Những cách dùng sấu chữa bệnh ít người biết
Nhiều người yêu thích và sử dụng thường xuyên loại quả này nhưng không phải ai cũng hiểu biết tường tận về công dụng của nó.
Cây sấu có tên khoa học là Dracontomelon duperreanum Pierre, thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).
Cây sấu to, có thể cao tới 30 m, thường xanh. Cành nhỏ có cạnh và có lông nhung mào tro. Lá mọc so le, phiến lá chét hình trái xoan, đầu nhọn gốc tròn, dai, nhẵn, mặt dưới có gân nổi rõ. Cụm hoa chùm ở ngọn hay gần ngọn, hoa nhỏ, màu xanh trắng, có lông mềm. Quả hạch hình cầu hơi dẹt, đường kính độ 2 cm, khi chín màu vàng sẫm.
Sấu ra hoa mùa xuân - hè và có quả vào mùa hè - thu, thu hoạch sau khi cây ra quả khoảng hơn hai tháng. Mùa sấu thường kéo dài khoảng 2-3 tháng (từ tháng 6-9 hàng năm).
Đại tá, thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết trong quả sấu chín chứa 80% nước, 1% acid hữu cơ, 1,3% protid, 8,2% glucid, 2,7% cellulose, 0,8% tro, 100 mg% calcium, 44 mg% phosphor, sắt vết và 3 mg% vitamin C.
Loại quả này tính mát, có công năng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm, sử dụng trị nhiều bệnh chứng như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa rất tốt.
Vào mùa sấu, món ăn thông dụng có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa phải kể đến là nước rau muống luộc dầm sấu. Ngoài ra, sấu còn được sử dụng nấu canh chua với thịt nạc băm, làm mứt, tương, ngâm đường.
Những cách dùng sấu ít biết
Ngoài cách ăn sấu thông dụng như trên, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn cho biết sấu còn có tác dụng chữa rất nhiều bệnh lý. Cụ thể như sau:
Phụ nữ nôn do thai nghén: Lấy quả sấu nấu canh với cá diếc hay thịt vịt ăn sẽ chóng lành.
Chứng nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng: Lấy từ 4-6 g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng. Hoặc 8 g cùi quả sấu hãm với nước sôi uống trong ngày. Dùng trong một tuần liền. Hoặc có thể lấy quả sấu chín đem dầm với muối hay đường ăn trong ngày.
Giải rượu: Lấy 10 g cùi sấu đem hãm với nước sôi để uống, cách 30 phút lại uống một lần.
Trị mụn lở: Lá dùng nấu nước rửa chữa mụn loét hoại tử.
Chữa ho: Cùi quả sấu tươi 15 g, ngâm với ít muối, ngày ngậm 3-5 lần, tốt nhất nên ngậm vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Hoặc cùi sấu 25 g sắc với 250 ml nước còn 100 ml, chia làm 2 lần uống, khi uống cho thêm đường. Uống trong 3 ngày. Với trẻ em, có thể lấy hoa sấu hấp cùng mật ong cho trẻ uống ngày vài lần sẽ hiệu nghiệm.
Trị bỏng: Vỏ thân cây sấu sử dụng làm thuốc trị bỏng và tử cung xuất huyết…. Ở Vân Nam, Trung Quốc người ta còn sử dụng quả sấu giã ra trị ngứa lở, ăn uống không tiêu, còn vỏ rễ cây được làm thuốc trị sưng vú ở phụ nữ.
Kích thích tiêu hóa: Lấy sấu hấp với đường làm nước giải khát uống trong ngày. Hoặc sử dụng quả sấu tươi nấu canh chua ăn.
Cấm kỵ khi dùng
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn lưu ý, vì sấu vị chua, nhất là khi còn xanh nên những người mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng thể đa toan hoặc khi đói cần kiêng dùng.
Ngoài ra các đối tượng khác như phụ nữ mang thai, trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng nên hạn chế sử dụng loại quả này.
Theo Zing.vn