Những bài học từ dịch Ebola

17/08/2014 19:22

(Baonghean) - Tuần qua, dịch Ebola tiếp tục là tâm điểm của toàn cầu với nhiều diễn biến nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ khi bùng phát tháng 12 năm ngoái, các nước: Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria đã chứng kiến 1.975 người nhiễm bệnh, trong đó 1.069 người đã chết. Được phát hiện lần đầu tiên từ năm 1976, nhưng đợt bùng phát dịch Ebola lần này có nhiều người tử vong nhất trong suốt gần 40 năm lịch sử của căn bệnh. Và khi số người chết vì dịch bệnh ngày càng tăng thì người ta lại càng thấm thía nhiều bài học được rút ra.

(Baonghean) - Tuần qua, dịch Ebola tiếp tục là tâm điểm của toàn cầu với nhiều diễn biến nghiêm trọng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ khi bùng phát tháng 12 năm ngoái, các nước: Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria đã chứng kiến 1.975 người nhiễm bệnh, trong đó 1.069 người đã chết. Được phát hiện lần đầu tiên từ năm 1976, nhưng đợt bùng phát dịch Ebola lần này có nhiều người tử vong nhất trong suốt gần 40 năm lịch sử của căn bệnh. Và khi số người chết vì dịch bệnh ngày càng tăng thì người ta lại càng thấm thía nhiều bài học được rút ra.

Phải mất ít nhất 6 tháng nữa cộng đồng quốc tế mới có thể kiểm soát được đợt bùng phát dịch bệnh do virus Ebola gây ra tại Tây Phi. Dự báo này vừa được Chủ tịch tổ chức phi chính phủ bác sỹ không biên giới, bà Joan Lew đưa ra tại Geneva (Thuỵ Sĩ). Bà Lew thừa nhận rằng, hiện diễn biến dịch đang xấu đi nhanh hơn khả năng mà cộng đồng thế giới có thể đối phó. Trong đó, trọng tâm là Liberia khi tại đây chỉ trong 2 ngày 10 và 11/8 vừa qua đã có 71 ca lây nhiễm mới, và 32 người nhiễm bệnh trước đó đã tử vong. Trước thực tế này, các chuyên gia đặc biệt quan ngại rằng, nếu các đợt dịch trước xảy ra tại các ngôi làng nhỏ thì hiện virus đã xâm nhập các thành phố lớn. Không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, dịch Ebola còn đang gây thêm một thảm họa khác về một cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ đúng như Chương trình Lương thực thế giới đã cảnh báo. Nguyên nhân là do các nước láng giềng đóng cửa biên giới, quân đội kiểm soát các tuyến đường nhằm ngăn chặn khả năng lây lan của dịch bệnh, khiến nguồn cung thực phẩm tới các nước ở tâm điểm bùng phát dịch ngày càng eo hẹp. Có nghĩa là, virus Ebola đang có nguy cơ gây ra một thảm họa toàn diện tại Tây Phi.

Bản đồ mức độ lây lan của dịch Ebola. Ảnh intenet
Bản đồ mức độ lây lan của dịch Ebola. Ảnh intenet

Nhìn lại toàn cảnh dịch Ebola, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra, rằng tại sao đã xuất hiện từ năm 1976 nhưng lại chưa có vắc-xin hay thuốc chữa đặc hiệu, rằng vốn bắt đầu bùng phát từ cuối năm ngoái, nhưng đến nay sau hơn nửa năm mà dịch vẫn chưa thể kiểm soát? Không chỉ có vậy, dịch còn không dừng ở các ngôi làng nhỏ mà đã lan ra các thành phố lớn. Vì sao lại như vậy?

Có lẽ, bài học đầu tiên con người rút ra ở đây là không được chủ quan với bất kỳ dịch bệnh hay virus nào. Thực tế là trước đây khi mới xuất hiện năm 1976, virus Ebola ít phổ biến, rất ít người nghiên cứu và hầu như không có ai tài trợ cho công việc này. Bởi vậy, cho đến nay sau gần 40 năm, một loại vắc-xin và thuốc chữa hiệu quả vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, tức là chưa có một phác đồ điều trị chuẩn cho bệnh nhân. Vì thế, trước dịch bệnh hoành hành, không có lựa chọn nào khác, Tổ chức Y tế thế giới đã buộc phải quyết định sử dụng các lô thuốc Zmapp còn đang thử nghiệm do Mỹ sản xuất. May mắn là loại thuốc này cũng đang có hiệu quả bước đầu, thế nhưng số lượng thuốc lại đang dần cạn kiệt, do nó được chế tạo từ lá cây thuốc lá biến đổi gen và rất khó sản xuất đại trà vì loại cây này phải mất nhiều tuần để phát triển. Theo chính Công ty Dược phẩm công nghệ sinh học Mỹ Maap sản xuất ra loại thuốc này, phải mất nhiều tháng mới thu được một lượng thuốc rất khiêm tốn. Như thế, sự chủ quan với một loại virus đã khiến con người phải loay hoay xử trí khi dịch bất ngờ bùng phát. Và kết quả là sau khi cân đong đo đếm yếu tố đạo đức, loại thuốc đang trong quá trình thử nghiệm vẫn buộc phải đem dùng.

Bài học thứ hai có được từ dịch Ebola, đó là công tác tuyên tuyền dịch bệnh tại những nơi có dân trí thấp như khu vực Tây Phi. Báo La Croix của Pháp thông tin rằng, trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xảy ra vào cuối tháng 12 năm ngoái tại Guinea, quốc gia chưa bao giờ thống kê các trường hợp nhiễm Ebola cho đến lúc phát hiện ca nhiễm bệnh. Người dân địa phương lúc đó nghĩ đây là sốt xuất huyết Lassa vẫn thường xảy ra ở Tây Phi nên đã chậm phát hiện ra dịch bệnh Ebola. Tiếp đó, bệnh lây lan mạnh trong một môi trường vốn có cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, còn bị bạo lực, xung đột làm suy kiệt như Guinea. Do thiếu các biện pháp phòng, chống đầy đủ, Ebola tiếp tục lan sang hai nước láng giềng Siera Leone và Liberia rồi Nigeria. Một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan rộng hơn, đó là do sự kỳ thị xã hội và nhận thức kém của người dân. Điều này có thể đã khiến nhiều người dân không đi khám chữa, chối bỏ việc đã tiếp xúc trực tiếp với xác bệnh nhân mặc dù có tham gia tổ chức đám tang hay chuẩn bị cho việc chôn cất. Thậm chí, theo tờ New York Times, còn có tình trạng có người dân tại các nước có dịch lo ngại các nhân viên y tế đã gây ra Ebola nên đã đe dọa bằng dao, đá... hay dùng thái độ thù địch bao vây xe của y, bác sỹ... Rõ ràng, đã có vấn đề trong công tác tuyên truyền nhận thức cho người dân tại vùng dịch. Bài học này quả là rất đắt và nó không chỉ là trách nhiệm của các quốc gia có dịch.

Còn bài học thứ 3 có lẽ để dành cho các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga hay các nước châu Âu, khi liên tục công bố chiến lược đầu tư, hợp tác với châu Phi trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội nhằm cạnh tranh lẫn nhau, nhưng lại bỏ quên những điểm yếu của khu vực này. Đó là sự yếu kém về cơ sở vật chất, yếu kém về y tế hay môi trường - những yếu tố nếu không được đầu tư đúng mức sẽ không thể có sự phát triển bền vững cho bất kỳ quốc gia nào. Mới đây, Mỹ đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần đầu tiên nhằm thiết lập trở lại các quan hệ hợp tác mà Mỹ vốn bỏ quên với châu Phi. Hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) lần thứ tư được tổ chức vừa qua cũng với mục tiêu "Ðầu tư vào con người, thịnh vượng và hòa bình" cho lục địa đen. Hay Chính phủ Đức hồi tháng 6 vừa qua đã thông qua một chính sách mới cho phép định hướng sự can dự của Berlin đối với châu Phi. Đặc biệt như Trung Quốc đã có chiến lược toàn diện và sâu rộng để thâm nhập vào châu Phi từ năm 2006. Nhưng chắc chắn sau dịch Ebola, các chiến lược đầu tư, hợp tác vào châu Phi sẽ có những điều chỉnh cần thiết. Vì đây chính là bài học về đầu tư và phát triển bền vững khi muốn đặt chân vào một lục địa đang phát triển như châu Phi.

Nhưng có lẽ may mắn hơn cả là chúng ta đã cùng rút ra được bài học về sự chung tay góp sức, tạo sức mạnh của cả cộng đồng trước một vấn đề toàn cầu. Trong thời điểm khó khăn và gấp rút như hiện nay, các nước, các tổ chức quốc tế đã liên tục hỗ trợ kinh phí, thuốc men, nhân lực để giúp Tây Phi chống chọi với dịch bệnh. Như Anh đến nay đã góp khoảng 8,5 triệu USD, Ủy ban châu Âu báo cáo hỗ trợ 16 triệu USD, chính phủ Nhật cũng đang có kế hoạch viện trợ 1 triệu rưỡi đôla cho Tây Phi. Các nước như Mỹ, Canada đang nỗ lực cung cấp và chế biến các loại vắc-xin chữa Ebola hiệu quả hơn. Hay Trung Quốc ngoài hỗ trợ kinh phí đã cử đoàn chuyên gia tới Tây Phi hỗ trợ chống lại dịch bệnh, bất chấp việc Ebola đã khiến hàng chục y, bác sỹ thiệt mạng. Và đến nay, những nỗ lực góp sức này vẫn đang tiếp tục tăng lên, nhiều hơn và gấp rút hơn.

Sẽ còn nhiều kinh nghiệm và bài học nữa được rút ra, chỉ hy vọng rằng, với những bài học như thế, dịch Ebola sẽ sớm được kiểm soát trong thời gian ngắn nhất có thể, với số thương vong ít nhất có thể. Và quan trọng hơn, con người sau này sẽ không còn phải khốn đốn, phải loay hoay mà sẽ chủ động ứng phó với các loại virus và dịch bệnh khác, thậm chí nguy hiểm hơn cả Ebola.

Phương Hoa

Mới nhất
x
Những bài học từ dịch Ebola
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO