Những chàng “Robinson” trên hồ Hủa Na
(Baonghean.vn) - Mùa đông đã len lỏi đến chốn miệt rừng Quế Phong (Nghệ An), cảm nhận rõ hơn cái khí lạnh khi rẽ ngang gần ngọn thác Sao Va để vào xã Đồng Văn, đến lòng hồ thủy điện Hủa Na - nơi có những "chàng Robinson" với những câu chuyện thú vị.
Khai phá đảo hoang
Hủa Na là hồ thủy điện lớn thứ 2 ở Nghệ An và cũng từng có một cuộc di dân hơn 1.400 hộ gia đình do ảnh hưởng của lòng hồ. Chúng tôi từng đến Đồng Văn vào những ngày người dân ở đây chạy đua với thời gian để kịp vận chuyển đồ đạc, nhà cửa đến nơi ở mới vào đầu năm 2012.
Từ hơn một năm nay, Lang Văn Mão một mình khai phá hoang đảo giữa hồ Hủa Na. Ảnh : Hồ Phương |
Sau 6 năm, đại bộ phận người dân đã ổn định cuộc sống. Họ không phải đến một nơi quá xa như người dân vùng lòng hồ Bản Vẽ (huyện Tương Dương). Chúng tôi dừng chân ở bản Piềng Văn, cộng đồng người Thái cạnh hồ thủy điện Hủa Na.
Từ trên quốc lộ nhìn xuống, mặt hồ tưởng chừng như không một gợn sóng. Một bức tranh tĩnh lặng chốn núi rừng mà dường như thời gian như ngừng trôi.
Trong những năm qua, nhiều người đã đến tìm hiểu nghị lực và phương pháp làm kinh tế của người thanh niên Lang Văn Mão. Ảnh : TL |
Lang Văn Mão, thanh niên 31 tuổi trú bản Piềng Văn phăm phăm bước lên từ phía triền dốc, trên lối mòn dẫn xuống mặt hồ. Dáng người nhỏ bé, có bước đi nhanh nhẹn của một thợ săn, một loáng Mão đã đứng trước mặt chúng tôi. Tôi biết đến Lang Văn Mão qua một bài báo mạng gần đây. Bài báo ấy ví anh chàng như nhân vật văn học Robinson Crusoe của nhà văn người Anh, Daniel Defoe hồi thế kỷ 17.
Mão là một thanh niên người Thái khá hoạt bát trong giao tiếp. Anh chỉ cho tôi khoảng xanh mờ trước mặt, cách bờ hồ chừng gần một cây số. Đó là hòn đảo của chàng “Robinson”. Chúng tôi ra đảo một cách khá dễ dàng bằng chiếc thuyền máy. Trên đảo có hẳn một ngôi nhà sàn gỗ lợp mái lá. Anh ở đây cùng vợ và con gái nhỏ mới 2 tuổi.
Ấy nhưng, nếu đem so sánh, cuộc sống của Mão và gia đình có vẻ giống với nhà Wiliam trong tiểu thuyết trứ danh "Lớn lên trên đảo vắng" của Johann Wyss hơn anh Robinson chỉ có một mình trong một thời gian dài trên hoang đảo giữa đại dương.
Chị Vi Thị Tuất, vợ Lang Văn Mão là người phụ nữ hiếm hoi sống trên hoang đảo. Chị mang theo cả con gái 2 tuổi để phụ giúp chồng khai phá nơi đây. Ảnh: Hữu Vi |
Thuyền cập bến và chúng tôi nhận ra lối sống của gia chủ ở ngôi nhà sàn trên đảo chẳng khác nào những hộ người Thái ở bản Piềng Văn gần đó. Dưới gầm sàn, đàn gà nhởn nhơ tìm mồi. Quanh nhà, gia chủ trồng rau và những thứ cây bản địa. Bữa cơm hôm ấy không chỉ có gia đình Mão mà còn có cả những người bạn trẻ khác. Họ cũng là những người khai phá đảo hoang như Lang Văn Mão.
Qua câu chuyện trong bữa cơm trưa, Mão kể về quá trình đến với chốn hoang đảo. Từng tính theo binh nghiệp, nhưng rồi điều kiện gia đình không cho phép anh gắn bó lâu dài với môi trường quân ngũ. Thế rồi anh quay lại với việc đánh cá lòng hồ đem bán cho tư thương. Ban đầu, hòn đảo nhỏ chỉ vỏn vẹn vài ha là nơi anh chọn làm chỗ ở và cất ngư cụ. Sau này, nhận thấy nơi này có thể “làm được nhiều việc hơn”, anh quyết định dựng chòi làm trang trại.
Đánh cá và đốn nứa lùng là nghề mưu sinh của Lang Văn Mão và những người sống trên những hòn đảo giữa hồ. Ảnh: Hồ Phương |
Hiện tại, chàng trai người Thái chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá và khai thác nứa lùng. Mão có khoảng 3 ha lùng khoanh nuôi, bảo vệ, chia làm 3 lô nhỏ, mỗi năm chỉ khai thác 1 lô. Với cách làm này, nứa lùng sẽ không bị cạn kiệt, cứ sau 2 năm, khi cây lùng đã già, anh mới trở lại với lô khoảnh đã chia để khai thác.
Theo tiết lộ của Mão, mỗi ngày anh thu nhập từ 300 – 500 nghìn đồng từ bán nứa lùng. Gia đình Mão cũng có thêm khoảng chừng ấy thu nhập từ việc bán cá.
Hứa hẹn ngày mai
Đến đây, chúng tôi có dịp gặp thêm một chàng “Robinson” nữa là Phan Văn Bảy, anh chàng sinh năm 1990 đến từ bản Hạnh Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu). Bảy đến làng hồ Hủa Na chỉ mới hơn một tháng, anh bỏ vốn trên 100 triệu đồng đi Hà Nội mua giống lợn rừng thuần chủng, sắm thuyền làm phương tiện vừa để đi lại, vừa đánh cá. Sau đó tự tay phát quang, dựng chòi lập trang trại.
Từ gần một tháng nay, Phan Văn Bảy (áo đỏ) cũng tìm đến một hoang đảo mở trang trại. Ảnh: Hữu Vi |
Lợn rừng thuần chủng là vật nuôi chủ lực của anh Bảy. Ảnh: Xuân Thủy |
Sau một buổi chiều rong ruổi vãn cảnh lòng hồ, Phan Văn Bảy mời chúng tôi ghé thăm hòn đảo của mình, cách đảo của Lang Văn Mão chưa đầy 10 phút ngồi xuồng máy. Chốn ở của Bảy và 3 người giúp việc là một căn chòi trống tuênh vây quanh bằng lưới mắt cáo, chỉ có bếp nấu ăn là có phên vách.
Nguồn điện thắp sáng là chiếc bình ac-quy ô tô, hiện đang trong những ngày gây dựng "cơ ngơi" nên ai nấy đều lao động cật lực. Hết phát cây, tạo mặt bằng rồi đến xây dựng chuồng trại, tất cả dường như quên cả ngày tháng. Chiếc radio chạy pin tiểu là phương tiện duy nhất để nắm bắt thông tin bên ngoài.
Hai chàng "Robinson" chuẩn bị bữa tối. Ảnh: Hồ Phương |
Dự kiến, đến giữa 2019, trang trại của Bảy sẽ bắt đầu cho thu nhập, ngoài lợn rừng, Bảy còn nuôi thêm gà và dê. Anh dự định sau này sẽ trồng ngô ven quanh bờ trong mùa nước rút để phục vụ chăn nuôi.
Chúng tôi lại có một đêm ở chốn miệt rừng trên những bước đường tác nghiệp. Nhưng đây là lần đầu tiên trải nghiệm một đêm trên hoang đảo giữa hồ thủy điện. Trong không gian yên tĩnh gần như tuyệt đối, giấc ngủ kéo đến một cách nhẹ nhàng, những chiếc chăn ấm đã giúp chúng tôi không phải bận tâm đến cái rét đầu đông.
Tỉnh giấc, chúng tôi chợt nghĩ về những người trẻ như Lang Văn Mão và Phan Văn Bảy - những người tìm thấy ý nghĩa cuộc sống ở chốn sông hồ nổi nênh này. Ở đây, với những người trẻ dám nghĩ, dám làm, việc tìm thấy một tương lai tốt đẹp nơi hoang đảo có thể xem là điều trong tầm tay.