Những cánh chim không mỏi
Như những cánh chim không mỏi, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh ta vẫn luôn mẫu mực, đi đầu trong nhiều phong trào ở khu dân cư. Bằng những hoạt động, việc làm thiết thực, các cụđã nêu gương sáng để lớp lớp con cháu học tập, noi theo...
Tuổi cao làm việc... không nhỏ
Cụ Nguyễn Tiến Chương sinh năm 1920 tại tỉnh Khánh Hòa. Năm 1986, cụ về nghỉ hưu tại khối Trung Hòa, phường Hà Huy Tập, (trước đây thuộc xã Hưng Dũng), Thành phố Vinh. Sau khi kinh qua nhiều cương vị công tác như: Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh... xuất thân là anh lính Cụ Hồ, về sinh hoạt tại địa phương, cụ Nguyễn Tiến Chương tích cực tham gia xây dựng khối xóm, đảm nhận công việc một bí thư chi bộ nhiều năm liền.
Tuổi cao chí càng cao, cụ Nguyễn Tiến Chương luôn tận tâm tận lực, làm tốt công việc được chi bộ giao, là tấm gương tiêu biểu trong 4 năm thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Ngay từ những ngày đầu tiếp thu cuộc vận động, cụ Nguyễn Tiến Chương là đảng viên đầu tiên phát biểu tại chi bộ mình về việc cần thiết phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Cụ nghiêm túc học tập và có những hành động làm theo thiết thực.
Cụ Nguyễn Tiến Chương nhận huy hiệu 60 năm tuổi đảng.
Trong quá trình công tác, cụđã được gặp Bác Hồ nhiều lần , những cử chỉ, việc làm và lời dạy của Người luôn là bài học lớn để suy ngẫm. Nguyện học tập và làm theo Bác suốt đời, ở tuổi 90 cụ vẫn xung phong đại diện cho chi bộ tham gia cuộc thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Đảng bộ phường Hà Huy Tập tổ chức. Mong muốn của cụ là mọi người biết nhiều hơn về Bác, từđó có những việc làm cụ thể thiết thực.
"...Những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không...", tuy tuổi cao, cụ vẫn xung phong tình nguyện phụ trách thư viện của khối xóm, luôn đem hết nhiệt tình để thư viện khối Trung Hòa ngày càng tăng lượng đầu sách, thêm nhiều sách hay, quản lý phân loại sắp xếp các loại sách một cách khoa học giúp bà con trong khối đến đọc sách và tra cứu tài liệu dễ dàng... Không dừng lại ở các hoạt động của khối, cụ Nguyễn Tiến Chương thường xuyên có những ý kiến đóng góp xây dựng quý báu cho phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh ngày càng phát triển.
Mỗi người cao tuổi có cách đóng góp khác nhau vì sự phát triển chung của toàn xã hội. Thương các em học sinh học tập trong điều kiện phòng ốc chật hẹp, thầy giáo nghèo Lê Công Diễn ở xóm 5, xã Tân An, huyện Tân Kỳđã hiến 12.000 m2 đất của gia đình để xây trường học... Năm 1960, thầy Lê Công Diễn rời khỏi cương vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), trở về quê hương đồi cao xen đồi thấp nghèo túng của mình đểđưa cái chữđến với bà con. "Chí đã cao, tâm đã quyết thì nề hà chi việc lụy đò", vượt đèo leo dốc sáng sáng chiều chiều đi dạy học.
Là giáo viên dạy Văn, thầy luôn tâm niệm văn cũng là người, nét chữ nết người, sống hướng thiện cùng tấm lòng rộng mở "lo nỗi lo của thiên hạ". Với suy nghĩđó, năm 1995, thầy Diễn đã hiến 5000m2 đất cho Trường THCS Tân An để xây dựng phòng học. Năm 2007, khi ngôi trường đã hoàn thành khang trang, thầy Diễn vui lắm. Song lại thấy đám học trò nhỏ và những thanh niên trong vùng không có sân chơi giải trí, thầy tiếp tục tặng thêm 7.000m2 đất nữa để làm khu vui chơi thể thao cho các em.
Không chỉ hiến 12.000m2 đất, toàn bộ hơn 1.000 gốc cây vải, nhãn, mơ, hồng xiêm từ 4 - 5 năm tuổi đến kỳ cho thu nhập, nhưng gia đình ông giáo không hề lấy một đồng tiền đền bù nào. Với diện tích đất gia đình thầy Diễn hiến, Trường THCS Tân An đã xây dựng thêm phòng học, phòng công vụ cho giáo viên, làm sân vận động cho các em vui chơi. Số diện tích đất có cây cối còn lại, nhà trường đã làm vườn thực hành cho học sinh... "Bóng chiều đổ, ở cái tuổi 72 nhưng thầy Diễn vẫn "chân ủng, tay cuốc" thường xuyên hướng dẫn bà con trồng cây gì, nuôi con gì trên mảnh đất của mình đem lại hiệu quả cao nhất.
Không chỉ làm tốt lời Bác dạy "...cần phải có tinh thần đoàn kết, trước để làm gương cho con cháu ta theo", cụ Vi Văn Phân ở bản Yên Sơn, xã Tri Lễ huyện miền núi Quế Phong đã trở thành tấm gương về làm kinh tế giỏi. Ở cái tuổi 72, cụ Vi Văn Phân đã vươn lên thoát nghèo bằng mô hình nuôi nhím và trồng rừng. Cụ trở thành một trong những triệu phú ở huyện miền núi Quế Phong...
Sau khi nghỉ hưu năm 1999, cụ Vi Văn Phân trăn trở với suy nghĩ làm sao để phát triển kinh tế cho gia đình, làng bản. Bắt tay vào làm, cụ chọn nuôi ba ba và gà công nghiệp, nhưng vì thiếu kinh nghiệm nên chưa đem lại hiệu quả tốt. "Bại không nản", thấy đất rừng ởđịa phương còn nhiều, cụ Phân chuyển hướng sang xây dựng vườn ươm cây lát xoan, bạch đàn, keo, cung cấp cây giống cho bà con. Không dừng lại ởđó, cụ Vi Văn Phân lại mày mò tìm kiếm sách báo tham khảo kinh nghiệm nuôi nhím, dựng chuồng trại để nuôi và cụđã thành công.
Từ 1 con nhím đầu tiên, sau 3 năm, cụ Vi Văn Phân đã có 12 cặp nhím. Làm một phép tính đơn giản thì mỗi cặp nhím trung bình một năm đẻ 4 con. Sau 4 đến 5 tháng là có thể xuất chuồng, giá bán từ 16 - 18 triệu đồng/ cặp. Tính ra, mỗi năm cụ Phân thu về trên 100 triệu đồng từ bán nhím. Không chỉ làm giàu cho riêng gia đình, cụ Vi Văn Phân còn giúp bà con trong bản kỹ thuật và kinh nghiệm chăm sóc nhím. Ngoài nuôi nhím, cụ nhận thêm đất trồng cây với 10 ha rừng, trong đó có nhiều cây trồng có giá trị cao.
"Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng"
Thư Cụ Nguyễn Ái Quốc gửi các vị phụ lão trong cả nước tháng 6/1941 có viết: "Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụđất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức.
Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì". Quả thật là như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử, cuộc đời và sự nghiệp của lớp lớp người cao tuổi Việt Nam luôn gắn liền với những thắng lợi và cả những thăng trầm của lịch sử, nên hơn ai hết, người cao tuổi hiểu sâu sắc về quá khứ, tin tưởng ở hiện tại và mở rộng tầm mắt về tương lai sáng lạng của đất nước.
Không chỉ trong thời kỳ kháng chiến đấu tranh bảo vệđộc lập dân tộc mà ngay cả trong công cuộc đổi mới hôm nay, vai trò của người cao tuổi luôn được Đảng và Nhà nước đánh giá cao, là lực lượng đông đảo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Báo cáo chính trịĐại hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng nêu rõ "Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng thụ văn hóa, được tiếp cận thông tin, sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; giúp đỡ người cô đơn không nơi nương tựa".
Nói về những đóng góp và vai trò đặc biệt của người cao tuổi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, Anh hùng Lao động Cù Thị Hậu - Phó Chủ tịch thường trực Hội Người cao tuổi Việt Nam nhấn mạnh: Trong hòa bình, người cao tuổi vẫn luôn phát huy truyền thống của phụ lão trước đây.
Người cao tuổi đã và đang làm tốt các công việc của mình, đó là chăm sóc các thế hệ trẻ, khuyến học khuyến tài cho các cháu để các cháu học giỏi và đảm nhận các công việc khác và đặc biệt là làm gương cho mọi người noi theo. Tiếng nói người cao tuổi luôn có trọng lượng với lớp trẻ, xóm giềng và góp phần cho việc xây dựng đất nước và trật tự an ninh nói chung.
Không thể kể hết những đóng góp của lớp lớp các thế hệ người cao tuổi trong thời gian qua, nhưng có thể khẳng định: lớp người cao tuổi không chỉ có công sinh thành, nuôi dạy con cháu, mà bằng nhiều cách khác nhau, đông đảo người cao tuổi Việt Nam đã và đang có những đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước tiếp tục thực hiện Cuộc vận động " Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nêu gương sáng làm nòng cốt trong Cuộc vận động " Xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" xứng đáng với truyền thống bao đời nay của người cao tuổi Việt Nam.
Cũng như những người cao tuổi trong cả nước, những người cao tuổi Nghệ An đã và đang bằng những hành động thiết thực của mình góp sức xây dựng quê hương xứ Nghệ ngày càng phát triển, văn minh và giàu đẹp.
Đã xuất hiện hàng vạn điển hình - họ là những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa, những cánh chim dẫn đầu của phong trào thi đua "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" của tỉnh Nghệ An. Đó là: ông Thái Bá Đắc ở xóm 13 xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, người sưu tầm các mẩu chuyện, bài viết về Bác Hồ trên tất cả các loại sách báo, ghi chép, tập hợp lại thành các tập sách; cụ Lê Văn Đồng - xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, là chủ Doanh nghiệp sản xuất đồ mộc, đồ nhôm kính cao cấp; ông Lô Văn Đua (69 tuổi), dân tộc Thái ở xóm Thái Lão, xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, đã chinh phục vùng đất Châu Yên xưa, nằm dưới đỉnh Pù Khạng vốn cằn cỗi sỏi đá để lập nên trang trại bốn mùa cây trái xanh tốt; là tấm gương ông Lê Văn Việt (72 tuổi) xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp, làm trang trại cao su kết hợp trồng mía, cam, cho thu nhập mỗi năm từ 230-250 triệu đồng; cụ Dương Đình Tuỳ, 73 tuổi, là hội viên Hội Người cao tuổi Chi hội 2, xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu. Cụ Tùy đã đầu tư vào nghề sinh vật cảnh. Hiện nay, vườn nhà cụ Tuỳ có rất nhiều loại cây như: tùng tuyết, lộc mưng, xi lau, hoa sứ, hoa lan.
Trong vườn cụ Tùy có nhiều cây sanh giá trị lên tới hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng...Các bậc phụ lão đã phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"... Người cao tuổi tỉnh ta luôn xứng đáng là những tấm gương sáng để con cháu noi theo.
Thành Chung