Những câu chuyện buồn

26/03/2013 19:18

(Baonghean) - Lâu nay, việc người lao động bị lừa, mất tiền khi làm thủ tục đi xuất khẩu lao động “chui” đã được nói nhiều. Nhưng với những người đã xuất cảnh trót lọt, cũng đành “ngậm đắng nuốt cay”...

Câu chuyện ở Hàn Quốc…

Tình cảnh “dở khóc dở cười” của chị Nguyễn Thị Lam (phường Lê Mao, Thành phố Vinh), xảy ra cách đây mới hơn 1 tháng. Anh Minh - chồng chị, sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động cách đây 3 năm. Ban đầu, anh làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô, theo như ký kết ban đầu của đơn vị xuất khẩu lao động. Hơn 1 năm sau, thấy làm ngoài lương cao hơn lại được tự do, anh phá hợp đồng chuyển sang đơn vị mới và trở thành lao động “chui”.

Công việc mới cho đến thời điểm này khá thuận lợi, vì Chính phủ Hàn Quốc chưa phát hiện được trường hợp của anh. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay của anh Minh là khó có thể về nước vì nếu về thì cơ hội trở lại không có. Trong khi đó, gia đình anh lại đang rất khát khao có thêm một đứa con, một phần vì anh tuổi đã cao, một phần vì anh là con trai một. Sau nhiều đắn đó, suy nghĩ, trước Tết anh quyết định cho vợ sang Hàn Quốc, theo con đường du lịch 3 tháng. Mọi thủ tục đã chuẩn bị xong, ngày 29 Tết vợ anh là chị Lam lên máy bay bay thẳng sang Seun.

Lần đầu được xuất ngoại, mọi thủ tục ở sân bay chị Lam đều ngỡ ngàng. Không biết tiếng Hàn lại không giỏi tiếng Anh nên khi trao đổi với nhân viên sân bay tất cả chị đều lớ ngớ. Người đồng hương được anh Minh “ủy quyền” ra đón, cũng vừa mới sang nên nhân viên hỏi cái gì cũng không hiểu. Nhận thấy trường hợp của chị Lam có nhiều dấu hiệu bất thường, lãnh đạo sân bay đã hội ý và quyết định đưa chị vào một phòng riêng. Sau đó, vì biết chị sang thăm chồng đang làm việc tại Hàn Quốc, sân bay yêu cầu chị đọc tên công ty chồng đang làm việc. Để xác minh, cán bộ ở sân bay đã vào mạng tra tên những công ty có người lao động Việt Nam làm việc đã đăng ký với Chính phủ Hàn Quốc. Rất nhanh, họ phát hiện đây là một cái tên giả và trong danh sách lao động của công ty không có tên anh Minh. Hai tiếng sau, chị Lam bị áp giải lên máy bay và về lại Việt Nam ngay trong ngày. Ước mơ được gặp chồng, không những không thực hiện được mà còn tốn kém thêm gần 40 triệu đồng tiền làm thủ tục, vé máy bay khứ hồi...

Chuyện ở Đubai

Thảo - em họ tôi ở Anh Sơn, sang Đubai làm việc năm 2011 theo sự lôi kéo của người hàng xóm. Trước khi ra đi, họ cam kết sẽ trả lương 6.000.000 đồng/tháng, cùng với đó là bao ăn ở, hợp đồng 3 năm.

Sang đến nơi Thảo được ở trong một căn phòng cùng với 6 người Việt khác trong một khu ổ chuột có cả người Trung Quốc, người Philippin và rất đông người châu Phi. Công việc ở xưởng may mà Thảo và các công nhân khác đang làm việc cũng không khác nhiều ở Việt Nam, chỉ có chủ là người Trung Quốc. Buổi sáng công việc bắt đầu từ 8 giờ, kết thúc lúc 5 giờ chiều. Ác mộng Đubai của Thảo đầu tiên là từ những bữa ăn trưa, đây là bữa ăn chính nhưng vì để tiết kiệm hôm nào Thảo và công nhân cũng chỉ được ăn cơm và nước canh, ngày nào cũng như ngày nào, sau một tháng tất cả đều kiệt quệ. Tiếp đó, thay vì được trả lương 6.000.000 đồng/tháng, Thảo và người lao động Việt Nam chỉ trả được một nửa, cuộc sống phải chắt bóp từng đồng mới đủ để tiêu pha hàng ngày bởi cuộc sống ở Đubai rất đắt đỏ. Thương con, sau gần 1 năm gia đình Thảo đã phải gửi tiền sang để con có tiền mua vé máy bay về. Gặp tôi, Thảo tâm sự: Cứ ngỡ sang bên ấy, cuộc sống sẽ đỡ khổ hơn nhưng em đi 1 năm không có đủ tiền để trả nợ mà còn phải vay thêm tiền để mua vé máy bay. Trước khi đi mọi hợp đồng đều bằng miệng nên đành "ngậm đắng nuốt cay", không biết kêu ai.

Và Ănggola

Đó là cái tên mà giờ đây gia đình ông Nguyễn Công H (khối Tân Diên, phường Nghi Hòa, Thị xã Cửa Lò) không muốn nhắc đến bởi nó làm gia đình gợi nhớ đến người con trai duy nhất, người vừa mới mất chưa được 1 tháng.

Nguyễn Công N, sang Ănggola từ tháng 5/2012 theo đường đi “chui” từ một người môi giới tên là Thịnh trong xã. Sang đến nơi, N làm công nhân xây dựng cho chính một công trình của Thịnh. Nhưng khác với lời hứa ban đầu mỗi tháng sẽ được trả 1.000 USD, N chỉ được trả 500 USD/tháng. Quá bất bình, N chuyển sang công trình khác, nhưng sau đó hơn 3 tháng chỉ vì thi công nơi vùng sâu, vùng xa, điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, lạ nước, lạ cái nên N bị sốt rét ác tính. Vào viện được 1 tháng 5 ngày, N qua đời.

Hiện tại thi thể của N vẫn đang ở Ănggola, gia đình đang rất muốn đưa anh về nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là không có tiền để trả viện phí cho bệnh viện, thứ nữa tiền vé máy bay, tiền làm các thủ tục lên đến hàng chục nghìn đô la. Gia đình nhờ cậy khắp nơi nhưng nhiều đơn vị lắc đầu bởi N đi “chui”, không ai đứng ra bảo hộ, người đưa N đi lại thoái thác trách nhiệm với lý do N đã chuyển sang nơi khác làm việc. Tại khối Tân Diên, có khoảng 30 người lao động “chui” ở Ănggola với cùng số phận lơ lửng như vậy.

- Ông Nguyễn Đăng Dương - Trưởng phòng Lao động, Tiền lương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Hiện Việt Nam và Ănggola chưa có ký kết về xuất khẩu lao động nên tất cả những trường hợp người lao động Việt Nam đang làm việc tại Ănggola đều là lao động “chui”, bất hợp pháp. Vì thế nếu có xảy ra tai nạn, tử vong... thì đều không được bảo hộ.


- Hiện tại, Nghệ An còn 1.200 lao động đã vượt qua kỳ thi tiếng Hàn nhưng không thể sang làm việc tại Hàn Quốc do Việt Nam đang có hàng nghìn lao động đã hết hợp đồng lao động tại Hàn Quốc nhưng không về nước đúng hạn, cư trú bất hợp pháp. Tháng 8/2012 Hàn Quốc đã tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam.


S.H

Mới nhất
x
Những câu chuyện buồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO