Những chiếc ly rỗng
(Baonghean) - Thời điểm này trong năm đang là “cao điểm” cưới. Mình rất ngại ra đường vào những ngày này, lý do kinh tế là điều quá hiển nhiên, nhưng như thế đã hết đâu…
Ảnh minh họa - nguồn internet. |
Hôm trước trong ngõ nhà mình vừa có nhà tổ chức đám cưới. Khổ nỗi, đường trong ngõ thì hẹp mà khách khứa lại đông, xe cộ đậu kín cả đường trong, đường ngoài không khác gì tắc đường. Gia chủ còn dựng rạp cưới to đùng, lấn luôn sang cổng nhà bên cạnh. Thế rồi cả ngày trời bật nhạc xập xình, tiếng ăn uống chúc tụng, tiếng xe cộ ồn ào từ tờ mờ sáng đến tận tối mịt vẫn chưa thấy lắng xuống. Bà nội mình tặc lưỡi: “Ngày xưa ông bà lấy nhau vội vàng, qua loa có ấm trà, miếng trầu với phong kẹo lạc, thế mà cũng ở với nhau mãi đến bây giờ. Thời nay người ta cưới nhau cầu kỳ, ầm ĩ rồi ít lâu sau thấy lôi nhau ra toà. Rõ hay!”
Mình cũng từng đến dự không ít đám cưới ồn ào như thế và thú thực là… chẳng thấy hay ở chỗ nào! Một nhận xét mà mình rút ra sau những lần đi ăn cưới là dường như người ta đang đề cao các lễ nghi mang tính hình thức một cách thái quá, thay vì thực sự trân trọng một nét truyền thống đẹp của dân tộc. Đầu tiên là dàn bưng tráp, thường là các “nam thanh nữ tú” - có khi là bạn bè cô dâu, chú rể, nhưng cũng có khi là được “thuê” cốt sao đẹp đội hình. Đến nỗi, có những “đội” thanh niên chuyên đi bưng tráp, có chiều cao xếp theo “chuẩn” để đảm bảo không nổi bật hơn cô dâu, chú rể, chỉ cần cho biết thời gian, địa điểm và số người mà gia chủ yêu cầu là những “đội” này sẵn sàng đáp ứng. Từ dịch vụ “tự phát” này cũng sinh ra lắm chuyện bi hài khi tiền lì xì của gia chủ cho đội bưng tráp đôi khi trở thành đề tài bàn ra tán vào của chính những “nhà cung cấp” dịch vụ.
Sau khi đã qua được “vòng” bưng tráp, hãy cũng nhìn vào hôn trường nơi diễn ra giây phút trọng đại của hai con người. Thú thực là hầu hết những lần đi ăn cưới mình đều không nhìn được rõ mặt cô dâu và chú rể phần vì khách khứa đông, phần vì tất cả đều mải mê ăn uống. Đôi lần ngẩng đầu lên để xới bát cơm mới, mình đều thấy cô dâu trong tình trạng cổ và tay đeo đầy vòng vàng, chói loà như một vầng mặt trời nhỏ. Có cô dâu mệt quá còn lăn ra… ngất giữa đám cưới, không biết vì đói hay vì đeo… vàng quá. Nhưng chỉ một lát sau, khi cô dâu tỉnh lại và được bồi bổ bằng vài thìa nước đường thì chư vị quan khách lại cắm cúi ăn uống như chưa hề có chuyện gì xảy ra…
Mới đây nhất, báo mạng đưa tin một dàn rước dâu bằng xe SH bị cảnh sát giao thông “tuýt còi” vì không đội mũ bảo hiểm. Mình cứ tưởng tượng cảnh đám rước dâu đang đông đúc bỗng nhiên đìu hiu vì phải “tập kết” về đồn công an mà thấy vừa buồn cười, vừa thương cho cô dâu chú rể. Hiển nhiên ngày trọng đại của đời người, ai cũng muốn vẹn toàn, đẹp đẽ nhất, nhưng phải làm sao để niềm vui đó không xô lệch đi vì phải “lách” luật, “lách” luôn cả những văn hoá, văn minh cộng đồng tối thiểu nơi công cộng như không gây ồn ào, không cản trở sinh hoạt của khối xóm,…
Lại một mùa cưới nữa với những niềm vui và nỗi… kém vui mà ai trong chúng ta cũng từng có cơ hội trải nghiệm. Nói đi, nói lại, nói nữa, nói mãi có là thừa không, khi ai cũng hiểu rõ sự bất tiện mà những lễ nghi hình thức thái quá trong tiệc cưới gây ra, nhưng ai cũng đi lại vào lối mòn ấy vì nhiều lý do tế nhị. Nhưng chung quy lại, tất cả đều dẫn đến một đám cưới mà tính long trọng và ý nghĩa thiêng liêng của mối gắn kết tình cảm giữa người với người bị thu hẹp lại, nhường chỗ cho những tính toán thực dụng đằng sau những tiếng chạm ly tuy vang mà trống rỗng…
Hải Triều