Những câu chuyện tháng Bảy
Những cuộc đi tìm liệt sĩ vẫn tiếp tục. Tôi từng chứng kiến các đội tìm kiếm mang biệt danh K dọc các tỉnh Tây Nguyên có biên giới với Campuchia hoạt động như thế nào. Họ đơn độc theo bản đồ, len lỏi trong rừng già, tìm, nâng niu từng mảnh vụn hài cốt, đưa về nghĩa trang liệt sĩ, rất nhiều liệt sĩ không/ chưa có tên...
1. Năm năm trước, anh bạn nhà văn Phạm Đức Long, quê Quỳnh Lưu, bạn chơi với tôi mấy chục năm nay ở Pleiku, điện thoại: Trưa mời bác sang em ăn cơm, tiếp khách quê với vợ chồng em.
Thường những cuộc như này nó vừa ấm áp, vui, tình nghĩa và ngon, vì nó toàn món quê, chuyện quê.
Té ra khách quê của Long cũng tên là Long, Nguyễn Hồng Long, quê xã Quỳnh Hậu, nguyên phó công an một huyện ở Nghệ An, bạn học phổ thông với Phạm Đức Long. Và té ra anh này không phải đi chơi, mà đi tìm bố.
Cuộc tìm kiếm khá gian nan, nghe kể mà tôi cứ thắt lòng. Chắc không hiếm những người con yêu bố, kính bố và khát khao gặp bố như Long, nhưng nghe Long kể tôi hết sức kính trọng anh, vừa hồi hộp vừa đau xót, thế mà thông tin về bố cứ vời vợi xa.
Nói chuyện mới nể, Long thuộc lòng Tây Nguyên hơn cả tôi, người ở Tây Nguyên tới bốn chục năm. Anh thuộc cả trên thực địa, cả trên bản đồ, cả trên thư từ điện thoại alo các kiểu.
Là bố anh, hy sinh ở mặt trận Tây Nguyên giai đoạn khoảng từ 1962 tới 1964. Anh đã liên hệ với rất nhiều nơi, nhiều người, nhiều cơ quan... thì lờ mờ biết là đâu như bố anh hy sinh ở H40, dò tìm thì địa chỉ ấy tương đương huyện Đak Glei, Kon Tum hiện nay. Thời ấy cha anh là Tiểu đội trưởng Tiểu đội trinh sát của Đoàn 300 cao xạ.
Anh đã đi nát các tỉnh Tây Nguyên để tìm, cứ nghe nói có các cựu chiến binh cùng thời, cùng đơn vị bố là anh sắp xếp đi tìm. Công an có cái thuận lợi là nhờ tìm manh mối, địa chỉ dễ, nhưng thời gian thì eo hẹp. Cứ nghỉ phép là anh đi Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk... rồi ra tận Thanh Hóa khi nghe có vị đại tá cao tuổi cùng đơn vị bố đang sống ở đấy, rồi ra cả Hà Nội, Hải Dương nhờ các nhà ngoại cảm... Anh kể, nghe bạn bè giới thiệu thì đến như một cách bấu víu hy vọng, nhưng mình có nghiệp vụ, nghe các ông bà ấy nói mấy câu là biết ngay... bịp bợm, bèn bỏ về, không tốn tiền, tốn thời gian vào đấy.
Đều vô vọng.
Chuyến này vào là cũng cái mạch đi tìm ấy. Anh nghỉ hưu nên có thời gian hơn. Có thể nói anh đã lật tung mảnh đất Tây Nguyên dằng dặc này để tìm bố mà chưa ra. Là anh nghe ở huyện Chư Prông (cách Pleiku 20 km), có một số mộ liệt sĩ người Quỳnh Lưu, hy sinh thời chống Mỹ, lại tức tốc ba lô lên đường. Mộ cha mình chưa thấy, nhưng phát hiện trong nghĩa trang nhiều ngôi mộ liệt sĩ cùng huyện, anh ghi chép thông tin để về tìm cách báo cho các gia đình liệt sĩ.
Anh kể về mẹ: Mẹ đẻ được hai anh em, Long và đứa em gái. Cha đi bộ đội, sau khi huấn luyện ở Sơn Tây thì đi thẳng vào chiến trường. Đến Quảng Nam, ông gửi về cho vợ được 2 lá thư rồi mất hết mọi tin tức. Mẹ một mình gánh vác công việc gia đình nuôi con, với nỗi đợi chờ đằng đẵng hơn nửa thế kỷ. Nên anh cố gắng đi tìm cha về cho mẹ thì mới yên lòng.
Một điều rất khó cho những trường hợp như Nguyễn Hồng Long và chung cho nhiều người là hiện nay địa hình Tây Nguyên đã khác xưa rất nhiều, nếu không muốn nói là hoàn toàn mới, chỉ dựa vào trí nhớ thì chịu. Thứ hai, nhân chứng giờ tuổi đều đã rất cao, đa phần nếu còn sống thì đã lẫn. Và thứ ba, là các đơn vị thay đổi nhiều. Như trường hợp cha của Nguyễn Hồng Long thì anh nghe tin, tháng 10 năm 1964, Đoàn 300 cao xạ Quân khu 5 bị giải thể. Một Đại đội tăng cường về tỉnh Bình Định, một Đại đội tăng cường lên Đắc Lắc...
Khi viết bài này, tôi điện hỏi nhà văn Phạm Đức Long là công cuộc tìm cha của Nguyễn Hồng Long đến đâu rồi, anh buồn bã trả lời, vẫn mù mịt thế, nhưng không bỏ cuộc.
2. Tôi có cô em con cô ruột. Khi ba tôi tập kết ra Bắc thì cô ở quê lấy chồng và sinh một bầy con, trong số ấy có cô này. Cô em tôi lớn lên lấy chồng - một anh lính địa phương quân đóng quân luôn trong làng. Một đêm anh này bị bắn chết. Em tôi góa bụa, làm cái nhà tranh vách nứa ngay sau vườn ba mẹ, nuôi 2 đứa con. Rồi thống nhất đất nước, cả nước khó khăn, chìm ngập cơm độn, mẹ góa nuôi 2 con mà có liên quan “phía bên kia” càng khổ.
Có một ông bạn của ba tôi, là bộ đội, cũng tập kết giờ về quê. Chả hiểu sao hồi ở miền Bắc chả vợ con gì. Nhiều người xúm vào ghép, thế là gá nghĩa với em tôi. Tôi đang gọi ông này là chú, vì bạn của ba tôi, giờ lại vinh dự là anh ông ấy. Nhưng một suất lương hưu thời ấy nuôi 4 người thì căng quá. Cả nhà bìu díu nhau lên Gia Nghĩa, hồi ấy chưa chia thành Đắk Nông mà vẫn thuộc Đắk Lắk, và... đẻ thêm 5 đứa nữa.
Ông sau cũng mất, năm ngoái tôi sang Đắk Nông, 7 đứa cháu đều làm ăn được, chủ yếu là buôn bán, và giờ đều có cửa hàng, có ô tô. Tôi tới thắp hương bàn thờ, 2 ông chồng của em tôi ngồi chung trên ấy, 3 nén hương tôi thắp, 2 ông hưởng chung. Tôi khấn, thôi mấy chục năm rồi, các chú đoàn kết là anh mừng. Thấy tàn hương cong vút.
3. Ở Gia Lai nên khá nhiều bạn bè hay nhờ tôi tìm kiếm thông tin liệt sĩ hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên. Mà Tây Nguyên mênh mông thế (tất nhiên dẫu mênh mông vẫn không thể so sánh với Quảng Trị), và đa phần là tôi... thất bại dù rất nhiệt tình, và những nơi tôi nhờ cũng rất nhiệt tình. Họ lục tung hồ sơ lên, và không thấy thì bèn phải thông báo là không thấy, không có, chứ biết làm gì.
Nhưng khi chứng kiến nhà báo Phạm Tâm Hiếu ở Hà Nội cùng gia đình tìm được liệt sĩ là anh ruột ở ngay cái nghĩa trang liệt sĩ cách nhà tôi có vài chục cây số một cách rất vô tình, không chính thống, vì trước đó đã liên hệ, nhờ tìm kiếm từ phía cơ quan chức năng mà không ra thì tôi lại nghĩ, hay tại chúng ta làm việc chưa khoa học?
Hiện nay, có rất nhiều chương trình tìm thân nhân liệt sĩ, từ trên báo chí chính thống tới những trang mạng cá nhân như trang của bác Nguyễn Sĩ Hồ, một người miệt mài tìm kiếm thông tin liệt sĩ và thông tin cho thân nhân, nhưng có lẽ ta thiếu một việc nữa, là chính các nghĩa trang liệt sĩ ấy, họ cần tự tổng hợp thông tin, rồi đưa lên mạng, các gia đình trước khi đi tìm, vào đấy nghiên cứu, đối chiếu thông tin, thấy trùng khớp, hoặc gần trùng khớp, có chi tiết phù hợp... thì mới vào tìm, để không phải vất vả vô vọng như hiện nay.
Như trường hợp gia đình chị Phạm Tâm Hiếu tìm anh là liệt sĩ Phạm Hoài, giấy báo tử ghi: Hy sinh ngày 13/6/1979 tại mặt trận Tây Nam, an táng tại Thăng Đức, Chư Krông, Gia Lai, Kon Tum, số mộ 63, hàng 7. Ở đây không có (cũng không có huyện Chư Krông), lại có thông tin ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Ia Grai có 1 mộ được quy tập với thông tin: Liệt sĩ Phạm Hòa, quê Hà Nội, đơn vị C3E1F2, sinh năm 1956, mất ngày 3/6/1979. Hỏi sở chủ quản thì được biết: Nghĩa trang Ia Grai không có liệt sĩ Campuchia quy tập về. Nhờ bạn khác thì cho biết hệ thống tìm chưa có, cuối cùng chính gia đình tự tìm thì ra. Đúng là bác Hoài nằm ở nghĩa trang huyện Ia Grai mà gia đình đã đi qua, đi lại rất nhiều lần.
4. Những cuộc đi tìm liệt sĩ vẫn tiếp tục. Tôi từng chứng kiến các đội tìm kiếm mang biệt danh K dọc các tỉnh Tây Nguyên có biên giới với Campuchia hoạt động như thế nào. Họ đơn độc theo bản đồ, len lỏi trong rừng già (những nơi liệt sĩ hy sinh đa phần giờ không có dân cư), tìm, nâng niu từng mảnh vụn hài cốt, đưa về nghĩa trang liệt sĩ, rất nhiều liệt sĩ không/ chưa có tên. Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ, tỉnh Gia Lai là nơi như thế. Hàng năm đều có những cuộc lễ rất lớn đón các liệt sĩ về nước, được tổ chức hết sức trang trọng và xúc động...