Những "bệnh" thường gặp của phanh cơ xe máy
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đạp (bóp) phanh để dừng xe khẩn cấp nhưng chiếc xe vẫn cứ lao đi?
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu hư hỏng của phanh tang trống sẽ giúp bạn an toàn hơn khi lái xe |
Hiện nay, phanh tang trống (phanh đùm, phanh guốc) loại sử dụng chốt tựa cùng phía với lực đẩy ở hai má phanh bằng nhau vẫn được sử dụng rất phổ biến ở bánh sau và bánh trước của nhiều dòng xe từ bình dân tới trung cấp do có ưu điểm là rẻ, độ tin cậy cao và chắn cát bụi tốt. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều nhược điểm như lực phanh nhỏ, lực đạp/bóp phanh lớn, nếu không định kỳ vệ sinh dễ dẫn tới han gỉ, mòn nhanh và xước bề mặt làm việc của tang phanh hoặc thậm chí là gây ra trượt phanh.
Dấu hiệu hư hỏng
Phanh không ăn: Đây là hiện tượng khi người lái đạp/bóp phanh rất mạnh nhưng thấy xe giảm tốc độ rất chậm hoặc không hề giảm. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là má phanh đã quá mòn nhưng không được điều chỉnh tăng hoặc đã tăng hết giới hạn. Ngoài ra, má phanh bị trơ lì, dầu mỡ bám trên bề mặt phanh cũng khiến phanh gặp hiện tượng này.
Phanh bị kêu: Hầu hết những tiếng kêu xuất phát từ phanh tang trống đều cần được kiểm tra và khắc phục ngay. Một số nguyên nhân làm phanh kêu như: má phanh bị trơ lì gây trượt khi phanh, cát hoặc nước vào má phanh, trục quả đào bị mòn, bề mặt làm việc của tang phanh (nòng may-ơ) bị xước.
Nặng phanh: Hiện tượng này gặp chủ yếu ở phanh tang trống bánh trước do dây phanh và trục quả đào bị khô dầu.
Bó phanh: Đây là hiện tượng sau khi nhả phanh nhưng má phanh không tách khỏi bề mặt tang phanh. Nguyên nhân có thể do trục quả đào mòn không đều hoặc khô dầu, lò xo hồi vị phanh yếu, bề mặt làm việc của tang trống bị mòn thành rãnh sâu hoặc má phanh quá mòn, khi đạp phanh quả đào quay 90 độ nên không có khả năng tự hồi về. Ngoài ra, sau khi xe mới rửa xong, đi mưa về để qua đêm dễ dẫn đến hiện tượng mút phanh khi đạp, gây bó cứng.
Các dạng hỏng phổ biến
Má phanh sẽ giảm độ bám khi mòn không đều và khiến bề mặt tang phanh mòn thành rãnh |
Má phanh mòn là hiện tượng tự nhiên trong quá trình sử dụng nhưng khi quá trình mòn diễn ra nhanh, mòn không đều thì có thể là do má phanh kém chất lượng hoặc bề mặt tang phanh bị xước.
Má phanh bị trơ lì do thói quen của người sử dụng rà phanh nhiều dẫn tới quá nhiệt, bề mặt tấm ma sát (phíp) trở nên chai cứng và giảm khả năng bám. Hiện tượng này cũng thường gặp với các má phanh có thời gian sử dụng quá lâu bị tác động của thói quen và môi trường sử dụng nhưng chưa mòn tới giới hạn phải thay mới.
Khi bề mặt tang phanh đã mòn thành rãnh sâu thì cách duy nhất để khắc phục là ép lại |
Má phanh mòn thành rãnh thường gặp khi người sử dụng thay phải má phanh kém chất lượng. Với những loại má phanh này thường không có sự đồng đều về độ cứng giữa các vị trí trên phíp, chỗ thì quá cứng, chỗ thì quá mềm – kết quả của việc dùng sai vật liệu và công nghệ chế tạo. Hậu quả khi thay phải má phanh kém chất lượng là bề mặt làm việc của tang phanh bị mòn thành rãnh, nếu rãnh quá sâu thì phải ép mới chứ không thể láng lại để khắc phục.
Phíp bong, vỡ. Đây là dạng hỏng không hay gặp nhưng rất nguy hiểm nếu đang lái trên đường phố đông đúc hoặc đường cao tốc. Khi phíp bị bong, vỡ dễ dẫn đến bó phanh gây kẹt cứng bánh xe đột ngột và người sử dụng hầu như không kịp xử trí, có thể dẫn tới ngã xe.
Bong phíp là hiện tượng thường gặp ở các má phanh kém chất lượng |
Lưu ý sử dụng và sửa chữa
- Vệ sinh định kỳ và sau khi sử dụng xe trong các điều kiện đường sá nhiều bùn đất, cát bụi.
- Thường xuyên và định kỳ tra dầu mỡ tại các vị trí khớp nối dẫn động và dây phanh để đảm bảo phanh luôn hoạt động trơn tru.
- Cẩn trọng khi dán phíp do chất lượng dán phụ thuộc nhiều vào chất lượng của phíp, keo dán, lực ép khi dán và mức độ lành nghề của người dán.
- Thay thế, sửa chữa tại những trung tâm xe máy uy tín, có lượng khách đông và có chế độ bảo hành phù hợp.
Theo baogiaothongvantai