Cần làm rõ trách nhiệm của xã Vĩnh Sơn trong vụ cây cổ thụ ven sông Lam bị chặt phá
Vụ việc hàng chục cây cổ thụ phòng hộ bãi bồi sông Lam tại xã Vĩnh Sơn bị chặt phá đã và sẽ tiếp tục được UBND huyện Anh Sơn làm rõ. Nhưng tại sao UBND xã Vĩnh Sơn hời hợt, cẩu thả trong việc xác minh thông tin lại là câu hỏi đầy băn khoăn của nhiều người.
Tâm nguyện của dân
Báo Nghệ An nhận được thông tin hàng loạt cây cổ thụ ven bãi bồi sông Lam tại xã Vĩnh Sơn bị khai thác trái phép, kèm hình ảnh ngổn ngang cây cối bị chặt phá do công dân xã Vĩnh Sơn gửi đến và vụ việc nhanh chóng được xác minh là có thật.
Để nắm bắt thêm thực trạng cùng tâm tư của người dân địa phương, P.V Báo Nghệ An đã kết nối một số trang mạng xã hội của người dân Vĩnh Sơn. Thấy ở đó, có nhiều vấn đề đáng quan tâm, nhưng trên tất cả là nỗi xót xa, nuối tiếc những cây cổ thụ đã bị chặt phá.
Vì rằng, những cây cổ thụ đã bị đốn hạ, nằm trong dải cây xanh chạy dọc sông Lam, có chức năng phòng hộ, chống xói lở cho vùng đồng bãi bạt ngàn lúa, rau, mía, ngô… của người dân xã Vĩnh Sơn. Và vì các thế hệ ông cha của người dân xã Vĩnh Sơn ý thức được giá trị của dải cây xanh, luôn bảo vệ, giữ gìn để nhiều cây trong đó có tuổi đời hàng trăm năm, đã gắn kết như máu thịt với người dân, trở thành chứng tích văn hóa – lịch sử của một vùng đất. Từ xót xa tiếc nuối, họ mong cấp ủy, chính quyền địa phương phải thực sự khách quan, công tâm khi vào cuộc.
Kết nối với một số người trong đó, hầu hết họ đã cao tuổi, và là cựu chiến binh. Như cựu chiến binh, thương binh 2/4 Đinh Sỹ Vinh, trú tại thôn Vĩnh Lạc năm nay đã 67 tuổi. Trong bức xúc ông Vinh đã nói: “Chúng tôi là những người lính, luôn nhận thức rõ trách nhiệm của hội cựu chiến binh là tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền. Nhưng trước sự việc này, chúng tôi rất bức xúc, nhân dân Vĩnh Sơn rất bức xúc. Một lời không thể nói hết được sự việc. Nếu các anh quan tâm thì đề nghị lên xã Vĩnh Sơn. Vì có đến hiện trường thì mới thấu được vì sao có sự bức xúc…”.
Thế rồi, sáng 23/12/2024 chúng tôi được 2 cựu chiến binh Đinh Sỹ Vinh, Nguyễn Đình Thụ (thôn Vĩnh Lạc) đưa qua vùng đất bãi mía, ngô rộng bạt ngàn để vào hiện trường vùng cây tự nhiên ven sông Lam bị chặt phá.
Ở đây, cảm nhận đủ đầy nỗi xót xa, nuối tiếc của người dân. Bờ bãi ven sông Lam đoạn qua xã Vĩnh Sơn đang trong tình trạng sạt lở nặng nề. Dải cây xanh và thảm thực vật ven sông có nhiều vị trí đang đứng trước nguy cơ sụt chân, tiếp tục sạt lở. Vậy mà, đã có một vùng khá rộng cây xanh, thảm thực vật bị phát trắng, chặt hết không thương tiếc. Trong nham nhở nhiều gốc cây lớn đang ứa nhựa trơ lại trên đất, có đến dăm gốc cây chu vi lên đến 2 – 3 người ôm. Một số cây đã bị đốn hạ, thân cắt rời thành nhiều khúc nằm lăn lóc.
Rảo tìm trong khu vực, các cựu chiến binh Đinh Sỹ Vinh, Nguyễn Đình Thụ còn bới tìm, phát hiện thêm 2 cây có đường kính khoảng 60cm cắt sát gốc, bị phủ trên bề mặt đất bụi, cành cây khô để giấu hành vi khai thác trái pháp luật. Theo cựu chiến binh Đinh Sỹ Vinh, vào ngày 12/11/2024, khi phát hiện có tình trạng khai thác trái phép, ông có cùng người dân đến hiện trường. Hôm đó, người dân kiểm tra xác định đã có 33 cây bị đốn hạ, lấy đi. Trong khi có những cây đã ngã, và cây mấp mé bờ lở sắp ngã thì vẫn còn nguyên trạng...
Dẫn chúng tôi đến bãi lở chứng thực cây đã ngã và cây có nguy cơ ngã, ông Vinh u uất nói: Có 5 cây đã ngã, 7 cây có nguy cơ ngã nên việc tổ chức đấu giá thu tiền cho ngân sách chúng tôi không có ý kiến. Nhưng xã không phát hiện việc đối tượng trúng đấu giá cố tình khai thác trái phép, chỉ đến khi chở đi bán thì mới bị nhân dân phát hiện, báo lên.
Thế rồi, qua bao nhiều ngày, họp HĐND, họp cựu chiến binh…, mọi người có ý kiến rất nhiều. Xã nhận lỗi với dân là thiếu giám sát, hứa với dân đến ngày 20/12 sẽ trả lời. Nhưng đến bây giờ cũng chưa có ý kiến gì. Rừng cây này cha ông đã bảo vệ nhiều trăm năm. Tôi sống ở đây đến nay đã 67 năm thì những cây này đã có rồi. Rừng cây là để chống xói lở, bảo vệ đồng bãi nên nhân dân rất bức xúc, chung nguyện vọng là phải làm rõ sai phạm…
Công an vào cuộc
Rời hiện trường, chúng tôi có ít phút làm việc cùng lãnh đạo Đảng ủy xã Vĩnh Sơn, gồm các ông: Phan Bá Trung – Bí thư Đảng ủy; Trần Khắc Lễ - cán bộ trực Đảng ủy. Theo 2 cán bộ này nhìn nhận, tâm nguyện nhân dân xã Vĩnh Sơn là chính đáng và cho biết, Ban Thường vụ Đảng ủy đã sớm giao UBND xã nhiệm vụ phải làm rõ, xử lý nghiêm. Đồng thời khẳng định, đã 2 lần Ban Chấp hành Đảng bộ xã nghe UBND xã báo cáo, nhưng chưa đồng tình với kết quả, yêu cầu làm lại.
Để minh chứng, 2 cán bộ này cho xem Văn bản số 20-TB/ĐU ngày 27/11/2024 thông báo kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ xã Vĩnh Sơn ngày 21/11/2024. Trong văn bản thể hiện, do sạt lở đất, ở bãi bồi có một số cây bị ngã, một số cây sắp ngã nên ngày 7/10/2024, xã Vĩnh Sơn thống nhất công khai trên toàn địa bàn việc tổ chức bán đấu giá 12 cây, với mức giá ban đầu 9 triệu đồng. Ngày đấu giá, mức giá 9 triệu đồng không thay đổi, người trúng đấu giá là một công dân trên địa bàn; số tiền thu được đã nộp vào ngân sách. Tuy nhiên, công dân này đã không tuân thủ quy định, cắt vượt 20 cây.
Trước sự việc này, Đảng ủy xã Vĩnh Sơn xác định trong nhân dân có dư luận bức xúc; vì vậy, giao trách nhiệm Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc, làm rõ các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật; kết quả xử lý phải báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy trước ngày 3/12/2024.
Làm việc với UBND xã Vĩnh Sơn sau đó, theo Chủ tịch UBND xã ông Cao Thanh Lương, sau buổi đấu giá, xã yêu cầu người trúng đấu giá khai thác cây trong 7 ngày có giám sát của xã. Tuy nhiên, người này đã không thực hiện, vì lý do gia đình có dịch tả lợn. Khoảng 1 tháng sau, thì tự tổ chức khai thác vượt số cây. Ông Cao Thanh Lương nhìn nhận UBND xã đã có lỗi khi thiếu giám sát. Tuy nhiên, khi nắm được thông tin UBND xã đã tổ chức xác minh, và đã làm việc với các đối tượng liên quan. Nhưng vì có dư luận phía sau việc khai thác trái phép cây liên quan cán bộ xã nên UBND xã nhận thức cần phải làm rõ; khi chưa làm rõ thì chưa kết luận, vì vậy, chưa thể công khai cho nhân dân biết…
Với những thông tin xác minh, ngày 23/12/2024, Báo Nghệ An điện tử phản ánh vụ việc qua phóng sự ảnh “Hàng loạt cây cổ thụ phòng hộ bờ sông Lam ở huyện Anh Sơn bị đốn hạ không thương tiếc”. Tiếp nhận phản ánh của Báo Nghệ An, UBND huyện Anh Sơn đã rất khẩn trương vào cuộc. Bằng Quyết định số 3814/QĐ-UBND ngày 24/12/2024 của Chủ tịch UBND huyện, một tổ công tác đã được thành lập để tổ chức xác minh hiện trường, làm việc với UBND xã Vĩnh Sơn ngay trong buổi sáng 24/12/2024.
Sang đến ngày 25/12/2024, UBND huyện Anh Sơn đã có Báo cáo số 722/BC-UBND thông tin kết quả tiếp nhận, xử lý, giải quyết thông tin từ Báo Nghệ An phản ánh “Hàng loạt cây cổ thụ phòng hộ bờ sông Lam ở huyện Anh Sơn bị đốn hạ không thương tiếc”.
Theo Báo cáo số 722/BC-UBND, kiểm tra hiện trường nơi xảy ra vụ việc, tổ công tác xác định địa điểm thuộc thửa đất 714, tờ bản đồ số 1, lô 4, Khoảnh 8, Tiểu khu 920; khu vực bờ sông xóm 1, xã Vĩnh Sơn, nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Hiện trường có tổng số 41 gốc cây và 1 cây ngã đổ còn nguyên (gồm các loài cây cơi, liêu biểu, sung, ráng); các cây có đường kính gốc từ 10 - 75cm. Hiện trường chỉ còn lại cành, nhánh ngọn không có giá trị.
Từ kiểm tra của tổ công tác, cũng trong ngày 24/12/2024, UBND huyện Anh Sơn có Công văn số 3219/UBND.NN chỉ đạo các phòng chuyên môn, Công an huyện, Hạt Kiểm lâm, UBND xã Vĩnh Sơn tập trung xử lý việc chặt phá cây tại khu vực bãi bồi ven sông Lam. Trong đó, yêu cầu xác minh làm rõ hành vi vi phạm, các nội dung sai phạm, khối lượng gỗ đã chặt phá… để xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, kiểm tra, xác minh việc quản lý, bảo vệ và sử dụng tài sản của UBND xã Vĩnh Sơn; rà soát các quy định, quy trình thủ tục, thẩm quyền đấu giá, quản lý tài sản ở xã Vĩnh Sơn để khắc phục, hủy bỏ những chủ trương, thủ tục đã tổ chức thực hiện trong việc thanh lý, đấu giá tài sản trái quy định pháp luật và xử lý các vi phạm (nếu có) đảm bảo đúng quy định của pháp luật; xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả (trồng cây hoàn trả) việc chặt phá cây trái quy định tại bãi bồi ven sông Lam...
Đồng thời, UBND huyện Anh Sơn đề nghị Công an huyện xác minh, kiểm tra vụ việc để xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu có dấu hiệu vi phạm).
Dấu hỏi trách nhiệm xã Vĩnh Sơn?
Ở cuộc làm việc với lãnh đạo xã Vĩnh Sơn, chúng tôi được xem một số văn bản tài liệu liên quan, trong đó, đặc biệt lưu ý Biên bản kiểm tra hiện trường cây xanh bị chặt phá được thực hiện ngày 20/11/2024.
Biên bản thể hiện tổ công tác UBND xã Vĩnh Sơn xác định đã có 20 cây bị khai thác vượt số lượng cây đã đấu giá. Trong đó, có 6 cây chu vi gốc từ 1,2 – 2,4m, 14 cây còn lại chu vi gốc từ 0,4 – 0,60m. 20 cây này không xác định được chiều dài thân do đã bị đưa đi khỏi hiện trường. Vì vậy, người trúng đấu giá đưa ra đề xuất chiều dài thân của 6 cây có chu vi gốc từ 1,2 – 2,4m, giá trị tính như giá củi và gỗ cốt pha. 14 cây còn lại, người này đưa ra lý do “bị gãy đổ khi khai thác nên tận thu”. Và đề xuất này, đã được tổ kiểm tra UBND Vĩnh Sơn thống nhất, đưa vào kết luận lúc 16h15' ngày 20/11/2024!
Quả thực, trước một vụ việc gây bức xúc trong nhân dân thì công tác kiểm tra xác minh như vậy là hời hợt, cẩu thả đến thiếu trách nhiệm, và chính vì vậy, không thể không băn khoăn. Xin nói rõ ra, tổ công tác do UBND xã Vĩnh Sơn thành lập gồm 5 cán bộ. Trong đó, có 2 vị Phó Chủ tịch UBND, 3 công chức Tư pháp, Địa chính, Tài chính – Kế hoạch. Việc kiểm tra xác minh hiện trường ngày 20/11/2024 có sự tham gia của cá nhân được giao khoán bảo vệ vùng cây bãi bồi. Thế nhưng, lực lượng hùng hậu có trách nhiệm kiểm tra hiện trường này xác định khai thác vượt 20 cây. Trong khi đó, chỉ với vài giờ đồng hồ buổi sáng 24/12/2024, tổ công tác UBND huyện Anh Sơn kiểm tra xác định có 41 gốc cây và 1 cây gãy đổ nằm tại hiện trường, tức là đối tượng đã khai thác trái phép 30 cây!
Vậy nên, thật lạ khi 5 cán bộ địa phương cùng người nhận khoán bảo vệ lại có thể bỏ sót đến 10 cây? Và cũng thật lạ khi tổ công tác xã Vĩnh Sơn dễ dàng thống nhất với đề xuất của người có vi phạm, để tại kết luận, đồng ý với cách tính của người này, và còn bỏ ra ngoài 14 cây đã bị khai thác trái phép?
Bởi có những băn khoăn này, chúng tôi cũng đã có ý kiến đến một số lãnh đạo chủ chốt xã Vĩnh Sơn. Câu trả lời nhận được là xã đã nhận thấy những điểm bất hợp lý trong Biên bản kiểm tra hiện trường, và cho rằng, các cán bộ tham gia tổ công tác hạn chế năng lực, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ.
Nhận định này liệu đã sát, đúng hay có vấn đề ẩn khuất? Đề nghị UBND huyện Anh Sơn cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn cần quan tâm làm rõ!