Những “chiến sỹ” trên trận chiến phòng chống bệnh lao

26/03/2013 19:11

(Baonghean.vn) - Hiện nay, bệnh lao vẫn đang là bệnh thường gặp, ảnh hưởng đến sức khỏe 2/3 dân số thế giới; thế nhưng so...

(Baonghean.vn) - Hiện nay, bệnh lao vẫn đang là bệnh thường gặp, ảnh hưởng đến sức khỏe 2/3 dân số thế giới; thế nhưng so với các bệnh truyền nhiễm khác, bệnh lao và cả những y bác sỹ tham gia công tác phòng chống lao vẫn thường được ít sự quan tâm hơn… Đối mặt với vi khuẩn và cả những định kiến sai lầm về bệnh song những y, bác sỹ ở Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Nghệ An mà chúng tôi đã gặp, họ vẫn lặng thầm, tận tụy công hiến cho sự nghiệp phòng chống Lao, thương yêu, chăm lo cho bệnh nhân bằng tấm lòng người mẹ.

Đã 24 năm sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội cũng là chừng ấy năm bác sỹ Nguyễn Thị Hà (quê Thanh Hóa) về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An và “làm bạn” với kính hiển vi, ống nghiệm và bệnh phẩm. Ngày mới về được biết bộ phận xét nghiệm còn thiếu nhân sự, chẳng nề chuyện làm xét nghiệm về danh tiếng lẫn thu nhập đều không bằng các bộ phận khác, bác sỹ Hà đã xung phong nhận công tác này. Bởi theo chị: Động lực của người làm nghề y là sức khỏe cho người bệnh chứ không phải lý do nào khác, huống hồ muốn chuẩn đoán bệnh chính xác chống lao quốc gia, công tác xét nghiệm cực kỳ quan trọng, nó giúp cho việc phát hiện bệnh có mắc hay không, cũng như nếu đánh giá khỏi bệnh cũng phải dựa vào xét nghiệm đờm.

Bình dị, nhẹ nhàng, từ tốn và rất kiệm lời – đó là những ấn tượng của chúng tôi khi tiếp xúc với bác sỹ Hà. Chị cười hiền: Bệnh nghề nghiệp “làm bạn với vi khuẩn”yêu cầu các xét nghiệm viên phải cận thận hết sức trước hết để bảo vệ cho mình, sau đó là bảo vệ cho cộng đồng. Quy trình làm mẫu phải được tuân thủ rất nghiêm ngặt, chỉ cần bỏ qua một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm, một động tác mạnh tay gây đổ vỡ, một phút sơ ý lơ là sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm, tác động trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân, đôi khi là cả mạng người … Làm việc với các bệnh phẩm như máu, phân, nước tiểu, đàm, dịch mà rất có thể trong đó có chứa nhiều loại vi khuẩn độc hại, có lẽ với nhiều người không khỏi cảm giác “ghê sợ”, nhưng với chị Hà nói riêng và nhiều xét nghiệm viên khác thì phải tiếp xúc hàng ngày cùng bệnh phẩm nên cảm giác ít nhiều cũng quen đi. Bác sỹ Hà tâm tình: “Nếu ai cũng sợ thì lấy đâu người làm. Hơn nữa những người làm xét nghiệm đều được đào tạo bài bản cộng thêm con người đều có hệ thống miễn dịch nên tỷ lệ lây là không nhiều”.

Công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày, ở bệnh viện thì hết vi trùng lao, vi trùng HIV, làm các xét nghiệp thường quy, công thức máu, sinh hóa, tế bào, giải phẫu bệnh, ghi kết quả dấu (+), dấu (-); đi cơ sở thì giám sát 29 điểm kính, song với Bác sỹ Hà “công việc không hề nhàm chán bởi định kiến xã hội về lao đã ít nhiều được cởi bỏ; bởi một việc nhỏ mình làm hôm nay đang góp sức cho lợi ích chung của cả cộng đồng”.




Bác sỹ Nguyễn Xuân Thức chăm sóc cho bệnh nhân lao phổi đang điều trị tại
Khoa nội 3 - Ảnh: Xuân Tiến

Tương tự như bác sỹ Nguyễn Thị Hà, Bác sỹ Nguyễn Xuân Thức - Trưởng khoa Nội 3 cũng đã có tới 25 năm tham gia công cuộc phòng chống lao. Đến gặp chuyện trò với anh không dễ, bởi suốt ngày anh luôn tất bật khẩn trương. Là khoa có bệnh nhân đông, suốt ngày các y bác sỹở đây hết cấp cứu điều trị bệnh nhân lao, bệnh nhân phổi ngoài lao lại lo khám bệnh, cho thuốc, làm thủ thuật, tham gia hội chẩn.Nhìn không khí tại khoa mới thấu hiểu thêm về công việc nghề y vốn vất vả và ngành lao lại càng vất vả hơn ngành khác. Trực tiếp khám cho bệnh nhân này xong thì đến hỏi chuyển biến của người bệnh khác, với bác sỹ Thức - làm hết việc chứ không phải hết thời gian; bệnh nhân chưa khỏi, còn đau đớn thì hãy còn làm.

Luôn làm việc trong môi trường độc hại, điều kiện thiếu thốn nhưng không nói về mình, chỉ nói về những trăn trở, lo âu, băn khoăn về bệnh, bác sỹ Thức tâm tình: Buồn và đáng lo là nhận thức của người dân và người nhà còn hạn chế, nhiều khi để bệnh nặng mới đến cứu chữa - tỷ lệ tổn thương rất rộng, rất khó trả lại sức lao động cho bệnh nhân; Đại đa số bệnh nhân là người nghèo không có điều kiện bồi bổ sức khỏe, lại thêm tâm lý mặc cảm trong cộng đồng khiến người bệnh không tuân thủ quy trình điều trị khiến bệnh kháng thuốc; Ngày càng nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh lao; Trong khi bệnh lao ngày càng phức tạp đa dạng, ngoài bệnh lao còn có thể kết hợp với các bệnh tim mạch, phổi tắc nghẹn mãn tính, tăng huyết áp, tiểu đường ngày càng nhiều.

Với bác sỹ Thức, bệnh nghề nghiệp cũng rất đáng ngại, phòng chống Lao vất vả nhưng làm nghề cứu người thì phải lấy cái tâm, y đức ra làm thước đo. Giúp được bệnh nhân bằng nào mình luôn cố gắng. Bệnh nhân đã đau đớn, nghèo khó thì đáng thương người thầy thuốc càng phải nỗ lực gấp 2 gấp 3.Và đã theo ngành lao thì đã xác định không vì vật chất vậy nên những người thầy thuốc ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Nghệ An đều coi sự đau đớn của bệnh nhân cũng như nỗi đau của chính mình, người bệnh khỏe mạnh, khỏi bệnh mới chính là niềm vui lớn nhất… Cũng theo bác sỹ thì thực tếrất ít y bác sỹ mắc bệnh nghề nghiệp và hiện nay với sự quan tâm của nhà nước, đời sống của những người làm công tác chống Lao cũng đã khá nhiều.

Những “chiến sỹ” trên mặt trận phòng chống lao không có ước muốn nào lớn hơn ngoài mong muốn bệnh lao được đẩy lùi…/.


Thành Chung

Mới nhất
x
Những “chiến sỹ” trên trận chiến phòng chống bệnh lao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO