miền Bắc bắn rơi được bao nhiêu máy bay Mỹ thì cộng vào số máy bay Mỹ đăng hôm trước luôn!
Phòng Thư ký được trang bị một chiếc đài Ô-ri-ông-tông để theo dõi tin chiến sự. Hàng ngày, phòng Thư ký biên tập bài vở xong, đem cho thư ký toà soạn đọc lại toàn bộ tin, bài, ảnh đã biên tập rồi mới mi báo. Bốn trang báo mi xong trình chủ bút Nguyễn Hường và nhận ở chủ bút bài xã luận số báo hôm đó để viết vào ma két luôn. Có hôm bận bịu công việc, ông xem xong ma két báo đã mi rồi ký vào ma két, ông nói:
- Các anh đưa ma két báo lên nhà in cho đúng ngày, dành lại bài xã luận cho tôi 500 từ hay 600 từ chi đó, khoảng 2 giờ chiều cho người đưa đi nhà in!
Ông là người chủ bút rất gần gũi với cán bộ phóng viên. Ông nhận xét bài viết của từng người. Có người mới về tòa soạn được vài ba tháng, sang tháng thứ ba ông nói với văn phòng làm việc với Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức để bố trí công việc khác thích hợp hơn (như các anh Nguyễn Duy Liêng, Bùi Tiến Thụy, chị Thanh Hảo...); nhưng những người có khả năng phát triển như Quốc Bảo, Lăng Phước được ông cho đi học thêm nghiệp vụ.
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp thâm canh giỏi như Ba Tơ, Văn Tập, Hồng Long, Vĩnh Thành, Làng Đong và các nhà máy nông trường như: Nhà máy B23, Cơ khí 5-8, Cơ khí 12-9, Nông trường 3-2, Nông trường 19-5 và các đơn vị chiến đấu giỏi như: Trung đoàn Phong Thành, Tự vệ nhà máy xay Vinh, Nhà máy gỗ Vinh, Tự vệ cảng Bến Thủy, Dân quân xã Quỳnh Long... đã được báo Nghệ An biểu dương kịp thời. Một số phóng viên trưởng thành như: Nguyễn Thanh Phong, Lê Bá Mười được điều ra công tác ở Báo Nhân Dân, chị Nguyễn Thị Phương Huy ra công tác Báo Phụ Nữ Việt Nam, anh Bùi Ngọc Trình ra công tác ở Nhà xuất bản Thanh niên và các anh: Bùi Quỳnh Lưu, Nguyễn Xuân Trường được tăng cường cho toà soạn Báo Thuận Hải.
Là phóng viên gần mười năm làm việc cùng ông, được ông chỉ bảo giúp đỡ, nay nghỉ hưu về với đồng ruộng quê hương, đến ngày Kỷ niệm 50 năm Báo Nghệ An, tôi càng nhớ bước đi ban đầu xây móng đắp nền của ông chủ bút Nguyễn Hường cùng cán bộ phóng viên ngày ấy để xây dựng cơ đồ cho Báo Nghệ An ngày hôm nay.
Tú An