Những 'chứng nhân' của phong trào cách mạng trên quê hương Nghệ An

Công Kiên 19/08/2022 06:36

(Baonghean.vn) -  77 năm đã trôi qua, nhân chứng lịch sử về cuộc Cách mạng tháng Tám giờ không còn nhiều, chỉ còn lại hệ thống tư liệu, hiện vật và di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, có những cây cổ thụ giữ vai trò như 'chứng nhân' lịch sử trên các vùng quê cách mạng cần tiếp tục được gìn giữ, bảo tồn cho thế hệ muôn đời sau.

Dấu tích một thời oanh liệt

Nếu có dịp ngược xuôi Quốc lộ 7A qua xã Khai Sơn (Anh Sơn), hành khách sẽ thấy một cây đa cổ thụ tỏa bóng sum suê, được công nhận là di tích cách mạng. Cây đa cổ thụ ấy mang tên vùng quê cách mạng năm xưa - Tri Lễ, được xác định khoảng 400 năm tuổi, thân cây mang đậm dấu tích thời gian với hốc lớn và sâu, cùng những “khối u” xù xì, lá cành chằng chịt.

Lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Anh Sơn nhiều lần nhắc đến cây đa Tri Lễ là biểu tượng của tinh thần đoàn kết và khí thế đấu tranh của quần chúng cách mạng. Đặc biệt, cây đa này gắn với phong trào đấu tranh Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 của người dân huyện Anh Sơn.

Cây đa Tri Lễ, xã Khai Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Công Kiên

Trong hai sự kiện lịch sử, cây đa Tri Lễ chính là điểm “hội quân” và xuất phát của lực lượng quần chúng cách mạng, khởi đầu những ngày đấu tranh “long trời lở đất”. Đây là địa điểm lực lượng cách mạng các xã, các tổng trong vùng tập hợp để kéo xuống bao vây phủ đường Anh Sơn (trung tâm huyện Đô Lương ngày nay), yêu cầu bọn phong kiến tay sai đầu hàng.

Theo dòng thời gian, cây đa Tri Lễ luôn được chính quyền và người dân địa phương bảo vệ, được công nhận là di tích lịch sử, tiếp tục là chứng nhân của những đổi thay, khởi sắc trên vùng quê cách mạng. Những năm gần đây, một số trường học trên địa bàn đã tổ chức chương trình ngoại khóa, cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu di tích cây đa Tri Lễ, qua đó hình dung rõ hơn về không khí sục sôi của quần chúng nhân dân trong những ngày tháng đấu tranh cách mạng.

Học sinh Trường Tiểu học Khai Sơn (Anh Sơn) tìm hiểu lịch sử quê hương dưới gốc đa Tri Lễ. Ảnh tư liệu: Thái Hiền

Giống như cây đa Tri Lễ, cây sanh Hàm Rồng xưa nay được xem là “chứng nhân xanh” của phong trào cách mạng vùng chiến khu Hoa Quân xưa, nay là xã Thanh Hương (Thanh Chương). Rễ cây bám vào mỏm đá Hàm Rồng, thân cây sanh to, tán phủ rộng cả một vùng và ôm trọn ngôi đền Hàm Rồng.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Hương, trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) và Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, Thanh Hương là một trong những xã đi đầu. Cây sanh cổ thụ và đền Hàm Rồng là một trong những địa điểm quần chúng cách mạng tập hợp lực lượng trước khi kéo ra huyện đường đấu tranh.

Tại nơi đây, cờ búa liềm đã tung bay trong cao trào Xô viết và cờ Tổ quốc phấp phới trong ngày vui giành được độc lập. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, mỏm đá Hàm Rồng - nơi có cây sanh cổ thụ và ngôi đền thiêng được chọn làm địa điểm sản xuất vũ khí. Đó chính là Xưởng hóa chất Tôn Thất Cung của Sở Quân giới Liên khu 3 - 4 với nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất thuốc nổ để nhồi đạn súng trường và lựu đạn.

Cây đa Hàm Rồng, xã Thanh Hương (Thanh Chương). Ảnh: Công Kiên

Ngày nay, cây sanh Hàm Rồng vẫn in bóng xuống dòng sông Trai trong xanh, hiền hòa. Cây sanh, ngôi đền bao đời trở thành “địa chỉ thiêng” của người dân khắp vùng, là chứng tích của một thời hào hùng, oanh liệt.

Và, không chỉ cây đa Tri Lễ, cây sanh Hàm Rồng, trên vùng quê Nghệ An còn có nhiều cây cổ thụ là chứng tích cách mạng, là niềm tự hào của quê hương. Đó là cây bồ đề ở xã Diễn Đồng (Diễn Châu); cây sui ở xã Thanh Phong (Thanh Chương), cây gạo ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu)…

Bảo tồn và phát huy giá trị cây cổ thụ

Ông Nguyễn Văn Nhiên - chuyên gia về sinh vật cảnh, từng dành nhiều năm nghiên cứu cây cổ thụ cho rằng, Nghệ An là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, có lẽ vì thế cây cối cũng được hấp thu, thừa hưởng tinh thần và ý chí quả cảm của con người.

Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có gần 30 cây cổ thụ giữ vai trò là chứng tích lịch sử, những cây cổ thụ với quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngoài những cây đã được kể trên, có thể kể thêm cây đa ở xã Diễn Lâm (Diễn Châu) và xã Thanh An (Thanh Chương), cây gạo ở xã Đặng Sơn, cây đa ở xã Bắc Sơn (Đô Lương)…

Cây sui Diên Tràng, xã Thanh Phong (Thanh Chương). Ảnh: Công Kiên

Bên cạnh những cây cổ thụ được chăm sóc, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, hiện nay không ít cây đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại và “biến mất” do sự thiếu quan tâm hoặc quan tâm không đúng cách của con người. Gần đây nhất là sự việc cây trôi hơn 300 tuổi ở xã Thanh Ngọc (Thanh Chương) bị chết do người dân địa phương tổ chức chăm sóc và tôn tạo không đúng kỹ thuật. Cây trôi này từng là địa điểm gắn liền với cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, là nơi Huyện ủy Thanh Chương từng chọn là điểm tổ chức hội họp, cất giấu tài liệu.

Cách đây không lâu, cây đa Làng Trù, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn) cũng bất ngờ bị ngã đổ do thiếu sự chăm sóc, bảo vệ thường xuyên, kịp thời. Dưới cây đa này, ngày 22/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa huyện Nghĩa Đàn, hàng vạn quần chúng nhân dân các tổng Cự Lâm, Nghĩa Hưng, Thạch Khê, Hạ Sưu, Thái Thịnh và đông đảo công nhân các đồn điền ở Phủ Qùy tập trung lực lượng kéo về trung tâm huyện lỵ giành chính quyền.

Cây gạo cổ thụ ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: Hồ Đình Chiến

Trước nữa, cây đa Cồn Chùa ở xã Môn Sơn (Con Cuông), nơi ghi dấu phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nam cũng đã bị đổ…

Về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị cây cổ thụ, nhất là những cây cổ thụ gắn với phong trào đấu tranh cách mạng, theo ông Nguyễn Văn Nhiên, các cấp có thẩm quyền nên sớm nghiên cứu và ra quyết định công nhận cây cổ thụ là di tích cần được bảo tồn để đảm bảo tính pháp lý.

Từ đó, đánh số và lập hồ sơ chi tiết từng cây, gắn biển thống nhất “Cây đã có quyết định bảo tồn”; đồng thời thực hiện xã hội hóa việc bảo tồn, chăm sóc, bảo vệ và quản lý cây cổ thụ, hướng tới mục tiêu tất cả các cây cổ thụ đều có chủ và thường xuyên được chăm sóc, bảo vệ.

Cây gạo cổ thụ ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) được gắn biển "Cây di sản" để bảo vệ. Ảnh tư liệu: Hồ Đình Chiến

“Bên cạnh đó, gắn việc bảo tồn với việc giáo dục truyền thống, văn hóa tâm linh và phát triển du lịch sinh thái. Làm tốt việc này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, hình thành ý thức quý trọng cây cổ thụ cho các tầng lớp nhân dân. Bởi lẽ, cây cổ thụ là một tư liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử tự nhiên và xã hội, mất đi một cây cổ thụ giống như sự ra đi của một chứng nhân lịch sử”, ông Nhiên nói.

Mới nhất

x
Những 'chứng nhân' của phong trào cách mạng trên quê hương Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO