Những bức ảnh cất giữ lịch sử hồn lịch sử

28/07/2011 10:59

Nhà thơ Phan Duy Hương (bút danh Dương Huy, Huỳnh Cương), nguyên Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam, và là 1 trong 9 người đầu tiên có mặt từ ngày đầu thành lập báo Nhân Dân Nghệ An (10/11/1961). Chính ông là người hiện nay đang lưu giữ những bức ảnh ghi dấu lịch sử Báo Nghệ An những ngày đầu thánh lập.

(Baonghean) - Nhà thơ Phan Duy Hương (bút danh Dương Huy, Huỳnh Cương), nguyên Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam, và là 1 trong 9 người đầu tiên có mặt từ ngày đầu thành lập báo Nhân Dân Nghệ An (10/11/1961). Chính ông là người hiện nay đang lưu giữ những bức ảnh ghi dấu lịch sử Báo Nghệ An những ngày đầu thánh lập.

Trưa một ngày tháng 7, ngoài cổng Trụ sở báo Nghệ An-số 3 Đại lộ Lênin TP Vinh, nắng nóng 39, 40 độ trút xuống vỉa hè lát gạch. Nhà thơ Phan Duy Hương (bút danh Dương Huy, Huỳnh Cương), nguyên Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam, và là 1 trong 9 người đầu tiên có mặt từ ngày đầu thành lập báo Nhân Dân Nghệ An (10.11.1961), dạo bước. Thấy tôi dừng xe, ông "Nhà thơ chuyên đi bộ"cũng dừng lại:

-Vào dịp báo tròn 50 tuổi, nhiều người muốn có bộ "lý lịch trích ngang" bằng hệ thống tư liệu, hiện vật, hình ảnh… về 50 năm xây dựng trưởng thành báo Nghệ An -chặng đường lắm mồ hôi, nước mắt, và cả máu của thế hệ làm báo đàn anh. Hiềm nỗi bấy giờ lực bất tòng tâm nên tạm gác lại.

Loáng lại sắp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập báo Nghệ An, dịp này Ban biên tập tổ chức cuộc gặp gỡ các cựu PV đã nghỉ hưu, để nghe ý kiến đóng góp cho việc xây dựng Phòng trưng bày truyền thống. Việc xây dựng Phòng trưng bày truyền thống của báo tới nay mới làm là chậm, nhưng rồi lại nghĩ làm chậm còn hơn không. “Tế thúy trường lưu” (nước chảy nhỏ thì chảy dài, nếu biết cách sử dụng tiết kiệm thì không bao giờ thiếu nước), tôi tin vào kết quả sắp tới của sự đồng tâm hiệp sức mà các thế hệ PV báo Nghệ An đang xúc tiến. Nhưng về cội nguồn ra đời của tờ báo thuộc tỉnh ủy Nghệ An, dòng chảy như mách bảo tôi không dừng tại cột mốc năm 1961.

Rạch luồng thời gian, năm 1930 Tỉnh ủy Nghệ An đã tiến hành in ấn, phát hành tờ Nghệ An đỏ, mặc nhiên nó là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, có thể lấy năm 1930 là cột mốc khởi phát của tờ báo Nghệ An cũng chẳng sai. Kỳ diệu thay mốc 1930. Từ giữa vòng vây bắt bớ, đàn áp, khủng bố tàn bạo của quân thù, các tiền bối Cách mạng dũng cảm cho ra tờ Nghệ An đỏ để đảm đương nhiệm vụ giải phóng dân tộc đầy nặng nề cao cả. Trong tháng ngày máu lửa ấy, sát cánh bên báo Nghệ An đỏ còn có tờ Xích Sinh của Tổng sinh hội Nghệ An. Về nghĩa của từ Xích Sinh, có ý kiến cho rằng là tên gọi tắt của Xích vệ Đỏ và Học sinh sinh viên Nghệ An- 2 trong nhiều tổ chức Cách mạng của thời trứng nước.



Đại hội thành lập Chi Đoàn TNLĐ báo Nhân Dân Nghệ An 1961 (ảnh cùng vào chiến trường). (2 ảnh do nhà thơ Dương Huy cung cấp).

Từ bấy đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, trong điều kiện hoạt động bí mật, để tránh sự tập trung vây ráp đàn áp khốc liệt của quân thù, tờ báo của Đảng bộ Nghệ An phải "tàng hình" bằng cách liên tục thay tên đổi họ: Báo Tiến Lên (1931), Chuông đánh thức (1933), Chuông cách mạng, Vô Sản (1934), Tự Cứu (1935), Dân Nghèo (1936), Chỉ Đạo (1938), Cởi Ách (1940 đều do Tỉnh ủy Nghệ An xuất bản); và Kháng địch (1945) do Việt minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh xuất bản. Các tên gọi của báo phần nào đã nói lên chiến lược đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trong từng lúc từng nơi. Cũng trong giai đoạn này ngoài những tờ báo nói trên, tại Vinh-Bến Thủy-Trường Thi còn có một loạt báo khác được in ấn, phát hành như Người lao khổ, Lao khổ, Vô sản (1930), Tự chỉ trích (1933) đều do Xứ ủy Trung Kỳ xuất bản. Chuông Vô sản (1932) do Khu bộ Vinh, Truyền thanh (1940) do Ty Thông tin Nghệ An xuất bản.

Từ Lịch sử Cách mạng giải phóng dân tộc đã khẳng định: Giai đoạn 1930-1945, Vinh-Bến Thủy-Trường Thi là "lò" lửa đấu tranh Cách mạng liệt oanh của cả nước. Và từ thực tế của hoạt động báo chí nêu trên, cũng nên ghi thêm vào Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam 1 câu: Từ thưở phong trào Cách mạng còn trứng nước, cho đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công, cùng với Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Vinh-Trường Thi-Bến Thủy là một trung tâm báo chí sôi động, một căn cứ địa kiên cường của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
* * *

Con ngoan không chê cha mẹ khó, thế hệ làm báo Nghệ An hôm nay không quên các thế hệ đàn anh từ nhiều chục năm trước. Thời ấy, hầu hết Nhà báo chưa có nhà, nhưng với ý chí, nghị lực họ đã vượt lên mọi khó khăn để Tòa báo luôn có báo ra đúng kỳ. Là một trong 9 PV đầu tiên về báo từ ngày đầu thành lập, Nhà thơ Dương Huy (SN 1939, quê làng Quỳnh Đôi) năm nay đã 73 tuổi. Bác cho tôi xem những tấm ảnh biết nói, kích cỡ lỗ đổ, tấm to nhất bằng cacvidit, hầu hết chỉ bằng cái tem thư, tất cả đều đen trắng và đã úa vàng: - Ba tấm này chụp từ ngày đầu thành lập báo với tên gọi Báo Nhân Dân Nghệ An, năm 1976 sáp nhập tỉnh mới đổi là Báo Nghệ Tĩnh. Dường như thông điệp lịch sử cũng biết chọn thời điểm phù hợp để phát lộ cậu ạ.

Ngày ấy chàng trai làng Quỳnh vừa tốt nghiệp Trường Sư phạm cấp 2, vì có chút năng khiếu viết lách nên anh theo học tiếp khóa báo chí, học xong vừa lúc tỉnh quê Bác thành lập báo, thế là anh thuộc tốp 9 người đầu tiên về báo. Những tấm ảnh chụp từ ngày đầu thành lập, anh tặng em trai mang vào chiến trường. Sau ngày em hy sinh, đơn vị gửi về cho anh cái túi màu xanh còn loang vết máu đã bị mảnh bom xuyên thủng, trong đó có những tấm ảnh này cùng mấy tấm ảnh khác do chú ấy chụp trên chiến trường, nói về hoạt động của chiến sỹ và nhân dân ta trong các chiến dịch đường Chín, Khe Sanh. Mười mấy năm lưu lạc, những tấm ảnh mang trong mình thông điệp lịch sử Báo Nhân Dân Nghệ An, lại trở về nơi xuất phát, chúng như thể cũng biết chọn giao cho ông PV thế hệ đầu tiên giữ gìn bảo quản.


Nhà thơ Dương Huy.
Ảnh: Giao Hưởng

Bác Dương Huy chậm rãi nhớ lại. Ngày đó Trụ sở báo đặt tại khu đất nay là phía Đông đường Hồng Bàng TP Vinh. Gọi Tòa soạn nghe "oai", quanh quẩn chỉ vài dãy nhà tranh tre nứa lá, "hệ" nhà này ngày ấy nhan nhản giữa thành Vinh, ở đâu cũng có, nơi thì "nhà 5 gian", nơi "nhà 7 gian", nơi "nhà 9 gian", cứ gọi theo số gian có trong mỗi nhà. Tranh tre nứa lá nhưng mà ưu việt lắm, các PV độc thân cũng được giao một gian mười mấy mét vuông để dễ bề cơm niêu nước lọ.
Từng gặp Nhà thơ trào phúng số 1 của xứ Nghệ, mãi nay tôi mới chộp được cái màu mây vần vũ trong ánh mắt không hề trào phúng của ông. Vẫn biết trong thẳm sâu tâm tưởng của mỗi người, ít hoặc nhiều đều ẩn hiện cái màu mây quá khứ. Riêng giới cầm bút-đặc biệt là những cây viết trào phúng "lấy tiếng cười làm vũ khí", thì màu mây ấy xa xăm đến nỗi, nếu không hội đủ "thiên thời-địa lợi-nhân hòa" thì màu mây ấy chỉ quẩn quanh trong ký ức, nó không thể vượt ra thành tác phẩm văn chương để bạn đọc được vui, được buồn với một thời để nhớ-một thời oanh liệt không dễ phôi phai.

Giờ được nghe chuyện về những bức ảnh cất giữ hồn lịch sử, tôi càng thấy bác Dương Huy vẫn thao thiết với đời, Nhà thơ đã bàn giao lại những bức ảnh để các thế hệ PV báo Nghệ An gìn giữ, phát huy.

Giao Hưởng

Mới nhất
x
Những bức ảnh cất giữ lịch sử hồn lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO