Nhớ về Thành Cổ
Năm nay, cùng với cả nước, Quảng Trị kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, trong âm vang chiến thắng chiến dịch Trị Thiên và sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, chúng ta nhất là những chiến sỹ từng chiến đấu ở Thành Cổ năm xưa không khỏi bồi hồi xúc động tự hào.
(Baonghean) - Năm nay, cùng với cả nước, Quảng Trị kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, trong âm vang chiến thắng chiến dịch Trị Thiên và sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, chúng ta nhất là những chiến sỹ từng chiến đấu ở Thành Cổ năm xưa không khỏi bồi hồi xúc động tự hào.
Nhớ lại những ngày tháng Tư cách đây 40 năm, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch tiến công chiến lược, lấy Trị - Thiên làm hướng tiến công chính. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, quân và dân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và 3 xã thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế. Thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên năm 1972, giải phóng tỉnh Quảng Trị đã thể hiện sức mạnh to lớn của cuộc chiến tranh nhân dân, của nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu bước trưởng thành, phát triển mới của cả 3 thứ quân trong tác chiến hợp đồng binh chủng, góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari năm 1973, rút quân về nước và tạo đà cho ngày toàn thắng tháng 4 năm 1975, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta.
Thạch Hãn - Dòng sông hoa lửa.
Trong không khí hào hùng của 40 năm trước, khiến tôi nhớ mãi những hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ (6/9/1972 - 6/9/2011) của sinh viên cả nước vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 năm ngoái với Chương trình " Thành Cổ Quảng Trị - Trái tim bạn và tôi" do cựu Sinh viên- Chiến sỹ tại Hà Nội tổ chức. Hơn 400 Cựu sinh viên quê ở khắp cả nước, nhưng nhiều nhất là các tỉnh phía bắc đến Quảng Trị tổ chức thành đoàn hành quân. Ngày 3/9/2011, sau khi viếng Nghĩa trang liệt sỹ đường 9, Đài chứng tích sinh viên - chiến sỹ, đúng 8 giờ sáng diễn ra lễ cúng 81 mâm cơm sáng tại Đài Trung tâm Thành Cổ với ý nghĩa tương ứng 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. 13 giờ cùng ngày diễn ra lễ cầu siêu có 81 vị sư tham gia với nhiều lễ trọng: Lễ hưng tác thượng Phan Tam Bảo, Bạch Phật - Khai sinh, thỉnh Tiêu Diện Đại Sỹ, cung thỉnh, cung tiến anh linh, cựu Sinh viên- Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị và anh hùng liệt sỹ 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ; tụng kinh Di Đà, lễ đăng đàn chẩn tế.
Hoàng hôn xuống là lễ thả hoa đăng tổ chức trang trọng. Hàng ngàn hoa đăng được thả xuống sông rực sáng cả dòng sông "hoa lửa". Chứng kiến một mặt sông "hoa lửa", trong lòng chúng tôi vang lên âm hưởng:
" Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm"
(Lê Bá Dương)
"Hoa lửa" xuôi ra biển cả. Bầu trời đêm Thạch Hãn rực sáng. Dòng sông êm đềm gợn sóng như nâng niu anh linh của bao người lính còn nằm lại đáy sông, còn nằm lại trong lòng đất Quảng Trị. Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay mãi mãi tri ân các anh - những người lính hy sinh vì đất nước trường tồn. Lịch sử còn ghi, trong 81 ngày đêm, bộ đội ta chiến đấu giữ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, ở đây phải hứng chịu gần 330.000 tấn bom đạn các loại của Mỹ ngụy, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima Nhật Bản năm 1945. Bị mất Thành Cổ Quảng Trị, Mỹ - ngụy điên cuồng huy động nhiều sư đoàn và phương tiện, vũ khí hiện đại hòng chiếm lại Thành Cổ bằng mọi giá. Nhưng các chiến sĩ Thành Cổ, trong đó có hàng nghìn sinh viên mới vào quân ngũ 8 - 9 tháng đã chiến đấu ngoan cường từ ngày 27/6/1972 đến 16/9/1972, tiêu diệt 2 sư đoàn cơ động chiến lược của địch, diệt 26.000 tên, bắt sống 71 tên, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn, phá hỏng 349 xe quân sự trong đó có 200 xe tăng và thiết giáp, bắn rơi 205 máy bay, thu 500 súng các loại.
Trong cuộc chiến không cân sức, nhưng với lòng quả cảm vì Độc lập, Tự do, hàng ngàn người con ưu tú hoá thân vào đất mẹ Việt Nam, mang theo tuổi thanh xuân và bao ước vọng để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Phan Nguyễn