Dân vận

Xây dựng Đảng

Phát huy tối đa sức mạnh nhân dân trong phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội

Đức Hậu 19/07/2024 17:49

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về công tác dân vận, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo đạt nhiều kết quả to lớn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước.

I. Về sức mạnh của nhân dân trong phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước

Chủ nghĩa Mác - Lê Nin luôn luôn đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, coi sức mạnh của nhân dân là vô địch; muốn lãnh đạo cách mạng phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, cách mạng muốn thắng lợi phải được đông đảo nhân dân ủng hộ. Lê Nin khẳng định: Nguồn gốc chủ yếu sức mạnh của Đảng là ở mối liên hệ mật thiết với nhân dân, đội tiền phong chỉ làm tròn được sứ mệnh lịch sử của mình một khi nó gắn bó với quần chúng mà nó lãnh đạo và thật sự dẫn dắt toàn thể quần chúng tiến lên. Người còn chỉ rõ đối với một đảng cầm quyền: “Một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”.

lenin.jpg

Một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”.

V.I. Lê Nin

Trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Đây là mối quan hệ rất đặc biệt được hình thành do đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng. Đảng vừa là người lãnh đạo, cầm quyền, vừa là người phục vụ Nhân dân, còn Nhân dân tự giác đi theo Đảng, chịu sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng, trung thành với Đảng lại là chủ nhân của đất nước. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Chính phủ do dân cử ra, được dân ủy quyền thay mặt dân để điều hành, quản lý đất nước”. Người nói “Nước lấy dân làm gốc”; “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”. Dân đã là chủ thì dân phải làm chủ, có quyền làm chủ. Bởi lẽ nếu dân không được làm chủ thì dân chủ chỉ là hình thức.

131902891013822545_bai-hoc-trong-dan.jpg

Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Chính phủ do dân cử ra, được dân ủy quyền thay mặt dân để điều hành, quản lý đất nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phát huy truyền thống hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta, tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đưa ra quan điểm hết sức đúng đắn: Cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh việc phát huy vai trò của nhân dân và dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Từ thực tiễn công cuộc đổi mới Đảng ta rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong đó có bài học: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Chế độ xã hội chủ nghĩa”. Trong 5 quan điểm chỉ đạo, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ…”. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII có 3 nhiệm vụ đề cập đến phát huy vai trò của nhân dân: “Củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”; “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc,…”; “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân,…”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại nhất của Đảng và của dân tộc ta trong năm 2021, diễn ra từ ngày 25/1 đến 1/2/2021
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến 1/2/2021. Ảnh: Tư liệu

Chính nhờ nhất quán với những quan điểm đó nên từ ngày thành lập đến nay, nhất là hơn 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã phát huy tối đa sức mạnh của các tầng lớp nhân dân đánh thắng các kẻ thù xâm lược và đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đại hội XIII của Đảng đánh giá rất rõ những thành tựu đó: “Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Về phát triển kinh tế - xã hội, theo Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%; Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao; Lạm phát được kiểm soát, CPI tăng 3,25%; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681 tỷ USD, xuất siêu 28,3 tỷ USD; thu hút vốn FDI đạt 39,4 tỷ USD, tăng 34,5%; Vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%, cao nhất từ trước đến nay.

Những tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. CPI bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15%, xuất siêu 8,4 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%; vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Phát triển kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh. Chính sách an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện tốt, đời sống nhân dân được nâng cao. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143,...

Những kết quả, thành tựu về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước nêu trên càng chứng minh rõ nét sức mạnh của nhân dân ta là to lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo, quản lý của Nhà nước.

TP Hà Nội đang trên đà phát triển, uy tín và vị thế ngày càng được nâng cao
Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

II. Kết quả, hạn chế về công tác dân vận thời gian qua

1. Về kết quả:

Đánh giá khái quát công tác dân vận thời gian qua, Đại hội XIII của Đảng khẳng định những ưu điểm: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được củng cố, tăng cường. Nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và tổ chức của hệ thống chính trị được nâng cao; coi trọng việc lắng nghe, nắm tình hình và giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân; góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng”.

Trên thực tế, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác dân vận được đổi mới. Đảng đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết về dân vận như Nghị quyết số 08B/NQ-HNTW ngày 27/3/1990, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013, nghị quyết về giai cấp công nhân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, “tam nông”, doanh nhân, trí thức, người Việt Nam ở nước ngoài, công tác tôn giáo, dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc,… để lãnh đạo, tập hợp các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, Đảng đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước đạt được nhiều kết quả tích cực, việc tiếp công dân, đối thoại với nhân dân của người đứng đầu được thực hiện nề nếp, quy chế dân chủ ở cơ sở trên các loại hình được triển khai khá tốt, tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên được nâng lên.

cán bộ Trung đoàn 1 và Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn kiểm tra chất lượng các công trình đường giao thông vừa thi công ở xã Tà Cạ. Ảnh: Nguyên Nguyên
Cán bộ Trung đoàn 1 và Ban Dân vận Huyện ủy Kỳ Sơn kiểm tra chất lượng các công trình đường giao thông vừa thi công ở xã Tà Cạ. Ảnh: Nguyên Nguyên

Hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được củng cố, tăng cường và tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Các hình thức vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên ngày càng phong phú, đa dạng và hiệu quả hơn. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Dân vận khéo” được đẩy mạnh gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, giải quyết có hiệu quả nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

2. Về hạn chế

Mặc dù công tác dân vận có những chuyển biến, tiến bộ hơn trước nhưng còn một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Việc thể chế hóa một số chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận như cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ”, hay phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chưa kịp thời, chưa phù hợp với từng đối tượng quần chúng, các loại hình cơ sở. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chưa lấy công tác vận động và chăm lo lợi ích của nhân dân làm nội dung chủ yếu trong lãnh đạo, chỉ đạo của mình. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhất là trong loại hình doanh nghiệp có nơi còn mang tính hình thức.

Công tác đánh giá và dự báo tình hình tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân có nơi còn thiếu chính xác, kịp thời, chậm nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, còn để xảy ra “điểm nóng” hoặc khiếu kiện phức tạp. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức. Chưa lãnh đạo, chỉ đạo phát huy tốt các cơ quan truyền thông như mạng xã hội, mở rộng các kênh đối thoại trực tiếp với nhân dân. Hoạt động của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương chậm đổi mới. Việc lựa chọn nội dung và cách thức vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên nhiều nơi thiếu sáng tạo, sát thực tế nên hiệu quả không cao. Công tác tuyên truyền gương điển hình cả tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng chưa được quan tâm đúng mức,... Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị về công tác dân vận có nơi làm chưa tốt. Việc sơ kết, tổng kết theo quy định của Trung ương có nơi làm chậm hoặc làm hình thức, chiếu lệ,…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì phiên tiếp công dân định kỳ tháng 3/2024. Ảnh: Phạm Bằng
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì phiên tiếp công dân định kỳ. Ảnh: Phạm Bằng

3. Về nguyên nhân

Tình hình trên đây có nguyên nhân khách quan nhưng chủ yếu do những nguyên nhân chủ quan như sau.

Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, vai trò tiên phong, nòng cốt còn mờ nhạt, cá biệt còn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội, qua đó cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn chậm, hiệu quả thấp. Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận và các tổ chức chính trị - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

III. Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận để phát huy sức mạnh của nhân dân trong thời kỳ mới

Trong những năm tới, văn kiện Đại hội XIII của Đảng dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình và hợp tác vẫn là xu hướng lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia. Phát triển kinh tế thị trường, một mặt giúp giải phóng được nguồn lực to lớn trong nhân dân, góp phần nâng cao đời sống của người dân nhưng mặt khác cũng làm phân hóa các giai tầng xã hội với những lợi ích khác nhau. Sự bùng nổ của internet và mạng truyền thông xã hội làm thông tin lan tỏa nhanh chóng tác động đến tâm tư, tình cảm của người dân. Bên cạnh những thông tin tốt, có những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, bóp méo tình hình.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia. Ảnh minh họa: Tư liệu

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng giúp chúng ta thu hút, huy động được nhiều nguồn lực bên ngoài, nâng cao vị thế đất nước song cũng khiến các thế lực thù địch lợi dụng triệt để, tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Trước những cơ hội và thách thức đó đòi hỏi công tác dân vận phải góp phần tích cực phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân để xây dựng và bảo vệ tổ quốc với những giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất: Các cấp ủy Đảng tiếp tục lãnh đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về công tác dân vận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Trước hết tiếp tục quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định của Trung ương về công tác dân vận đến các tổ chức Đảng, đảng viên như Nghị quyết số 25-NQ/TW về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và các nghị quyết của Trung ương về thanh niên, giai cấp công nhân, phụ nữ, cựu chiến binh, trí thức, doanh nhân,… Trên cơ sở đó, tiếp tục đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, sáng tạo, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và phát huy sức mạnh to lớn của Khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

bna_IMG_2855.JPG
Hội nghị toàn quốc về học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII tại Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Thứ hai: Các cấp ủy Đảng tiếp tục lãnh đạo Nhà nước tập trung thực hiện tốt công tác dân vận.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn để các cơ quan nhà nước có những phương pháp, hình thức hiệu quả, thiết thực nhằm phát huy vai trò tham gia của nhân dân trong quá trình xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích hợp pháp, chính đáng giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc. Từng bước tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp để phát huy trí tuệ, sự đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, tổ chức tốt việc thực hiện luật “trưng cầu ý dân” đã được Quốc Hội thông qua. Sớm hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tiếp dân, đối thoại với công dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Tiếp tục hoàn thiện và thực thi quy định về đạo đức công vụ kết hợp với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công tác dân vận cho công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước các cấp. Phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ thường xuyên làm việc với dân, cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu các ngành, các cấp, các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang,… Kiên quyết phê phán, đấu tranh mạnh mẽ với các biểu hiện thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân, đồng thời chống các khuynh hướng mị dân, kích động nhân dân trước những hiện tượng tiêu cực. Tiếp tục tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để giải quyết kịp thời. Tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, không để các vụ khiếu kiện phức tạp kéo dài, các “điểm nóng” về an ninh trật tự xảy ra ở cơ sở.

Lãnh đạo Huyện ủy Yên Thành kiểm tra, giám sát việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại xã Nam Thành. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo Huyện ủy Yên Thành kiểm tra, giám sát việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại xã Nam Thành. Ảnh: Mai Hoa

Thứ ba: Tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đây là một trong những định hướng phát triển đất nước tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhằm góp phần phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực hiện tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các thành viên, đoàn viên, hội viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh, đáp ứng yêu cầu về trình độ lý luận, năng lực thực tiễn và kỹ năng công tác dân vận. Quan tâm việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế chính sách động viên đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, mặt trận, đoàn thể, kiên quyết không bố trí cán bộ thiếu gương mẫu, đạo đức kém, vi phạm kỷ luật làm công tác dân vận. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở, đa dạng các hình thức tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội làm tham mưu cho cấp ủy và nòng cốt trong việc nắm bắt dư luận xã hội, tình hình nhân dân, phát huy dân chủ, ý thức trách nhiệm của công dân trong thực hiện giám sát xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Thực hiện nghiêm túc, nhất quán nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động theo pháp luật khi phát triển các tổ chức quần chúng. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng, thường xuyên bồi dưỡng những đoàn viên, hội viên ưu tú, tiêu biểu cả đức và tài để giới thiệu nguồn cán bộ cho Đảng, Nhà nước. Đồng thời, quan tâm xây dựng, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài hướng về xây dựng đất nước.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và một số ngành trao đổi với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh Mai Hoa
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và một số ngành trao đổi với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Mai Hoa

Thứ tư: Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng chống tham nhũng, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, luận điệu sai trái.

Đại hội XIII của Đảng xác định rõ phương hướng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Đại hội đặt ra “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Kết quả phòng chống tham nhũng, lãng phí vừa qua được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, tăng cường được niềm tin, khơi dậy, phát huy được sức mạnh của nhân dân vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước tình hình và điều kiện mới các thế lực thù địch có nhiều hoạt động tinh vi để chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, chống phá đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vì thế phải tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng đường lối, chính sách, phát huy “thế trận lòng dân”, quyết liệt đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc,…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Ngoi giúp người dân xây dựng nhà. Ảnh: Hải Thượng
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Ngoi giúp người dân xây dựng nhà. Ảnh: Hải Thượng

Thứ năm: Các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo cả hệ thống chính trị đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát huy sức mạnh của nhân dân phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Trong giai đoạn mới, công tác dân vận của Đảng phải góp phần tích cực vận động, tập hợp được các tầng lớp nhân dân trong cả hệ thống chính trị thành lực lượng to lớn tham gia các phong trào thi đua yêu nước theo tinh thần “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội bám sát nhiệm vụ chính trị, nắm bắt lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân để xác định nội dung và lựa chọn cách thức phát động phong trào thi đua sát với thực tế của địa phương, đơn vị và phù hợp với từng đối tượng. Trên cơ sở tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thời gian qua để rút kinh nghiệm thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Các phong trào thi đua cần thiết thực, tránh hình thức, lãng phí, tốn kém; lấy hiệu quả về chính trị, kinh tế - xã hội làm thước đo đánh giá từng phong trào thi đua.

Thường xuyên tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng kịp thời. Trong tình hình hiện nay, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần hướng phong trào thi đua vào khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ đoàn viên, hội viên thi đua sản xuất kinh doanh để làm giàu chính đáng. Trên cơ sở đó, tạo ra nhiều việc làm, tăng ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh” và thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách an sinh xã hội. Tiềm lực kinh tế, an ninh tài chính đất nước là vấn đề rất hệ trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua để vận động, tập hợp, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân trong phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội đất nước đặt ra rất cấp bách, quan trọng trong tình hình mới.

Nghệ An tổ chức lễ trao giải cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “dân vận khéo” tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2023. Ảnh: Thành Cường
Nghệ An tổ chức lễ trao giải cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “dân vận khéo” tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2023. Ảnh: Thành Cường

Thứ sáu: Tiếp tục lãnh đạo cả hệ thống chính trị phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong thực hiện quy chế công tác dân vận.

Ngày 30/7/2021, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về công tác dân vận trong tình hình mới. Quy chế đã nêu rõ trách nhiệm lãnh đạo và thực hiện công tác dân vận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Các ban đảng Trung ương, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng ở Trung ương, Ban Bí thư Trung ương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, của các bộ, ngành, các cơ quan tư pháp, trách nhiệm của lực lượng vũ trang, trách nhiệm của chính quyền các cấp, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trên cơ sở các trách nhiệm về công tác dân vận được Bộ Chính trị giao, nếu các tổ chức trong hệ thống chính trị nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt thì công tác dân vận nhất định sẽ có chuyển biến tiến bộ rõ. Để thực hiện công tác dân vận có hiệu quả đòi hỏi các tổ chức trong hệ thống chính trị phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Cần xây dựng cơ chế phối hợp mới giữa chính quyền và các tổ chức với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội ở từng cấp. Cấp ủy đảng các cấp thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời theo quy định của Trung ương (5 năm sơ kết, 10 năm tổng kết).

Thực hiện có chất lượng 6 giải pháp nêu trên là thiết thực nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần phát huy tối đa sức mạnh nhân dân trong phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Toàn cảnh khu vực trung tâm thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Toàn cảnh khu vực trung tâm thành phố Vinh. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn
Phát huy tối đa sức mạnh nhân dân trong phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO