Những cánh thư theo "vết chân tròn"
(Baonghean) - Không biết bao nhiêu cánh thư đã đi cùng "vết chân tròn" ấy để khép vòng nhắn gửi, tâm tình suốt 30 năm qua. Chỉ thấy rằng, bước tập tễnh của người thương binh hạng 1/4, nhân viên Bưu cục xã Quang Sơn (Đô Lương) vẫn chưa hề ngừng nghỉ vì một tâm niệm "Thấy niềm vui của người nhận thư, lòng tôi cũng chung vui".
Đến mấy lần hẹn qua điện thoại, tôi mới tìm được đến nhà người đưa thư đặc biệt Nguyễn Đình Công ở xóm 11, xã Quang Sơn (Đô Lương) khi anh đang bận giao tiền lương cho người dân ở xóm dưới. Câu chuyện của anh cũng thăng trầm như những chặng đường thư anh đã mang theo.
Sinh năm 1960, lại là con trai cả trong gia đình có 6 anh em, cha là giáo viên dạy học tận huyện vùng cao Kỳ Sơn nên từ nhỏ anh Công đã phải cáng đáng việc nhà. Học xong cấp 3, dù có giấy báo trúng tuyển Trường Trung cấp Xây dựng Thanh Hóa nhưng vì gia đình chưa có ai đi nghĩa vụ quân sự nên anh đành tạm gác việc học để đi bộ đội. Sau mấy tháng huấn luyện ở tại Can Lộc (Hà Tĩnh) anh được chuyển vào Tiểu đoàn D6, E9 thuộc Sư đoàn 339, Quân khu 9. Tới năm 1979, Nguyễn Đình Công cùng đoàn quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia. Trên đường truy quét quân địch, Nguyễn Đình Công chẳng may dẫm phải mìn khiến 2 đồng đội đi trước và sau anh hy sinh. Riêng anh may mắn sống sót nhưng bị cụt cẳng chân phải, gãy xương cẳng chân trái và bị giảm thị lực. Sau 3 đợt phẫu thuật, điều trị kéo dài cả năm trời tại Viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh), anh được chuyển về Đoàn an dưỡng 200 ở Quỳ Hợp (thuộc Quân khu 4) với một chân giả. Nhưng cũng là duyên tiền định, tại đây anh đã tình cờ quen cô công nhân ở Nông trường Tây Hiếu là chị Nguyễn Thị An. Đầu năm 1986, hai người kết hôn rồi về sống ở quê nhà.
Công việc hằng ngày của thương binh Nguyễn Đình Công. |
Những ngày đầu, cuộc sống của hai vợ chồng anh Công chồng chất khó khăn. Được người quen giúp đỡ, vợ chồng anh xin vào làm việc ở Bưu điện xã Quang Sơn. Hằng ngày, vợ làm nhân viên văn phòng, anh làm nhân viên hợp đồng đưa thư. Để thuận tiện cho công việc, vợ chồng anh xin bố mẹ ra ở riêng rồi dựng một túp lều tranh cạnh tỉnh lộ Khuôn - Đại Sơn (huyện Đô Lương). Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn khi năm 1987, cô con gái đầu lòng Nguyễn Đình Thị Lý chào đời. Ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, vợ chồng anh còn lên thị trấn mua hàng về may đồ gia công rồi mang ra chợ bán để đỡ đần thêm cuộc sống. Cuộc sống rồi cũng xoay chiều dần, dễ thở hơn. Năm 2010, vợ anh nghỉ hưu cùng lúc cô con gái đầu lòng tốt nghiệp đại học. Có người bảo với đồng lương thương binh của anh thêm lương hưu của vợ là đủ cho "ông bà" dưỡng già, ôm thêm làm gì việc đưa thư cho mệt. Anh vui vẻ: “Sống thì phải lao động!”. Rồi anh lại tiếp tục công việc đưa thư.
Quang Sơn là một xã có địa bàn khá rộng với 11 xóm, 3 chi bộ nhà trường, ở đây lại có thêm một ngân hàng và Trường THPT Đô Lương 3 nên công việc của anh khá bận rộn, vất vả. Tuy đi xe máy nhưng cũng phải mất 5-6 tiếng anh mới hoàn thành công việc trong ngày của mình. Không chỉ vậy, ngoài phát thư báo, anh còn phải hoàn thành doanh số của bưu điện đặt ra như bán bảo hiểm xe máy, bán báo để tăng doanh thu… Gần một tháng nay, anh lại thêm việc hướng dẫn cho một nhân viên hợp đồng làm văn phòng tại Bưu điện xã Quang Sơn. Mỗi khi trái gió, trở trời hai chân của anh lại đau nhói, nhưng chưa bao giờ anh chậm trễ công việc. Anh luôn tự nhắc nhở mình phải giao thư đúng địa chỉ càng nhanh càng tốt, vì người dân họ đang cần mình. “Lương và phụ cấp công việc không được bao nhiêu nhưng đã làm nghề thì mình cũng phải cố gắng, yêu nghề thôi. Hằng ngày, người dân thấy mình mang thư, mang báo đến là họ vui lắm. Nhất là mùa thi đại học, khi các trường gửi giấy báo nhập học cho con em trong xã, mình đi thông báo cũng vui lây”, anh Công tâm sự.
Nhờ sự tận tụy, nhiệt tình của nhân viên bưu tá Nguyễn Đình Công mà năm nào Bưu điện xã Quang Sơn cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Riêng bản thân anh nhiều năm liền được Bưu điện tỉnh Nghệ An tặng giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động bưu điện xã nhiều năm liền. Niềm hạnh phúc lớn nhất của anh là hai cô con gái đều chăm ngoan, học giỏi. Con gái đầu Nguyễn Đình Thị Lý đã tốt nghiệp Học viện Bưu chính, giờ ra trường có việc làm ở Hà Nội. Cô con gái út Nguyễn Đình Thị Tâm hiện giờ đang học liên thông đại học.
Bà Nguyễn Thị Hảo - Giám đốc Bưu điện huyện Đô Lương cảm kích: “Anh Nguyễn Đình Công tuy là thương binh hạng nặng nhưng từ khi làm nhân viên đưa thư ở Bưu điện xã Quang Sơn, anh luôn tận tụy, có trách nhiệm với công việc. Lúc nào anh Nguyễn Đình Công cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và nhiều năm liền là nhân viên xuất sắc của Bưu điện tỉnh Nghệ An”.
D. N