Những “chiến sĩ không mang quân hàm” của đồn biên phòng Nậm Càn

16/07/2013 10:58

(Baonghean) - Đến Đồn Biên phòng Nậm Càn, Kỳ Sơn một tuần sau trận lũ, thấy yên tĩnh lạ. Hỏi chiến sĩ trực ban thì được biết, các chiến sĩ của đồn đang có mặt tại bản Nậm Càn giúp người dân khắc phục hậu quả của lũ. Một tiếng sủa rắn rỏi vang lên từ phía khu nhà nép dưới tán cây xoài đằng xa xa: Tiếp đón chúng tôi là những “chiến sĩ” đặc biệt của Đồn Biên phòng Nậm Càn.

Trời đổ về chiều nhưng nắng chưa im bóng, trên sân bây giờ là 7 chú cảnh khuyển quấn quýt bên huấn luyện viên của mình. Có chú thè lưỡi thở hổn hển, chạy vòng vòng quanh người chiến sĩ mặc đồ rằn ri, thi thoảng nhảy chồm lên người chủ đầy phấn khích. Có chú ngoan ngoãn ngẩng đầu lên cho huấn luyện viên tròng dây dắt vào cổ, ung dung đi tới nằm dưới bóng râm của những hàng cây.

Thấy chúng tôi quan sát với vẻ hiếu kì, thích thú, anh Đào Danh Hà, huấn luyện viên của chú chó “tiền bối” kia liền gọi “Pa!” rồi hô khẩu lệnh và ra hiệu. Đang nằm lim dim mắt, chú chó bật dậy khi nghe tên mình, vẫn ngồi vững trên hai chân sau, hai chân trước giơ lên làm tư thế chào, đôi mắt sáng lanh lợi chăm chú nhìn chủ, cái mũi ướt phập phồng như ý bảo: “Tôi đã sẵn sàng rồi đây!”.

Chỉ một lát sau, 7 chú cảnh khuyển dàn thành một hàng ngang, thao tập các động tác cơ bản như chào, đứng, ngồi, nằm, bò, đi cạnh, quay, kêu ra hiệu. Giữa những chú chó to lớn, dũng mãnh, nổi bật một “chiến sĩ” nhỏ con, vẻ lanh lợi hơn hẳn. Thắc mắc của chúng tôi được chính trị viên Đồn Nậm Càn Nguyễn Thế Dương giải đáp: “Đó là “nàng” chó ma tuý duy nhất trong đội cảnh khuyển, tên là Đờ-ga, quản lí bởi đồng chí Nguyễn Văn An. Đội chó gồm 7 “chiến sĩ” này được tập trung về đây từ các đồn biên phòng trên tuyến Kỳ Sơn đã gần một tháng nay, để thuận lợi cho việc huy động khi cần thiết. Hiện thao trường dành cho đội cảnh khuyển đang được hoàn thiện, các “chiến sĩ” đặc biệt này sẽ được huấn luyện, chăm sóc một cách bài bản và chính quy”.



Đội cảnh khuyển thực hiện động tác bò.

Lúc này, bài tập cơ bản đã kết thúc, các huấn luyện viên đang vỗ vào ngực chó để thể hiện động tác khen. Những chú chó ngẩng đầu vẻ đầy tự hào, tản ra chạy nhảy, đùa giỡn trên bãi cỏ. Một nhóm các huấn luyện viên tụm lại, chăm chú quan sát hai chú chó đang nhấp nhổm đứng ngang hàng nhau, vẻ nôn nóng. Người huấn luyện viên ném một khúc gỗ vào bụi cây xa tít, hai chú chồm lên chạy thật nhanh lao vào bụi cây, sục sạo tìm kiếm. Các huấn luyện viên và cả những chiến sĩ của Đồn Nậm Càn đang quan sát cuộc thi tài ồ lên tán thưởng, “kẻ thắng cuộc” kiêu hãnh ngậm khúc gỗ chạy như bay về bên chủ.

Trung uý Phan Thanh Hùng nhìn theo “nàng” béc-giê Đức thuần chủng đã 7 năm tuổi với cái tên Ta-lan, người bạn đồng hành với anh hơn 3 năm nay, chia sẻ bằng giọng tự hào: “Tốt nghiệp khoá đầu tiên của Trường Trung cấp chó nghiệp vụ tại Ba Vì năm 2009, mình được biên chế về Đồn Na Ngoi, trực thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Nghệ An cùng với Ta-lan. Có nó bầu bạn, mình cũng đỡ nhớ nhà hơn chút ít. Những khi nghỉ phép lại lo ngay ngáy không biết Ta-lan có bỏ ăn không, có bị ốm không. Gặp lại chủ, nó vẫy đuôi, nhảy chồm lên người mình tỏ vẻ mừng rỡ, khiến mình cảm động vô cùng” .

Các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Nậm Càn cho biết: Thời gian đầu, anh em trong đồn rất ngạc nhiên bởi kích thước cũng như kĩ năng của những “đồng đội” đặc biệt này. Đến nay, các chiến sĩ trong Đồn Nậm Càn đã quen với sự có mặt của đội cảnh khuyển, những con tính khá thuần còn được phép chơi đùa cùng với các chiến sĩ ngoài huấn luyện viên của mình ra. Họ cũng không còn quá ngạc nhiên khi thấy những chú chó này được chăm sóc theo chế độ đặc biệt, mỗi chú hai bữa một ngày với 4-500gr gạo nấu cháo cùng lòng bò, xương và tối thiểu 2 quả trứng vịt lộn (chế độ 35 nghìn/ngày/con). Hai ngày một lần, các huấn luyện viên tắm cho chó của mình bằng dầu gội đầu, thậm chí có khi cả người và chó cùng nhau đi tắm sông, tập bơi cùng chó. Anh Phan Thanh Hùng “than thở”: “Dầu gội người dùng thì ít mà chó dùng thì nhiều, mình dùng hết một gói thì Ta-lan phải dùng hết tận 5 gói!”.

Những “chiến sĩ” mõm nhọn bây giờ đã ngoan ngoãn vào chuồng, lác đác vài tiếng sủa bịn rịn khi thấy chủ quay lưng bước đi. Anh Phùng Đức Sơn vừa thay nước uống cho chú chó Vích-sam, 4 tuổi, vừa chia sẻ: “Hồi mới về Nậm Càn năm 2012, do khí hậu ở đây nóng nực nên Vích-sam bị ốm, phải gọi quân y khám, truyền thuốc như người, mình còn phải bón cho “cu cậu” ăn cho đến khi hồi phục”.

Khi được hỏi có kỉ niệm nào vui trong hơn một năm gắn bó với Vích-sam không, anh cười: “Chó của mình còn “non” về tuổi nghề nên chưa cắn được tên tội phạm nào, nhưng cắn bộ đội thì có rồi đấy. Chẳng là lúc huấn luyện bản năng hung dữ, cắn bắt đối tượng, Vích-sam cắn mình một cái rõ đau”. Nhưng rồi anh nhìn Vích-sam trìu mến và tự hào, nói: “Đùa thế thôi chứ sau trận lũ quét vừa qua, Vích-sam là một trong bốn chú cảnh khuyển của đồn được huy động đánh hơi tìm người bị nạn. Tìm từ bản Nậm Càn đến bản Xoóng Coong cách đó hơn 6km thì bị dòng nước xoá mất nguồn hơi. Nhưng nếu là tìm người bị nạn trong đống đổ nát thì chắc chắn Vích-sam sẽ hoàn thành nhiệm vụ!”.

Rời Đồn Nậm Càn, chúng tôi còn lưu luyến mãi những “chiến sĩ” cảnh khuyển đáng yêu. Không chỉ đi “tiên phong” trong những cuộc tuần tra biên giới đầy hiểm nguy và gian khổ, những chú chó nghiệp vụ còn là người bầu bạn để các chiến sĩ biên phòng dốc bầu tâm sự, vơi bớt nỗi nhớ nhà và thêm vững lòng canh giữ từng tấc đất quê hương.


Bài, ảnh: Hải Triều

Mới nhất

x
Những “chiến sĩ không mang quân hàm” của đồn biên phòng Nậm Càn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO