Những cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới của Hội nông dân Nghệ An
(Baonghean) - Điển hình là việc 'gỡ khó' vốn vay cho nông dân thông qua mô hình Quỹ Hỗ trợ nông dân; vận động, tổ chức, thành lập các mô hình tổ hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh và những sáng tạo của các cấp hội trong xây dựng NTM.
“Lợi ích kép” từ mô hình tổ hợp tác
Nhằm giúp các hộ nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bắt đầu từ năm 2013, tổ hợp tác chăn nuôi gà chuẩn VietGAP xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) được thành lập. Đến tháng 4/2018, HTX chăn nuôi gà Long Tiến ra đời, gồm 13 thành viên với quy mô chăn nuôi lên đến 54.000 con/năm, mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 150 tấn gà, lợi nhuận gần 3 tỷ đồng.
Mô hình dưa lưới của anh Đặng Thọ An ở xã Nghi Trường, Nghi Lộc. Ảnh tư liệu Thu Hiền |
Tham gia tổ hợp tác, các thành viên được hỗ trợ vốn vay; tập huấn quy trình chăn nuôi theo đúng chuẩn quy trình VietGAP. “Liên kết với nhau, chung mua con giống, thức ăn cho gà nên giá thành rẻ hơn; cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ cho nhau trong phòng bệnh; cùng liên kết trong tiêu thụ nên đầu ra ổn định không bị ép giá”, bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc HTX chăn nuôi gà Long Tiến cho biết.
Tháng 3/2019, tổ liên kết sản xuất nước mắm khối 7, phường Nghi Thủy (TX. Cửa Lò) chính thức được thành lập. Tham gia tổ có 20 hộ chuyên sản xuất nước mắm, định kỳ mỗi tháng 1 lần, các thành viên sinh hoạt, nội dung xoay quanh việc tuyên truyền, vận động và giám sát các hộ dân sản xuất nước mắm sạch, an toàn; chuyển đổi các bể chượp bằng nhựa sang bể xi măng, thùng chứa nước mắm bằng vại sành; giữ gìn môi trường làng nghề; thay đổi cách thức đóng gói nhằm thu hút khách du lịch...
Liên kết trong chăn nuôi mang lại hiệu quả cao ở xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn). Ảnh: Thanh Phúc |
Tính đến nay, dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội là 2.453 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp là 460 tỷ đồng cho gần 80.000 hộ nông dân vay; tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 58,208 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 231 mô hình sản xuất với 4.446 hộ hội viên nông dân vay.
Một số dự án phát huy tốt hiệu quả và được địa phương quan tâm nhân rộng như: Dự án chăn nuôi đại gia súc tại các huyện miền núi; Đầu tư vốn xây dựng các làng nghề; đầu tư phát triển các loại cây có múi; dự án trồng nấm...Hội Nông dân các cấp đã đứng ra vay ủy thác từ các nguồn vốn; hỗ trợ nông dân từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Ảnh: T.P |
Tính đến 30/8/2019, toàn tỉnh thành lập 121 tổ hội nghề nghiệp; 313 tổ hợp tác. Hiện tại, Hội Nông dân tỉnh đang xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò trách nhiệm của tổ chức hội trong việc tham gia xây dựng tổ hợp tác liên kết sản xuất, kinh doanh có hiệu quả giai đoạn 2020 - 2023”, chủ trương hướng ưu tiên nguồn vốn cho các dự án sản xuất, kinh doanh theo hình thức liên kết, hợp tác...
Sáng tạo trong xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới
Từ thực tế các hộ dân ở một số xã trong huyện, nhận thấy thực trạng là quỹ đất vườn chưa được sử dụng vào mục đích kinh tế, gây lãng phí. Hầu hết đất vườn rộng nhưng chủ yếu là trồng các loại cây không có giá trị, nhiều vườn bỏ hoang, số vườn tạp chiếm tỷ lệ lớn. Một phần nhận thức của người dân về kinh tế vườn hộ còn hạn chế, phần nữa thiếu định hướng, thiếu kiến thức, thiếu thông tin về làm vườn...
Trước tình hình đó, Hội Nông dân huyện Đô Lương đã phát động phong trào cải tạo vườn tạp và xây dựng vườn mẫu đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, qua khảo sát, số hộ có đủ diện tích 500m2 theo quy định là khá ít, nhất là các địa phương vùng trung tâm như: Thị trấn, Đà Sơn, Lưu Sơn, Đặng Sơn, Hòa Sơn, Yên Sơn...
Mô hình sản xuất rau sạch của HTX rau củ quả an toàn Nam Anh, huyện Nam Đàn. Ảnh tư liệu Xuân Hoàng |
Do đó, ngoài lựa chọn các vườn đủ diện tích theo quy định xây dựng vườn mẫu đạt chuẩn thì hội phát động hội viên thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp, làm vườn đẹp. Những vườn có diện tích nhỏ thì chỉ trồng số ít cây ăn quả, còn quy hoạch chính là rau an toàn, cung cấp nguồn thực phẩm cho bữa ăn gia đình và bán ra thị trường.
Hội Nông dân huyện Đô Lương đã có cách làm sáng tạo, đó là vận động hội viên góp gạch để ghép các đường đi lối lại trong vườn (từ 1.000 viên - 2.000 viên táp lô/vườn); trích quỹ hoạt động Hội để mua cây giống cho các hộ gia đình; Huy động hội viên đến giúp nhau ngày công để cải tạo vườn; vận dụng kinh phí giành cho các lớp dạy nghề trồng cây ăn quả để mua giống cây cho các hộ xây dựng vườn mẫu.
Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 40 vườn mẫu ở 26 xã, cải tạo được hàng chục vườn tạp thành vườn đẹp, có giá trị kinh tế. Điển hình như các xã: Bồi Sơn, Nam Sơn, Trung Sơn Đà Sơn, Mỹ Sơn, Tràng Sơn, Giang Sơn Tây, Thịnh Sơn, Hiến Sơn...
“Hội Nông dân ngoài tuyên truyền, vận động thì còn có những sáng tạo, vận dụng riêng, linh hoạt trong việc hỗ trợ hội viên xây dựng, cải tạo vườn. Cụ thể: Hỗ trợ nhau ngày công, con giống; hỗ trợ gạch; kêu gọi các công ty phân bón giúp đỡ vật tư cho các hộ làm vườn...”.
Để khơi dậy đam mê và quyết tâm trong phát triển kinh tế vườn hộ, các địa phương ở huyện Thanh Chương đã tổ chức cho các gia đình có điều kiện và sở thích làm vườn tham quan học tập các mô hình vườn chuẩn nông thôn mới các huyện bạn, các mô hình vườn có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện.Đồng thời, mở các lớp tập huấn về xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới; tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả tại các địa phương, thu hút đông đảo nông dân tham gia.
Sau khi được tham quan học tập mô hình và nắm bắt, hiểu biết thêm về khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân huyện chỉ đạo mỗi cơ sở hội lựa chọn từ 2 - 3 mô hình để xây dựng vườn chuẩn, đối với 2 xã tái định cư, Hội Nông dân huyện trực tiếp chỉ đạo và huy động các nguồn lực để giúp đỡ 2 hộ gia đình cải tạo, xây dựng vườn chuẩn.
Một góc nông thôn mới Diễn Châu. Ảnh tư liệu Sách Nguyễn |
Bên cạnh việc hỗ trợ các hộ gia đình quy hoạch vườn, Hội Nông dân các cấp còn đứng ra vận động hội viên giúp đỡ ngày công, hỗ trợ một phần kinh phí làm đường đi, dải phân cách giữa các loại cây trồng để thuận tiện cho việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; xây dựng hệ thống tưới, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hộ gia đình và làm cầu nối trong công tác cung ứng giống, cho vay phân bón trả chậm để xây dựng vườn chuẩn. Đến nay, toàn huyện đã tổ chức cắm biển gần 100 vườn chuẩn do nông dân xây dựng.
(Baonghean) - Qua 10 năm, trong bức tranh xây dựng NTM ở Nghệ An, các cấp Hội Nông dân để lại những dấu ấn tốt đẹp, được người dân, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao…Nghệ An: Khi nông dân là chủ thể xây dựng Nông thôn mới