Những chủ trang trại tuổi thanh niên

26/08/2013 18:14

(Baonghean) - Sau một thời gian lăn lộn làm thuê tại các khu công nghiệp ở trong Nam, ngoài Bắc, nhiều thanh niên ở huyện Anh Sơn đã trở về quê tham gia phát triển kinh tế. Họ đã trở thành những “ông chủ trẻ”, ngày đêm làm thay đổi diện mạo vùng đất khó.

Nguyễn Tài Đại ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn có vẻ ngoài cứng cáp, già dặn hơn rất nhiều so với tuổi 22 của mình. Dẫn chúng tôi vượt con đường đất nhỏ vào thăm khu trang trại, Đại say sưa kể về kỹ thuật nuôi ếch, về tập tính, thức ăn và cách phòng trị sâu bệnh cho loài vật nuôi mới ở địa bàn vùng núi cao này. Đại cho biết, sắp tới, sau khi thu hoạch đồi keo, cậu sẽ cải tạo lại vùng đồi để trồng chè nguyên liệu, vừa tạo cảnh quan vừa có thu nhập nhanh hơn. Cạnh những đồi chè là hệ thống chuồng nuôi lợn rừng cùng những ao nuôi ếch, nuôi cá hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Tường Sơn, sau khi học xong phổ thông, Đại thi đại học nhưng không đậu. Cũng như nhiều thanh niên khác, cậu xin bố mẹ một ít tiền, quyết định “Nam tiến”. Sau một thời gian bươn chải khắp Tây Nguyên, Sài Gòn, Vũng Tàu, Bình Dương, chàng trai trẻ thấy rằng, nếu cứ đi làm công nhân mãi thì không thể khá hơn được. Trong khi đó, đất đai, ruộng đồng ở quê mình lại bỏ không, bố mẹ thậm chí còn phải thuê người làm theo mùa vụ trong khi mình lại đi làm thuê cho người khác.

Năm 2011, sau nhiều hôm trằn trọc suy nghĩ, Đại quyết định gói hành lí, trở về quê trong sự bất ngờ của bạn bè, anh em và cả bố mẹ. Về quê, Đại chưa bắt tay vào làm ruộng liền mà tiếp tục đi tìm hiểu, nghe ngóng, ở đâu có mô hình kinh tế mới, hay và phù hợp, Đại đều tìm đến để học tập. Sau gần nửa năm chỉ đi xem, Đại quyết định sẽ phải ra các trang trại ở Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Giang, tìm đến những vùng đất có thổ nhưỡng giống như ở quê mình để học nghề.

Tại Thanh Hóa, Đại bị những chú ếch của một ông chủ làm mê hoặc. Sau 3 tháng học nghề nuôi ếch ở đây, Đại tìm ra Hà Nội, làm quen với một người anh nhiều hơn mình gần 10 tuổi, đang là chủ một doanh nghiệp nuôi và phân phối sản phẩm ếch ở thủ đô. Nhận thấy đây là một cơ hội cho mình và cả gia đình, Đại trở về quê, quyết định cải tạo vùng trang trại lâu nay bố mẹ mình vẫn nuôi mấy con cá vặt, trồng mấy gốc chanh nhưng không có hiệu quả để nuôi ếch.

Ban đầu, Đại chặn con khe nước phía sau nhà để làm thành hệ thống liên hoàn gồm 4 ao chứa nước, mua lưới, làm chuồng nuôi ếch. Khi thấy một thanh niên sức dài vai rộng, mới 20 tuổi đầu lại đi chăm mấy chú ếch bé xíu, một số thanh niên cùng lứa cười thầm, cho rằng “thằng ni có vấn đề, không đi học nghề gì cho to tát mà lại về quê cuốc đất, nuôi ếch”. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, những chuồng ếch của Đại lớn nhanh như thổi, không bị dịch bệnh và bán được giá cao.

Lứa đầu tiên, Đại nuôi được 1 tấn ếch thịt, bán được hơn 50 triệu đồng và đã bắt đầu có lãi sau khi trừ hết các chi phí cải tạo ao đầm, thức ăn. Đến lứa ếch thứ hai, khi sản lượng lớn hơn thì Đại gặp khó trong việc tìm đầu ra cho ếch vì Thị trấn Anh Sơn bé xíu, rất ít nhà hàng có thể tiêu thụ hết hàng chục tấn ếch. Lúc này, với chiếc điện thoại có chức năng truy cập internet trong tay, Đại lần mò trên mạng, tìm hiểu các địa chỉ uy tín và nhờ người anh lớn tuổi năm xưa ở Hà Nội tư vấn, tìm đầu ra. Vừa đăng tin trên mạng, lô ếch của cậu lập tức có người hỏi mua.



Nguyễn Tài Đại bên ao nuôi ếch nhà mình.

Sau nhiều lần như vậy, Đại trở thành địa chỉ cung cấp hàng thường xuyên cho các công ty ở Hà Nội, đồng thời cậu còn mạnh dạn thu mua ếch giống ở các huyện khác rồi nhập cho những trang trại ở phía Bắc. Sau hai năm đầu có được những vụ ếch thắng lợi, Đại đang tính đến chuyện mở rộng thêm trang trại, học cách tự ươm giống ếch để phục vụ nhu cầu của người dân. “Các trang trại ếch ở phía Bắc rất thích chọn con giống ở vùng miền Trung vì ít dịch bệnh, thịt ngon hơn nhiều so với giống ếch miền Nam. Đây là cơ hội để những người nuôi ếch như bọn em có thể phát triển hơn nữa”, Đại tâm sự.

Anh Bùi Công Sơn, Bí thư Đoàn xã Tường Sơn cho biết, dù mới bắt đầu manh nha hướng đến phát triển kinh tế trang trại, sản xuất hàng hóa nhưng mô hình của Đại được rất nhiều thanh niên và người dân trong xã tìm hiểu, học tập. Nguyễn Tài Đại cũng được các thanh niên bầu làm Bí thư Chi đoàn xóm, và được người dân trong xóm tin tưởng giao nhiệm vụ Thôn đội trưởng, phụ trách dân quân tự vệ của xóm, sẵn sàng huy động thanh niên và người dân, dân quân tự vệ tham gia phòng cháy chữa cháy rừng, chống bão lụt, diễn tập trị an, sẵn sàng chiến đấu.

Cũng ở xã Tường Sơn, Nguyễn Văn Hùng (SN 1989), cũng là một thanh niên trở về quê lập nghiệp sau một thời gian bôn ba hết trong Nam, ngoài Bắc. Là sinh viên cao đẳng, tốt nghiệp ngành đàn bầu, Hùng từng lê la khắp các tụ điểm ca nhạc để đi biểu diễn. Mặc dù vậy, thấy đời nghệ sĩ quá bấp bênh, bèo bọt và không có cơ sở để ổn định lâu dài, năm 2010, Hùng vác cây đàn trở về quê trong sự bất ngờ của tất cả mọi người. Sau khi nghiên cứu hệ thống chuồng trại của gia đình, Hùng lao vào xây dựng kế hoạch nuôi lợn rừng theo quy mô lớn.

Làm việc quần quật đến quên ăn, quên ngủ, thành quả của Hùng là một đàn lợn rừng trên 40 con, thu nhập hàng năm hơn 50 triệu đồng. Tại xóm 6, xã Hùng Sơn, nam thanh niên Phạm Công Cường (SN 1987) cũng đang làm chủ một hệ thống vườn đồi chè với diện tích hơn 2,7 ha sau một thời gian lăn lộn trong các khu công nghiệp ở miền Nam. Trung bình mỗi năm, diện tích chè của Cường có 8 – 9 lần thu hoạch, mỗi đợt khoảng 8 tấn chè búp tươi. Với giá chè hiện nay, trung bình Cường có thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm, điều mà khi đi làm công nhân, có nằm mơ chàng trai trẻ này cũng không dám nghĩ tới.

Anh Nguyễn Đình Hà, Bí thư Huyện đoàn Anh Sơn cho biết, từ sự thành công của những thanh niên trở về quê lập nghiệp đầu tiên, đến nay, trong huyện Anh Sơn đã có khoảng 100 thanh niên đang làm chủ các trang trại, các mô hình kinh tế sau một thời gian đi làm công nhân vất vả. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao như anh Hoàng Thủy Sen ở thôn 1/5 xã Cẩm Sơn có mức thu nhập khoảng 363 triệu đồng/năm với hệ thống VACR quy củ; anh Bùi Xuân Chiến có thu nhập 450 triệu đồng/năm với hệ thống sản xuất gạch nung và chăn nuôi nhím; anh Nguyễn Hữu Đại với xưởng cơ khí hàn xì ở xã Lạng Sơn; anh Võ Thế Dương mở xưởng cơ khí ở xã Đức Sơn, tạo việc làm ổn định cho 5 thanh niên,… Hàng chục thanh niên khác đang đạt mức thu nhập đáng mơ ước ở vùng nông thôn với các mô hình như trồng chè công nghiệp, trồng rừng nguyên liệu, mía và các hình thức kết hợp VAC, VACR.

Từ sự thành công bước đầu như trên, hiện nay, Huyện đoàn Anh Sơn đang cố gắng nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả, xem đây là một hình thức tuyên truyền có sức lan tỏa cao đến những thanh niên đã và đang có ý định vào miền Nam làm thuê sau khi nghỉ học.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và các mạng xã hội, thanh niên vùng nông thôn không còn quá lo lắng đến vấn đề kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, về đầu ra cho sản phẩm mà cái họ cần ở đây là các mô hình kinh tế cụ thể và nguồn vốn cũng như sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, xã hội. Trong đó, việc tiếp cận với các nguồn vốn là vấn đề khó khăn nhất của thanh niên bởi hầu hết các ngân hàng đều yêu cầu người vay nợ phải có tài sản thế chấp, có bìa đất chính chủ hoặc có tư cách pháp nhân là giám đốc, chủ nhiệm hợp tác xã, những yêu cầu này rất khó thực hiện đối với các thanh niên trẻ tuổi, nhiều người chưa lập gia đình.

Hiện nay, nguồn vốn từ Dự án giải quyết việc làm cho thanh niên của TƯ Đoàn và Ngân hàng Chính sách Xã hội được xem là đầu mối sát sườn nhất, dễ tiếp cận nhất đối với thanh niên, nhưng thủ tục hành chính và những “yêu cầu cứng” để vay vốn từ nguồn này đang khiến thanh niên gặp khó. Vì nguồn quỹ hạn hẹp nên mỗi cá nhân chỉ được vay không quá 10 triệu đồng, số tiền này hiện không đủ để mua 1 con bê nhỏ và rất khó trở thành động lực để các thanh niên phát triển kinh tế theo quy mô trang trại hoặc đầu tư sản xuất kinh doanh. Nếu muốn vay 100 triệu đồng trở lên thì người vay phải có tổ hợp sản xuất, kinh doanh hoặc phải có giấy chứng nhận trang trại đạt chuẩn về diện tích, về quy mô, về mức thu nhập,… đối với thanh niên mới chân ướt chân ráo làm kinh tế quả là một điều rất khó khăn.

“Trong những năm qua, nhiều thanh niên đã có được sự thay đổi lớn về mặt nhận thức, tư duy làm kinh tế và nhiều người mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn đang là trở ngại lớn nhất hiện nay. Cơ quan chức năng và các ngân hàng nên có một chính sách phù hợp hơn như cho thanh niên vay vốn bằng hình thức tín chấp, cho vay với mức lãi suất thấp, hình thức trả nợ linh hoạt, các thủ tục vay vốn đơn giản, gọn nhẹ. Làm được như vậy sẽ góp phần quan trọng việc khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu một cách chính đáng trên quê hương”, Bí thư Huyện đoàn Anh Sơn tâm sự.


Nguyên Khoa

Những chủ trang trại tuổi thanh niên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO