Những cán bộ hội năng động
(Baonghean) - Cùng với sự đổi thay của quê hương, đất nước, phụ nữ hôm nay đã nỗ lực vươn lên không chỉ trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn tham gia các hoạt động xã hội. Chính các chị đã góp thêm hương sắc cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn...
(Baonghean) - Cùng với sự đổi thay của quê hương, đất nước, phụ nữ hôm nay đã nỗ lực vươn lên không chỉ trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn tham gia các hoạt động xã hội. Chính các chị đã góp thêm hương sắc cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn...
Chiều cuối năm, trời trở lạnh cộng với mưa phùn khiến con đường đến nhà chị Ngô Thị Phụng – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Xuân Giang – Nghi Xuân – Nghi Lộc dường như xa hơn. Vừa đến cổng đã nghe tiếng rôm rả trong ngôi nhà khang trang, sạch đẹp của chị Phụng. Chị Nguyễn Thị Xuân – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghi Xuân mỉm cười: “Chị em đang họp chuẩn bị cho ngày lễ Noel của xóm đấy”. Được biết, xóm Xuân Giang có 90 hội viên, trong đó hơn 1/2 là hội viên vùng giáo. Chị Phụng cũng là giáo dân và là một trong những cán bộ hội vùng giáo tiêu biểu của xã.
Chị Ngô Thị Phụng chăm sóc đàn gà. |
Khi hỏi “bí quyết nào để chị vừa đảm đang việc nhà từ nuôi lợn, gà, buôn bán hải sản, chăm sóc mẹ chồng trên 80 tuổi đến việc của hội nào là thăm hỏi hội viên, phát động phong trào xây dựng quỹ tình thương, duy trì hoạt động hiệu quả CLB “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”… Sau một chút ngại ngùng, chị Phụng cho biết: Là phụ nữ vùng giáo nên chị rất hiểu tâm tư, nguyện vọng của các hội viên giáo dân. Xác định muốn tuyên truyền bất kể một chủ trương, đường lối nào của Đảng, Nhà nước, của Hội Phụ nữ cấp trên, trước hết mình phải là người gương mẫu, đi đầu trong mọi việc, kể cả việc nhỏ nhất. Vì thế trong gia đình, chị luôn dạy bảo các con phải sống hòa thuận với hàng xóm láng giềng, kính trên nhường dưới, lễ phép với bà nội. 3 người con của chị đều ngoan ngoãn: cháu đầu vừa tốt nghiệp Cao đẳng kế toán; con gái thứ hai học xong cấp 3 đã đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc cùng với bố; con trai thứ 3 vừa học xong cấp 3 đang ở nhà giúp mẹ.
Ngày chồng còn ở nhà, mọi việc lớn hầu hết chị không phải nghĩ tới vì đã có anh lo lắng, nhưng từ ngày anh đi xuất khẩu lao động đến nay, chị thấy mình như quyết đoán hơn, mạnh mẽ hơn trong công việc. Ở nhà một tay chị vẫn liên tục nuôi 4 lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa. Được tiếng nuôi lợn ngon nên chị không phải bán cho lái buôn mà mổ thịt bán ngay tại nhà. Để có thêm chi phí trang trải trong cuộc sống, cứ tầm 3 giờ sáng bất kể trời mưa hay nắng, chị đã trở dậy ra bến mua cá từ các chủ tàu, sau đó bán lại cho người buôn bán từ Vinh xuống… Kinh tế gia đình ngày càng phát triển, các con ngoan nên chị có thời gian chăm lo cho công tác hội. Trong năm 2013 này, chị Phụng đã vận động các hội viên trong Chi hội Phụ nữ xóm Xuân Giang đóng góp, tặng quà cho 2 gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra chị em còn tự nguyện góp vốn, xây dựng quỹ “Hỗ trợ phát triển kinh tế” tạo điều kiện cho 53 hội viên khó khăn vay vốn lãi suất thấp phát triển chăn nuôi, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Chia tay với chị em vùng biển Nghi Xuân, chúng tôi tìm về xóm Kim Chi – Nghi Ân – TP Vinh, tìm gặp chị Nguyễn Thị Nhẫn – vừa đảm đang phát triển kinh tế giỏi vừa là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ xóm Kim Chi. Không ai ngờ người phụ nữ trông mảnh khảnh sinh năm 1972 này lại có hoàn cảnh đáng thương đến thế: Chồng mất khi chị mới 24 tuổi, một mình nuôi hai con trai. Ngày anh mất do đột tử, chị ốm mấy tháng liền vì sức khỏe và cũng vì quá sốc.
Trong khó khăn, mới thấy tình anh em, làng xóm láng giềng thật đáng quý. Không ngày nào là không có người đến nhà chị chơi, vừa hỏi thăm, vừa động viên chị cố gắng nuôi con. Không thể phụ lòng tin của mọi người, chị đã gượng dậy, sống và làm việc suốt ngày mà không hề biết mệt nhọc. Nhiều lúc chị cũng không hiểu sức khỏe từ đâu ra mà mình có thể làm nhiều đến thế: từ cấy cày ngoài ruộng, trong vườn, rồi chuyển đổi đất ruộng sang trồng hoa, nuôi bò, lợn, gà… việc gì cũng suôn sẻ. Nhờ trồng hoa chị mới có điều kiện nuôi hai con trai, sửa được nhà mới. Hiện chị đã mở rộng quy mô phát triển vườn hoa cây cảnh. Dù bận rộn nhưng chị vẫn tích cực tham gia công tác hội, xây dựng CLB “Mẹ chồng nàng dâu”, là thành viên tổ dân cư tự quản vệ sinh môi trường…
Chị Phụng, chị Nhẫn chỉ là 2 trong số hàng ngàn phụ nữ với phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Đối với bản thân người phụ nữ, 4 phẩm chất ấy sẽ giúp các chị vượt qua những thách thức khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong cuộc sống và sự nghiệp, hướng người phụ nữ sống thiện, sống đẹp, sống có ích. Đối với mỗi gia đình, 4 phẩm chất đạo đức đó giúp chị em thực hiện tốt vai trò của người vợ đảm, người mẹ hiền, tạo cơ sở để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.
Đối với cộng đồng, tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang giúp người phụ nữ có thể thực hiện tốt trách nhiệm công dân, tác động tích cực tới cộng đồng, xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Xác định được vai trò quan trọng đó, từ năm 2009 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã triển khai Đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về phẩm chất người phụ nữ thời hiện đại; xây dựng các tủ sách “Phụ nữ và cuộc sống” tại các phường, xã; thành lập CLB “Phụ nữ 4 chuẩn mực” và tổ chức các đợt truyền thông tại cộng đồng.
Hàng năm, có trên 90% phụ nữ được tiếp cận nâng cao kiến thức mọi mặt, trên 72% hội viên đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, có 56.351 chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; có 14.608 lượt chị được công nhận là Chiến sĩ thi đua các cấp. Hiện nay, toàn tỉnh có 5.630 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Ngoài ra, chị em tham gia trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở quy mô nhỏ với vai trò là chủ trang trại, tổ hợp sản xuất, chủ cửa hàng, cửa hiệu... góp phần phát triển kinh tế ở địa phương. Trong lĩnh vực lập pháp, nữ đại biểu Quốc hội (khóa XIII) chiếm tỷ lệ 23%; tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Tỉnh ủy 7,2%; tỷ lệ nữ đảm nhận chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện 25%. Đặc biệt, với vai trò là người “giữ lửa”, các chị đã chăm lo xây dựng gia đình văn hóa đạt 80% tổng số hội viên.
Bài, ảnh: Thanh Thủy