Nhóm 18 lao động cuối cùng bị ngược đãi tại Algeria về nước

26/11/2015 09:05

Sau những ngày chờ đợi trong tâm trạng căng thẳng và mệt mỏi, nhóm 18 lao động cuối cùng trong số 49 lao động do Công ty cổ phần Simco Sông Đà cử tuyển sang Algeria làm việc liên quan đến vụ việc bị nhà thầu Trung Quốc hành hung, bỏ đói, đã rời Alger về nước chiều 25/11.

Đúng ra nhóm 18 người này đã lên đường về nước từ ngày 20/11 vừa qua nhưng do những trục trặc trong việc đặt vé của Công ty Simco Sông Đà nên đã phải lùi lại đến ngày 25/11.

Nhóm lao động này về nước theo hành trình Alger-Doha-Bangkok-Hanoi, khởi hành từ Alger lúc 15 giờ 30 phút giờ địa phương (tức 21 giờ 30 phút giờ Hà Nội) ngày 25/11 trên chuyến bay QR-1380 và dự kiến sẽ về đến sân bay Nội Bài lúc 14 giờ 40 phút ngày 26/11 trên chuyến bay mang ký hiệu QR-834.

Trước đó vào ngày 20/11 vừa qua, nhóm thứ hai gồm 18 người cũng đã về nước theo hành trình trên.

Như vậy tất cả 49 lao động của Công ty Simco Sông Đà bị nhà thầu Trung Quốc là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nhất Giang Tô ngược đãi tại công trường xây dựng tỉnh Kenchela, cách thủ đô Alger 450km về phía Nam đã về nước. Đối với 7 lao động có nguyện vọng muốn ở lại tiếp tục làm việc được ký phụ lục hợp đồng với định mức khoán mới.

Để đưa 49 lao động trên về nước theo nguyện vọng, Công ty Simco Sông Đà phải chuyển tiền bồi thường với mức phí là 1.700 USD/người cho phía đối tác Trung Quốc, với số tiền tổng cộng lên tới hơn 80.000 USD. Đây là số tiền mà chủ sử dụng lao động Trung Quốc bắt mỗi lao động Việt Nam phải bồi thường số tiền trên do chấm dứt hợp đồng trước hạn.

Công ty Simco Sông Đà sẽ ứng trước khoản tiền này để trả cho người lao động, cộng với chi phí mua vé máy bay khoảng từ 600 - 650 USD/người cho những lao động có nguyện vọng về nước.

18 công nhân trở về nước ngày 25/11. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)
18 công nhân trở về nước ngày 25/11. (Ảnh: Thanh Bình/Vietnam+)

Đậu Hoàng Anh ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, một trong hai lao động bị nhà thầu Trung Quốc hành hung và cũng là người được Simco Sông Đà đưa sang để quản lý số lao động trên cho biết được đoàn tụ với gia đình ai cũng thích, nhưng rất buồn vì đã không bảo vệ được quyền lợi cho anh em.

Hoàng Anh nói: "Tôi đã từng đi xuất khẩu lao động tại 7 nước, nhưng chưa bao giờ bị chủ đối xử tồi tệ như lần này. Sau những việc đã xảy ra, tôi chỉ muốn được đoàn tụ cùng gia đình."

Hoàng Anh bày tỏ mong muốn Công ty Simco Sông Đà hỗ trợ cho anh em về nước tìm được đơn hàng khác để anh em có điều kiện được đi làm việc để cải thiện kinh tế gia đình, vì hoàn vảnh của nhiều người cũng rất khó khăn.

Anh Vũ Đang, quê Mê Linh, Hà Nội, tâm sự: gia đình anh thuộc hộ cận nghèo. Đây là lần đầu tiên đi xuất khẩu lao động. "Khi đi, tôi đã phải đóng cho công ty tổng cộng 47,7 triệu đồng. Gia đình tôi phải vay 40 triệu đồng. Sau vụ hai lao động bị hành hung, tôi vẫn có ý nghĩ ở lại để tiếp tục làm việc nhằm kiếm tiền giúp gia đình trả nợ. Nhưng chủ Trung Quốc đã đối xử với chúng tôi quá đáng không cho chúng tôi ăn còn đe dọa đánh, nên sợ quá chúng tôi đành phải về."

Anh Đang cho biết ngày nào vợ cùng 3 con ở nhà cũng đều liên lạc với anh và bảo về vì còn người là còn của. Anh Đang khẳng định phía người lao động không sai vì trong hợp đồng ghi là làm việc công nhật, khi xảy ra bất đồng, phía chủ sử dụng cũng không đàm phán cụ thể là mức như thế nào và còn bỏ đói và đánh đập anh em lao động.

Nguyễn Văn Đức ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho biết, trong tổng số 48 triệu đồng đóng cho công ty, gia đình phải vay 20 triệu và bày tỏ rất mừng vì được về nhà nhưng chưa biết phải làm thế nào để trả được khoản vay trên.

Trước đó, ngày 5/10 vừa qua, các công nhân Việt Nam tại Algeria đã kêu cứu vì bị chủ sử dụng lao động là công ty Đông Nhất Giang Tô (Trung Quốc) đánh đập. Họ là 55 công nhân Việt Nam do công ty Simco Sông Đà cử tuyển sang quốc gia Bắc Phi này làm việc cho nhà thầu Trung Quốc nêu trên tại một công trường xây dựng thuộc tỉnh Khenchela, cách thủ đô Alger hơn 460km về phía Đông.

Theo các công nhân Việt Nam, hợp đồng lao động mà họ đã ký là làm theo công nhật được trả lương tháng nhưng khi sang đến bên này thì lại bị phía chủ Trung Quốc ép chuyển sang làm khoán.

Các công nhân Việt Nam không đồng ý, phản đối và điều này đã dẫn đến việc họ bị phía nhà thầu Trung Quốc hành hung vào tối ngày 16/9 vừa qua, làm 2 công nhân bị thương là Đậu Hoàng Anh và Đào Ngọc Cường./.

Theo VIETNAM+

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nhóm 18 lao động cuối cùng bị ngược đãi tại Algeria về nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO