Nhức nhối nạn khai thác cát sạn trái phép ở Đô Lương

26/10/2011 16:38

Thời gian qua, dọc tuyến sông Lam chảy qua địa phận huyện Đô Lương tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra khá phổ biến, bất chấp các quy định của pháp luật; làm thất thu ngân sách nhà nước, sạt lở bờ sông, xâm hại môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

(Baonghean.vn) Thời gian qua, dọc tuyến sông Lam chảy qua địa phận huyện Đô Lương tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra khá phổ biến, bất chấp các quy định của pháp luật; làm thất thu ngân sách nhà nước, sạt lở bờ sông, xâm hại môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.

Từ nhiều tháng nay, việc khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Đặng Sơn (Đô Lương) diễn biến phức tạp. Nhiều diện tích đất bãi màu của xã Đặng Sơn bị sạt lở, trong đó, đã bị sạt lở từ 30 đến 50m chiều rộng, có đoạn sạt lở hơn 100 m và kéo dài trên 700 m dọc theo bờ sông Lam nhất là đoạn thuộc địa phận xóm 2 và xóm 3. Sáng ngày 20/10, chúng tôi có mặt ở xóm 2, xã Đặng Sơn. Nhiều người dân trong xóm tỏ ra rất bức xúc trước việc nhiều đối tượng hút cát ảnh hưởng đến diện tích hoa màu.



Bãi khai thác cát sỏi xã Lưu Sơn - Đô Lương.


Ông Nguyễn Văn Thư - Xóm trưởng xóm 2, xã Đặng Sơn kể: Mỗi ngày có hàng chục chiếc thuyền và xà lan thường xuyên hút cát ngày đêm trong khu vực này. Cách đây khoảng 20 năm, dòng chảy chính nằm gần phía Thị trấn Đô Lương và xã Lưu Sơn nhưng hiện nay dòng chảy đã thay đổi sang bờ đê của xã Đặng Sơn, làm sạt lở khoảng 2 ha đất sản xuất hoa màu của nhân dân. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì dần dần người dân sẽ không còn đất sản xuất nữa".


Nỗi lo của ông Thư cũng là nỗi lo chung của nhiều người dân xóm 2 khi hàng ngày, hàng giờ, việc khai thác cát, sạn trái phép đã làm mất dần diện tích đất canh tác của họ. Đa số diện tích đất bãi bồi ở đây được người dân sử dụng vào mục đích nông nghiệp trồng dâu và ngô. Vào các mùa mưa bão, dòng chảy của sông thay đổi gây nên tình trạng sạt lở trên nhiều đoạn. Nhiều chỗ bị hút sâu đến 10 m tạo thành những hố xoáy sâu rất nguy hiểm.


Nghiêm trọng hơn, không chỉ ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, việc khai thác cát, sạn tràn lan trên địa bàn huyện Đô Lương làm dòng chảy đổi hướng, đe dọa đến các công trình quốc gia như cầu Đô Lương, đập Bara (Đô Lương). Ông Nguyễn Bá Phượng - Cụm trưởng quản lý cầu Bara, cho biết, thời gian qua nhiều tàu thuyền khai thác cát đã khoét chân móng làm nghiêng thân đập.


Theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều khúc sông Lam chảy qua địa phận Đô Lương thuộc các xã như: Lưu Sơn, Tràng Sơn, Bồi Sơn... trung bình mỗi ngày đều có hàng chục con tàu với sức chứa từ 30-40m3 vô tư hút cát giữa lòng sông.

Cùng với đó là các bến bãi không có giấy phép hoạt động ở các xã Lưu Sơn, Thị trấn và Tràng Sơn. Nằm cách cầu Đô Lương khoảng 100m là 2 bến cát thuộc địa phận xã Lưu Sơn hoạt động từ nhiều năm nay. Mỗi bãi cát đều được gia cố bằng bao cát rất kiên cố. Khi chúng tôi đến đây, việc mua bán cát diễn ra khá tấp nập. Trên bờ là 7 chiếc xe IFA đang chờ sΩn để vận chuyển cát. Trung bình mỗi xe cát có giá 150.000 đồng, tính ra mỗi ngày các bãi cát. sạn thu lợi hàng chục triệu đồng.


Được biết, trong thời gian vừa qua, lực lượng chức năng huyện Đô Lương nhiều lần tổ chức kiểm tra xử lý các hoạt động khai thác kinh doanh cát sạn trái phép nhưng hầu hết các vụ vi phạm bị bắt cũng mới chỉ dừng lại ở việc tịch thu phương tiện và xử phạt hành chính nên chưa có tác dụng răn đe.


Để quản lý tốt nguồn tài nguyên và tránh ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân và các công trình quốc gia do việc khai thác cát trái phép gây ra cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành. Theo đó, bên cạnh tiến hành kiểm tra, rà soát các tổ chức cá nhân, số lượng tàu thuyền và phương tiện máy móc tham gia khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát sạn trên địa bàn, các cấp chính quyền và ban, ngành chức năng cần phải đánh giá, phân vùng khu vực tài nguyên cát sạn nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác tràn lan, ồ ạt như hiện nay.


Huy Phong

Mới nhất
x
Nhức nhối nạn khai thác cát sạn trái phép ở Đô Lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO