Những cách làm hay góp sức tạo nên miền quê đáng sống

Thanh Phúc 12/05/2022 06:43

(Baonghean.vn) - Biến phế liệu thành đường hoa, con giống, vận động chị em nội trợ hạn chế sử dụng túi ni lông là những mô hình thiết thực góp phần xây dựng NTM mà các tổ chức, đoàn thể xã hội đã triển khai tại các địa phương.

ĐI CHỢ BẰNG LÀN, GÓI HÀNG BẰNG LÁ

Hiện rất nhiều địa phương đã tích cực triển khai mô hình
Hiện rất nhiều địa phương đã tích cực triển khai mô hình "Giảm thiểu rác thải nhựa" tại các chợ dân sinh. Ảnh: Thanh Phúc

Tháng 8/2020, mô hình “Chợ văn minh giảm thiểu rác thải nhựa và túi ni lông” do Hội LHPN xã Kim Liên (Nam Đàn) triển khai xây dựng tại chợ Cầu. Ngay sau khi mô hình ra mắt, Hội Phụ nữ xã Kim Liên đã thành lập đội tình nguyện viên, truyền thông trực tiếp đối với các chị em nội trợ, tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại chợ về tác hại của việc sử dụng túi ni lông trong cuộc sống hàng ngày.

Đồng thời, tổ chức các buổi sinh hoạt lồng ghép, mời cán bộ của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh trực tiếp trao đổi về vấn đề tác hại của túi ni lông và rác thải nhựa, phân loại rác thải tái chế và rác không tái chế cho cán bộ, hội viên và các tiểu thương đang buôn bán tại chợ Cầu; tổ chức Cuộc thi “Trưng bày sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường” tại 12 chi hội trên địa bàn xã…

Đặc biệt, Hội đã vận động chị em thu gom phế liệu nhựa bán gây quỹ, dùng quỹ mua làn nhựa tặng hội viên đi chợ, mua thùng rác thông minh lắp đặt tại các khu dân cư. Tính đến nay, đã có 350 làn nhựa được tặng cho hội viên và 100 thùng rác được lắp đặt tại các khu dân cư.

Các thùng rác được lắp đặt tại các khu dân cư xã Kim Liên (Nam Đàn) từ nguồn quỹ vận động của Hội LHPN xã. Ảnh: Thanh Phúc
Các thùng rác được lắp đặt tại các khu dân cư xã Kim Liên (Nam Đàn) từ nguồn quỹ vận động của Hội LHPN xã. Ảnh: Thanh Phúc

Bằng các hoạt động tích cực đó, người dân xã Kim Liên dần dần ý thức được tác hại của việc sử dụng túi ni lông một lần trong sinh hoạt hàng ngày, từ đó thay đổi hành vi từ sử dụng túi ni lông đựng đồ đi chợ sang sử dụng rổ tre, làn nhựa, túi cói, làn mây để đi chợ. Nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ thay vì dùng túi ni lông để gói hàng đã chuyển sang dung lá chuối, lá dong, giấy để gói rau, củ, quả, thực phẩm tươi, khô…

Bà Nguyễn Thị Vân, một người dân làng Sen cho biết: “Túi ni lông thật sự là tiện lợi nhưng qua truyền thông được biết là độc hại, tác động xấu đến môi trường sống, ảnh hưởng sức khỏe, nhất là các thế hệ sau. Do đó, hiện nay, mỗi khi đi chợ tôi đều kèm theo làn đựng rau, củ; thịt, cá, tôm thì đựng vào hộp nhựa, hộp thủy tinh. Khi có hàng mang bán ở chợ thì tôi dùng lá chuối có sẵn trong vườn để gói hàng, vừa an toàn, vừa đảm bảo thực phẩm tươi ngon”.

Tặng làn nhựa - dụng cụ đi chợ thay cho túi ni-lon. Ảnh: Thanh Phúc
Tặng làn nhựa - dụng cụ đi chợ thay cho túi ni lông. Ảnh: Thanh Phúc

Không riêng gì bà Vân mà phần đa người dân Kim Liên đã hình thành ý thức dùng làn đi chợ, dùng lá để gói hàng. Từ đó, hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông, giảm thiểu rác thải nhựa, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp, thân thiện, góp phần xây dựng Kim Liên thành xã NTM kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch.

ĐƯỜNG HOA HÌNH THÀNH TỪ PHẾ LIỆU

Hưởng ứng chủ trương "Xây dựng xã nông thôn mới Hưng Tân thành miền quê đáng sống", thời gian qua, Hội LHPN xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) đã phát động phong trào "Biến rác thải thành đường hoa". Theo đó, các hộ gia đình đã tổ chức phân loại rác tại hộ, đối với rác hữu cơ thì đem chôn lấp, ủ men vi sinh thành phân bón cho rau, cho lúa, hạn chế phân bón hóa học; còn rác thải rắn như: túi ni lông, vỏ nhựa, lon bia, bìa các tông… được thu gom lại. Hàng tháng, các hội viên tập kết đến các chi hội thu gom, bán lấy tiền mua hạt giống, cây giống để trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường.

Một đoạn đường hoa được xây dựng từ nguồn quỹ thu gom phế liệu ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: Thanh Phúc
Một đoạn đường hoa được xây dựng từ nguồn quỹ thu gom phế liệu ở xã Hưng Tân (Hưng Nguyên). Ảnh: Thanh Phúc

Bà Nguyễn Thị Thuận - hội viên Chi hội làng Phan, xã Hưng Tân cho biết: “Trước đây, vỏ lon bia, chai nước, túi ni lông thường vứt lăn lóc trong vườn nhà, ở các điểm đổ rác công cộng, vừa gây lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường. Được Hội LHPN xã phát động, hướng dẫn phân loại, giờ đây, gia đình đã thực hiện thu gom rác thải rắn, các phế liệu được tích góp lại trong bì tải, đến kỳ thì đem ra đóng góp cho chi hội. Chi hội bán lấy tiền mua cây xanh, giống hoa về trồng. Những đường hoa xanh, sạch, đẹp vừa là chỗ để nghỉ ngơi, thư giãn sau một ngày đồng áng nặng nhọc; vừa là nơi gắn kết tình làng, nghĩa xóm thông qua các công việc chung như cùng trồng cây, chăm hoa…”.

Sự chung tay của người dân đã làm nên những đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, tạo nên những miền quê đáng sống. Ảnh: Thanh Phúc
Sự chung tay của người dân đã làm nên những đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, tạo nên những miền quê đáng sống. Ảnh: Thanh Phúc

Về xã Hưng Tân hôm nay, đường làng, ngõ xóm trải thảm bê tông phẳng lỳ, dọc hai bên tường rào là những dãy hoa rực rỡ sắc màu: tím mát của chiều tím, đa sắc của hoa mười giờ, cánh bướm và những cây xanh đang khép tán, cho bóng mát cho những con đường quê.

Những con đường hoa rực rỡ sắc màu đó được đổi từ phế liệu, rác thải; từ những bàn tay chăm sóc, bảo vệ hoa, từ chính ý thức chung tay xây dựng NTM của mỗi người dân nơi đây. Không gian nông thôn “Vườn đẹp, nhà đẹp, đường đẹp” được hình thành, góp phần đưa xã Hưng Tân đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2021; giải Nhất xã NTM đẹp năm 2019 và đang hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

BIẾN RÁC THẢI THÀNH CON GIỐNG

Từ thực trạng ở nhiều khối phố phế liệu vứt bừa bãi, các gia đình hầu như để chung rác thải hữu cơ và rác thải rắn vào một thùng chứa rồi đem vứt, vừa gây lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, trên địa bàn, có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Tháng 7/2021, Ban Thường vụ Hội Nông dân thị trấn Con Cuông đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động hội viên thu gom phế liệu, biến phế liệu thành những việc có ích.

Nông dân thị trấn Con Cuông gom phế liệu, bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: Thanh Phúc
Nông dân thị trấn Con Cuông gom phế liệu, bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: Thanh Phúc

Với phương châm mỗi hội viên là 1 tình nguyện viên bảo vệ môi trường, mỗi chi hội xây dựng 1 mô hình bảo vệ môi trường, hàng tháng, các chi hội tổ chức thu gom phế liệu từ các hội viên, sau đó bán cho các đại lý thu mua phế liệu, gom quỹ; mỗi quý trích từ quỹ bán phế liệu để tổ chức các hoạt động như tặng quà cho học sinh nghèo, tặng con giống cho các hộ nghèo.

Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, các chi hội vận động hội viên “Biến phế liệu thành vật tư y tế, nhu yếu phẩm” ủng hộ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Hàng trăm suất quà được trao đi với tổng số tiền 70 triệu đồng từ nguồn thu gom phế liệu. Năm 2022, Hội tiếp tục vận động hội viên thực hiện kế hoạch biến phế liệu thành con giống hỗ trợ hội viên nghèo phát triển kinh tế và hỗ trợ học sinh nghèo về phương tiện đi lại, học tập. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm, Hội đã tặng 2 xe đạp cho 2 học sinh nghèo Trường Tiểu học Lạng Khê, tặng quà Tết cho 2 hộ nghèo, tặng 30 kg gà giống cho 3 hội viên nghèo. Sắp tới, Hội sẽ tặng 4 con lợn giống cho 4 hội viên trong dịp 19/5. Tất cả các phần quà đều được trích từ quỹ thu gom phế liệu.

Đây là hoạt động có ý nghĩa khi vừa giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường vừa làm việc có ích, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái. Ảnh: Thanh Phúc
Đây là hoạt động có ý nghĩa khi vừa giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường vừa làm việc có ích, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái. Ảnh: Thanh Phúc

Đến nay, mô hình “Biến phế liệu thành con giống” đã nhận được sự tham gia của 8/8 chi hội, với trên 90% hội viên hưởng ứng; tiêu biểu Chi hội 1 có 100% hội viên tham gia. Chị Đoàn Thị Xuân Quý - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Con Cuông cho biết: “Mô hình được phát động với 2 mục đích: Bảo vệ môi trường thông qua việc thu gom rác thải nhựa và giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Điều đáng ghi nhận nhất là hiện nay, hầu hết các hộ đã thực hiện phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu tình trạng vứt rác bừa bãi, hầu như mỗi người dân đều có thói quen khi gặp các phế liệu đều nhặt nhạnh, thu gom để ủng hộ quỹ. Nhờ đó, khối phố vắng bóng rác thải, vườn nhà sạch sẽ, các ngõ phố văn minh hơn…”.

Với những cách làm hay, sáng tạo, thiết thực bằng các mô hình phù hợp, các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong bảo vệ môi trường, góp phần tạo nên những miền quê đáng sống./.

Mới nhất

x
Những cách làm hay góp sức tạo nên miền quê đáng sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO