Kinh tế

Những chính sách mới liên quan phát triển lâm nghiệp

Hoài Thu 28/11/2024 13:59

Thời gian qua, các cơ quan Trung ương và địa phương đã ban hành nhiều chính sách mới liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp tham gia tích cực hơn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, Luật Đất đai 2024 có những quy định mới liên quan lĩnh vực này.

Ngày 26/11, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An triển khai Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, có tính đến năm 2050. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng phổ biến các chính sách mới trong phát triển lâm nghiệp, bàn giao bản đồ, dữ liệu quy hoạch lâm nghiệp cho các đơn vị, địa phương liên quan. Các chính sách mới ban hành, đáng chú ý là 03 văn bản quy phạm pháp luật mới do Quốc hội và Chính phủ ban hành có một số chính sách, quy định liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Đó là Luật Đất đai năm 2024; Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Chính sách đầu tư trong lâm nghiệp quy định tại Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.

Cây khôi nhung tía trồng dưới tán rừng ở xã Yên Hoà đã cho thu hoạch. Ảnh: Hoài Thu
Người dân xã Yên Hoà (Tương Dương) trồng dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: Hoài Thu

Luật Đất đai số 31/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 có 16 chương và 260 điều, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, có nhiều điểm mới giúp phát triển lâm nghiệp bền vững. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều để tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng...

Cụ thể, những điểm mới của Luật Đất đai 2024 trong lĩnh vực lâm nghiệp: Về phân loại đất, quy định nhóm “đất chưa sử dụng” đã được sửa đổi là “đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê”.

Đây là quy định mới so với Luật Đất đai 2013. Theo đó, đất lâm nghiệp gồm cả đất có rừng và chưa có rừng sau khai thác trắng hoặc đất trống, đồi núi trọc, núi đá, diện tích đất có mặt nước nội địa xen kẹp nằm trong hệ sinh thái tự nhiên bền vững không thể tách rời, được quy hoạch cho phát triển rừng bằng biện pháp trồng rừng mới, trồng lại rừng hoặc khoanh nuôi tái sinh. Quy định này sẽ khắc phục được thực trạng thống kê, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp thiếu nhất quán hiện nay.

Người dân bản Kẹo Lực 3, xã Phà Đánh phát dọn thực bì để chuẩn bị trồng cây dổi. Ảnh: Hoài Thu
Người dân xã Phà Đánh phát dọn thực bì để chuẩn bị trồng cây dổi trên vùng đất rừng sản xuất. Ảnh: Hoài Thu

Luật Đất đai 2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp: Cụ thể, về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng được quy định: Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh, hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Quy định này đã mở rộng về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng khi chỉ cần phù hợp với một trong 3 quy hoạch nêu trên.

Về căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng: Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của UBND cấp huyện được UBND cấp tỉnh phê duyệt, hoặc kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quy định này mở rộng về căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng khi chỉ cần phù hợp với một trong hai kế hoạch nêu trên.

Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng: HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trừ trường hợp thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Dầu khí. Như vậy về cơ bản, thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng (không phân biệt hạn mức, loại rừng) đã được phân cấp cho HĐND tỉnh; không phân 03 cấp (Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND tỉnh) theo quy định cũ..

Tại 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn cây lùng mọc ở các vùng núi cao, cách xa khu dân cư, có nơi trên 40 km giáp với tỉnh Thanh Hóa. Toàn xã Thông Thụ có khoảng 500 ha lùng đã được cấp Chứng chỉ rừng FSC. Theo ông Lương Ngọc Huân - Chủ tịch UBND xã, hiện nay, việc tiêu thụ lùng đang gặp khó khăn do hầu như không có doanh nghiệp thu mua. Chỉ có một vài thương lái thu mua với số lượng nhỏ lẻ. Ảnh: T.P
Trồng rừng lùng đạt chứng chỉ FSC tại xã Đồng Văn (Quế Phong). Ảnh: Hoài Thu

Về nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng quy định như sau: Chủ rừng xây dựng phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học. Hoạt động nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ được bổ sung thêm các quy định: Được xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ.

Tour trải nghiệm du lịch Na Ngoi: Từ cột mốc 422, tiếp tục băng qua một chặng đường ngắn nữa là đặt chân lên đỉnh Puxailaileng. Đặt chân đến đây, ai nấy đều cảm thấy phấn khích và tự hào, vui sướng khi được chinh phục đỉnh cao 2.720m, là
Phát triển du lịch cộng đồng ở Na Ngoi (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu

Về nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ quy định cụ thể gồm: Chủ rừng xây dựng phương án nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chủ rừng tự tổ chức, hợp tác, liên kết hoặc cho tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu hoặc để tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học. Hoạt động nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Mới nhất

x
Những chính sách mới liên quan phát triển lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO