Xã hội

Tâm nguyện người lính từng được gặp Đại tướng

Diệp Thanh 26/07/2024 09:34

Trong căn nhà nhỏ của cựu binh Cao Đức Đồng (SN 1944) ở khối 2, thị trấn Diễn Châu, những tấm hình kỷ niệm của một thời hoa lửa được cẩn thận lồng khung kính, treo ngay ngắn trên tường. Trong rất nhiều những mảnh ký ức chiến tranh, có những mảnh ký ức khiến người lính già tự ,, hào khi nhớ lại...

bác đồng cover

Trong căn nhà nhỏ của cựu binh Cao Đức Đồng (sinh năm 1944) ở khối 2 thị trấn Diễn Châu, những tấm hình kỷ niệm của một thời hoa lửa được cẩn thận lồng khung kính, treo ngay ngắn trên tường. Trong rất nhiều những mảnh ký ức chiến tranh, có những mảnh ký ức khiến người lính già tự hào khi nhớ lại...

Thời hoa lửa

“Tôi đi lính năm 1963, ở Quân khu 4. Đến năm 1964 tham gia chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Sau chiến tranh phá hoại, tôi theo học tại Học viện Chính trị quân đội ở Phú Thọ. Sau đó vào về Tây Ninh nhận nhiệm vụ. Năm 1972, tôi chuyển từ văn công sang tuyên huấn. Năm 1975, tôi chỉ huy trung đoàn tham gia giải phóng Sài Gòn, tiếp quản Biên Hòa. Sau đó tham gia chiến tranh biên giới với Campuchia và Trung Quốc. Tuy nhiên, khi được điều ra Vị Xuyên (Hà Giang) thì cuộc chiến cũng đến giai đoạn thoái trào rồi. Sau giải phóng, tôi học lên cao cấp chính trị tại Học viện Chính trị Hà Nội”, ông Cao Đức Đồng tóm tắt đời lính của mình theo những dấu mốc lịch sử của dân tộc.

Ông Cao Đức Đồng (thứ 2 từ trái sang) trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp Ảnh NVCC b
Ông Cao Đức Đồng (thứ 2 từ trái sang) trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: NVCC

Ở mỗi một giai đoạn lịch sử lại có những ký ức đáng nhớ khiến ông luôn xúc động khi nhớ lại. Đó là lần ông cùng 4 chiến sĩ tiêu biểu khác thuộc lực lượng Quân khu 4 được ra gặp và trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Đại hội Thanh niên Quyết thắng toàn quân tháng 6/1966. Đó là khoảnh khắc vỡ òa của ông và đồng đội khi đang tiếp quản Biên Hòa và nhận tin quân ta tiếp quản Sài Gòn ngày 30/4/1975. Đó là những lần thoát chết trong gang tấc trước sự tấn công ồ ạt, hiếu chiến của quân Khmer Đỏ trong chiến trường biên giới năm 1979…

Ông Đồng nhớ lại: “Khi đó tôi đang là thủ trưởng đơn vị, cùng với đồng chí cảnh vệ, bị bao vây rất gần bởi 17 tên lính Khmer Đỏ. Nghĩ mình không thể sống sót, tôi bàn với đồng chí cảnh vệ rồi điện về cho sư đoàn, dặn mọi người nã pháo vào vị trí của mình. Làm như thế, sự hy sinh của chúng tôi có thể tiêu diệt được ít nhất 17 tên giặc. Tuy nhiên, sư đoàn không đồng ý, quyết tâm cứu bằng được người và nã 55 quả pháo vào vị trí ngay bên cạnh chỗ chúng tôi - nghiệp vụ chuyên môn của quân ta thật sự rất giỏi. Sau khi tiêu diệt hết quân giặc, đại đội cử người đến cứu và chúng tôi chỉ bị thương nhẹ…”. Đã lâu không có người hỏi chuyện thời xưa, những mảnh ký ức chắp nối qua lời kể của người lính già vẫn rưng rưng xúc động.

Ông Đồng và đồng đội được phóng viên chiến trường chụp bức hình này trong chiến tranh với Khmer đỏ b
Ông Đồng và đồng đội trong một trận đánh chiến tranh biên giới Tây Nam. Ảnh: NVCC

Xúc động bao năm, ông gói ghém thành những vần thơ kỷ niệm. Ông tự hào viết cho bố của mình: “Con hòa mình vào dòng xoáy lốc/ Phá vành đai Xuân Lộc - Trảng Bom/ Vượt Biên Hòa giải phóng Sài Gòn…” trong bài “Chuyển giao tay súng”.

Ông day dứt: “Anh đã trở về sau cuộc chiến tranh/ Nhựa đã rải nhẵn lỳ con đường cũ/ Ngửa bàn tay vẫn sáng dòng địa chỉ/ Em ơi! Bây giờ em ở đâu?” trong bài “Dòng địa chỉ”.

Ông viết “Thả tâm linh hòa quyện khói hương/ Rưng rưng nghĩ về cha ông…/ Kìa Bến Tải một thời loang máu đỏ/ Cờ búa liềm năm Tổng kéo về đây/ Giáo mác tuốt trần trống giục, cờ bay…” khi viếng các liệt sĩ thời kỳ 30-31 ở huyện Diễn Châu…

Ông Đồng (thứ 3 từ trái sang) tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975
Ông Đồng (thứ 3 từ trái sang) tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Ảnh: NVCC

Trở về sau những năm tháng cống hiến sức trẻ cho chiến trường, hành trang ông Đồng mang theo không chỉ là những ký ức đau thương và huy hoàng của chiến tranh, những ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, những ám ảnh dai dẳng khi phải đưa ra những lựa chọn… Chứng kiến những người đồng đội lấy thanh xuân để đổi lấy độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân, tình yêu quê hương của người lính quê Phủ Diễn thêm phần sâu sắc. Ông chọn một thái độ sống trân trọng, dịu dàng với cuộc đời…

“Lính đời thường”

“Lính đời thường” là tên tập thơ của người cựu chiến binh, thương binh Cao Đức Đồng, được xuất bản bởi Nhà Xuất bản Nghệ An. Suốt cuộc đời mình, dù trong chiến tranh hay hòa bình, ông Cao Đức Đồng đã chọn sống như một người lính: “Là người lính - đời thường vẫn lính/ Con cháu Bác Hồ đâu cũng thế thôi…”.

Cựu chiến binh Cao Đức Đồng và tập thơ Lính đời thường Ảnh Diệp Thanh
Cựu chiến binh Cao Đức Đồng và tập thơ Lính đời thường. Ảnh: Diệp Thanh

Rời quân ngũ, trở về quê hương công tác, ông Cao Đức Đồng từng là một trong những nhân sự cốt cán của chính quyền, là công dân tiêu biểu với nhiều đóng góp cho thị trấn, đặc biệt, trong các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ. Với khả năng sáng tác, đạo diễn và biểu diễn của mình, ông là tác giả của rất nhiều ca khúc ca ngợi quê hương, bồi đắp tình yêu dân tộc, cổ vũ tinh thần xây dựng đất nước… Hơi thở Dân ca ví, giặm và những ý tứ nhẹ nhàng, hồn hậu trong những sáng tác của ông dễ dàng chạm đến cảm xúc người nghe. Sự tinh tế, chỉn chu và sáng tạo của ông khiến những chương trình, hoạt cảnh mà ông đạo diễn được mọi người thích thú, đón nhận. Ông cũng là người khuấy động phong trào thể thao trên địa bàn khi tiên phong hướng dẫn tập luyện cho thành viên các hội.

Trước khi vợ ông - một cựu giáo chức mà ông hết mực thương yêu và tự hào - qua đời, hai ông bà đã cùng nhau biểu diễn ở rất nhiều sân khấu, cùng nhau gặt hái những giải thưởng lớn, nhỏ trong các liên hoan tiếng hát trên địa bàn tỉnh. Đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời ông, cũng là “mặt trận” mà ông và những người cựu binh thời bình muốn được gắn bó và cống hiến.

Những kỷ niệm đẹp trên mặt trận văn hoá của cựu chiến binh Cao Đức Đồng
Những kỷ niệm đẹp trên mặt trận văn hoá của cựu chiến binh Cao Đức Đồng. Ảnh: NVCC

Ở tuổi 80, người cựu binh già Cao Đức Đồng sống một mình trong căn nhà cấp 4 khiêm tốn cạnh Quốc lộ 1A. “Tôi duy trì thói quen đi bộ mỗi sáng và đạp xe mỗi chiều, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa để vui - vui khi được gặp gỡ mọi người hàng ngày, vui vì được sống giữa quê hương, được nhìn thấy quê hương ngày càng giàu đẹp. Tôi cũng vui vì mình có thể tự nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc bản thân. Con cái đã trưởng thành, sống ngay gần mình, đó cũng là một cái vui. Nay đã 80 tuổi, sức không còn đủ để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tôi chọn ở nhà, ai nhờ sáng tác hay viết lách gì thì làm”, ông Đồng trải lòng.

Nhận xét về cựu chiến binh Cao Đức Đồng, bà Nguyễn Thị Vân Kiều – Bí thư Đảng ủy thị trấn Diễn Châu cho biết: “Bác Đồng là một trong những bậc cao niên uy tín của thị trấn, được người dân yêu quý và kính trọng. Kể từ khi về hưu, bác đã cống hiến nhiều cho các hoạt động phong trào của địa phương, là hội viên cốt cán của hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi và các hội thơ trên địa bàn. Với sự vô tư, khiêm tốn, mẫu mực, bác luôn trách nhiệm, kỷ luật với nhiệm vụ được giao, luôn nghĩ đến lợi ích chung của cả tập thể và sẵn sàng chịu thiệt thòi. Cũng từ sức ảnh hưởng của bản thân, bác Đồng đã có nhiều đóng góp cho công tác dân vận của địa phương trong các hoạt động phong trào, đoàn thể… Dù ở tuổi nào, ở mặt trận nào, bác cũng sống là một người lính đáng quý, truyền cảm hứng và động lực cho thế hệ chúng tôi rất nhiều”.

Căn nhà nhỏ của ông Đồng có nhiều tấm hình kỷ niệm thời lính Ảnh Diệp Thanh
Căn nhà nhỏ của ông Đồng còn lưu giữ rất nhiều tấm hình kỷ niệm thời lính. Ảnh: Diệp Thanh

Chia tay người cựu binh ấy, tôi nhớ mãi về đoạn cuối bài “Lính đời thường” của ông Cao Đức Đồng có viết:

“…Người lính cũ tiếp quãng đời đổi mới

Vẫn bên lòng nặng nghĩa với quê hương

Vẫn say sưa mọi công việc đời thường…”.

Ông đã sống như thế, hạnh phúc và cống hiến với niềm tự hào là một người lính.

Tâm nguyện người lính từng được gặp Đại tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO