Những "Cây cao bóng cả": Bài cuối - Mối dây kết nối cộng đồng
(Baonghean) - Không chỉ tích cực tham gia phong trào văn hóa - xã hội, những người cao tuổi vùng cao còn luôn thể hiện tinh thần vì cộng đồng một cách đầy trách nhiệm. Đối với các cụ, mỗi hoạt động đều có một ý nghĩa, một lời gửi gắm đến những người xung quanh về ý thức gìn giữ nếp sống cộng đồng...
Giữ nếp xưa
Bản Quang Phúc (Tam Đình - Tương Dương) nằm trên Quốc lộ 7A. Bản nhỏ của người Thái nhóm Tày Thanh này có một vài cụ còn nhớ được cách viết chữ Xư Thanh, hệ chữ viết riêng của cộng đồng Thái nhóm Tày Thanh. Trong số này, phải kể đế cụ Ngân Văn Toán, đã từng đứng lớp truyền dạy chữ viết này năm 2014. Ông còn là Chủ tịch Hội NCT xã Tam Đình.
Cụ Ngân Văn Toán truyền dạy chữ Thái Xư Thanh... |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cụ Toán thường có một cách khá đặc biệt trong việc gìn giữ tính cộng đồng trong làng bản. Cụ không chỉ giỏi chữ Thái mà còn được biết đến là một nghệ nhân hát khắp và thổi khén bè rất hay. Vào dịp làng bản có đám cưới, cụ lại vác chiếc khèn bè đến. Thế là đám cưới trở thành hội hát đối đáp khiến những thanh niên trẻ trong bản cũng thích mê.
Cụ Toán còn được biết đến là người còn nhớ được những truyện cổ tích dân gian và truyện thơ của người Thái như “Tống Trân - Cúc Hoa”, “Chắn Táy - Má Nhúi”. Đó là những câu chuyện có tính giáo dục về ý thức cộng đồng. Cụ Toán vẫn thường kể lại những câu chuyên này cho các cháu nhỏ trong gia đình cùng nghe để thế hệ sau không quên những câu chuyện đẹp về tình người và tình yêu thương cộng đồng. Cụ Toán cho biết, cụ làm vậy với mục đích “kéo” mọi người xích lại gần nhau hơn và vì thế mà mối dây đoàn kết cộng đồng luôn bền chặt...
...và trong điệu khèn bè. |
Vườn cây tập thể
Phong trào “Vườn cây tập thể” của Chi hội NCT bản Vẽ (Yên Na - Tương Dương), nghe qua tưởng như đó chỉ đơn thuần là mô hình kinh tế, thế nhưng những điều mà những “cây cao bóng cả” nơi đây gửi gắm vào phong trào này lại sâu sắc hơn thế.
Đều đã có tuổi, những hội viên Hội NCT bản Vẽ vẫn hăng say với phong trào lao động tập thể. Không chỉ lao động vì mục tiêu gây quỹ sinh hoạt hội, các cụ ông, cụ bà còn muốn nhắc nhở con cháu không quên phong trào lao động tập thể từ thời bao cấp vẫn còn ý nghĩa trong cuộc sống cộng đồng hôm nay.
Một ngày thu nắng đẹp, đi trên con đường lên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (xã Yên Na - Tương Dương), chúng tôi gặp hàng chục cụ phụ lão mang gùi, tay cầm chiếc “hép” (công cụ cắt lúa có chấu, nhỏ như cái dao nhíp của người vùng cao). Không khí buổi làm việc diễn ra rôm rả. Hỏi ra mới biết các cụ ông, cụ bà đang... lên nương gặt lúa.
Như hiểu được “cái bụng” chúng tôi đang phân vân, một cụ bà thẽ thọt: Các cụ đang đi “làm việc tập thể” để gây quỹ. Trong cuộc họp đầu năm 2014, chi hội quyết định phải xây dựng một vườn cây của đoàn thể mình. Bàn đi tính lại các cụ cao tuổi thống nhất trồng xoan, một loại cây phổ biến, dễ trồng, cũng dễ chăm sóc. Sau này chặt cây đem bán, số tiền thu được sẽ cho vào quỹ hoạt động của chi hội, để các cụ có cái thăm nhau khi đau ốm hay khi cần tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội của chi hội cũng chẳng cần phải ngửa tay xin con cháu nữa.
Bàn xong thì làm ngay. Chi hội được Ban Quản lý bản đồng ý nhường cho một phần trong quỹ đất sản xuất của bản để làm vườn cây. Cũng hăng hái chẳng kém gì cánh thanh niên, các cụ cao tuổi cầm dao lên rừng ngay. Chỉ trong một ngày cái đám nương trồng xoan đã hình thành. Sau khi đốt rẫy, trồng cây xoan lên rồi các cụ trồng lúa rẫy xen vào khỏi phí đất, lại đỡ phải dọn cỏ. Đúng là những người sống lâu, giàu kinh nghiệm thường có những việc làm hay. Khi cây xoan vừa bén rễ, lên xanh cũng là lúc thu hoạch lúa. Thấy lúa chín vàng xuộm trên rẫy, các cụ cao tuổi bản Vẽ bảo nhau đi thu hoạch về để chia nhau cho có gạo mới, vừa để bán lấy tiền làm quỹ hoạt động hội.
Nhưng ý nghĩa thực sự mà các cụ cao tuổi gửi gắm vào những vườn cây tập thể này có vẻ sâu xa hơn mục đích kinh tế của nó. Bà Lương Thị Huynh, Bí thư Chi bộ bản Vẽ cho biết: Thực ra, nếu chỉ vì nguồn quỹ mỗi năm một cụ góp vài ba chục nghìn để hoạt động hội thì chẳng lẽ con cháu lại không giúp được. Các cụ đều đã già cả, chẳng làm được bao nhiêu nữa nhưng điều quan trọng là họ muốn khơi gợi lại trong thế hệ trẻ ngày nay tinh thần lao động tập thể có từ thời kỳ bao cấp. Thời ấy đang khó khăn, có nhiều công việc không thể làm một mình, phải cần đến tập thể. Đối với nhiều cộng việc trong cuộc sống hôm nay vẫn rất cần đến sự chung tay của cả cộng đồng như làm nhà, làm các công trình đường sá... Thế nhưng, theo ông Vi Thanh Nghệ, Chi hội phó Hội NCT bản Vẽ thì vì nhiều lý do giới trẻ ngày nay đã không còn quan tâm nhiều đến công việc tập thể. “Ngoài mục đích gây quỹ, chúng tôi còn muốn nhắc nhở cho con cháu ngày nay hiểu về cái hay của việc quản lý tập thể thời bao cấp”, ông Nghệ nói thêm.
Dù là bằng cách này hay cách khác, những hoạt động của những người cao tuổi vùng cao trong lĩnh vực văn hóa hay xã hội đều ẩn chứa những thông điệp tích cực. Nói về phong trào văn hóa và hoạt động xã hội của họ ở vùng cao, cụ ông Dương Phước, Chủ tịch Hội NCT Thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông) cho biết: “Dù là lĩnh vực nào thì các cụ ông, cụ bà vùng cao vẫn luôn là những người gương mẫu”. Thế nhưng, những việc làm tích cực của các cụ còn hơn cả sự “gương mẫu”. Đó là những mối dây kết nối cộng đồng!
Hữu Vi